Nghiên cứu vaccine phòng COVID-19 đạt tiến triển
|
Nghiên cứu điều chế vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 tại phòng thí nghiệm của Trung tâm phòng chống dịch bệnh Mỹ. Ảnh: Medical News Today/TTXVN |
Tuần qua, Viện Khoa học quân sự (AMS) của Trung Quốc thông báo được cấp phép thử nghiệm trên người loại vaccine thứ 2 có tên là ARCoV, sử dụng công nghệ mRNA do viện này phát triển để phòng bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Cùng với đó, trường Đại học Oxford (Anh) đã bắt đầu các thử nghiệm lâm sàng ở người loại vaccine phòng COVID-19 tại Brazil. Đây là loại vaccine do chính Đại học Oxford phát triển và được đánh giá là một trong những loại vaccine tiềm năng nhất hiện nay.
Bên cạnh những nỗ lực đẩy nhanh việc phát triển vaccine phòng COVID-19, Liên minh Đổi mới Phòng chống Dịch bệnh (CEPI) mới đây đã chọn ra các cơ sở có thể sản xuất khoảng 4 tỷ liều vaccine phòng COVID-19/năm. Liên minh này hiện cũng đang bảo trợ phát triển 9 loại vaccine tiềm năng ngừa COVID-19. Mục tiêu tối thiểu mà CEPI đề ra là sản xuất khoảng 2 tỷ liều vaccine vào cuối năm 2021. Liên minh này cũng đã nhắm sẵn 10 địa điểm phân phối vaccine tại các khu vực để thuận lợi cho việc vận chuyển trên toàn cầu. Dù chưa có loại vaccine nào được cấp phép nhưng CEPI đã lên kế hoạch sẵn sàng các chuỗi sản xuất và cung ứng để đảm bảo vaccine được phân phối đồng đều khắp thế giới.
Hiện chưa có vaccine nào được cấp phép bán ra thị trường nhưng trên thế giới có hơn 10 loại vaccine đã bước vào các giai đoạn thử nghiệm khác nhau ở người. Đây là một tín hiệu khích lệ trong cuộc chiến chống lại đại dịch COVID – 19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới. Tính đến sáng 28/6, thế giới đã có 10.081.545 ca nhiễm và 501.298 ca tử vong vì COVID-19.
Mỹ khẳng định sẵn sàng gia hạn hiệp ước START mới
|
Đặc phái viên của Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, Đại sứ Marshall Billingslea.
(Nguồn: Getty Images). |
Ngày 24/6, Đặc phái viên Tổng thống Mỹ về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingslea, cho biết nước này sẵn sàng gia hạn Hiệp ước cắt giảm vũ khí tiến công chiến lược mới (New START) trong một số trường hợp đặc biệt. Cụ thể, Mỹ muốn đảm bảo một chế độ kiểm chứng hiệu quả được thực hiện để khôi phục lòng tin rằng các bên tham gia sẽ tuân thủ các cam kết theo thỏa thuận trong tương lai.
Đặc phái viên Mỹ cũng cho hay các cuộc đàm phán với người đồng cấp Nga trong tuần này tại Vienna (Áo) đã tăng cường hiểu biết về các vấn đề kiểm soát vũ khí giữa 2 nước và các lĩnh vực cần hợp tác. Vòng đàm phán Mỹ-Nga về ổn định chiến lược tiếp theo có thể diễn ra vào cuối tháng 7 hoặc đầu tháng 8 tới tại Vienna, và Trung Quốc sẽ được mời tham dự. Các nhóm công tác kỹ thuật của Mỹ và Nga về kiểm soát vũ khí sẽ họp trong những ngày tới tại Vienna.
Trước đó, ngày 22/6, ông Billingslea và Trưởng phái đoàn Nga - Thứ trưởng Ngoại giao Sergei Ryabkov đã đàm phán về gia hạn New START, hiệp ước song phương cuối cùng giới hạn kho vũ khí hạt nhân của 2 nước, sẽ hết hiệu lực vào tháng 2/2021.
Thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vẫn “hoàn toàn nguyên vẹn”
|
Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: AFP. |
Ngày 22/6, Tổng thống Mỹ D.Trump khẳng định thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 giữa nước này và Trung Quốc vẫn còn “hoàn toàn nguyên vẹn”, bác bỏ thông tin gây nhầm lẫn trước đó từ Cố vấn Nhà Trắng Peter Navarro vốn gây ra những biến động tạm thời trên thị trường tài chính.
Trong dòng trạng thái đăng trên trang Twitter, ngày 22/6, Tổng thống D.Trump xác nhận thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung vẫn đang được thực thi, đồng thời bày tỏ hy vọng Bắc Kinh sẽ tiếp tục tuân thủ các điều khoản của thỏa thuận. Đây cũng được đánh giá là một sự “xê dịch lập trường” từ phía người đứng đầu Nhà Trắng, bởi mới vào tuần trước, ông D.Trump đã cảnh báo về phương án tách khỏi mối quan hệ kinh tế khăng khít với Bắc Kinh, ngay cả khi hai nước đã cam kết hướng tới một thỏa thuận thương mại song phương để cởi bỏ những bất đồng thương mại tồn tại dai dẳng trong suốt 1 năm qua.
Ngay lập tức, thị trường tài chính thế giới đã đảo chiều và có dấu hiệu hồi phục sau khi ông D.Trump phát tín hiệu về việc duy trì thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới. Thông tin tích cực hiếm hoi trong quan hệ Mỹ-Trung do người đứng đầu Nhà Trắng phát đi đã phần nào giải tỏa được lo lắng của giới đầu tư trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang bị điêu đứng bởi đại dịch COVID-19.
Triều Tiên ngưng các kế hoạch hành động quân sự chống Hàn Quốc
|
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (Ảnh: Reuters) |
Trong buổi chủ trì cuộc họp trực tuyến của Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên, ngày 23/6, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã quyết định ngưng các kế hoạch hành động quân sự chống Hàn Quốc.
Đây được đánh giá là một diễn biến bất ngờ bởi từ nhiều ngày trở lại đây, mối quan hệ giữa hai miền Triều Tiên đang trở nên căng thẳng cùng với việc Triều Tiên đã liên tiếp cảnh báo sẽ hành động để tỏ rõ “thái độ giận dữ” trước việc một nhóm người thả truyền đơn chống Triều Tiên qua biên giới Hàn Quốc.
Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA đưa tin, tại cuộc họp sơ bộ ngày 23/6, Quân ủy Trung ương đảng Lao động Triều Tiên đã đánh giá tình hình hiện tại và đình chỉ các kế hoạch hành động quân sự chống Hàn Quốc, tiến tới cuộc họp lần thứ 5 của Ủy ban Quân ủy Trung ương khóa VII. Theo KCNA, cuộc họp đã thảo luận các biện pháp tiếp tục tăng cường sức mạnh răn đe chiến tranh của Triều Tiên, song không tiết lộ chi tiết.
Ngay sau chỉ thị của nhà lãnh đạo Triều Tiên, ngày 24/6, các nguồn tin quân sự Hàn Quốc xác nhận việc Triều Tiên đang tháo dỡ khoảng 10 loa phóng thanh tuyên truyền mà Bình Nhưỡng tái lắp đặt gần đây dọc khu vực biên giới với Hàn Quốc. Một quan chức Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết, nước này đang tiếp tục giám sát chặt chẽ các động thái quân sự của Triều Tiên, đồng thời duy trì trạng thái sẵn sàng cao độ.
Trung Quốc, Ấn Độ đạt đồng thuận về giải quyết tranh chấp biên giới
|
Các binh sĩ của lực lượng an ninh biên giới Ấn Độ bảo vệ một đường cao tốc dẫn tới Leh, giáp Trung Quốc, tại Gagangir. (Ảnh: AFP) |
Tại cuộc họp lần thứ 15 của Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về các vấn đề biên giới Ấn Độ - Trung Quốc (WMCC) ngày 24/6, đại diện hai bên đã thảo luận chi tiết và nhất trí các biện pháp hạ nhiệt tình hình ở khu vực biên giới chung, đặc biệt là ở khu vực Đông Ladakh.
Cuộc họp ngày 24/6 diễn ra theo hình thức trực tuyến và kéo dài hơn 4 tiếng đồng hồ. Cuộc họp gồm sự tham gia của phái đoàn hai nước do Vụ trưởng Vụ Đông Á thuộc Bộ ngoại giao Ấn Độ Naveen Srivastava và Vụ trưởng Vụ Biên giới và Đại dương thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hong Liang dẫn đầu.
Tại cuộc họp, các đại biểu Trung Quốc và Ấn Độ nhất trí rằng, việc đi đến đồng thuận chung không những giúp bảo đảm hòa bình tại khu vực biên giới mà còn góp phần thúc đẩy mối quan hệ giữa hai láng giềng. Hai bên cũng lưu ý đến cuộc đàm phán thứ hai của chỉ huy cấp cao hôm 22/6 và nhất trí sẽ duy trì liên lạc cả ở cấp ngoại giao và quân sự, kể cả trong khuôn khổ WMCC, để giải quyết tình hình hiện tại một cách hòa bình.
Nhắc lại nội dung cuộc trao đổi diễn ra vào tuần trước giữa Ngoại trưởng Ấn Độ S Jaishankar và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị, hai bên tái khẳng định sự đồng thuận chung về thực hiện các biện pháp hạ nhiệt căng thẳng đã được các chỉ huy cấp cao đạt được vào ngày 6/6 vừa qua về việc lui quân và hạ nhiệt căng thẳng. Đây được xem là tiền đề quan trọng để hai bên nhất trí duy trì liên hệ ở cấp độ ngoại giao và quân sự, nhằm giải quyết một cách hòa bình vấn đề đang gây căng thẳng hiện nay trong quan hệ Trung-Ấn.
Khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36
|
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch ASEAN 2020 phát biểu khai mạc Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 (Ảnh: Trần Hải) |
Sáng 26/6, Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 36 chính thức khai mạc tại Trung tâm Hội nghị Quốc tế, Hà Nội. Đây là Hội nghị Cấp cao thường kỳ của ASEAN được tổ chức trực tuyến lần đầu tiên trong lịch sử 53 năm qua của ASEAN. Phát biểu khai mạc, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ chủ đề “Gắn kết và Chủ động thích ứng” của ASEAN 2020 được triển khai trong bối cảnh môi trường khu vực và quốc tế đầy biến động. ASEAN đứng trước những cơ hội và thách thức do dịch chuyển địa chiến lược toàn cầu cũng như tác động của dịch COVID-19. Các thể chế đa phương và quy định của luật pháp quốc tế đang đối mặt với nhiều thách thức nghiêm trọng.
Tại phiên toàn thể, Lãnh đạo các nước đã rà soát tiến độ xây dựng Cộng đồng kể từ Hội nghị Cấp cao ASEAN-35, chỉ đạo hướng triển khai các trọng tâm hợp tác trong năm, quan hệ đối ngoại của ASEAN và trao đổi về các vấn đề khu vực và quốc tế cùng quan tâm. ASEAN đã gửi thông điệp mạnh mẽ về một tổ chức khu vực gắn kết, chủ động và đóng vai trò hạt nhân trong các tiến trình khu vực. Các nước cũng nhất trí cần nâng cao khả năng tự cường của ASEAN, vừa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, vừa khôi phục các hoạt động kinh tế, thương mại quốc tế và khu vực từ đó ổn định cuộc sống của người dân và doanh nghiệp…
Trao đổi về tình hình quốc tế và khu vực, các nước đề cao lập trường nguyên tắc của ASEAN trong đảm bảo hòa bình, an ninh, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, nhấn mạnh cần đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật, đẩy mạnh hợp tác xây dựng lòng tin sử dụng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế, thực hiện đầy đủ DOC và hướng tới Bộ Qui tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc hiệu lực, hiệu quả, phù hợp với luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982. Nhiều nước cho rằng dịch bệnh đã tác động quá trình đàm phán COC, tuy nhiên ASEAN cần sớm nối lại tiến trình này, từ đó khẳng định vai trò trung tâm và đóng góp cho hòa bình, ổn định tại khu vực./.