Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên UNCLOS
Từ ngày 13-17/6, tại trụ sở Liên hợp quốc (LHQ) ở New York, Hoa Kỳ, đã diễn ra Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển (UNCLOS).
|
Hội nghị lần thứ 32 các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc năm 1982 về Luật Biển. (Ảnh: CPV) |
Hội nghị xem xét báo cáo của các cơ quan thành lập theo Công ước như Tòa án quốc tế về luật biển, Ủy ban ranh giới thềm lục địa (CLCS), Cơ quan quyền lực đáy đại dương và các vấn đề thủ tục, ngân sách, nhân sự của các cơ quan này; tiến hành bầu cử các thành viên của CLCS.
Tại phiên thảo luận ngày 16/6 về Báo cáo của Tổng thư ký LHQ về các vấn đề liên quan đến biển và đại dương, hoạt động của các cơ quan LHQ và hợp tác quốc tế trong năm qua, các ý kiến nhấn mạnh yêu cầu tuân thủ thực hiện UNCLOS, đẩy mạnh hợp tác khu vực và quốc tế trong các lĩnh vực biển và đại dương, ứng phó với các thách thức như ô nhiễm môi trường biển, biến đổi khí hậu, mực nước biển dâng, đóng góp vào thực hiện Mục tiêu phát triển bền vững số 14 liên quan đến bảo tồn và phát triển bền vững biển và đại dương.
Phát biểu tại Hội nghị, Đại sứ Đặng Hoàng Giang, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ tái khẳng định UNCLOS, với vai trò “Hiến pháp của đại dương”, là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và cơ sở pháp lý duy nhất để xác định một cách toàn diện, đầy đủ phạm vi quyền được hưởng vùng biển của các quốc gia.
Liên quan đến tình hình Biển Đông, Đại sứ Đặng Hoàng Giang cho rằng, hòa bình, phát triển của khu vực và cộng đồng quốc tế gắn liền với việc duy trì hòa bình, an ninh, tự do hàng hải và hàng không ở biển Đông do vị trí chiến lược của vùng biển này. Từ đó, Đại sứ khẳng định tầm quan trọng của việc thực thi đầy đủ và toàn diện Tuyên bố ASEAN-Trung Quốc về ứng xử của các bên ở Biển Đông năm 2022 (DOC).
Đại sứ Đặng Hoàng Giang kêu gọi mọi tranh chấp phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Hiến chương LHQ và UNCLOS, tôn trọng các tiến trình ngoại giao và pháp lý, không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực; đồng thời, thông tin về bước tiến đạt được trong đàm phán Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC).
UNCLOS được coi như “Hiến pháp của Đại dương”, có hiệu lực kể từ ngày 16/11/1994, đã được 168 nước và tổ chức quốc tế phê chuẩn và 14 quốc gia khác ký nhưng chưa phê chuẩn.
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ
Ngày 16/6/2022, tại New Delhi, Ấn Độ, Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã cùng các Bộ trưởng Ngoại giao, đại diện cấp cao của các nước ASEAN và Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ tham dự Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác hai bên (1992-2022).
|
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Ấn Độ nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác hai bên (1992-2022). |
Tại Hội nghị, Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ khẳng định ASEAN không chỉ là trụ cột quan trọng trong chính sách Hành động Hướng Đông mà còn cả trong tổng thể chính sách đối ngoại và là trọng tâm Sáng kiến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương (IPOI) của Ấn Độ. Ấn Độ ủng hộ ASEAN đóng vai trò trung tâm trong cấu trúc khu vực, coi trọng mối quan hệ láng giềng gần gũi với ASEAN và mong muốn nâng quan hệ ASEAN - Ấn Độ lên Đối tác chiến lược toàn diện.
Các Bộ trưởng ASEAN nhấn mạnh mối liên kết truyền thống hàng thế kỷ giữa Ấn Độ và Đông Nam Á, tạo nền tảng cho quan hệ ASEAN - Ấn Độ đạt nhiều tiến triển qua 3 thập kỷ. Mặc dù chịu ảnh hưởng bởi COVID-19, hai bên đã phối hợp duy trì và thúc đẩy quan hệ phát triển tích cực, năng động. Hiện Ấn Độ là đối tác thương mại lớn thứ 7 của ASEAN với kim ngạch thương mại hai chiều tăng gần 23 lần trong 30 năm qua.
Hướng tới tương lai, các Bộ trưởng nhất trí phối hợp thúc đẩy quan hệ ASEAN - Ấn Độ phát huy vai trò chiến lược, đóng góp hiệu quả cho hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, thông qua triển khai hiệu quả Tuyên bố ASEAN - Ấn Độ về Hợp tác về Quan điểm của ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP) vì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực năm 2021, Kế hoạch hành động ASEAN-Ấn Độ 2021-2025 và khai thác hiệu quả thị trường ASEAN - Ấn Độ rộng lớn gần 2 tỷ người dân với tổng GDP đạt gần 6 nghìn tỷ USD. ASEAN nhất trí sẽ thảo luận với Ấn Độ về thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện ASEAN - Ấn Độ thực chất, hiệu quả và cùng có lợi.
Trong 30 năm qua, hợp tác ASEAN - Ấn Độ đạt nhiều kết quả tốt đẹp trong nhiều lĩnh vực, sâu sắc về nội dung, phong phú về hình thức. Cơ chế đối thoại ASEAN - Ấn Độ được khởi đầu bằng việc thiết lập các mối quan hệ đối tác trên từng lĩnh vực giữa hai bên vào năm 1992, tiến tới quan hệ đối tác Đối thoại Toàn diện tháng 12/1995, Đối tác Cấp cao năm 2002 và Đối tác Chiến lược năm 2012.
WHO cân nhắc tình trạng khẩn cấp bệnh đậu mùa khỉ
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) sẽ triệu tập ủy ban khẩn cấp vào ngày 23/6 tới để xác định xem đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không. Đây là mức cảnh báo cao nhất do cơ quan y tế Liên hợp quốc đưa ra, hiện chỉ áp dụng cho đại dịch COVID-19 và bệnh bại liệt.
|
WHO sẽ cân nhắc ban bố tình trạng khẩn cấp với bệnh đậu mùa khỉ ( Ảnh: rafflesmedicalgroup.com)
|
Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết: “Sự bùng phát bệnh đậu mùa khỉ trên toàn cầu là điều bất thường và đáng lo ngại. Đây là lý do tại sao tôi đã quyết định triệu tập Ủy ban Khẩn cấp theo Quy định Y tế Quốc tế vào tuần tới, để đánh giá xem đợt bùng phát này có phải là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng được quốc tế quan tâm hay không”.
Theo Giám đốc khu vực châu Phi của WHO, đến ngày 16/6 đã có 8 nước châu Phi báo cáo các ca được xác nhận mắc bệnh đậu mùa khỉ.Trong đó, Nigeria ghi nhận 36 ca, CHDC Congo 10 ca, CH Trung Phi 8 ca, Benin và Cameroon mỗi nước 3 ca, CH Congo 2 ca. Ngoài ra, Ghana và Maroc, những nơi trước đây chưa ghi nhận bệnh này hiện cũng đã có 5 ca.
Một số nước khác chưa từng có người mắc bệnh đậu mùa khỉ trước đây như Ethiopia, Guinea, Liberia, Mozambique, Sierra Leone, Sudan và Uganda cũng đã báo cáo có các ca nghi nhiễm.
Đại diện WHO tại khu vực khẳng định WHO không khuyến nghị tiêm chủng hàng loạt để chống bệnh đậu mùa khỉ vào giai đoạn này, nhưng các nước châu Phi cần phải “sẵn sàng nếu có nhu cầu”.
Vào tuần tới, WHO sẽ triệu tập Ủy ban Khẩn cấp để tư vấn về việc liệu sự lây lan hiện nay của bệnh đậu mùa khỉ ở các nước không lưu hành có tạo thành tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng quốc tế hay không.
Số liệu thống kê của WHO cho thấy tính đến nay, thế giới đã ghi nhận hơn 1.600 ca bệnh đậu mùa khỉ và 1.500 ca nghi nhiễm, với phần lớn số người mắc bệnh ở châu Âu.
Nắng nóng khắc nghiệt ở châu Âu
Một làn sóng nhiệt đang bao phủ từ khu vực Địa Trung Hải đến Biển Bắc khiến nhiều nước Âu chìm trong đợt nắng nóng sớm mùa hè năm nay.
Cơ quan khí tượng Pháp Meteo France cho biết đây là đợt nắng nóng mùa hè đến sớm nhất từ trước đến nay tại nước này, làm trầm trọng thêm tình trạng khô hạn bất thường xảy ra vào mùa đông và xuân vừa qua và gia tăng nguy cơ cháy rừng.
|
Pháp là một trong những quốc gia châu Âu ghi nhận đợt nắng nóng khắc nghiệt (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Nắng nóng đã xảy ra ở khu vực miền Nam nước Pháp từ đầu tuần này và dự kiến sẽ tiếp tục lan rộng. Hầu hết các khu vực ở Pháp được cảnh báo về tình trạng nắng nóng, trong đó 12 khu vực ở miền Tây Nam dự báo hứng chịu mức nhiệt cao nhất.
Tây Ban Nha đang phải nỗ lực dập tắt các đám cháy rừng lớn đã bước sang ngày thứ 6 trong bối cảnh nhiệt độ tăng cao, ước tính có thể lên đến 43 độ C. Trước đó, Tây Ban Nha đã ghi nhận tháng 5 vừa qua là tháng có nền nhiệt cao nhất kể từ đầu thế kỷ này tại nước này.
Tương tự, Bồ Đào Nha cũng đã trải qua tháng 5 nóng nhất kể từ năm 1931. Hầu hết các nhà khoa học cho rằng nắng nóng đến sớm trên khắp châu Âu là do Trái Đất ấm lên.
Trong khi đó, tại Italy, khu vực Lombardy giàu có ở miền Bắc nước này đã yêu cầu các thị trấn ở thung lũng Po phân phối nước khi đối mặt nguy cơ phải tuyên bố tình trạng khẩn cấp vì hạn hán nghiêm trọng nhất trong 70 năm qua đang đe dọa mùa màng.
Theo giới chức khu vực, sông Po là hồ trữ nước ngọt lớn nhất của Italy. Tuy nhiên, trạm quan sát sông Po cho biết một số khu vực không có mưa trong suốt 110 ngày qua. Mực nước sông Po thấp cũng dẫn đến tình trạng nước biển tràn vào các vùng nông nghiệp trũng thấp gây ra nhiều vấn đề đối với nông dân. Nghiệp đoàn các công ty phân phối nước Utilitalia đã yêu cầu thị trưởng tại 100 thị trấn ở vùng Piedmont và 25 thị trấn tại Lombardy ngừng cung cấp nước vào ban đêm để bổ sung nước cho hồ chứa trên.
Hạn hán đang ảnh hưởng đến 30% hoạt động sản xuất nông nghiệp của Italy và 50% hoạt động chăn nuôi gia súc tại thung lũng Po. Dự kiến, tình trạng khẩn cấp sẽ được ban bố tại vùng Lombardy cùng 3 khu vực lân cận gồm Piedmont, Veneto và Emilia Romagna.
Sụt giảm nguồn cung khí đốt từ Nga tới châu Âu
Nhiều nước châu Âu đang ghi nhận sự sụt giảm mạnh nguồn cung khí đốt từ Nga đến châu Âu qua đường ống Dòng chảy phương Bắc 1. Tình trạng này đã buộc châu Âu phải sử dụng nguồn khí đốt dự trữ, vốn được tích lũy để tiêu thụ trong thời gian cao điểm của mùa đông sắp tới.
|
Nga là nhà cung ứng khí đốt lớn nhất cho EU. (Ảnh: Bloomberg) |
Ngày 15/6, Tập đoàn Năng lượng Gazprom của Nga thông báo dừng hoạt động một động cơ tuabin khí khác của Siemens do các vấn đề trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa. Sụt giảm nguồn cung từ Nga đã ảnh hưởng lớn đến Pháp, Italy, Áo, Đức. Nga cung cấp cho châu Âu khoảng 40% lượng khí đốt của châu lục này.
Lượng khí đốt dự trữ tại các cơ sở dưới lòng đất ở châu Âu lần đầu tiên giảm xuống kể từ giữa tháng 4 vừa qua. Theo dữ liệu mới nhất, kho dự trữ khí đốt của “lục địa già” đã giảm 1%, mặc dù khí đốt thường chỉ được bơm vào trong giai đoạn mùa Hè và được dự trữ cho đến thời gian cao điểm của mùa đông.
Theo dự báo khá bi quan của Công ty nghiên cứu và tư vấn toàn cầu Wood Mackenzie Ltd., trong trường hợp Dự án dòng chảy phương Bắc bị đóng cửa hoàn toàn, châu Âu sẽ không thể tích lũy được lượng khí đốt mà Liên minh châu Âu (EU) đã đặt ra. Trong trường hợp này, khí đốt của châu Âu sẽ hết vào tháng 1/2023.
Trong khi đó, tập đoàn Gazprom thông báo đã giảm nguồn cung khí đốt qua Ukraine tại trạm Sudzha xuống 41,4 triệm m3 trong ngày 18/6 so với 41,9 triệu m3 ngày 17/6.
Trước đó, ngày 14/6, Gazprom thông báo đã giảm nguồn cung khí đốt qua Đức từ 167 triệu m3/ngày xuống 100 triệu m3/ngày. Nguồn cung khí đốt từ Nga sang châu Âu tiếp tục giảm thêm trong ngày 16/6 khi công ty dầu khí Eni của Italy cho biết công ty này sẽ chỉ nhận được 65% khối lượng khí đốt yêu cầu trong một ngày từ Gazprom. Gazprom giải thích nguyên nhân là do các vấn đề liên quan đến trạm bơm Portovaya. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc giảm nguồn cung khí đốt của Nga sang châu Âu trong thời gian gần đây không phải được lên kế hoạch từ trước mà xuất phát từ các vấn đề liên quan việc bảo dưỡng tuabin do các lệnh trừng phạt khiến những thiết bị được gửi đi để sửa chữa bị hoàn trả chậm.
Theo Gazprom, khối lượng khí đốt mà tập đoàn này xuất khẩu cho các nước không thuộc Liên Xô trước đây trong giai đoạn từ ngày 1/1 – 15/6 vừa qua đã giảm 28,9% so với cùng kỳ năm ngoái./.