Thế giới tuần qua: Lo ngại về biến thể nguy hiểm hơn chủng Delta 

(ĐCSVN) – Bên cạnh một số thỏa thuận đạt được giữa các nước, tuần qua (18 – 24/10), thế giới tiếp tục phải chứng kiến những thông tin đáng lo ngại về diễn biến dịch COVID-19 cũng như tác động tiêu cực của đại dịch đối với các quốc gia trên toàn cầu; cùng với đó là sự chia rẽ, bất đồng giữa Nga và NATO…
Thế giới tuần qua: Lo ngại về biến thể nguy hiểm hơn chủng Delta

COVID-19: Xuất hiện biến thể nguy hiểm hơn chủng Delta

 Virus SARS-CoV-2 liên tục đột biến, tạo ra các biến chủng mới nguy hiểm hơn, dễ lây lan hơn. (Ảnh minh họa: AFP)

Biến thể AY.4.2 (một số người còn gọi với tên Delta Plus) được phát hiện tại Anh. Được xác định lần đầu vào tháng 7/2021, biến thể AY.4.2 chứa 2 đột biến trong protein gai là A222V và Y145H. Theo tạp chí Newsweek (Mỹ), đến nay, biến thể AY.4.2 đã được phát hiện ở ít nhất 27 nước.

Các nhà khoa học Anh cho biết đây là một trong 45 nhánh phụ của chủng Delta. Giáo sư Francois Balloux đến từ Đại học London (Anh) cho rằng biến thể AY.4.2 có thể có mức độ lây nhiễm cao hơn 10-15% so với biến thể Delta ban đầu. Ngày 22/10, các quan chức y tế Anh cho biết đang chính thức nghiên cứu biến chủng AY.4.2 sau khi biến chủng này được ghi nhận trong số ca nhiễm ngày một gia tăng.

Việc phát hiện một biến chủng có khả năng lây lan cao hơn khiến nhiều người lo ngại vì nó có thể làm gia tăng số ca mắc COVID-19 ở những người chưa tiêm vaccine.

Giám đốc Trung tâm ngăn ngừa và kiểm soát dịch bệnh (CDC) Mỹ Rochelle Walensky cho biết Mỹ cũng đã ghi nhận biến thể phụ này nhưng cho tới nay, không có sự gia tăng số ca mắc COVID-19 do AY.4.2.

Trong khi đó, tuần qua, theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), châu Âu ghi nhận số ca nhiễm mới tăng 7% so với tuần trước đó. Đây cũng là khu vực duy nhất trên thế giới mà dịch bệnh có chiều hướng gia tăng trong 3 tuần liên tiếp. WHO thúc giục các quốc gia đề cao cảnh giác trong bối cảnh nhiệt độ hạ thấp cùng với các hoạt động làm việc, đi lại và giải trí quay trở về trạng thái bình thường. Trong 6 khu vực địa lý của các nước thành viên WHO, châu Âu là trường hợp duy nhất khi số ca mắc mới trong tuần tăng 7% so với 7 ngày trước đó, với tổng số 1,3 triệu ca mắc. Hơn một nửa các quốc gia tại châu Âu có số ca mắc tăng lên.

Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy tính đến sáng 24/10, thế giới có tổng số 244.105.621 ca nhiễm và 4.959.347 ca tử vong vì dịch COVID-19.

Nga cắt đứt quan hệ với NATO

Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. (Ảnh: AP)

Ngày 18/10, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tuyên bố Nga sẽ cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với việc dừng hoạt động của phái bộ ngoại giao tại NATO và đóng cửa phái bộ NATO tại Moscow từ tháng 11 tới.

Theo ông Lavrov, NATO sẽ phải đóng cửa văn phòng liên lạc của liên minh quân sự này tại Moscow. Nếu các thành viên NATO có bất cứ vấn đề khẩn cấp nào, họ có thể liên hệ với đại sứ của Nga tại Bỉ. Tuy cắt đứt quan hệ với NATO, nhưng Nga vẫn duy trì quan hệ ngoại giao với chính phủ các nước thành viên của liên minh này.

Phản ứng về quyết định của Nga, người phát ngôn NATO Oana Lungescu cho biết chính sách của NATO với Nga luôn nhất quán. NATO đã tăng cường phòng thủ và răn đe để đối phó với các hành động của Nga, mặt khác vẫn để ngỏ đối thoại.

Giới quan sát cho rằng, động thái của Moscow là nhằm đáp trả việc NATO đã trục xuất 8 thành viên phái bộ Nga tại trụ sở ở Brussels (Bỉ) hồi đầu tháng 10, cáo buộc họ là "sĩ quan tình báo không khai báo". Ngoài trục xuất 8 thành viên, NATO còn cắt giảm thêm 2 vị trí của phái bộ Nga, khiến quy mô của phái bộ Nga tại Brussels giảm từ 20 người xuống còn 10 người. NATO từng có động thái tương tự sau vụ cựu điệp viên hai mang của Nga Sergei Skripal nghi bị đầu độc ở Anh năm 2018. Moscow đã chỉ trích hành động của NATO đi ngược lại những cam kết trước đó và hủy hoại cơ hội hàn gắn quan hệ.

Quan hệ song phương xấu đi từ sau cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine năm 2014, càng thêm căng thẳng khi Nga bị cáo buộc can thiệp bầu cử Mỹ và liên quan tới vụ đầu độc cựu điệp viên Sergei Skripal cùng con gái ở Anh năm 2018.

Mỹ ghi nhận mức thâm hụt ngân sách cao thứ 2 trong lịch sử

 Kiểm đồng USD tại một quầy giao dịch tiền tệ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Thông báo của Bộ Tài chính Mỹ ngày 22/10 cho biết thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ trong tài khóa 2021 là 2.800 tỷ USD, mức cao thứ hai trong lịch sử và chỉ thấp hơn 360 tỷ USD so với tài khóa trước đó.

Trong tài khóa 2020, thâm hụt ngân sách liên bang của Mỹ lên tới 3.100 tỷ USD do nhiều doanh nghiệp trong nước phải đóng cửa tạm thời để phòng tránh dịch COVID-19. Con số này cao hơn gấp đôi so với kỷ lục được thiết lập vào năm 2009, khi thâm hụt ghi nhận ở mức 1.400 tỷ USD sau một năm xảy ra cuộc khủng hoảng kinh tế-tài chính 2008.

Trong thông báo, Bộ Tài chính và Văn phòng Quản lý và Ngân sách Nhà Trắng (OMB) cho biết mức thâm hụt trong tài khóa 2020 vẫn thấp hơn 897 tỷ USD so với dự tính đưa ra trước đó.

Theo các số liệu báo cáo, trong tài khóa 2020, tổng doanh thu của chính phủ Mỹ đạt 4.000 tỷ USD, tăng 18,3% so với tài khóa trước và vượt dự kiến trước đó trong ngân sách của tổng thống. Trong khi đó, chi tiêu của chính phủ lên tới 6.800 tỷ USD, tăng 4,1% nhưng vẫn thấp hơn dự kiến. Các khoản chi tăng lên chủ yếu là do dành cho các hoạt động cứu trợ COVID-19 theo đạo luật CARES dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump và "Kế hoạch giải cứu nước Mỹ" của chính quyền Tổng thống Joe Biden.

Theo quyền Giám đốc OMB Shalanda Young, mức thâm hụt ngân sách hiện nay cung cấp thêm một minh chứng nữa cho thấy kế hoạch kinh tế của Tổng thống Biden đang đem lại hiệu quả.

Bộ trưởng Tài chính Janet Yellen cũng cho rằng đây là bằng chứng về việc kinh tế Mỹ đang phục hồi và là kết quả trực tiếp của việc chính phủ đã nỗ lực ban hành Kế hoạch giải cứu người Mỹ trong đại dịch.

G7 đạt thỏa thuận đột phá về thương mại và dữ liệu kỹ thuật số

 Các Bộ trưởng Thương mại G7 đã đạt được thỏa thuận về thương mại kỹ thuật số. (Ảnh: Reuters)

Ngày 22/10, Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) đã đạt được sự nhất trí về một chuỗi các nguyên tắc chung, nhằm quản lý việc sử dụng dữ liệu xuyên biên giới và thương mại kỹ thuật số.

Trong một tuyên bố sau Hội nghị Bộ trưởng Thương mại G7 (gồm các nước Mỹ, Nhật Bản, Đức, Anh, Pháp, Italy và Canada) diễn ra tại thủ đô London, nước chủ nhà Anh nhận định đây là một bước tiến đột phá, có thể giải phóng hàng trăm tỷ USD thương mại quốc tế.

Thỏa thuận của các nước G7 đặt ra một nền tảng trung gian giữa các các chế độ bảo vệ dữ liệu được quản lý chặt chẽ ở các nước châu Âu và cách tiếp cận cởi mở hơn của Mỹ.

Thỏa thuận là bước đi đầu tiên hướng tới giảm bớt những rào cản nói trên và có thể dẫn đến một bộ quy tắc chung về thương mại kỹ thuật số. Các quy tắc này bao gồm các thị trường số mở, những luồng dữ liệu xuyên biên giới; các biện pháp bảo vệ cho người lao động, người tiêu dùng và doanh nghiệp; các hệ thống giao dịch số; và sự quản trị toàn cầu công bằng và bao trùm.

Mỹ, Anh, Pháp, Đức nhất trí nối lại đàm phán với Iran về hạt nhân

Một cơ sở hạt nhân ở miền Nam Iran. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Tại các cuộc tham vấn ở Paris ngày 22/10, Mỹ và 3 nước châu Âu gồm Anh, Pháp và Đức đã nhất trí về sự cần thiết phải đưa Iran nhanh chóng quay trở lại "bàn đàm phán" về vấn đề hạt nhân.

Theo người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price, trong những cuộc tham vấn này, những quốc gia này đã thống nhất quan điểm rằng cần nối lại các cuộc đàm phán trên tại Vienna (Áo) sớm nhất có thể.

Những cuộc tham vấn vừa qua diễn ra sau chuyến thăm vùng Vịnh của phái viên Mỹ về vấn đề Iran Rob Malley nhằm thảo luận về vấn đề hạt nhân Iran với 3 quốc gia đồng minh là Qatar, Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE).

Bộ Ngoại giao Pháp cho rằng cuộc thảo luận này diễn ra vào "thời điểm quan trọng" khi Pháp và các cường quốc khác trên thế giới đã sẵn sàng nối lại các cuộc đàm phán tại Vienna. Bộ Ngoại giao Pháp cũng cho biết thêm trong thời gian chờ đợi những cuộc đàm phán này, điều cấp bách và thiết yếu là Iran phải chấm dứt các hành vi vi phạm "nghiêm trọng chưa từng thấy" thỏa thuận hạt nhân, đồng thời cũng cần nối lại việc hợp tác đầy đủ, nhanh chóng với Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA)./.

 
PV (Tổng hợp)
173 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1085
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1085
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87074493