Thế giới tuần qua: Những thay đổi trên chính trường Mỹ 

(ĐCSVN) – Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ, Nga kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, Đối thoại An ninh và ngoại giao Mỹ - Trung lần thứ 2, Indonesia tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm cứu nạn vụ rơi máy bay,… là những sự kiện đáng chú ý của thế giới trong tuần qua.
Thế giới tuần qua: Những thay đổi trên chính trường Mỹ

Bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ

Diễn ra 4 năm một lần vào tháng 11 và vào khoảng thời gian giữa nhiệm kỳ 4 năm của tổng thống đương nhiệm, bầu cử giữa nhiệm kỳ ở Mỹ được tổ chức vào ngày 6/11 vừa qua đã có kết quả. Theo đó, Đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện, trong khi đảng Dân chủ giành quyền kiểm soát Hạ viện từ tay đảng Cộng hòa.

Cử tri Mỹ đi bỏ phiếu bầu cử giữa nhiệm kỳ ngày 6/11 (Ảnh: Reuters)

Sau khi có kết quả,Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gọi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ là “một thành công to lớn” cho dù đảng Cộng hòa của ông mất quyền kiểm soát ở Hạ viện. Ông Trump đã gọi điện chúc mừng bà Nancy Pelosi – lãnh đạo của phe Dân chủ tại Hạ viện. Với kết quả này, bà Nancy Pelosi sẽ trở lại giữ chức Chủ tịch Hạ viện trong Quốc hội Mỹ. Trước đó, bà đã làm nên lịch sử khi trở thành người phụ nữ đầu tiên làm Chủ tịch Hạ viện trong nhiệm kỳ 2007-2011.

Đây là lần đầu tiên sau 8 năm, đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát ở Hạ viện. Với kết quả này, chặng đường hai năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Donald Trump được dự báo sẽ khó khăn hơn rất nhiều so với nửa đầu nhiệm kỳ. Điều này cũng báo hiệu sự giằng co trong tiến trình thông qua các chính sách quan trọng khi những quan điểm và ưu tiên của hai đảng luôn trong tình trạng đối đầu.

Chỉ một ngày sau khi diễn ra bầu cử giữa nhiệm kỳ, ngày 7/11, Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Jeff Sessions đã từ chức theo yêu cầu của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ngay sau động thái này, nhiều nghị sĩ Dân chủ đã lên tiếng chỉ trích quyết định của Tổng thống Mỹ, lo ngại tiến trình làm rõ nghi vấn Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Mỹ năm 2016 có thể bị trì hoãn. Đồng thời, các thượng nghị sĩ Dân chủ cũng đang cân nhắc việc kiện Tổng thống Donald Trump liên quan đến việc tự ý bổ nhiệm một quyền Bộ trưởng Tư pháp mới mà không thông qua Thượng viện, động thái mà giới chuyên gia luật cũng cho là một quyết định vi hiến.

Nga kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại

Ngày 7/11, cuộc diễu binh tái hiện sự kiện duyệt binh lịch sử 77 năm về trước đã diễn ra trên Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva. Sau cuộc duyệt binh oai hùng kỷ niệm 24 năm Cách mạng xã hội chủ nghĩa Tháng Mười Nga vĩ đại ngày 7/11/1941 với sự tham gia của khoảng 28.000 người, các chiến sĩ Hồng quân đã từ Quảng trường Đỏ tiến thẳng ra mặt trận để bảo vệ thủ đô Moskva trong cuộc Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại.

Tham gia cuộc diễu binh năm nay có khoảng 5.000 người được tuyển chọn từ một số đại đội thuộc Bộ Quốc phòng, nhóm cận vệ của Trung đoàn tổng thống, học viên các trường quân sự, dàn quân nhạc và thành viên các câu lạc bộ lịch sử quân sự trong quân phục của Hồng quân Liên Xô và mang các loại vũ khí từng được sử dụng trong Chiến tranh thế giới thứ Hai, tái hiện tối đa cuộc duyệt binh năm 1941.

Lễ diễu binh tái hiện sự kiện duyệt binh lịch sử 77 năm về trước
diễn ra tại Quảng trường Đỏ ở thủ đô Moskva ngày 7/11 (Ảnh: VOV.VN)

Chiều cùng ngày, tại quảng trường Cách mạng ở thủ đô Moskva, đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF) cũng tổ chức cuộc tuần hành và mít tinh nhân kỷ niệm 101 năm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại, với sự tham gia của các lãnh đạo đảng, các đại biểu Đuma Quốc gia Nga (Hạ viện), các tổ chức đoàn thanh niên, hội phụ nữ và các phong trào xã hội cánh tả khác. Những người tuần hành mang theo các biểu ngữ “Vinh quang thuộc về Tháng Mười vĩ đại”, “Chủ nghĩa xã hội là tương lai của nhân loại”, “Chính quyền thuộc về nhân dân”…

Nhiều thành phố khác trên khắp nước Nga cũng tổ chức kỷ niệm ngày 7/11, được chính thức gọi là “Ngày Vinh quang người lính”. Tại thành phố Penza, hàng trăm đảng viên cộng sản, đoàn viên thanh niên và người dân đã tham gia cuộc tuần hành dưới lá cờ đỏ, đặt hoa bên tượng đài lãnh tụ V.I.Lenin trên quảng trường cùng tên. Tại thành phố Belgorod, khoảng 300 người là thành viên KPRF, các cựu chiến binh… đã tham gia  mít tinh, tuần hành nhân kỷ niệm Cách mạng Tháng Mười vĩ đại. Đây là hoạt động thường niên của người dân thành phố này trong nhiều năm qua. Ngoài ra, các hoạt động chào mừng sự kiện lịch sử này cũng đã được tổ chức tại thành phố Yakutsk, Petrozavodsk, Bryansk,…

Đối thoại An ninh và ngoại giao Mỹ - Trung lần thứ 2

Diễn ra trong bối cảnh mối quan hệ Mỹ - Trung đối mặt với hàng loạt các căng thẳng, trong đó có vấn đề thương mại, Biển Đông…, cuộc đối thoại lần này được cho là cơ hội để hai bên hạ nhiệt những căng thẳng, trước thềm cuộc hội đàm cấp cao giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Trung Quốc bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 vào cuối tháng 11/2018.

Các nhà lãnh đạo Mỹ - Trung Quốc tổ chức họp báo sau vòng đối thoại ngày 9/11 (Ảnh: AP)

Hàng loạt các vấn đề nóng được đề cập trong cuộc đối thoại hôm 9/11, trong đó đặc biệt là vấn đề căng thẳng thương mại song phương. Quan hệ Mỹ - Trung thời gian qua có dấu hiệu đi xuống trên nhiều phương diện. Trong đó, đối đầu thương mại trở thành điểm nóng nhất, với các biện pháp trả đũa áp thuế lẫn nhau giữa hai cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.

Phát biểu tại Cuộc đối thoại, quan chức hai bên đều cảnh báo những tác động của cuộc chiến thương mại sẽ gây tổn hại cho cả hai bên, đồng thời kêu gọi để ngỏ các cơ chế đối thoại. Trong khi đó, liên quan đến những căng thẳng trên Biển Đông, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đặc biệt bày tỏ lo ngại về các hoạt động của Trung Quốc bao gồm quân sự hóa khu vực Biển Đông và yêu cầu Trung Quốc tuân thủ các cam kết trước đây của mình đối với khu vực này. Bên cạnh các vấn đề bất đồng, điểm sáng hợp tác giữa hai nước cũng được đưa ra thảo luận như thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên hay tiến trình hòa bình Afghanistan.

Đối thoại An ninh và Ngoại giao Mỹ - Trung lần thứ 2 là dấu hiệu mới nhất về việc bình thường hóa quan hệ song phương sau những căng thẳng thời gian gần đây. Mặc dù vẫn còn những khác biệt nhưng tại cuộc đối thoại lần này, quan chức hai bên đều khẳng định các hậu quả nếu căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc không được giải quyết. 

Hai miền Triều Tiên nối lại hợp tác y tế sau 11 năm

Ngày 7/11, tại Văn phòng liên lạc liên Triều ở khu công nghiệp chung Kaessong, Hàn Quốc và Triều Tiên đã tiến hành cuộc hội đàm về mở rộng hợp tác trong các vấn đề y tế, tập trung vào các cách thức phối hợp chống các bệnh truyền nhiễm. Đây là cuộc đàm phán liên Triều đầu tiên về các vấn đề y tế sau 11 năm gián đoạn.


Thứ trưởng Bộ Y tế Hàn Quốc Kwan Dok-chol (trái) và người đồng cấp CHDCND Triều Tiên
Pak Myong-su, tại cuộc hội đàm ngày 7/11/2018 (Ảnh: YONHAP)

Phái đoàn Hàn Quốc tham dự hội đàm lần này gồm 3 người do Thứ trưởng Bộ Y tế Kwan Dok-chol dẫn đầu, cùng Cục trưởng Chính sách y tế Kwan Jun-ook và Cục trưởng Hợp tác nhân đạo Kim Byong-dae thuộc Bộ Thống nhất. Phái đoàn Triều Tiên cũng gồm 3 người do Viện trưởng Viện Kiểm dịch vệ sinh quốc gia Park Myong-soo dẫn đầu.

Trả lời báo chí trước khi tới hội đàm, ông Kwan Dok-chol cho biết cuộc hội đàm được tiến hành trong khuôn khổ tăng cường trao đổi giữa hai miền Triều Tiên, đồng thời nhấn mạnh việc nối lại đàm phán về các vấn đề y tế sau 11 năm gián đoạn có ý nghĩa rất quan trọng. Ông cho biết hai bên sẽ thảo luận thẳng thắn để có thể đạt được kết quả trong các lĩnh vực như cải thiện sức khỏe của người dân cũng như các cách thức ngăn chặn dịch bệnh.

Liên quan đến quan hệ liên Triều, một phái đoàn quan chức cấp cao của Triều Tiên dự kiến sẽ thăm Hàn Quốc vào tuần tới. Việc Triều Tiên cử đoàn quan chức cấp cao dự một sự kiện dân sự tại Hàn Quốc được cho là nhằm thể hiện quyết tâm mạnh mẽ tạo tiến triển thực chất trong quan hệ liên Triều, trong bối cảnh đàm phán Mỹ-Triều về phi hạt nhân hóa đang được nối lại.

Indonesia tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm cứu nạn vụ rơi máy bay

Ngày 10/11, Indonesia tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm các nạn nhân trong vụ rơi máy bay của hãng Lion Air chở 189 người xảy ra cách đây gần 2 tuần.

Lãnh đạo Cơ quan Tìm kiếm và cứu nạn Indonesia Muhammad Syaugi) cho biết kể từ chiều 9/11 tới ngày 10/11, cơ quan này không tìm thêm được nạn nhân nào. Vì vậy, ông tuyên bố kết thúc chiến dịch tìm kiếm và cứu hộ. Ông cũng gửi lời xin lỗi tới người dân, đặc biệt là thân nhân các nạn nhân, nếu có bất kỳ sơ suất nào trong suốt chiến dịch tìm kiếm kéo dài gần hai tuần qua.


Người thân của các nạn nhân vụ tai nạn máy bay có mặt ở khu vực biển Tây Java
để cầu nguyện cho những người xấu số (Ảnh: The Jakatar Post)

 Cho tới nay, các phần thi thể nạn nhân đã được tìm thấy và bảo quản trong 196 túi đựng. 79 nạn nhân đã được xác định danh tính và được các thân nhân của họ đưa về quê nhà mai táng. Nhân viên cứu hộ cũng đã trục vớt được các bộ phận và động cơ máy bay. Ngoài các nạn nhân trực tiếp của vụ tai nạn, một thợ lặn tham gia chiến dịch cũng thiệt mạng khi đang làm nhiệm vụ.

Trong khi đó, hãng Lion Air bắt đầu triển khai chi trả các khoản bồi thường trị giá 102.058 USD cho mỗi hành khách thiệt mạng, số tiền được gửi về cho gia đình các nạn nhân. Ủy ban An toàn giao thông quốc gia Indonesia cũng cho biết đã tìm thấy một trong các hộp đen của máy bay và vẫn tiếp tục tìm bộ phận ghi âm buồng lái để tìm hiểu những đoạn hội thoại cuối cùng giữa cơ trưởng và cơ phó trước khi máy bay rơi.

Máy bay gặp nạn thuộc mẫu Boeing 737-MAX 8, thế hệ mới nhất và hiện đại nhất trong dòng máy bay chở khách thương mại. Cho tới nay, các nhà điều tra vẫn chưa thể đưa ra kết luận cuối cùng về nguyên nhân khiến máy bay rơi chỉ ít phút sau cất cánh. Chính phủ Indonesia đã yêu cầu kiểm tra lại toàn bộ các máy bay Boeing 737-MAX 8 đang được khai khác cũng như kiểm toán đặc biệt với hoạt động quản lý của hãng Lion Air. Bộ Giao thông Indonesia cũng đã yêu cầu một số lãnh đạo và nhân viên kỹ thuật của hãng này tạm thời nghỉ việc để phục vụ điều tra.

Tiêm vaccine ngăn ngừa dịch Ebola lây lan từ CHDC Congo

Bộ Y tế Uganda với sự hỗ trợ từ Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã bắt đầu tiêm vaccine cho các nhân viên y tế tuyến đầu nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus gây bệnh Ebola. Việc tiêm vaccine đã được tiến hành từ ngày 7/11 tại quận Ntoroko và sẽ được thực hiện ban đầu tại 5 quận có nguy cơ cao tiếp giáp với Cộng hòa Dân chủ (CHDC) Congo.

Một nhân viên y tế ở Rwebisengo, Uganda đang được tiêm vaccine phòng bệnh Ebola (Ảnh: WHO)

Theo đó, có tổng số 2.100 liều vaccine sẽ được tiêm phòng cho các nhân viên y tế nhằm bảo vệ họ chống lại chủng virus hiện đang hoành hành ở nhiều khu vực thuộc CHDC Congo. Loại vaccine này hiện đang được quản lý ở CHDC Congo và được chứng minh bằng những kết quả tích cực trong việc chống lại virus gây bệnh này.

Hiện, không có trường hợp mắc Ebola nào được ghi nhận ở Uganda, nhưng các cơ quan chức năng nước này đang thực hiện kế hoạch nhằm tránh lặp lại hậu quả nghiêm trọng của các đợt bùng phát trước đó.

Tiến sĩ Yonas Tegegn Woldemariam, đại diện của WHO tại Uganda cho rằng, tiêm vaccine là một bước tiến lớn trong việc giảm nhẹ nguy cơ mắc bệnh Ebola cho nhân viên y tế.

Chiến dịch tiêm phòng cho nhân viên y tế ở Uganda được đưa ra trong bối cảnh dịch Ebola tại CHDC Congo vẫn đang diễn biến xấu. Ít nhất 300 trường hợp nghi nhiễm Ebola đã được báo cáo ở CHDC Congo, với 265 trường hợp đã được xác nhận và trong đó 151 người đã tử vong – WHO cho biết. Đây là đợt bùng phát dịch Ebola lần thứ 10 tại quốc gia Trung Phi này. Đợt dịch lần này chủ yếu xảy ra ở thị trấn Beni thuộc tỉnh Bắc Kivu gần biên giới với Uganda./.

PV (tổng hợp)

354 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1140
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1140
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87146967