Quan hệ ngoại giao giữa Nga và phương Tây tiếp tục căng thẳng
*Ngày 25/5, Bộ Ngoại giao Nga thông báo đã triệu Đại sứ các nước Đức, Thụy Điển và Đan Mạch để phản đối điều mà Moskva gọi là "hoàn toàn không có kết quả" trong cuộc điều tra về các vụ nổ làm hư hại đường ống dẫn khí đốt Dòng chảy phương Bắc xảy ra hồi tháng 9 năm ngoái.
Trong tuyên bố, Bộ Ngoại giao Nga cho rằng cả 3 quốc gia trên "cố trì hoãn" các nỗ lực điều tra và "tìm cách che giấu thủ phạm" đứng sau các vụ nổ trên. Moskva cũng bày tỏ "không hài lòng" về việc các bên từ chối không để Nga tham gia vào hoạt động điều tra này.
*Trả lời phỏng vấn đài RT ngày 26/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova cảnh báo Nga sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh vì London có hành động xen vào xung đột Moscow-Kiev. Bà Zakharova cho biết việc cắt đứt quan hệ ngoại giao với Anh là một "biện pháp cực đoan", nhưng Moscow có khả năng sẽ thực hiện điều này vì London đã can dự quá nhiều vào xung đột Nga-Ukraine, theo đài RT.
Bà Zakharova còn nhấn mạnh kể từ khi xung đột Nga-Ukraine nổ ra, Anh đã viện trợ cho Ukraine nhiều vũ khí, thành lập các mạng lưới kêu gọi viện trợ khí tài quân sự cho Kiev, hỗ trợ công tác huấn luyện quân đội Ukraine ở Anh và nhiều nơi khác trên thế giới.
*Cũng trong ngày 25/5, Nga thông báo nước này sẽ trục xuất 5 nhà ngoại giao Thụy Điển và đóng cửa Tổng lãnh sự quán Nga tại thành phố Gothenburg cũng như phái bộ ngoại giao của Thụy Điển tại Saint Petersburg.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Nga cho biết 5 nhà ngoại giao Thụy Điển là những nhân vật “không được hoan nghênh”. Bộ trên cho biết đã triệu Đại sứ Thụy Điển Malena Mard và thông báo về các biện pháp đáp trả của Nga đối với Thụy Điển.
Động thái được đưa ra sau khi Thụy Điển cuối tháng 4 vừa qua thông báo trục xuất 5 nhà ngoại giao Nga vì "các hoạt động không phù hợp" với quy chế ngoại giao của họ.
Quan hệ giữa Nga và các nước phương Tây trở nên căng thẳng sau khi Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine từ tháng 2/2022 và phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với Nga.
Phương Tây hỗ trợ công nghệ vũ khí tầm xa cho Kiev, Nga cảnh báo
|
Máy bay chiến đấu F-16. (Ảnh: Airforce Times) |
Ngày 24/5, Mỹ cho biết nước này đã thông qua thương vụ bán hệ thống phòng không NASAMS và các thiết bị liên quan trị giá 285 triệu USD cho Ukraine.
Trong khi đó, trong một bức thư gửi Quốc hội Hà Lan ngày 24/5, Bộ trưởng Quốc phòng Kajsa Ollongren cho biết nước này muốn đào tạo các phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16 càng sớm càng tốt. Theo bà Ollongren, khóa đào tạo sẽ được phối hợp với Bỉ, Đan Mạch và Anh. Các nước khác cũng có thể tham gia chương trình này.
Cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy Bjoern Arild Gram cho biết Na Uy sẽ hỗ trợ các chương trình đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu F-16. Tuy nhiên, Chính phủ Na Uy hiện chưa quyết định về việc có cung cấp bất kỳ máy bay F-16 nào cho Ukraine hay không.
Về phía Tổng thư ký Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) Jens Stoltenberg, ngày 23/5 tuyên bố việc các nước thông báo khởi động kế hoạch đào tạo phi công lái máy bay F-16 cho Ukraine là một bước quan trọng giúp các bên có thể tiến hành việc chuyển giao máy bay chiến đấu “trong một số giai đoạn” và điều đó không có nghĩa rằng NATO trực tiếp can dự tới tình hình chiến sự ở Ukraine.
Trong khi đó, ngày 23/5, phát ngôn viên Điện Kremlin – ông Dmitry Peskov tuyên bố, việc phương Tây cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí mới, trong đó có máy bay chiến đấu sẽ không thể thay đổi căn bản diễn biến của chiến dịch quân sự đặc biệt.
Trả lời phỏng vấn truyền thông, ngày 26/5, Phó Chủ tịch Hội đồng An ninh Nga Dmitry Medvedev cho rằng bất kỳ cuộc xung đột nào cũng sẽ kết thúc bằng đàm phán, nhưng chừng nào chính phủ của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky còn nắm quyền thì triển vọng này khó xảy ra.
Tân Đại sứ thắp kỳ vọng cải thiện quan hệ Mỹ - Trung
|
Tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong tại sân bay Mỹ ngày 23/5 - Ảnh: REUTERS |
Ngày 23/5 (giờ Mỹ, rạng sáng 24/5 theo giờ Việt Nam), tân Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Tạ Phong đã đến sân bay quốc tế John F. Kennedy của New York. Truyền thông Mỹ đã săn đón ông Tạ ngay tại sân bay.
Trả lời câu hỏi của báo giới, tân đại sứ Trung Quốc thừa nhận quan hệ Trung - Mỹ đang đối mặt "những khó khăn và thách thức nghiêm trọng".
"Tôi đến đây để bảo vệ lợi ích của Trung Quốc. Đó là nhiệm vụ thiêng liêng của tôi", ông Tạ Phong nhấn mạnh. Ông cũng cam kết trong nhiệm kỳ của mình sẽ tăng cường "đối thoại và hợp tác" giữa hai nước.
Theo giới quan sát, đây sẽ là một nhiệm kỳ không dễ dàng với ông Tạ Phong. Quan hệ Mỹ - Trung đã trượt dốc và căng thẳng nối tiếp căng thẳng mấy năm qua.
Trước khi đến Mỹ, trên cương vị thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc, ông Tạ Phong cũng đã xử lý một số căng thẳng ngoại giao giữa hai nước. Gần đây nhất là vụ khinh khí cầu Trung Quốc "đi lạc" vào không phận Mỹ hồi tháng 2/2023.
Đàm phán trần nợ công của Mỹ chưa đạt tiến triển
|
Nếu không có tiền chi trả cho các trái chủ và chi phí dịch vụ công vào 1/6 tới thì nguy cơ vỡ nợ và Chính phủ Mỹ tạm đóng cửa là cao. (Ảnh minh họa - Ảnh: Bloomberg) |
Đại diện của Tổng thống Mỹ J.Biden và các nghị sỹ Cộng hòa tại Quốc hội ngày 23/5 đã kết thúc một vòng đàm phán về trần nợ công nữa mà không có dấu hiệu tiến triển, trong khi thời hạn nâng trần nợ công để tránh kịch bản vỡ nợ đang đến gần.
Các nhà đàm phán của Nhà Trắng, bao gồm bà Shalanda Young, Giám đốc Cục Quản lý Hành chính và Ngân sách, và Cố vấn Tổng thống Mỹ Steve Ricchetti, đã gặp các đại diện từ đảng Cộng hòa trong hai giờ, nhưng sau đó rời đi mà không để lại bình luận đáng kể vào với truyền thông.
Hai bên vẫn còn chia rẽ sâu sắc về cách thu hẹp thâm hụt ngân sách liên bang, trong đó các nghị sỹ Dân chủ cho rằng những người có thu nhập cao và giới doanh nghiệp nên nộp nhiều tiền thuế hơn, trong khi các nghị sỹ Cộng hòa lại muốn cắt giảm chi tiêu.
Các nghị sỹ Dân chủ muốn đóng băng chi tiêu cho năm tài chính 2024 bắt đầu vào tháng Mười ở mức đã được áp dụng vào năm 2023, và cho rằng làm như vậy là đồng nghĩa với cắt giảm chi tiêu vì ngân sách của các cơ quan sẽ không bắt kịp với lạm phát. Nhưng ý tưởng này đã bị các nghị sỹ Cộng hòa phản đối, với mong muốn phải cắt giảm chi tiêu rõ ràng.
Ông Biden muốn giảm thâm hụt ngân sách bằng cách tăng thuế với người giàu và giải quyết các lỗ hổng về thuế đối với các ngành dầu và dược phẩm. Nhưng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Kevin McCarthy cho biết ông sẽ không đồng ý tăng thuế.
Bên cạnh sự bế tắc này, hai bên đã tìm thấy tiếng nói chung ở một số lĩnh vực, trong đó có cải cách về cấp phép bật đèn xanh cho các dự án năng lượng.
Thỏa thuận nâng trần nợ công, nếu đạt được, phải được cả Thượng viện và Hạ viện phê duyệt trước khi Tổng thống Biden ký ban hành thành luật, và vì thế nó sẽ phụ thuộc vào sự ủng hộ của hai đảng.
Giới chuyên gia cảnh báo Chính phủ Mỹ vỡ nợ sẽ dẫn tới những hệ lụy thảm khốc đối với nền kinh tế nước này, đặc biệt là tỷ lệ thất nghiệp, lãi suất ngân hàng và thị trường bất động sản, chưa kể hiệu ứng domino đối với kinh tế toàn cầu.
Saudi Arabia đặt dấu ấn lịch sử trong ngành hàng không vũ trụ
|
Nguồn: Reuters |
Ngày 21/5, Saudi Arabia đã đặt dấu ấn lịch sử trong ngành hàng không vũ trụ của nước này khi đưa hai phi hành gia Rayyanah Barnawi và Ali Al-Qarni lên Trạm Vũ trụ quốc tế (ISS).
Với chuyến bay lịch sử này, Rayyanah Barnawi đã trở thành nữ phi hành gia đầu tiên của Saudi Arabia bay vào không gian.
Hai phi hành gia của quốc gia vùng Vịnh tham gia sứ mệnh Axiom Space 2 được đưa lên vũ trụ từ Trung tâm Vũ trụ Kennedy, bang Florida (Mỹ) vào lúc 17h37 ngày 21/5 (giờ địa phương), tức khoảng 4h37 ngày 22/5 (giờ Việt Nam) và dự kiến kết nối với ISS vào 13h30 ngày 22/5.
Tham gia sứ mệnh này còn có cựu phi hành gia Peggy Whitson của Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và phi công John Shoffner.
Trong thời gian 8 ngày ở trên trạm ISS, Peggy Whitson, John Shoffner, Ali Al-Qarni và Rayyanah Barnawi đặt mục tiêu tiến hành 20 dự án nghiên cứu, trong đó có 14 dự án được phát triển bởi các nhà khoa học Saudi Arabia trong nhiều lĩnh vực khác nhau như sinh lý con người, sinh học tế bào và phát triển công nghệ.
Vụ phóng được thực hiện bằng tên lửa Falcon 9 của công ty vũ trụ SpaceX. Đây là sứ mệnh thứ hai đưa phi hành đoàn tư nhân lên trạm ISS, sau chuyến bay đặc biệt đầu tiên trong nhiệm vụ kéo dài 17 ngày được thực hiện vào tháng 4 năm ngoái. Đây cũng được coi là một bước tiến quan trọng trong mục tiêu hướng tới thương mại hóa hoạt động du hành không gian.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 thảo luận một loạt vấn đề nóng toàn cầu
|
Trưởng đoàn các nước khách mời chụp ảnh chung trước Đài tưởng niệm Nạn nhân Vụ nổ bom nguyên tử tại Công viên Tưởng niệm Hòa bình Hiroshima. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN) |
Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước Công nghiệp phát triển (G7) đã bế mạc chiều 21/5 sau ba ngày làm việc. Cùng với 8 quốc gia khách mời, hội nghị thượng đỉnh G7 lần này đã thảo luận một loạt vấn đề nóng trên thế giới.
Vấn đề giải trừ vũ khí hạt nhân được xem là chủ đề chính của chương trình nghị sự thượng đỉnh G7 lần này, với thông điệp được truyền tải từ chính lựa chọn địa điểm - thành phố Hiroshima, nơi đầu tiên trên thế giới hứng chịu sự tàn phá của bom nguyên tử.
Các nhà lãnh đạo G7 đã công bố Tầm nhìn Hiroshima về Giải trừ Vũ khí hạt nhân, nhất trí về tầm quan trọng của việc tiếp tục duy trì thế giới không sử dụng vũ khí hạt nhân sau 77 năm kể từ ngày xảy ra vụ Mỹ ném bom hạt nhân xuống hai thành phố Hiroshima và Nagasaki của Nhật Bản vào tháng 8/1945.
Trong phiên họp về an ninh và ngoại giao, các nhà lãnh đạo G7 đã thảo luận về các biện pháp để khôi phục tiến trình giải trừ hạt nhân và tăng cường sự minh bạch của các lực lượng hạt nhân.
Thông cáo chung G7 công bố ngày 20/5 nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thực hiện các nỗ lực tiến tới một thế giới không có vũ khí hạt nhân.
Trong các phiên thảo luận tại hội nghị, các nhà lãnh đạo G7 cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, thịnh vượng, an ninh, bao trùm, dựa trên quy định của pháp luật và bảo vệ các nguyên tắc chung gồm chủ quyền, hội nhập, giải quyết hòa bình các tranh chấp…Các nhà lãnh đạo G7 xác định sự cần thiết của việc đối thoại và hợp tác với Trung Quốc, song cũng bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình tại Biển Hoa Đông và Biển Đông.
Thông cáo chung của G7 bày tỏ sự phản đối mạnh mẽ đối với việc đơn phương sử dụng các hành vi sử dụng vũ lực hay cưỡng ép để thay đổi hiện trạng./.