Ngày 1/6, Giám đốc bộ phận xử lý các vấn đề khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Michael Ryan khẳng định SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và chưa hề suy yếu. Thông tin này do đại diện WHO đưa ra là một lời cảnh báo thận trọng trước những nguy cơ hiện hữu của virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh nhiều nước đang dần khôi phục các hoạt động kinh tế, xã hội trong "trạng thái bình thường mới".
Theo ông Ryan, virus mới sau khi xuất hiện có thể biến đổi và trở nên suy yếu hoặc đôi khi lại có thể trở nên mạnh hơn. SARS-CoV-2 cho đến nay vẫn là một virus gây chết người và loài người cần thận trọng.
Thông tin này được đại diện của WHO đưa ra chỉ một ngày sau khi bác sỹ Alberto Zangrillo người Italy cho rằng, trên phương diện lâm sàng, virus SARS-CoV-2 đã không còn tồn tại ở Italy. Các mẫu xét nghiệm tiến hành trong 10 ngày qua đã cho thấy virus tồn tại ở số lượng cực nhỏ nếu so với thời điểm cách đây 1 đến 2 tháng.
Liên quan tới nhận định do bác sỹ Zangrillo đưa ra, ông Ryan cho rằng, đối với một số trường hợp, tình trạng nặng hay nhẹ của người nhiễm virus phụ thuộc vào mức độ và thời gian phơi nhiễm. Hay nói cách khác thì số lượng virus bị phơi nhiễm có thể xác định mức độ nghiêm trọng của căn bệnh mà một người mắc phải. Trên thực tế, điều này đã được chứng minh xảy ra trên nhiều loại bệnh. Tuy nhiên, các nhà khoa học vẫn chưa biết điều này có diễn ra tương tự đối với virus SARS-CoV-2 hay không.
“Có thể nói rằng, virus có vẻ như đang yếu đi là do chúng ta đang làm tốt hơn công việc của mình, chứ không phải vì bản thân virus đang bị suy yếu” – ông Ryan nói.
Tính đến sáng 7/6, thế giới có 6.973.243 ca nhiễm COVID-19, với 402.047 ca tử vong vì dịch bệnh.
Mỹ gửi công hàm lên Liên hợp quốc bác yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông
|
Đại sứ Mỹ tại Liên Hợp quốc Kelly Craft. (Ảnh: Bộ Ngoại giao Mỹ) |
Mỹ ngày 2/6 gửi công hàm đến Liên hợp quốc bác bỏ yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông, khẳng định yêu sách của Trung Quốc “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết trên mạng xã hội Twitter ngày 2/6: "Hôm nay, Mỹ phản đối yêu sách hàng hải phi pháp của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa ở Biển Đông tại Liên Hiệp Quốc. Chúng tôi bác bỏ những yêu sách phi pháp và nguy hiểm này. Các nước thành viên đoàn kết tuân thủ luật pháp quốc tế và tự do trên biển".
Công hàm này đề ngày 1/6/2020, do Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Kelly Craft gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres.
Trong thư, bà Craft nêu rõ công hàm của Mỹ nhằm đáp lại công hàm CML/14/2019 của phái đoàn thường trực Trung Quốc tại Liên hợp quốc.
Đây được xem là tiếng nói chính thức của Mỹ, và là sự tiếp nối của một loạt công hàm phản đối Trung Quốc tại Liên hợp quốc về vấn đề Biển Đông, kể từ khi Bắc Kinh gửi công hàm phản đối một nội dung liên quan của Malaysia.
Bà Craft cho rằng những yêu sách của Trung Quốc "mang mục đích can thiệp phi pháp vào quyền và tự do của Mỹ và tất cả các nước khác". Vì vậy "Mỹ cho rằng cần phải nhắc lại lập trường phản đối chính thức đối với những áp đặt bất hợp pháp này".
Ngoài ra, Đại sứ Craft khẳng định Mỹ đặc biệt phản đối cái Trung Quốc gọi là "quyền lịch sử" ở Biển Đông, vốn vượt quá quyền được có trên biển mà Trung Quốc có thể tuyên bố theo luật quốc tế, xét theo UNCLOS 1982.
Nga ấn định thời điểm bỏ phiếu sửa đổi Hiến pháp
|
Tổng thống Nga Vladimir Putin. (Ảnh: TASS) |
Ngày 1/6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chính thức đưa ra quyết định tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến về các sửa đổi trong Hiến pháp Nga vào ngày 1/7. Ông Putin cũng bác bỏ ý kiến đề nghị tổ chức cuộc bỏ phiếu lấy ý kiến về các sửa đổi trong Hiến pháp Nga vào ngày 24/6, trùng với ngày diễn ra lễ duyệt binh kỷ niệm ngày Chiến thắng.
Theo Tổng thống Nga Putin, xét trên quan điểm pháp lý và tình hình dịch tễ hiện tại, ngày 1/7 là thời điểm hợp lý để tổ chức việc bỏ phiếu về sửa đổi Hiến pháp. Người dân Nga sẽ có 30 ngày để xem lại tất cả các sửa đổi và xác định thái độ của mình đối với những đề xuất được đưa ra.
Tổng thống Nga cũng kêu gọi người dân tích cực tham gia bỏ phiếu cho ý kiến về các sửa đổi Hiến pháp. Nhà lãnh đạo này lưu ý rằng một số nội dung của Hiến pháp Nga đang đứng trước nhu cầu cấp thiết cần sửa đổi, tới mức chúng đang được triển khai trước khi các đề xuất sửa đổi tương ứng được thông qua.
Trong số những nội dung sửa đổi Hiến pháp được đưa ra lấy ý kiến, có các đề xuất tăng thêm quyền hạn của quốc hội và Tòa án Hiến pháp Nga và quy định Hiến pháp Nga sẽ có hiệu lực cao hơn so với các thỏa thuận quốc tế. Hiến pháp sửa đổi cũng mở rộng nghĩa vụ của chính phủ trong lĩnh vực xã hội. Ngoài ra, nó cũng quy định người đứng đầu Nhà nước Nga chỉ được cầm quyền hai nhiệm kỳ. Tuy nhiên, đối với tổng thống hiện thời, số nhiệm kỳ sẽ được tính lại từ đầu sau khi bản Hiến pháp sửa đổi có hiệu lực.
Theo kết quả được công bố vào ngày 30/5 của Trung tâm nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VSIOM), có đến 61% người dân Nga ủng hộ việc sửa đổi Hiến Pháp.
Nước Mỹ đối mặt với “khủng hoảng kép”
|
Biểu tình tại thủ đô Washington D.C . (Ảnh: Xinhua) |
Trong tuần qua, sự hoành hành chưa có điểm dừng của dịch bệnh COVID-19 và biểu tình bạo lực lợi dụng cái cớ “tìm công lý” cho một công dân màu bị sát hại đã châm ngòi cho một “đám cháy dữ dội“ trên khắp nước Mỹ, khiến nước này phải đối mặt với một cuộc “khủng hoảng kép”. Thậm chí tình hình đã diễn biến căng thẳng mới mức Tổng thống D.Trump phải ra lời cảnh báo sẽ kích hoạt Đạo luật Chống bạo động để huy động lực lượng quân đội vào cuộc.
Các cuộc biểu tình chống phân biệt chủng tộc bắt đầu từ ngày 25/5 sau khi xuất hiện một clip ghi lại hình ảnh cảnh sát bang Minnesota đã ghì cổ người đàn ông da màu tên George Floyd, 46 tuổi, khiến người này tử vong sau đó. Tất cả 4 cảnh sát liên quan đến vụ việc đều bị sa thải và đang đối mặt với cuộc điều tra và buộc tội, nhưng làn sóng phản đối tiếp tục dâng cao và có nguy cơ trở nên mất kiểm soát khi đã xảy ra các vụ đốt phá, cướp bóc và đụng độ giữa người biểu tình và cảnh sát.
Đến nay, các cuộc biểu tình đã lan rộng ra ít nhất 30 thành phố tại Mỹ. Một số thành phố lớn của Anh, Đức, Canada, Úc, Hy Lạp và Thụy Sĩ cũng xuất hiện các cuộc tuần hành chống phân biệt chủng tộc với quy mô lên tới hàng ngàn người. Trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang lây lan, các cuộc biểu tình đang có nguy cơ tạo ra những ổ dịch khổng lồ và khiến dịch bùng phát trở lại.
Venezuela và Iran tăng cường hợp tác
|
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro. Ảnh: Reuters |
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro ngày 1/6 tuyên bố ông sẽ thăm Iran để ký thỏa thuận hợp tác về năng lượng và một số lĩnh vực khác sau khi Iran điều 5 tàu chở dầu tới Venezuela, bất chấp cảnh báo từ Mỹ.
Ông Maduro đưa ra tuyên bố trên vài giờ sau khi phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi nhấn mạnh trên truyền hình rằng nước này sẽ tiếp tục cung cấp nhiên liệu cho Venezuela nếu chính Caracas đề nghị cung cấp thêm, bất chấp chỉ trích của Washington về thương mại Iran-Venezuela. Cả hai nước này đang hứng phải lệnh cấm vận từ Mỹ.
“Iran thực hiện quyền thương mại tự do của mình với Venezuela và chúng tôi sẵn sàng điều thêm tàu nếu Caracas cần thêm nguồn cung từ Iran”, ông Mousavi phát biểu trong cuộc họp báo phát trực tiếp trên truyền hình.
Bất chấp đe dọa từ Mỹ, Iran đã gửi một đội 5 tàu dàu đến Venezuela, quốc gia đang “khát” nhiên liệu. Việc các tàu Iran chở nhiều tấn dầu tới Venezuela vào thời điểm 2 nước đồng minh đang phải hứng chịu các lệnh trừng phạt từ phía Mỹ là điều mà chính quyền Washington không mong muốn. Thậm chí một quan chức Mỹ còn cảnh báo sẽ “có hành động” để đáp trả lại diễn biến “không được hoan nghênh” này.
Trung Quốc mở cửa cho các hãng hàng không quốc tế
|
Ảnh minh họa: Reuters |
Cục hàng không dân dụng Trung Quốc thông báo, từ ngày 8/6 các hãng hàng không quốc tế đủ điều kiện sẽ được cấp phép bay đến các thành phố được chỉ định ở Trung Quốc.
Thông tin này được đưa ra sau khi dịch bệnh COVID-19 ở Trung Quốc và nhiều nước đã được kiểm soát tốt.
Từ ngày 8/6, các hãng hàng không nước ngoài, trong đó có Mỹ sẽ được phép bay 1 tuần 1 chuyến đến Trung Quốc. Các hãng sẽ được tăng lên 2 chuyến 1 tuần nếu 3 tuần liên tiếp không phát hiện ca dương tính với COVID-19 trên các chuyến bay. Các tuyến có từ 5 hành khách trở lên dương tính với COVID-19 sẽ bị đình chỉ từ 1 - 4 tuần đối với cả hãng trong và ngoài nước. Tất nhiên, hành khách phải được xét nghiệm COVID-19 trước khi đến Trung Quốc.
Tuy nhiên, báo chí Trung Quốc không bình luận chủ trương mới này liệu có liên quan đến động thái cách đây 1 ngày Chính phủ Mỹ ra thông báo cấm các hãng hàng không Trung Quốc bay tới Mỹ từ 16/6. Trước đó, Trung Quốc cũng đã không cấp phép cho các hãng hàng không Mỹ bay đến Trung Quốc./.