Thế giới có thêm hơn 1 triệu ca nhiễm COVID-19 chỉ sau 1 tuần
|
Thế giới có thêm hơn 1 triệu ca nhiễm COVID-19 chỉ sau 1 tuần. (Ảnh: AFP) |
Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến 6 giờ sáng ngày 12/7 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 12.829.911 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 566.986 ca tử vong và 7.471.320 ca phục hồi.
Như vậy, chỉ sau 1 tuần, thế giới đã ghi nhận thêm hơn 1 triệu ca nhiễm mới. Brazil hứng chịu chết chóc khủng khiếp từ dịch bệnh khi chỉ trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 945 ca tử vong, nâng tổng số người chết vì đại dịch lên hơn 71.000 người. Số ca dương tính với virus tăng trên 35.000, lên tổng cộng 1.839.850 trường hợp.
Trong khi đó, Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong, với gần 3,4 triệu ca lây nhiễm, tăng gần 60.000 ca mới, và gần 138.000 người tử vong, tăng thêm 714 trường hợp. Sau Mỹ, Brazil, Ấn Độ, Nga và Peru hiện là các quốc gia ghi nhận số ca mắc COVID-19 nhiều nhất trên thế giới.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh, WHO cho biết, một nhóm chuyên gia của cơ quan này đang trên đường tới Trung Quốc để chuẩn bị các kế hoạch khoa học, trong nỗ lực xác định nguồn gốc của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19.
Phát ngôn viên WHO Margaret Harris cho biết, hai chuyên gia trong lĩnh vực thú y và nghiên cứu bệnh dịch sẽ làm viêc với các nhà khoa học Trung Quốc để xác định phạm vi và lịch trình điều tra. Một trong các nội dung làm việc là xác định nguồn gốc lây nhiễm từ động vật của virus.
Bên cạnh đó, WHO ngày 9/7 thông báo sẽ thành lập Ủy ban độc lập về đánh giá công tác phòng ngừa và ứng phó đại dịch (IPPR). Theo kế hoạch, IPPR sẽ trình bày báo cáo sơ bộ khi Hội đồng Y tế thế giới (WHA) hoạt động trở lại vào tháng 11 tới và đưa ra báo cáo độc lập vào tháng 5/2021.
Theo Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom, IPPR được thành lập dựa trên một nghị quyết được WHA thông qua vào tháng 5/2020 về đánh giá những kinh nghiệm và bài học thu thập được từ các biện pháp ứng phó quốc tế đối với khủng hoảng, bao gồm cả cuộc điều tra về cách thức xử lý của WHO liên quan đến đại dịch COVID-19.
Mỹ chính thức khởi động tiến trình rút khỏi WHO
|
Mỹ chính thức khởi động tiến trình cắt đứt quan hệ với WHO. (Nguồn: AFP) |
Bằng việc gửi thông báo lên Tổng thư ký Liên hợp quốc về việc rút khỏi WHO, Mỹ đã chính thức khởi động tiến trình cắt đứt mối quan hệ với tổ chức y tế cộng đồng toàn cầu này trong bối cảnh đại dịch COVID-19 chưa có dấu hiệu chững lại trên phạm vi toàn thế giới.
Động thái trên của Mỹ được dự báo là không những sẽ tạo ra những thách thức trong nỗ lực ứng phó của WHO trước đại dịch COVID-19 mà còn gây ra những khó khăn cho chính nước Mỹ trong nỗ lực đẩy lùi đại dịch. Ở một phạm vi rộng hơn, quyết định mới nhất của Mỹ còn được cho là sẽ “tái định hình” các mối quan hệ ngoại giao trong lĩnh vực y tế cộng đồng.
Theo thông báo gửi lên Tổng thư ký Liên hợp quốc, việc Mỹ rút khỏi WHO sẽ có hiệu lực kể từ ngày 06/7/2021. Trong khi đó, phát ngôn viên của Tổng thư ký Liên hợp quốc Stephane Dujarric cũng đã xác nhận thông báo của Mỹ, đồng thời cho biết thêm rằng, dựa vào các điều kiện đặt ra khi Mỹ gia nhập WHO năm 1948, nước này có một năm để hoàn tất quá trình rút cũng như để thực hiện các nghĩa vụ tài chính khác. Tổng thư ký Liên hợp quốc có thẩm quyền xác minh với WHO mức độ đáp ứng các điều kiện trên của Mỹ.
Trước đó, ngày 29/5, Tổng thống Donald Trump thông báo Mỹ chấm dứt quan hệ với WHO với cáo buộc tổ chức này không thực hiện các cải cách mà Mỹ cho là rất cần thiết. Trước đó, ông Donald Trump đã tuyên bố Mỹ tạm dừng đóng góp tài chính cho WHO để chờ kết luận điều tra về phản ứng của WHO được người đứng đầu Nhà Trắng đánh giá là "đáng thất bại" đối với dịch COVID-19. Còn trong bức thư đề ngày 18/5 gửi Tổng Giám đốc WHO, ông Donald Trump tuyên bố tổ chức này có 30 ngày để “sửa sai”, nếu không Mỹ sẽ vĩnh viễn cắt nguồn tài trợ và xem xét lại việc tham gia tổ chức này.
Nhật Bản phản đối tàu Trung Quốc hoạt động nghiên cứu tại Vùng đặc quyền kinh tế
|
Khu vực đảo Okinotori. (Ảnh: Kyodo)
|
Theo hãng tin Kyodo, ngày 10/7, Nhật Bản tuyên bố phản đối tàu Trung Quốc tiến hành hoạt động nghiên cứu hải dương tại Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) gần đảo Okinotori, vùng lãnh thổ cực Nam của Nhật Bản.
Lực lượng Bảo vệ bờ biển Nhật Bản cho biết đã bắt gặp một tàu nghiên cứu hải dương của Trung Quốc vào khoảng 10h40 phút sáng 9/7, cách đảo Okinotori khoảng 310 km về phía Đông Bắc, với các vật thể "dường như là những sợi dây" dưới biển. Theo Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Yoshihide Suga, con tàu này đã lưu lại khu vực nói trên tới sáng 10/7.
Phát biểu họp báo, ông Suga nêu rõ: "Chúng tôi không cho phép Trung Quốc tiến hành hoạt động nghiên cứu khoa học trên biển. Thông qua kênh ngoại giao, chúng tôi phản đối Trung Quốc rằng tàu cần lập tức chấm dứt hoạt động nếu đó là hoạt động nghiên cứu khoa học".
Các tàu của Trung Quốc vẫn thường đi qua vùng biển quanh đảo Okinotori, một đảo san hô vòng ở xa mà Tokyo tuyên bố là cột mốc của EEZ 200 hải lý. Đây là khu vực giàu tài nguyên biển. Trước đó, Hãng thông tấn NHK dẫn lời các quan chức JCG cho biết hai tàu tuần tra của Trung Quốc đã xâm nhập vùng biển ngoài khơi quần đảo tranh chấp hiện do Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, trong khi Trung Quốc gọi là Điếu Ngư trên biển Hoa Đông, vào khoảng 2 giờ sáng 4/7 và chỉ rời khu vực này vào khoảng 17 giờ 40 phút chiều 5/7. Hai tàu tuần tra này cũng đã đi vào lãnh hải Nhật Bản trong khoảng 30 giờ vào các ngày 2-3/7. Trong thời gian đó, các tàu này đã nhiều lần tiếp cận một tàu đánh cá của Nhật Bản trong khu vực này.
Ấn Độ, Trung Quốc nhất trí tiếp tục xoa dịu căng thẳng ở biên giới
|
Ấn Độ-Trung Quốc nhất trí tiếp tục xoa dịu căng thẳng ở biên giới. (Ảnh: News Rush)
|
Cơ chế làm việc tham vấn và phối hợp về vấn đề biên giới Ấn Độ-Trung Quốc (WMCC) ngày 10/7 đã tổ chức cuộc họp lần thứ 16 với sự tham gia của phái đoàn ngoại giao hai nước.
Dẫn tuyên bố của Bộ Ngoại giao Ấn Độ cho biết, hai bên đã nhắc lại thỏa thuận đạt được giữa các ngoại trưởng hai nước hôm 17/6 cũng như thỏa thuận giữa hai đại diện đặc biệt trong cuộc điện đàm ngày 5/7, tái khẳng định cả hai bên sẽ đảm bảo hoàn toàn rút quân dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) ở Ladakh và xoa dịu căng thẳng ở các khu vực biên giới Ấn Độ-Trung Quốc, khôi phục hoàn toàn hòa bình và yên tĩnh ở khu vực biên giới phù hợp với các thỏa thuận và nghị định thư song phương. Hai bên cũng nhất trí rằng để phát triển tổng thể mối quan hệ song phương, duy trì hòa bình và yên tĩnh lâu dài ở các khu vực biên giới là điều thiết yếu.
Cũng tại cuộc họp, hai bên đã rà soát tình hình trên biên giới Ấn Độ - Trung Quốc, kể cả những tiến bộ đạt được trong quá trình rút quân đang diễn ra dọc LAC ở khu vực phía Tây, nhất trí cả hai bên cần thực hiện nghiêm túc những nhận thức chung đạt được giữa các chỉ huy cấp cao. Theo thỏa thuận của hai đại diện đặc biệt, các chỉ huy cấp cao hai nước sẽ sớm gặp nhau để thảo luận về các bước tiếp theo nhằm đảm bảo việc rút quân hoàn toàn và giảm leo thang căng thẳng theo thời gian phù hợp. Ngoài ra, hai bên cũng nhất trí duy trì liên lạc cả ở cấp ngoại giao và quân sự để đảm bảo sớm giải quyết tình hình. Trong bối cảnh này, hai bên nhất trí sẽ tổ chức một cuộc họp WMCC nữa trong tương lai gần.
Khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng trước giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, thuộc vùng lãnh thổ Kashmir tranh chấp. Đến cuối tháng, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng đã điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc theo khu vực dọc LAC.
Triều Tiên tiếp tục bác bỏ khả năng đàm phán với Mỹ
|
Em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Yo-jong . (Ảnh: Yonhap) |
Triển vọng diễn ra một cuộc gặp tiếp theo giữa các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên đang ngày càng trở nên mờ nhạt sau khi Triều Tiên cho rằng, việc tiếp tục nối lại Hội nghị thượng đỉnh với Mỹ là “không cần thiết” và vô ích, chừng nào Washington không thay đổi lập trường đàm phán.
Thông điệp từ em gái nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, bà Kim Yo-jong, được hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) đăng tải ngày 10/7, là phản ứng chính thức từ phía Bình Nhưỡng sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump, hồi đầu tuần này tuyên bố ông sẵn sàng tiến hành một Hội nghị thượng đỉnh khác với nhà lãnh đạo Triều Tiên nếu như đây là điều “có ích”.
Trong lời phát biểu cùng ngày, bà Kim Yo-jong cho rằng, một cuộc gặp gỡ thượng đỉnh tiếp theo giữa Mỹ và Triều Tiên sẽ không thể diễn ra trong năm nay. “Chừng nào Mỹ chưa có những thay đổi mang tính quyết định về lập trường, thì việc tổ chức Hội nghị thượng đỉnh Mỹ - Triều là điều không cần thiết và vô ích, trong năm nay và cả tương lai, ít nhất là đối với chúng tôi… Chúng tôi không tuyên bố rằng chúng tôi sẽ không tiến hành phi hạt nhân hóa, mà điều này chỉ không thể diễn ra trong thời điểm hiện tại” – bà Kim Yo-jong nói, đồng thời kêu gọi Mỹ thực hiện những bước đi quan trọng.
Không chỉ nhắc lại lời kêu gọi Mỹ từ bỏ chính sách thù địch chống Triều Tiên, thông điệp của bà Kim Yo-jong còn bày tỏ quan điểm rằng, cơ chế nới lỏng trừng phạt để đổi lấy các bước phi hạt nhân hóa được tô đậm trong các vòng đàm phán trước đây giữa Mỹ và Triều Tiên cần được thay đổi thành “nối lại các vòng đàm phán Mỹ - Triều để xóa bỏ sự thù địch”.
Những thông điệp trên được bà Kim Yo-jong đưa ra ngay sau khi khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, ngày 9/7 đặt nhiều hy vọng vào việc tiếp tục đối thoại với Triều Tiên, gồm cả khả năng diễn ra Hội nghị thượng đỉnh tiếp theo giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, nếu các điều kiện phù hợp được đáp ứng.
Nhiệt độ toàn cầu có nguy cơ tăng cao trong 5 năm tới
|
Sông băng Collins tại Nam Cực, ngày 2/2/2018. Diện tích băng tan ở Nam Cực đang ở mức báo động. (Ảnh: AFP/TTXVN) |
Nhiệt độ toàn cầu sẽ tiếp tục tăng lên trong 5 năm tới, và thậm chí có những thời điểm tăng hơn mức 1,5 độ C so với thời kỳ tiền cách mạng công nghiệp. Đó là cảnh báo được Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) đưa ra trong báo cáo công bố ngày 8/7.
Theo WMO, 5 năm vừa qua là giai đoạn ấm kỷ lục của thế giới. Khả năng trong ít nhất một năm, nhiệt độ trung bình thế giới trong giai đoạn 2020-2024 tăng trên 1,5 độ C so với mức trung bình của giai đoạn 1850-1900 là 20%. Trong khi đó, nhiều khả năng mỗi năm trong giai đoạn này, nhiệt độ đều có thể tăng ít nhất 1 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp, với gần như mọi khu vực trên thế giới đều cảm nhận được tác động. Đáng chú ý, khả năng có ít nhất 1 tháng trong giai đoạn này ghi nhận mức nhiệt tăng thêm 1,5 độ C lên tới 70%.
Hầu như mọi khu vực, ngoại trừ các đại dương ở phía Nam, đều sẽ ấm hơn so với giai đoạn từ 1981-2010. WMO dự báo miền Nam châu Phi và Australia, nơi cháy rừng hoành hành vào năm ngoái, sẽ khô hơn bình thường đến năm 2024, trong khi vùng Sahel của châu Phi sẽ ẩm ướt hơn. Châu Âu sẽ phải hứng chịu thêm nhiều trận bão, trong khi khu vực phía Bắc của Bắc Đại Tây Dương được dự báo đối mặt với nhiều cơn cuồng phong.
Thông qua các chương trình nghiên cứu trên, các chuyên gia của WMO muốn cung cấp dự báo nhiệt độ, thời tiết trong ngắn hạn, giúp các quốc gia theo dõi cách mà tình trạng biến đổi khí hậu có thể thay đổi mô hình thời tiết như thế nào. Các dự báo của WMO không tính đến sự thay đổi về lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính do hoạt động kinh tế và công nghiệp bị ngưng trệ trong dịch bệnh COVID-19./.