Thế giới tuần qua: Nhìn lại để vượt qua 

(ĐCSVN) – Bên cạnh các sự kiện đáng chú ý, tuần qua (8-14/3), thế giới cùng nhau nhìn lại các biến cố đã qua để từ đó, luôn chủ động, kiên cường và sẵn sàng hành động trong mọi tình huống cho dù là khó khăn hay thách thức ở cả hiện tại và tương lai.
Thế giới tuần qua: Nhìn lại để vượt qua

Tròn 1 năm WHO tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus họp báo tại Thụy Sĩ ngày 11/3/2020.
(Ảnh: AFP)

Ngày 11/3/2020, sau nhiều lần cân nhắc, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã chính thức tuyên bố COVID-19 là "đại dịch toàn cầu" trong bối cảnh đại dịch đã xuất hiện tại ít nhất 114 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới khiến gần 120.000 ca lây nhiễm và hơn 5.000 người tử vong.

Quyết định được đưa ra sau khi các chuyên gia của WHO thu thập được đủ bằng chứng, dữ liệu cho thấy chủng virus mới SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh từ người sang người. Đây được coi là bước nâng cấp cảnh báo, khi trước đó WHO đã coi COVID-19 là tình trạng khẩn cấp toàn cầu - một quyết định mà cơ quan này cũng ít khi đưa ra. Những diễn biến nhanh chóng, dồn dập sau đó cho thấy tuyên bố của WHO là xác đáng và toàn diện. 

Đúng như Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus phát biểu tại cuộc họp báo hôm 11/3/2020 để công bố đại dịch toàn cầu, COVID-19 không chỉ là một cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng, mà còn là một cuộc khủng hoảng (sẽ) tác động đến mọi lĩnh vực và mọi quốc gia, tổ chức, cá nhân đều phải tham gia vào cuộc chiến này.

Một năm trôi qua, thế giới đã đổi thay quá nhiều, biến động quá nhiều vì COVID-19. Đại dịch COVID-19 đã "tấn công" mọi ngóc ngách, chi phối mọi khía cạnh đời sống kinh tế-xã hội trên toàn thế giới. Bên cạnh đó, những tổn thất về người mà đại dịch gây ra đã lên tới con số rất ít người có thể nghĩ tới: Theo số liệu của trang worldometers.info, đến sáng 14/3 (giờ Việt Nam), số ca nhiễm trên toàn cầu đã chính thức vượt mốc 120 triệu người, trong đó gần 2,66 triệu ca tử vong. 

Đối mặt với đại dịch COVID-19, trong hơn 1 năm qua, không thể phủ nhận những nỗ lực rất lớn của toàn thế giới trong việc đối phó với đại dịch này. Bên cạnh những biện pháp phòng dịch, nhiều nước có nền y học hiện đại đã nỗ lực không ngừng chạy đua với thời gian để nhanh chóng giải mã thành công bộ gien virus SARS-CoV-2 chủng mới, từ đó đẩy nhanh tốc độ nghiên cứu, sản xuất vaccine và cho đến nay, hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ đã triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân và khoảng 200 triệu liều vaccine đã được tiêm trên toàn thế giới. Nhiều loại vaccine đã cho thấy hiệu quả cao như vaccine của Pfizer/BioNTech (Mỹ-Đức), AstraZeneca/Đại học Oxford (Anh)…

Hơn 1 năm chống chọi với COVID-19, thế giới hiện đang tràn đầy hy vọng đại dịch sẽ sớm kết thúc nhờ kết hợp tiêm chủng vaccine và các biện pháp y tế cộng đồng khác đã chứng tỏ hiệu quả, cùng với đó là tinh thần "chung sức, đồng lòng" của cả cộng đồng. Dù diễn biến dịch bệnh được dự báo có thể còn phức tạp, khó lường, song có thể nói chính những tia hy vọng như vậy đã tiếp thêm sức mạnh cho cộng đồng quốc tế trong cuộc chiến trường kỳ chống COVID-19.

10 năm Người Nhật vượt qua đại thảm họa động đất - sóng thần

Thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 ở  Đông Bắc Nhật Bản gây thiệt hại  nghiêm trọng về người và của . (Ảnh: AFP-JiJi) 

Chiều 11/3, Lễ tưởng niệm 10 năm thảm họa kép đã diễn ra tại thủ đô Tokyo. Cách đây đúng 10 năm, vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 11/3/2011, một trận động đất mạnh 9 độ richter đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã tàn phá khu vực Đông Bắc Nhật Bản (Tohoku), khiến 19.729 người thiệt mạng và 2.559 người mất tích (tính đến tháng 10/2020). Theo thống kê của Cơ quan Tái thiết, động đất đi kèm các đợt sóng thần khổng lồ đã hủy hoại hoàn toàn hơn 121.996 ngôi nhà và phá hủy một phần hơn 1 triệu ngôi nhà khác, đồng thời gây hư hại cho hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng của nhiều địa phương trong khu vực này. Đây là trận động đất mạnh nhất từng được ghi nhận ở Nhật Bản, và là trận động đất mạnh thứ tư trên thế giới theo thống kê hiện đại, bắt đầu vào năm 1900.

Không chỉ vậy, thảm họa động đất, sóng thần ngày 11/3/2011 còn kéo theo một thảm họa khác là “thảm họa hạt nhân Fukushima”. Trận động đất, sóng thần đã làm tê liệt nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi. Hơn 160.000 người phải sơ tán do rò rỉ phóng xạ. Đây được coi là thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất thế giới kể từ sau thảm họa Chernobyl năm 1986.

Để khắc phục thiệt hại do thảm họa kép này và sự cố rò rỉ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima, trong vòng 10 năm qua, Nhật Bản đã phải chi tới 38.000 tỷ yên (khoảng 280 tỷ USD) cho việc xây dựng lại thành phố, hệ thống đê điều, chắn sóng, hệ thống giao thông, trường học… tại khu vực Tohoku, tập trung vào các tỉnh chịu thiệt hại nặng nề nhất là Iwate, Miyagi và Fukushima.

Công việc khắc phục hậu quả vẫn còn kéo dài thêm 10 năm nữa cho đến năm 2031 và được xác định là giai đoạn hai của công cuộc tái thiết. Nhật Bản đã quyết định chi thêm 15 tỷ USD cho việc này. Để bù vào số tiền trên, chính phủ Nhật đã phải xây dựng kế hoạch tăng thuế tạm thời với mục đích khắc phục hậu quả thảm họa. Thời gian tăng thuế này sẽ được thực hiện trong khoảng thời gian 37 năm liên tiếp.

Tất nhiên, Nhật Bản sẽ còn phải đương đầu với những trận động đất, sóng thần lớn nữa và công việc tái thiết có thể sẽ thường xuyên diễn ra. Dù vậy, với những quyết tâm và chính sách hỗ trợ kịp thời, cuộc sống của người dân sẽ trở lại ổn định sau những mất mát cả thể chất lẫn tinh thần. Nhật Bản vẫn trỗi dậy và phát triển từ những khắc nghiệt mà thiên nhiên, thảm họa dịch bệnh gây ra.

“Bộ tứ kim cương” tuyên bố nhiều cam kết lớn

Nhóm "Bộ tứ kim cương" họp thượng đỉnh theo hình thức trực tuyến tối ngày  12/3.
(Ảnh: AFP)

Hội nghị thượng đỉnh của nhóm “Bộ tứ kim cương” (QUAD) giữa các nhà lãnh đạo của Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia đã diễn ra dưới hình thức trực tuyến vào tối 12/3.

Tại Hội nghị, các nhà lãnh đạo đều có phát biểu của mình, trong đó nêu bật các vấn đề quan tâm chung, đặc biệt là đầu tư sản xuất vaccine COVID-19, duy trì và thúc đẩy an ninh, thịnh vượng cũng như chống lại các mối đe dọa ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và các khu vực khác.

Bên cạnh đó, các nhà lãnh đạo cũng nhắc lại cam kết về việc phi hạt nhân hóa hoàn toàn Triều Tiên theo các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Cùng với đó, các bên thống nhất nhận thức rằng biến đổi khí hậu là một ưu tiên toàn cầu và sẽ nỗ lực để tăng cường hành động của tất cả các quốc gia về khí hậu. 

Theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Ấn Độ đăng tải, các nhà lãnh đạo nhóm họp để tái khẳng định cam kết về hợp tác 4 bên. Bốn quốc gia trong nhóm mang đến những quan điểm đa dạng và thống nhất trong một tầm nhìn chung vì khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Các bên sẽ nỗ lực vì một khu vực tự do, rộng mở, bao trùm, lành mạnh, dựa trên "các giá trị dân chủ và không bị hạn chế bởi sự cưỡng ép". 

Tuyên bố cũng lưu ý các chuyên gia và quan chức cấp cao của nhóm QUAD sẽ tiếp tục nhóm họp định kỳ, trong khi các Ngoại trưởng của 4 nước cũng sẽ trao đổi thường xuyên và họp ít nhất một lần một năm. Ở cấp lãnh đạo, các nước Bộ Tứ sẽ tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp vào cuối năm 2021.

Quốc hội Libya thông qua danh sách chính phủ lâm thời

 Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah. (Ảnh: AP) 

Ngày 10/3, Quốc hội Libya đã bỏ phiếu thông qua chính phủ lâm thời với nhiệm vụ giúp chuẩn bị cho cuộc tổng tuyển cử vào ngày 24/12 tới, một bước đi quan trọng hướng tới việc chấm dứt cuộc khủng hoảng kéo dài một thập kỷ tại quốc gia Bắc Phi này.

Chủ tịch Quốc hội Libya Aguila Saleh đánh giá đây là một ngày lịch sử. Người phát ngôn của Quốc hội nêu rõ sau hai ngày tranh luận căng thẳng tại thành phố Sirte, miền Trung Libya, với 121/132 phiếu ủng hộ, Quốc hội đã thông qua nội các của Thủ tướng lâm thời Abdul Hamid Dbeibah.

Phát biểu sau phiên bỏ phiếu, ông Dbeibah nhấn mạnh đây sẽ là chính phủ của tất cả người dân. Chính phủ mới bao gồm hai phó Thủ tướng, 26 Bộ trưởng, 6 Quốc vụ khanh, trong đó các vị trí quan trọng về ngoại giao và tư pháp sẽ lần đầu tiên được trao cho các nữ chính trị gia.

Ngày 11/3, Liên minh châu Âu (EU) đã lên tiếng hoan nghênh việc Quốc hội Libya trước đó thông qua chính phủ đoàn kết để dẫn dắt quốc gia Bắc Phi này tiến tới tổng tuyển cử vào cuối năm nay, đồng thời cảnh báo EU có thể trừng phạt "những phần tử phá hoại" các nỗ lực hòa bình.

Trong một tuyên bố đại diện cho 27 nước thành viên EU, Đại diện cấp cao phụ trách an ninh và đối ngoại EU Josep Borrell nhấn mạnh: “Đây là thời cơ lịch sử để người dân Libya chung sức tái thiết đất nước hòa bình, ổn định và đoàn kết đồng thời khôi phục chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ".  Trước đó cùng ngày, Mỹ, Jordan và Ai Cập cũng đã hoan nghênh động thái trên của Quốc hội Libya.

NATO và Iraq tổ chức đối thoại thúc đẩy hợp tác

Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg. (Ảnh: Reuters) 

Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Iraq ngày 11/3 đã tổ chức cuộc đối thoại chính trị-quân sự nhằm tăng cường sự hợp tác, dưới sự đồng chủ trì của Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg và Ngoại trưởng Iraq Fuad Hussein.

Cuộc đối thoại này đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy quan hệ song phương, bao gồm sự liên lạc thường xuyên của Tổng thư ký NATO với Thủ tướng Iraq Al-Kadhimi và Ngoại trưởng Hussein.

Việc NATO hiện diện tại quốc gia Trung Đông này là theo yêu cầu của Chính phủ Iraq, nhằm củng cố các thể chế và lực lượng an ninh của nước này để có thể tự ổn định đất nước, chống khủng bố và ngăn chặn sự trỗi dậy của tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng.

Thời gian tới, NATO sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động tư vấn, đào tạo và nâng cao năng lực với sự tôn trọng đầy đủ chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Iraq, dựa trên sự đồng ý hoàn toàn của Chính phủ Iraq và phối hợp chặt chẽ với các tổ chức quốc tế khác như Liên minh toàn cầu chống IS, Liên minh châu Âu (EU) và Liên hợp quốc.

Những kỳ vọng từ gói kích thích kinh tế của Tổng thống Mỹ

Tổng thống Mỹ Joe Biden có bài phát biểu vào vào khung giờ vàng tối 11/3 vài giờ sau khi ký  ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD. (Ảnh: The New York Times) 

Sáng 12/3 (giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ký ban hành luật cứu trợ COVID-19 trị giá 1,9 nghìn tỷ USD, đánh dấu một thành tựu lập pháp quan trọng đối với "ông chủ" thứ 46 của Nhà Trắng. Đây được coi là đạo luật lịch sử nhằm thực hiện nỗ lực "xây dựng lại sức mạnh của đất nước".

Theo giới phân tích, gói kích thích kinh tế sẽ có tác động sâu rộng đến xã hội Mỹ trong bối cảnh nước này đang cố gắng để xoay chuyển tình thế khó khăn mà đại dịch COVID-19 đã gây ra cho nền kinh tế hàng đầu thế giới. Mỹ hiện vẫn là quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch COVID-19, với hơn 30 triệu ca mắc, trong đó gần 547.000 người đã tử vong.

Gói cứu trợ kinh tế nói trên sẽ cung cấp các khoản tiền trực tiếp cho người dân Mỹ, mở rộng quyền lợi cho người thất nghiệp và cung cấp nguồn tài chính khổng lồ cho cho các bang và chính quyền địa phương cũng như các nhà trường để giúp họ mở cửa trường học. Gói cứu trợ cũng bao gồm khoản kinh phí để hỗ trợ chương trình xét nghiệm và phân phối vaccine COVID-19.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng, việc bơm 1,9 nghìn tỷ USD cứu trợ vào nền kinh tế bị đại dịch COVID-19 phá hoại của Mỹ sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng nội địa và cả khuyến khích phục hồi kinh tế toàn cầu. Theo ước tính của IMF, mức chi tiêu trên sẽ mở rộng GDP của Mỹ thêm 5-6% trong vòng 3 năm. Người phát ngôn IMF Gerry Rice ngày 11/3 nói rằng nhu cầu cao hơn sẽ giúp các nước khác bán thêm nhiều sản phẩm cho người tiêu dùng Mỹ.

Bên cạnh đó, trái với tâm lý “lo xa” hay “nghi ngại” của nhiều chính trị gia, theo khảo sát, đa số người dân Mỹ đều bày tỏ sự lạc quan vào gói kích thích kinh tế nói trên. Trước khi dự luật được ký kết, một khảo sát trên Đài CNN cho thấy, có 61% người Mỹ nói chung, không phân biệt đảng phái, ủng hộ dự luật và 66% tin rằng dự luật giúp ích cho nền kinh tế theo một cách nào đó. Họ đặc biệt ủng hộ những khoản tiền trực tiếp dành cho cá nhân./.

 
PV (tổng hợp)
126 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1329
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1329
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87133291