Thế giới tuần qua: Kỳ vọng vượt qua thực tại 

(ĐCSVN) – Bên cạnh những căng thẳng trong quan hệ Mỹ – Trung hay khó khăn dai dẳng của tiến trình Brexit, trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, thế giới tuần qua (7 – 13/9) cũng ghi nhận nỗ lực của các quốc gia nhằm làm giảm bớt những bất đồng, tạo thuận lợi cho sự phát triển của mỗi nước.
Thế giới tuần qua: Kỳ vọng vượt qua thực tại

ASEAN trung lập, giải quyết các tranh chấp trên Biển Đông bằng biện pháp hòa bình

Kết thúc tuần lễ Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị liên quan, chiều tối 12/9, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã chủ trì cuộc họp báo quốc tế. Cùng tham dự trực tuyến có Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi.

 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì buổi họp báo (Ảnh: TTXVN)

Tại buổi họp báo, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh đã thông báo tóm tắt về kết quả các Hội nghị. Trong đó đã nhấn mạnh AMM 53 và các Hội nghị liên quan đã thành công tốt đẹp với sự đóng góp tích cực của các Bộ trưởng, các đối tác.

Trả lời phỏng vấn báo chí về tác động của cạnh tranh nước lớn và những diễn biến khu vực, trong đó có vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao nhấn mạnh lập trường nguyên tắc của ASEAN là trung lập, giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, đảm bảo thực thi đầy đủ Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và tiến tới đạt được Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, phù hợp.

Tham dự họp báo trực tuyến, Tổng thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã đề cao vai trò nỗ lực, chủ động của nước chủ nhà Việt Nam trong suốt thời gian qua, đặc biệt là trong gắn kết khu vực ứng phó đại dịch COVID-19 thông qua nhiều diễn đàn, cơ chế khác nhau, trong đó có Khung Kế hoạch phục hồi ASEAN sau đại dịch, dự kiến được đệ trình lên Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 tới để các lãnh đạo xem xét, thông qua.

Việc tổ chức thành công các Hội nghị trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp đã thể hiện việc chủ động thích ứng và quyết tâm mạnh mẽ của Việt Nam khi đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN. 19 Hội nghị cấp Bộ trưởng đã được tổ chức, 42 văn kiện đã được thông qua, trong đó có Thông cáo chung AMM53, Kế hoạch Hà Nội 2 của Diễn đàn khu vực ASEAN (ARF) cùng nhiều đề xuất, sáng kiến của Việt Nam. Đây là là số lượng văn kiện nhiều nhất mà các Bộ trưởng đã thông qua tại 1 kỳ Hội nghị.

Kết thúc Hội nghị, các đối tác và các nước thành viên ASEAN thống nhất đánh giá Việt Nam đã nỗ lực tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 và các Hội nghị Liên quan. Việt Nam cũng thể hiện quyết tâm để tổ chức Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 37 dự kiến diễn ra tháng 11 tới bằng hình thức trực tiếp.

Trung Quốc – Ấn Độ nỗ lực giảm căng thẳng

Ngày 11/9, Trung Quốc và Ấn Độ ra thông cáo báo chí chung, khẳng định hai bên đã đạt được đồng thuận 5 điểm về những diễn biến ở biên giới giữa hai nước cũng như quan hệ song phương.

 Xe quân sự Trung Quốc được triển khai tại khu vực biên giới với Ấn Độ (Ảnh: AP/TTXVN)

Theo đó, hai bên nhất trí tuân thủ các thỏa thuận mà lãnh đạo hai nước đã đạt được về phát triển quan hệ song phương, nhấn mạnh không để các bất đồng diễn biến thành tranh chấp; đồng thời nhất trí rằng các lực lượng hai nước ở biên giới tiếp tục đối thoại, nhanh chóng rút quân, duy trì khoảng cách thích hợp và giảm căng thẳng.

Hai bên nhất trí duy trì đối thoại và liên lạc thông qua cơ chế Đại diên đăc biêt về vấn đề biên giới, tiếp tục tiến hành các cuộc họp trong khuôn khổ Cơ chế tham vấn và điều phối các vấn đề biên giới Trung Quốc – Ấn Độ. Bộ trưởng Ngoại giao hai nước cũng nhất trí đẩy nhanh hoàn tất các biện pháp mới nhằm xây dựng lòng tin lẫn nhau, duy trì và tăng cường hòa bình, an ninh ở khu vực biên giới.

Trong tuyên bố ngày 11/9, Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết nước này sẽ duy trì liên lạc với Ấn Độ thông qua kênh ngoại giao và quân sự, đồng thời cam kết sẽ "khôi phục hòa bình và sự yên bình" tại khu vực biên giới tranh chấp của hai bên.

Quan hệ Trung Quốc - Ấn Độ đột ngột căng thẳng trở lại sau khi hai bên cáo buộc lẫn nhau nhau nổ súng trước trong một cuộc đối đầu mới nhất ở khu vực biên giới Tây Himalaya. Ấn Độ ngày cho biết tối 7/9, binh sĩ Trung Quốc tiến gần đến phần của Ấn Độ kiểm soát tại Ranh giới thực tế (LAC) ở khu vực Ladakh. Khi bị binh sĩ Ấn Độ ngăn cản, binh sĩ Trung Quốc đã bắn chỉ thiên nhằm đe dọa binh sĩ Ấn Độ.

Về phần mình, Trung Quốc khẳng định binh sĩ Ấn Độ đã vi phạm đường ranh giới không chính thức ở phía Nam hồ Pangong Tso, nói rằng binh sĩ Ấn Độ đã đe dọa nổ súng vào lực lượng tuần tra biên giới của Trung Quốc khi lực lượng này đến để đàm phán, khiến lính biên phòng Trung Quốc buộc phải có biện pháp đáp trả để ổn định tình hình. Bộ Ngoại giao Trung Quốc khẳng định binh sĩ Ấn Độ đã vượt qua LAC trái phép và là phía nổ súng trước, coi đây “một sự khiêu khích quân sự nghiêm trọng".

Trước đó, khu vực biên giới giữa Ấn Độ và Trung Quốc căng thẳng sau một loạt cuộc đụng độ đầu tháng 6 vừa qua giữa binh lính hai bên ở Đông Ladakh, thuộc vùng lãnh thổ Kashmir. Cuối tháng 6, Trung Quốc đã triển khai một lực lượng binh sĩ đáng kể đến khu vực biên giới này. Đáp lại, Ấn Độ cũng điều thêm 5.000 binh sĩ đến Ladakh để tăng viện cho lực lượng đang trấn giữ vùng đất dọc LAC.

Anh ký thỏa thuận thương mại lịch sử với Nhật Bản hậu Brexit

Chính phủ Anh, ngày 11/9, đã ký thỏa thuận thương mại với Nhật Bản. Đây là thỏa thuận đầu tiên sau khi Anh rời Liên minh châu Âu (Brexit).

Thủ tướng Anh Boris Johnson bắt tay người đồng cấp Nhật Abe Shinzo tại hội nghị thượng đỉnh G7 ở Biarritz, Pháp tháng 8/2019 (Ảnh: Reuters )

Dự kiến, 99% hàng hóa xuất khẩu của Anh sang Nhật Bản sẽ được miễn thuế. Phía Anh cũng sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản xuống 10% trước năm 2026. Đổi lại Tokyo sẽ giảm 29,8% thuế đánh vào mặt hàng thực phẩm là bơ theo giai đoạn, xuống mức 0% trước năm 2035.

Đây là thỏa thuận thương mại lớn đầu tiên của Vương quốc Anh với tư cách là một quốc gia thương mại độc lập và sẽ giúp gia tăng giá trị thương mại song phương với Nhật Bản thêm khoảng 15,2 tỷ Bảng Anh.

Ngoài Nhật Bản, Anh còn đặt mục tiêu đàm phán thương mại hậu Brexit với Mỹ, Australia, New Zealand và EU. Theo Bộ Thương mại Anh, nước này sẽ tiến hành vòng đàm phán thương mại tiếp theo với Australia vào ngày 21/9.

Trong khi đó, ngày 10/9, Anh và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc vòng đàm phán thời kỳ hậu Brexit thứ tám mà không đạt được kết quả khả quan nào. Nguyên nhân được cho là do London có kế hoạch lật lại các nội dung của Thỏa thuận rút lui đã được ký kết năm 2019 với EU.

Căng thẳng Mỹ – Trung gia tăng với vấn đề thị thực

Căng thẳng Mỹ – Trung gần đây liên tục gia tăng trên nhiều lĩnh vực. Mới đây nhất là việc ngày 9/9, Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết nước này đã thu hồi thị thực cấp cho trên 1.000 sinh viên và nhà nghiên cứu là công dân Trung Quốc. Bộ Ngoại giao Mỹ nêu rõ số du học sinh, chuyên gia Trung Quốc tại Mỹ bị thu hồi thị thực chỉ là một phần nhỏ trong tổng số sinh viên và chuyên gia Trung Quốc đến nước này học tập. Bộ này nhấn mạnh Washington vẫn tiếp tục chào đón những sinh viên và các nhà nghiên cứu "hợp pháp " từ Trung Quốc mà không liên quan đến quân đội Trung Quốc.

Trước đó, hồi tháng 5, Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng ban hành sắc lệnh 10043, dừng cấp thị thực cho sinh viên cao học và các nhà nghiên cứu Trung Quốc, cho rằng nhiều người trong số này "mưu toan đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ và tìm kiếm thông tin hỗ trợ chương trình hiện đại hóa quân đội" của Trung Quốc. Washington cho rằng đây là những đối tượng tiềm ẩn nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nước này. Dự báo sắc lệnh này có thể ảnh hưởng đến 3.000 - 5.000 sinh viên, nhà nghiên cứu Trung Quốc.

 Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên (Ảnh: AFP/TTXVN)

Phản đối quyết định của Mỹ, Trung Quốc ngày 10/9 đã cáo buộc Mỹ phân biệt đối xử. Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên khẳng định việc Mỹ thu hồi thị thực của các sinh viên và nhà nghiên cứu Trung Quốc là hành động "vi phạm nhân quyền".

Tiếp đó, Bộ Ngoại giao Trung Quốc ngày 11/9 thông báo đã áp đặt các hạn chế đi lại đối với nhân viên Đại sứ quán cũng như các Lãnh sự quán Mỹ tại Trung Quốc đại lục và Đặc khu hành chính Hong Kong (Trung Quốc). Bắc Kinh cho rằng đây là phản ứng cần thiết trước những quyết định sai lầm gần đây của Mỹ, nhưng không nêu chi tiết các biện pháp hạn chế trên.

Trung Quốc đã gửi công hàm thông báo về các hạn chế “có đi, có lại” tới Đại sứ quán và các Lãnh sự quán Mỹ. Động thái này diễn ra một tuần sau khi Chính quyền Tổng thống Donald Trump yêu cầu các nhà ngoại giao cấp cao Trung Quốc phải được Bộ Ngoại giao Mỹ cấp phép trước khi đến các trường đại học hoặc tổ chức các sự kiện văn hóa có từ 50 người tham gia trở lên.

Bầu cử Tổng thống Mỹ vào giai đoạn "nước rút"

Trong bối cảnh chỉ còn chưa đầy hai tháng nữa là đến ngày bầu cử Tổng thống Mỹ, các ứng cử viên của đảng Cộng hòa và Dân chủ đã khởi động chặng cuối cùng của cuộc đua vào Nhà Trắng nhằm thu hút sự ủng hộ của cử tri.

 Tổng thống Donald Trump vẫy tay chào những người ủng hộ tại sân bay quốc tế MBS ở Freeland, bang Michigan (Ảnh: USAToday)

Trong khi ứng cử viên tổng thống Mỹ của đảng Dân chủ - cựu Phó Tổng thống Joe Biden - cùng đối tác liên danh tranh cử là Thượng nghị sĩ Kamala Harris nỗ lực tuyên truyền thông điệp tranh cử tại các bang dao động "buộc phải thắng" là Pennsylvania và Wisconsin, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bất ngờ tổ chức một buổi họp báo tại Nhà Trắng vào đúng Ngày Lao động.

Tại sự kiện này, ông chủ Nhà Trắng một lần nữa đề cập tới khả năng có vaccine phòng dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 trước ngày bầu cử 3/11 tới, điều mà các chuyên gia y tế cho rằng khó có khả năng xảy ra. Ông cũng đồng thời chỉ trích các đối thủ đảng Dân chủ đang lợi dụng vaccine vì động cơ chính trị sau khi các chính khách hàng đầu của đảng này tỏ ý nghi ngờ về hiệu quả của các loại vaccine tiềm năng có thể được ra mắt trong năm nay. Bên cạnh đó, Tổng thống Trump đã nhấn mạnh tới sự phục hồi của thị trường lao động Mỹ sau các tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19.

Các kết quả thăm dò gần đây cho thấy cựu Phó Tổng thống Biden vẫn tạm dẫn trước đương kim Tổng thống Trump về tỷ lệ ủng hộ. Dự báo bầu cử 2020 do trang FiveThirtyEight công bố ngày 12/8 cho thấy ứng cử viên Biden có thể giành được 323 phiếu đại cử tri, trong khi Tổng thống Trump nhận được 215 phiếu đại cử tri. Tuy nhiên, bầu cử Tổng thống Mỹ luôn được đánh giá là một cuộc đua gay cấn, khó đoán định và luôn có thể xuất hiện những yếu tố khó đoán định.

Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua nghị quyết về ứng phó dịch COVID-19

Ngày 11/9, Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua một nghị quyết gồm nhiều nội dung xác định hợp tác quốc tế, chủ nghĩa đa phương và tinh thần đoàn kết là cách thức duy nhất để thế giới ứng phó hiệu quả với các cuộc khủng hoảng toàn cầu như đại dịch COVID-19 hiện nay.

Đến sáng 13/9/2020, thế giới có tổng số 28.938.095 ca nhiễm và 924.558 ca tử vong vì dịch COVID-19 (Ảnh: Retuers) 

Nghị quyết ủng hộ lời kêu gọi của Tổng Thư ký Liên hợp quốc về việc thực thi một lệnh ngừng bắn toàn cầu ngay lập tức, lưu ý quan ngại về tác động của đại dịch đối với các quốc gia chịu ảnh hưởng do xung đột và những quốc gia có nguy cơ xung đột, đồng thời ủng hộ các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên và tất cả các bên liên quan thúc đẩy sự đoàn kết và thống nhất trong việc ứng phó đại dịch COVID-19, cũng như ngăn chặn, lên tiếng và hành động mạnh mẽ chống tình trạng phân biệt chủng tộc, bài ngoại, phát ngôn thù hận, bạo lực và phân biệt đối xử.

Bên cạnh đó, nghị quyết cũng kêu gọi các nước bảo đảm rằng tất cả các quyền con người được tôn trọng, bảo vệ và được đáp ứng đầy đủ, nhấn mạnh các biện pháp phòng chống dịch phải tuân thủ đầy đủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người. Văn kiện hối thúc các quốc gia thành viên triển khai biện pháp ứng phó ở cấp toàn chính phủ và toàn xã hội nhằm tăng cường hệ thống y tế cũng như hệ thống hỗ trợ và chăm sóc xã hội, cùng năng lực sẵn sàng và ứng phó.

Nghị quyết cũng kêu gọi các quốc gia đảm bảo quyền phụ nữ và trẻ em gái được hưởng tiêu chuẩn y tế cao nhất có thể, bao gồm sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản, quyền sinh sản. Văn kiện kêu gọi các nước thành viên tạo điều kiện để tất cả các quốc gia được tiếp cận kịp thời và dễ dàng với các phương pháp chẩn đoán, điều trị, thuốc và vaccine chất lượng, an toàn, hiệu quả và giả cả phải chăng, cũng như các công nghệ y tế thiết yếu để đối phó với COVID-19.

Nghị quyết công nhận vai trò của chương trình tiêm chủng mở rộng để chống lại dịch COVID-19 như một lợi ích cộng đồng toàn cầu một khi có các loại vaccine an toàn, hiệu quả, dễ tiếp cận với giá cả phải chăng; đồng thời tái khẳng định sự cần thiết phải đảm bảo sự tiếp cận an toàn, kịp thời và không bị cản trở của các nhân viên y tế và nhân đạo ứng phó với đại dịch COVID-19.

Nghị quyết kêu gọi các quốc gia thành viên bảo đảm bảo vệ những đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất, phụ nữ, trẻ em, giới trẻ, người khuyết tật, người nhiễm HIV/AIDS, người cao tuổi, người bản địa, người tị nạn và người phải đi di tản trong nước, người di cư và người nghèo, người dễ bị tổn thương..., cũng như ngăn chặn mọi hình thức phân biệt đối xử.

Nghị quyết được đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp. Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cho thấy đến sáng 13/9, thế giới có tổng số 28.938.095 ca nhiễm và 924.558 ca tử vong vì dịch COVID-19. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới./.

 
PV (Tổng hợp)
241 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 837
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 837
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87071742