Tín hiệu hàn gắn quan hệ Trung – Mỹ
|
Khai mạc họp thượng đỉnh trực tuyến giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden
và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sáng ngày 16/11 giờ Việt Nam.
(Ảnh: Reuters)
|
Sáng 16/11, Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành gặp gỡ thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến. Nhân sự kiện này, nhiều thông điệp thiện chí đã được phát đi, thể hiện mong muốn hàn gắn mối quan hệ giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới.
Hãng thông tấn Tân Hoa của Trung Quốc đưa tin, trong Hội nghị thượng đỉnh trực tuyến kéo dài 2 giờ đồng hồ với Tổng thống Mỹ J.Biden, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cho biết, Mỹ và Trung Quốc nhất trí tăng cường trao đổi và hợp tác, đồng thời đảm bảo cạnh tranh lành mạnh, cùng chung sống trong hòa bình và tuân thủ mọi nghĩa vụ quốc tế.
Ông Tập Cận Bình cho rằng, với vị trí là hai nền kinh tế lớn nhất thế giới và là các nước thành viên thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, Trung Quốc và Mỹ cần tăng cường liên hệ và hợp tác, giải quyết tốt các vấn đề nội bộ, đồng thời cùng gánh vác và chia sẻ các trách nhiệm quốc tế, cùng nhau nỗ lực vì mục tiêu cao cả là hòa bình và phát triển của thế giới.
Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh, việc duy trì một mối quan hệ Trung – Mỹ lành mạnh và ổn định là yếu tố cần thiết để thúc đẩy sự phát triển tương ứng của hai nước cũng như bảo vệ môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, gồm cả việc tìm ra cách thức ứng phó hiệu quả trước các thách thức toàn cầu như biến đổi khí hậu và đại dịch COVID-19.
Về phía Tổng thống J.Biden khẳng định trách nhiệm của các nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc là bảo đảm sự cạnh tranh giữa hai nước không leo thang thành xung đột, dù là trong dự định hay ngoài ý muốn. Hai bên cần thiết lập một số nhận thức chung, trong đó đề cập rõ ràng và trung thực về những điểm bất đồng, hợp tác trong các vấn đề cùng có lợi, đặc biệt là các vấn đề quan trọng như biến đổi khí hậu. Tổng thống Mỹ J.Biden bày tỏ mong muốn có cuộc gặp trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong thời gian tới. Người đứng đầu Nhà Trắng cho biết, ông trông đợi một cuộc trao đổi thẳng thắn và một chương trình nghị sự thực chất, bao quát phạm vi rộng với phía Trung Quốc.
Sự kiện diễn ra vào sáng 16/11 đánh dấu cuộc gặp gỡ chính thức đầu tiên giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ và Trung Quốc kể từ sau khi ông J.Biden nhậm chức vào tháng 1/2021. Trước đó, ông Tập Cận Bình và ông J.Biden đã từng trao đổi thông tin và tiến hành các cuộc điện đàm, với cuộc điện đàm gần đây nhất diễn ra vào ngày 10/9/2021.
IAEA thúc đẩy giải quyết vấn đề hạt nhân Iran
|
Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi. (Ảnh: Reuters)
|
Người phát ngôn Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) ngày 17/11 cho biết, Tổng Giám đốc IAEA Rafael Grossi sẽ tới thăm Iran vào ngày 22/11 tới để thảo luận về chương trình hạt nhân của Tehran.
Theo người phát ngôn, ông Grossi sẽ gặp Ngoại trưởng Iran Hossein Amir-Abdollahian và Giám đốc Tổ chức Năng lượng nguyên tử Iran Mohamed Eslami. Người đứng đầu IAEA từng quan ngại về việc thiếu liên lạc với Chính phủ Iran. Trước mối lo ngại của Tổng Giám đốc IAEA, Iran mới đây cũng đã gửi lời mời ông Grossi đến Tehran.
Tuyên bố của IAEA được đưa ra trong bối cảnh cuộc đàm phán nhằm khôi phục thỏa thuận hạt nhân giữa Iran và Nhóm P5+1, tên chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), sẽ được nối lại tại Vienna (Áo) vào ngày 29/11 tới đây.
Trong diễn biến liên quan, một báo cáo mới được công bố của IAEA cho biết Iran đã tăng số lượng urani được làm giàu ở mức cao, bất chấp những cam kết đã đưa ra trong thỏa thuận JCPOA. Theo báo cáo mới nhất của IAEA, tính đến ngày 6/11, kho urani của Iran đã tăng lên hơn 2.489 kg, vượt quá mức cho phép theo JCPOA. IAEA cho biết thêm hiện tổng số urani làm giàu ở mức 20% của Iran đã tăng lên 113,8 kg, tăng từ mức 84,3 kg vào tháng 9, và lượng urani làm giàu ở mức 60% là 7,7 kg tăng từ mức 10 kg ghi nhận trước đó.
Trước sự việc trên, Đặc phái viên Mỹ về Iran Robert Malley ngày 19/11 cảnh báo rằng Tehran đang tiệm cận ngưỡng "không thể quay trở lại" để khôi phục thỏa thuận hạt nhân sau khi nước này tăng cường dự trữ urani làm giàu. Ông Malley nhấn mạnh Iran đã tạo ra nguy cơ làm nước này “không thể” đạt được bất cứ lợi ích nào từ việc nối lại JCPOA vốn bị đình trệ kể vào năm 2018 khi Tổng thống Mỹ khi đó là Donald Trump rút Mỹ khỏi thỏa thuận này. Ông nêu rõ: “Đã tới thời điểm nếu Iran tiếp tục những động thái như vậy, nước này sẽ không thể đạt được lợi ích nào ngay cả khi chúng tôi quay trở lại JCPOA”.
Armenia và Azerbaijan nhất trí ngừng giao tranh tại biên giới
|
Khu vực biên giới giữa Armenia và Azerbaijan ngày 18/6/2021. (Ảnh: Getty Images)
|
Ngày 16/11, Armenia và Azerbaijan đã nhất trí ngừng giao tranh tại khu vực biên giới. Đây là kết quả cuộc điện đàm giữa người đứng đầu Bộ Quốc phòng hai nước với Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu.
Thông báo của Bộ Quốc phòng Armenia nhấn mạnh: “Theo thỏa thuận đạt được với vai trò trung gian hòa giải của Nga, từ 18h30 ngày 16/11 (giờ địa phương), giao tranh ở khu vực phía Đông (biên giới giữa Armenia và Azerbaijan) đã chấm dứt. Tình hình tại khu vực này hiện tương đối ổn định."
Bộ Quốc phòng Azerbaijan chưa đưa ra bình luận nào về thông tin trên. Trong khi đó, Bộ Quốc phòng Nga nêu rõ sau các cuộc điện đàm, "Azerbaijan và Armenia đã thực hiện các biện pháp để ổn định tình hình. Hiện các vụ đụng độ ở khu vực núi Kilisali (thuộc vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh) đã chấm dứt, tình hình trở lại bình thường và được kiểm soát”. Bộ này cho biết thêm, Bộ trưởng Shoigu đã kêu gọi những người đồng cấp bên phía Armenia và Azerbaijan ngừng các hành động có thể gây leo thang căng thẳng.
Trước đó, các cuộc đụng độ kéo dài nhiều giờ trong ngày 16/11 ở khu vực biên giới đã gây thương vong cho lực lượng của cả Azerbaijan và Armenia. Hai bên cáo buộc lẫn nhau thực hiện các cuộc tấn công khiêu khích. Bộ Quốc phòng Azerbaijan cho biết 7 binh sĩ nước này đã thiệt mạng và 10 người khác bị thương trong các vụ đụng độ. Về phần mình, Bộ Quốc phòng Armenia thông báo 1 binh sĩ thiệt mạng và 24 người khác mất tích trong khi có 13 binh sĩ nước này bị lực lượng Azerbaijan bắt giữ.
Căng thẳng giữa Amernia và Azerbaijan liên quan đến tranh chấp chủ quyền đối với khu vực Nagorny-Karabakh. Khu vực này nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Đỉnh điểm căng thẳng là cuộc xung đột kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Xung đột tái bùng phát tại khu vực trên vào cuối tháng 9/2020 và kéo dài 44 ngày, khiến ít nhất 6.500 người thiệt mạng. Ngày 9/11/2020, các nhà lãnh đạo Armenia và Azerbaijan đã ký tuyên bố ngừng bắn do Nga làm trung gian. Tuy nhiên, các vụ đụng độ lẻ tẻ vẫn diễn ra trong thời gian gần đây.
Dự án Nord Stream 2 gặp khó, giá khí đốt châu Âu tăng vọt
|
Đức tạm ngừng phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 vì tập đoàn điều hành dự án
này chưa tuân thủ luật pháp Đức. (Ảnh: Reuters) |
Giá khí đốt tại châu Âu đã tăng mạnh sau khi Cơ quan Quản lý Năng lượng Đức (Bundesnetzagentur) ngày 16/11 thông báo tạm thời đình chỉ tiến trình phê duyệt dự án Dòng chảy Phương Bắc 2 (Nord Stream 2) đưa khí đốt trực tiếp từ Nga tới Đức vì tập đoàn điều hành dự án này chưa tuân thủ luật pháp Đức.
Theo Bundesnetzagentur, hiện tại tập đoàn điều hành dự án Nord Stream 2 dự định chỉ thành lập một công ty con tại Đức để quản lý hệ thống đường ống, đoạn đi qua lãnh thổ Đức, song điều đó là không đủ. Thủ tục pháp lý của Đức yêu cầu các tài sản và nguồn nhân lực chính phải được chuyển từ công ty mẹ sang chi nhánh tại Đức. Công ty con này sẽ sở hữu và vận hành phần đường ống ở Đức.
Quyết định trên của Đức lập tức tác động tới giá khí đốt ở châu Âu. Theo hãng tin Bloomberg ngày 17/11, hợp đồng tương lai khí tự nhiên châu Âu đã tăng sát mức cao nhất trong 4 tuần qua. Cụ thể, giá khí đốt châu Âu chuẩn (benchmark) đã tăng tới 19% do những lo ngại về sự không chắc chắn của nguồn nhiên liệu trong mùa đông này.
Trong khi đó, giá khí đốt giao kỳ hạn tháng 12/2021 ở Hà Lan tăng 18%. Bloomberg cho biết, giá khí đốt đã tăng vọt trong năm nay ở châu Âu, khu vực mà loại nhiên liệu này đóng một vai trò quan trọng trong phát điện và sưởi ấm cho các ngôi nhà. Trong vòng một năm, giá khí đốt ở châu Âu đã tăng gấp 5,5 lần.
Đường ống trong dự án Nord Stream 2 dài 1.230km, cung cấp khí đốt trực tiếp từ Nga đến Đức và các nước châu Âu khác mà không trung chuyển qua Ukraine hay Ba Lan như trước. Mặc dù vấp phải nhiều phản đối nhưng Chính phủ Đức vẫn quyết tâm hoàn thành dự án, vì đường ống này được đánh giá có tầm quan trọng rất lớn đối với vấn đề an ninh năng lượng của nền kinh tế đầu tàu châu Âu này.
Pfizer xin cấp phép lưu hành thuốc Paxlovid điều trị COVID-19 tại Mỹ
|
Quy trình bào chế thuốc Paxlovid. (Ảnh: AP) |
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 21/11/2021 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 257.405.337 ca nhiễm COVID-19, trong đó 5.163.024 ca tử vong. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch trên toàn thế giới.
Trong bối cảnh tình hình dịch bệnh COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp, hãng dược Pfizer Inc của Mỹ ngày 16/11 cho biết hãng đang xin cấp phép lưu hành tại Mỹ một loại thuốc viên kháng virus đang trong quá trình thử nghiệm để điều trị COVID-19.
Trong một cuộc thử nghiệm lâm sàng, loại thuốc có tên là Paxlovid này cho thấy có khả năng giảm 89% nguy cơ phải nhập viện hoặc bệnh diễn biến nặng ở bệnh nhân COVID-19 là người trưởng thành. Theo Pfizer, công ty đã hoàn tất thủ tục nộp hồ sơ xin Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cấp phép sử dụng khẩn cấp loại thuốc trên.
Thuốc viên dạng uống Paxlovid có thể là một vũ khí mới đầy hứa hẹn trong cuộc chiến chống đại dịch, vì có thể sử dụng như một phương pháp điều trị sớm tại nhà để ngăn ngừa nguy cơ bệnh nhân phải nhập viện và tử vong. Paxlovid cũng có thể trở thành một công cụ quan trọng ở những quốc gia và khu vực mà việc tiếp cận vaccine còn hạn chế hoặc tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Ngoài Mỹ, Pfizer cũng đã hoàn tất quy trình xin cấp phép sử dụng thuốc Paxlovid tại một số nước, trong đó có Anh, Australia, New Zealand và Hàn Quốc. Công ty này dự định tiếp tục xin cấp phép tại nhiều nước khác. Pfizer kỳ vọng đến cuối tháng tới công ty có thể sản xuất 180.000 liệu trình thuốc, và đến cuối năm 2022 sản xuất ít nhất 50 triệu liệu trình.
Ngày 19/11, Cơ quan Quản lý Dược phẩm Châu Âu (EMA) cũng cho biết đang xem xét dữ liệu sẵn có về việc sử dụng thuốc Paxlovid. Cơ quan này đang bắt đầu đánh giá để hỗ trợ các cơ quan chức năng quốc gia có thể quyết định về việc sử dụng sớm thuốc này trong trường hợp khẩn cấp khi thuốc chưa được cấp phép lưu hành trên thị trường. Việc phê duyệt chính thức dự kiến sẽ bắt đầu vào tuần tới, nhưng EMA mong muốn rút ngắn thời gian để các quốc gia có thể đưa ra quyết định càng sớm càng tốt./.