Thế giới tuần qua: Những tia hy vọng 

(ĐCSVN) – Tuần qua (2-8/1), thế giới trải qua nhiều sự kiện đáng chú ý, từ tang lễ lịch sử của cố Giáo hoàng danh dự Benedict XVI, biến động giá khí đốt ở châu Âu cũng những căng thẳng trong quan hệ liên Triều và tình hình Đông Jerusalem . Tuy nhiên, việc Mỹ nối lại cấp thị thực cho Cuba, Nga ngừng bắn tạm thời ở Ukraine và Mỹ có Chủ tịch Hạ viện sau 15 vòng bỏ phiếu đầy kịch tính...đã phát đi những tia "hy vọng" trong toàn cảnh bức tranh thế giới vào tuần đầu tiên của năm 2023.
Thế giới tuần qua: Những tia hy vọng

Tang lễ lịch sử của cố Giáo hoàng danh dự Benedict XVI

Giáo hoàng Francis chủ sự tang lễ của người tiền nhiệm. (Ảnh: AFP) 

Chiều 5/1 (giờ Việt Nam), hàng chục ngàn người có mặt tại Quảng trường thánh Peter thuộc thành quốc Vatican, chứng kiến tang lễ của cố Giáo hoàng danh dự Benedict XVI. Đây là sự kiện chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hiện đại.

Lần đầu tiên trong lịch sử hiện đại, quy trình lễ tang được dẫn dắt bởi Giáo hoàng Francis, nhà lãnh đạo đương nhiệm của Giáo hội Công giáo La Mã.

Trong 3 ngày trước đó, di hài cựu Giáo hoàng Benedict XVI được để tại Vương cung thánh đường thánh Peter để những tín đồ và người dân đến tỏ lòng kính trọng với ông.

Theo AP, cố Giáo hoàng Benedict XVI Joseph Aloisius Ratzinger qua đời hôm 31/12/2022 tại Tu viện Mater Ecclesiae ở Vatican. Sinh ngày 16/4/1927, ông là giáo hoàng thứ 265 của Tòa thánh Vatican và tại vị từ năm 2005 đến năm 2013. Ông cũng là giáo hoàng người Đức đầu tiên sau 1.000 năm. Trước khi trở thành giáo hoàng, ông là người đứng đầu Bộ Giáo lý Đức tin của Tòa thánh Vatican trong gần 25 năm.

Vào năm 2013, Giáo hoàng Benedict XVI đã đưa ra quyết định từ chức, khiến Giáo hội Công giáo bất ngờ vì đây là lần đầu một giáo hoàng từ chức sau gần 600 năm. Khi từ chức, cựu giáo hoàng viện dẫn lý do sức khỏe là nguyên nhân chính dẫn tới quyết định này,

Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ đình chỉ thỏa thuận quân sự liên Triều

Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. (Ảnh: Yonhap) 

Giới chức Hàn Quốc ngày 4/1 cho biết Tổng thống nước này Yoon Suk-yeol đã chỉ thị cho các cố vấn cân nhắc tới việc ngừng thỏa thuận giảm thiểu căng thẳng quân sự liên Triều ký năm 2018.

Phát biểu với báo giới, Thư ký báo chí cấp cao của Tổng thống Hàn Quốc Kim Eun-hye nêu rõ: "Tổng thống Yoon Suk Yeol đã chỉ đạo Văn phòng An ninh Quốc gia xem xét đình chỉ thỏa thuận quân sự đạt được vào ngày 19/9/2018."

Động thái trên diễn ra sau khi quân đội Hàn Quốc phát hiện 5 thiết bị bay không người lái (UAV) của Triều Tiên vượt qua biên giới liên Triều trong ngày 26/12. Hàn Quốc đã phát đi thông điệp cảnh báo, bắn cảnh cáo, điều các máy bay chiến đấu để ngăn các UAV này.

Vào ngày 19/9/2018, Hàn Quốc và Triều Tiên đã ký kết "Biên bản nhất trí thực thi Tuyên bố Panmunjom ở lĩnh vực quân sự," còn được gọi tắt là "thỏa thuận quân sự liên Triều ngày 19/9," nhân Hội nghị thượng đỉnh liên Triều tại Bình Nhưỡng. Cho đến nay, thỏa thuận vẫn được coi là một công cụ hữu hiệu giúp mối quan hệ "nhiều sóng gió" giữa hai miền Triều Tiên không “vượt quỹ đạo” và bị đẩy vào tình huống bùng phát xung đột quân sự. Giới quan sát cho rằng, việc Hàn Quốc cảnh báo nguy cơ đình chỉ thỏa thuận quân sự liên Triều ngày 19/9 là một tín hiệu cho thấy tình hình bán đảo Triều Tiên sẽ còn tiếp tục diễn biến phức tạp sau khi trải qua một năm 2022 đầy biến động.

Bầu Chủ tịch Hạ viện Mỹ: Ông Kevin McCarthy đắc cử sau 15 vòng bỏ phiếu kịch tính

Tân Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Sau vòng bỏ phiếu lịch sử và kịch tính thứ 15, rạng sáng 7/1 theo giờ địa phương, lãnh đạo đảng Cộng hòa tại Hạ viện Mỹ, ông Kevin McCarthy đã được bầu làm Chủ tịch Hạ viện, qua đó kết thúc 4 ngày đấu đá nội bộ gay gắt giữa các thành viên đảng Cộng hòa và đặt ra câu hỏi liệu ông có thể đoàn kết nội bộ đảng của mình hay không, vốn đang trong tình trạng chia rẽ nghiêm trọng và chỉ nắm thế đa số mong manh. Đây là lần đầu tiên trong một thế kỷ qua Hạ viện Mỹ không thể bầu ra Chủ tịch ngay trong vòng bỏ phiếu đầu tiên và là lần đầu tiên kể từ năm 1859 viện Quốc hội này của Mỹ cần tiến hành hơn 10 vòng bỏ phiếu để có được kết quả cuối cùng.

Trước đó, ông McCarthy đã thất bại trong các lần bỏ phiếu do những nghị sĩ theo đường lối cứng rắn của đảng Cộng hòa, đại diện chưa đầy 1/10 số Hạ nghị sĩ của đảng này, đã phản kháng chống lại ông, qua đó đẩy phe đa số mới tại Hạ viện Mỹ vào tình trạng hỗn loạn. Tuy nhiên, trong các vòng bỏ phiếu gần đây, ông McCarthy đã giành thêm được nhiều phiếu ủng hộ từ các nghị sĩ này sau khi đưa ra nhiều nhượng bộ. Thậm chí, ông McCarthy còn nhất trí khôi phục quy định từ lâu của Hạ viện Mỹ cho phép bất kỳ nghị sĩ nào trong viện Quốc hội này được kêu gọi bỏ phiếu về việc phế truất ông. 

Ngay sau khi được bầu làm Chủ tịch Hạ viện Mỹ sau 15 vòng bỏ phiếu, trưa 7/1 (giờ Việt Nam), ông Kevin McCarthy tuyên bố sẽ nỗ lực chấm dứt hoạt động chi tiêu công lãng phí và ngăn tình trạng nợ quốc gia phình to.

Phát biểu tại phiên họp Hạ viện, tân Chủ tịch Hạ viện McCarthy cam kết ngừng chi tiêu công lãng phí, giảm giá hàng tạp hóa, xăng, ô tô, nhà ở và ngăn tình trạng nợ quốc gia ngày càng gia tăng. Chính khách đảng Cộng hòa này khẳng định Hạ viện sẽ giải quyết các thách thức dài hạn của nước Mỹ, trong đó có vấn đề nợ công, và Quốc hội Mỹ cần có "có tiếng nói thống nhất". Theo ông McCarthy, Hạ viện cũng đang lên kế hoạch thành lập một ủy ban chọn lọc lưỡng đảng về Trung Quốc "nhằm tìm ra cách đưa hàng trăm nghìn việc làm quay trở lại nước Mỹ".

Lệnh ngừng bắn của Nga tại Ukraine chính thức có hiệu lực

 Người dân tại Kherson, Ukraine, ngày 1/1/2023. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo hãng tin TASS, lệnh ngừng bắn đơn phương tại Ukraine do Tổng thống Nga Vladimir Putin đưa ra đã chính thức có hiệu lực trên toàn mặt trận ở Ukraine kể từ trưa 6/1 theo giờ Moskva (tức 16h cùng ngày theo giờ Việt Nam).

Kênh truyền hình 1 của Nga cũng đưa tin vào trưa cùng ngày, "lệnh ngừng bắn đã được thực hiện và sẽ tiếp tục có hiệu lực cho đến hết ngày 7/1".                                 
Trước đó, ngày 5/1, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ra lệnh ngừng bắn tạm thời tại Ukraine từ 12 giờ ngày 6/1 tới 24 giờ ngày 7/1, theo giờ địa phương, nhân dịp lễ Giáng sinh của người theo Chính thống giáo ở Nga và Ukraine. Tuy nhiên, chính quyền Ukraine đã khước từ thực hiện các bước đi tương tự. Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh LB Nga Dmitry Medvedev cho rằng việc chính quyền Ukraine từ chối tham gia ngừng bắn sẽ không gây "nhiều phiền toái cho các lực lượng vũ trang của Nga".

Ngày 6/1, Phó Tổng Thư ký phụ trách các vấn đề nhân đạo kiêm Điều phối viên cứu trợ khẩn cấp của Liên hợp quốc (LHQ) Martin Griffiths bày tỏ hoan nghênh lệnh ngừng bắn tạm thời do Nga đơn phương công bố ở Ukraine, đánh dấu lễ Giáng sinh của Chính thống giáo như một cơ hội để gửi viện trợ nhân đạo tới người dân ở các khu vực xung đột.

Trên mạng xã hội Twitter, ông Griffiths viết: “Việc Liên bang Nga thông báo về lệnh ngừng bắn kéo dài 36 giờ, bắt đầu từ trưa hôm nay (6/1) ở Ukraine, là một tin đáng hoan nghênh. Lệnh ngừng bắn sẽ tạo cơ hội để gửi một đoàn xe cung cấp sự hỗ trợ rất cần thiết cho những người mà chúng tôi không thể tiếp cận do giao tranh dữ dội”.

Mỹ nối lại cấp thị thực với Cuba sau 5 năm đóng cửa

Đại sứ quán Mỹ tại Cuba đã nối lại đầy đủ các dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh cho người dân Cuba. (Nguồn: AFP) 

Từ ngày 4/1, Đại sứ quán Mỹ tại Cuba đã nối lại đầy đủ các dịch vụ cấp thị thực nhập cảnh cho người dân Cuba, 5 năm sau khi cơ quan này đóng cửa liên quan đến tranh cãi về vấn đề sức khỏe của các nhân viên ngoại giao Mỹ tại quốc gia vùng Caribe này.

Đánh giá về quyết định này, Bộ trưởng Ngoại giao Cuba Bruno Rodríguez nhận định việc nối lại quá trình xử lý thị thực cho người nhập cư tại Đại sứ quán Mỹ ở La Habana là một "bước đi cần thiết và đúng đắn."

Trong khi đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price tuyên bố việc nối lại các dịch vụ lãnh sự là dấu hiệu cho thấy nước này tin tưởng vào khả năng giảm thiểu rủi ro mà các nhân viên của đại sứ quán phải đối mặt.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng có kế hoạch tăng cường nhân viên tại Đại sứ quán của nước này ở Cuba để mở rộng các dịch vụ lãnh sự, nhằm đảm bảo di cư an toàn, hợp pháp và có trật tự. Các cuộc phỏng vấn dành cho những người quan tâm đến việc xin thị thực nhập cư vào Mỹ trên thực tế đã được nối lại từ ngày 29/12.

Việc mở lại các dịch vụ lãnh sự tại La Habana là kết quả của chuyến thăm Cuba hồi tháng 11 năm ngoái của Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ phụ trách các vấn đề lãnh sự Rena Bitter và Giám đốc Sở Di trú và Nhập tịch Ur Mendoza Jaddou, trong đó quan chức hai bên nhất trí nối lại toàn bộ quá trình xử lý thị thực nhập cư vào đầu năm 2023 để đảm bảo di cư an toàn, thường xuyên và nhân đạo.

Nguy cơ bùng nổ xung đột sau khi bộ trưởng Israel tới thăm khu Núi Đền

 Các tín đồ Hồi giáo Palestine tại đền Al-Aqsa (mà Israel gọi là Núi Đền) ở Jerusalem, ngày 22/4/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Truyền thông Israel đưa tin ngày 3/1, Bộ trưởng An ninh Israel Itamar Ben-Gvir đã tới thăm khu phức hợp tọa lạc đền thờ Hồi giáo Al-Aqsa mà Israel gọi là Núi Đền ở Đông Jeruslem - thánh địa thiêng liêng đối với cả người Do Thái và người Hồi giáo - động thái này được cho là có nguy cơ cao làm leo thang căng thẳng giữa Israel và Palestine. 

Đây là chuyến thăm đầu tiên của một bộ trưởng Israel đến khu vực này trong 5 năm qua. Tuy nhiên, không có dấu hiệu ông Ben-Gvir tiến sâu vào khu vực đền thờ.

Khu đền Al-Aqsa/Núi Đền nằm ở Đông Jerusalem, vùng lãnh thổ Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967 và sáp nhập sau đó. Khu vực này là tâm điểm của nhiều làn sóng bạo lực giữa người Do thái tại Israel và người Hồi giáo. 

Theo quy ước lâu nay, người Do Thái được phép thăm khu đền nhưng không được cầu nguyện tại đó. Do đó, việc ông Ben Gvir đến khu vực này được cho là có thể châm ngòi cho các cuộc xung đột mới và vấp phải phản đối của nhiều nước trên thế giới.

Phát biểu tại một cuộc họp báo thường kỳ, Phó phát ngôn viên Haq cho biết Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì hiện trạng tại các thánh địa. Tổng Thư ký kêu gọi tất cả kiềm chế hành động có thể làm leo thang căng thẳng trong và xung quanh khu vực thánh địa.

Giá dầu, khí đốt châu Âu giảm mạnh

Giá khí đốt của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 do thời tiết mùa Đông ôn hòa.
(Ảnh: AFP)  

Ngày 4/1, giá dầu toàn cầu đã giảm do lo ngại về nhu cầu thấp của Trung Quốc và giá khí đốt của châu Âu giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 do thời tiết mùa đông ôn hòa.

Giá dầu thô kéo dài mức giảm so với một ngày trước đó, giảm gần 5% do lo ngại về nhu cầu thấp tại nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới là Trung Quốc, trong bối cảnh số ca nhiễm COVID ở nước này gia tăng mạnh.

Vào khoảng 16h00 GMT (21h00 giờ Việt Nam), dầu WTI giao trong tháng 2 đã giảm 4,9% xuống 73,15 USD/thùng. Trong khi dầu Brent giao tháng 3, giảm 4,9% xuống 78,11 USD/thùng.

Trong khi đó, giá khí đốt tự nhiên bán buôn ở châu Âu đã giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2021 do thời tiết mùa đông ôn hòa làm giảm nhu cầu, xóa sạch mọi mức tăng đạt được vào năm ngoái.

Trước đó, ngày 2/1, Tập đoàn Năng lượng Quốc gia Gazprom của Nga cũng cho biết lượng khí đốt tập đoàn này xuất khẩu sang Liên minh châu Âu (EU) và Thụy Sĩ đã giảm 55% trong năm 2022.

Tuy nhiên, bất chấp sự sụt giảm hiện tại, giá khí đốt vẫn được cho là cao hơn nhiều lần so với mức trung bình dài hạn./.

 
 
PV
245 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1074
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1074
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87162417