Mỹ - Trung tiếp tục đàm phán thương mại
Trong 2 ngày 14 - 15/2, ngày tại thủ đô Bắc Kinh (Trung Quốc), các đại diện Mỹ và Trung Quốc đã tiến hành đàm phán cấp cao về thương mại. Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin đồng chủ trì đàm phán. Đây là sự kiện tiếp nối vòng đối thoại trước diễn ra vào tháng 1/2019 và được kỳ vọng sẽ mang lại những giải pháp đột phá nhằm hạ nhiệt trạng thái căng thẳng về thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Từ trái qua phải: Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin tham gia đàm phán cấp cao tại Bắc Kinh (Trung Quốc), ngày 14/2 (Ảnh: Xinhua)
Tuyên bố của Văn phòng báo chí Nhà Trắng đưa ra ngày 15/2 sau khi kết thúc đàm phán cho biết: "Các cuộc thảo luận chi tiết và tập trung này đã mang lại tiến bộ cho tiến trình đàm phán giữa hai bên". Tuy nhiên, Nhà Trắng cũng thừa nhận rằng giữa hai bên còn nhiều việc phải hoàn tất và giới chức hai nước sẽ tiếp tục xem xét để giải quyết mọi vấn đề đó trước ngày 1/3, thời hạn kết thúc "đình chiến thương mại" nhằm tránh việc Mỹ có thể tăng thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc giá trị 200 tỷ USD. Nhà Trắng cũng cho biết các cuộc thương lượng tiếp theo giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ diễn ra tại Washington trong tuần tới.
Theo phóng viên TTXVN tại Bắc Kinh, tại cuộc đàm phán lần này, hai bên đã đạt được nhận thức chung mang tính nguyên tắc về những vấn đề chính, đồng thời trao đổi cụ thể về việc ký kết Bản ghi nhớ trong vấn đề thương mại song phương. Hai bên bày tỏ sẽ tăng cường làm việc, cố gắng đạt được sự đồng thuận trong thời gian đàm phán do nguyên thủ hai nước xác định.
Phát biểu sau khi kết thúc cuộc đàm phán, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định việc duy trì quan hệ Trung - Mỹ phát triển lành mạnh, ổn định phù hợp với lợi ích của nhân dân hai nước cũng như thế giới, đồng thời bày tỏ mong muốn đoàn đàm phán hai bên tăng cường trao đổi, hợp tác, kiểm soát tốt bất đồng dựa trên phương hướng và nguyên tắc mà nguyên thủ hai nước đã xác định, nhằm thúc đẩy hợp tác thương mại cũng như quan hệ hai nước phát triển ổn định. Ông Tập Cận Bình nhấn mạnh hợp tác là sự lựa chọn tốt nhất vì lợi ích của cả Trung Quốc và Mỹ, tuy nhiên, hợp tác phải dựa trên nguyên tắc.
Tổng thống Mỹ ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia
Ngày 15/2, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chính thức ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để xây bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico dù dự đoán mình sẽ gặp rắc rối với quyết định này.
Tổng thống Mỹ Donald Trump ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ở Washington DC., ngày 15/2/2019. Ảnh: THX/TTXVN
Ông D.Trump đã họp báo tại Vườn Hồng của Nhà Trắng để thông báo các quyết định của mình. Theo đó, Tổng thống đã chính thức dùng quyền hành pháp để ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia nhằm xây dựng bức tường biên giới giữa Mỹ và Mexico.
Phát biểu tại cuộc họp báo, ông Trump cho biết: "Chúng ta đang phải tiếp tục đối mặt với cuộc khủng hoảng an ninh quốc gia ở biên giới phía Nam và chúng ta phải giải quyết việc đó bằng cách này hay cách khác". Ông nhấn mạnh quyết định xây dựng tường biên giới không phải để hoàn thành lời hứa lúc tranh cử mà là để giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo và an ninh tại biên giới.
Với việc tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia, ông D.Trump có thể tiếp cận khoản ngân sách khoảng 8 tỉ USD từ các bộ ngành để đủ kinh phí 5,7 tỉ USD phục vụ việc xây dựng bức tường biên giới Mỹ - Mexico mà không cần đến sự phê chuẩn của Quốc hội.
Hiện các thành viên đảng Dân chủ đang lên tiếng chỉ trích kế hoạch tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia của ông D.Trump và xem đây là một hành động “lạm dụng quyền lực Tổng thống”. Thậm chí Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi còn tuyên bố bà sẽ có hành động pháp lý nhằm cản trở kế hoạch này của ông D.Trump.
Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran thông qua tuyên bố chung về Syria
Kết thúc Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về Syria tại thành phố Sochi thuộc miền Nam nước Nga, ngày 14/2, các nhà lãnh đạo 3 nước gồm: Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đã thông qua một tuyên bố chung nhằm tái khẳng định cam kết bảo toàn chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Syria.
Từ trái qua phải: Tổng thống Iran Hassan Rouhani, Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tham gia Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 4 về Syria tại Sochi. (Ảnh: TASS)
Ngoài ra, bản Tuyên bố chung dài 17 trang giữa Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và Tổng thống Iran Hassan Rouhani còn tóm tắt những diễn biến tại Syria kể từ thời điểm 3 nhà lãnh đạo gặp gỡ tại thủ đô Tehran (Iran) vào tháng 9/2018 cho tới nay.
Bản Tuyên bố chung nhấn mạnh quyết tâm của Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran trong việc tiếp tục tăng cường cơ chế phối hợp ba bên, dựa trên tinh thần của các bản thỏa thuận hiện hành, đồng thời tái khẳng định “cam kết mạnh mẽ và kiên định” của nguyên thủ ba nước nêu trên đối với “chủ quyền, nền độc lập, tính thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của nước Cộng hòa Ả rập Syria”, cũng như hướng tới các mục tiêu và các nguyên tắc theo Hiến chương của Liên hợp quốc. Ông Putin, ông Erdogan và ông Rouhani nêu rõ rằng, những nguyên tắc này phải được tôn trọng bởi tất cả các quốc gia và không ai được phép phá bỏ.
Các nhà lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran cũng bày tỏ lập trường “bác bỏ mọi nỗ lực nhằm thiết lập nên một trật tự mới trên thực địa, dưới vỏ bọc của cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố”. Qua đó, tỏ rõ tinh thần sẵn sàng đối phó với các âm mưu mà những kẻ theo chủ nghĩa ly khai đang theo đuổi nhằm hủy hoại chủ quyền và tính toàn vẹn lãnh thổ của Syria, cũng như an ninh của Syria và các nước láng giềng. Liên quan tới khía cạnh này, bản Tuyên bố chung của các lãnh đạo Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran nhìn nhận, việc chính phủ Mỹ quyết định rút các lực lượng khỏi Syria là một bước đi hướng tới mục tiêu tăng cường sự ổn định và an ninh tại quốc gia Trung Đông này.
Quan hệ Nga - Mỹ tiếp tục căng thẳng về INF
Ngày 11/2, Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố bác bỏ khẳng định của Mỹ cho rằng, chính quyền Washington đã giải đáp được tất cả các câu hỏi của Moscow liên quan tới Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).
Bộ Ngoại giao Nga ra tuyên bố khẳng định Mỹ vẫn chưa giải đáp chi tiết
tất cả những câu hỏi của Nga về INF. (Ảnh: TASS)
Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ: “Các tuyên bố từ phía các đại diện Mỹ về việc Mỹ đã hồi đáp một cách chi tiết những câu hỏi của Nga là không chính xác”.
Ngoài ra, cơ quan ngoại giao Nga cũng lưu ý thêm rằng, Mỹ đã sử dụng những diễn giải “không trung thực” và những suy đoán để biện minh cho quyết định rút khỏi thỏa thuận INF. Phía Moscow cho rằng, Mỹ không những đã theo đuổi những nỗ lực “thiếu cẩn trọng” để đùn đẩy trách nhiệm cho Nga mà còn cố tình coi nhẹ mức độ tuân thủ của Nga đối với INF trong nhiều năm qua.
Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh, Moscow đã nêu vấn đề Mỹ vi phạm INF thông qua việc phát triển tên lửa mục tiêu từ năm 1999 và máy bay không người lái từ đầu những năm 2000. Tuy nhiên, mãi đến năm 2013, Washington với bắt đầu đưa ra những lập luận nhằm chứng minh mức độ tuân thủ Hiệp ước này với Moscow. “Trong nhiều năm qua, Nga đã tỏ rõ sự kiên nhẫn tối đa trong việc nỗ lực thuyết phục Mỹ cải thiện mức độ vi phạm INF bằng những lý do xác đáng và những lập luận thuyết phục về mặt kỹ thuật, song đã bị phía Washington bỏ qua” – Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ.
INF được ký bởi Tổng thống Ronald Reagan và lãnh đạo Liên Xô Mikhail Gorbachev vào năm 1987. Đây được xem là một hiệp ước mang tính bước ngoặt, đánh dấu sự chấm dứt của cuộc chạy đua vũ trang trong thời chiến tranh Lạnh giữa hai cường quốc. Hiệp ước đề cập tới việc cấm các tên lửa hạt nhân phóng từ mặt đất có tầm bắn từ 500 đến 5.500 km và hướng tới việc loại bỏ gần 2.700 tên lửa hạt nhân tầm ngắn và tầm trung.
Thủ tướng Ấn Độ cảnh báo đáp trả Pakistan sau vụ tấn công tại Kashmir
Theo TTXVN, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi ngày 15/2 cảnh báo đáp trả mạnh mẽ vụ đánh bom xe tại Kashmir làm 44 người thiệt mạng, mà chính phủ của ông đổ lỗi do phía Pakistan tiến hành. Vụ việc đã làm leo thang căng thẳng giữa hai nước cường quốc hạt nhân này.
Cảnh sát làm việc tại hiện trường vụ đánh bom xe ở Kashmir (Ảnh: Reuters)
Vụ tấn công nhằm vào một đoàn xe quân sự ở bang Jammu & Kashmir, phần Kashmir do Ấn Độ kiểm soát. Đây là một trong những vụ tấn công đẫm máu nhất nhằm vào các lực lượng chính phủ và xảy ra chỉ vài tháng trước khi đảng dân tộc Hindu cầm quyền của Thủ tướng Modi tham gia tổng tuyển cử.
Phát biểu ngay sau khi triệu tập cuộc họp của các cố vấn an ninh để cân nhắc cách đáp trả vụ việc trên, ông Modi cho biết: "Chúng tôi sẽ đáp trả thích đáng, nước láng giềng không được phép gây bất ổn".
Bộ trưởng Nội các Arun Jaitley cho biết Ấn Độ sẽ dùng mọi biện pháp ngoại giao để đảm bảo "cô lập hoàn toàn" Pakistan. Theo ông Jaitley, một trong các biện pháp đầu tiên là Ấn Độ sẽ dỡ bỏ các ưu đãi thương mại Tối huệ quốc (MFN) vốn dành cho Pakistan.
Nhóm vũ trang Hồi giáo có trụ sở tại Pakistan Jaish-e-Mohammad (JeM) đã thừa nhận tiến hành vụ tấn công trên, ngay sau khi chiếc ô tô chở thuốc nổ của nhóm này lao vào và phát nổ giữa đoàn 78 xe chở 2.500 thành viên Lực lượng cảnh sát dự bị trung ương (CRPF) đang di chuyển trên đường cao tốc chính tới Jammu, trong đó 2 xe buýt chở khoảng 35 người mỗi xe bị tổn thất nặng nề nhất.
Chính phủ Ấn Độ cho biết họ có bằng chứng không thể chối cãi về sự dính líu của Pakistan trong vụ này. Islamabad đã bác bỏ cáo buộc trên.
Ủy ban bầu cử Thái Lan công bố danh sách ứng cử viên thủ tướng
Ngày 11/2, Ủy ban Bầu cử Thái Lan đã công bố danh sách ứng cử viên chính thức của các chính đảng chạy đua vào chức thủ tướng trong cuộc tổng tuyển cử sắp tới mà không có tên Công chúa Ubolratana, 67 tuổi.
Công chúa Thái Lan Ubolratana - người không được đưa vào danh sách ứng cử viên thủ tướng.
(Ảnh: TTXVN)
Lý giải cho quyết định này, Ủy ban trên đã dẫn lại tuyên bố trước đó của Nhà Vua Thái Lan, trong đó nhấn mạnh các thành viên trong gia đình hoàng gia nên "đứng ngoài đời sống chính trị", do vậy không thể "giữ bất kỳ chức vụ nào về chính trị". Trong danh sách ứng cử viên của các đảng vừa được Ủy ban Bầu cử Thái Lan công bố có tên đương kim Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha, người được đảng Palang Pracharat (Quyền lực nhân dân của nhà nước) đề cử ra tranh chức thủ tướng.
Hôm 8/2 vừa qua, Công chúa Ubolratana tuyên bố chấp thuận đề cử của đảng Thai Raksa Chart và sẽ ra tranh cử chức thủ tướng trong cuộc bầu cử ngày 24/3 tới. Động thái này gây chấn động ở đất nước Thái Lan bởi đây là sự việc chưa từng có tiền lệ, phá vỡ truyền thống đứng ngoài chính trị của Hoàng gia Thái Lan. "Xứ sở chùa Vàng" chưa có một thủ tướng nào xuất thân từ Hoàng gia kể từ khi nước này thiết lập chế độ quân chủ lập hiến vào năm 1932.
Trước đó, Ủy ban Bầu cử Thái Lan thông báo nước này sẽ tổ chức tổng tuyển cử vào ngày 24/3 tới nhằm khôi phục chính quyền dân sự. Đây sẽ là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên tại quốc gia Đông Nam Á này kể từ sau cuộc đảo chính quân sự năm 2014. Tham gia cuộc tổng tuyển cử còn có đảng Pheu Thai (Vì nước Thái) của cựu Thủ tướng bị phế truất Thaksin Shinawatra và đảng Dân chủ của cựu Thủ tướng Abhisit Vejjajiva./.
PV (tổng hợp)