Miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ: Chìa khóa mở kho vaccine thế giới
|
WTO nhất trí xây dựng lộ trình đàm phán hướng tới soạn thảo một thỏa thuận nhằm đạt mục tiêu tăng cường cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 10/6, trong cuộc họp ở Geneva (Thụy Sĩ) liên quan tới đề xuất tạm thời miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine ngừa COVID-19, các thành viên Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) đã nhất trí xây dựng lộ trình đàm phán hướng tới soạn thảo một thỏa thuận nhằm đạt mục tiêu tăng cường cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển. WTO dự kiến bắt đầu thảo luận ngày 17/6 để xác định hình thức đàm phán.
Mặc dù chưa thể có câu trả lời đối với vấn đề miễn trừ quyền sở hữu vaccine, song việc các thành viên WTO đồng ý khởi động đàm phán đã được đánh giá là một bước tiến, bởi đây là chủ đề gây tranh cãi giữa các nhóm nước và các hãng dược phẩm thời gian qua.
Các bên ủng hộ đề xuất này nhấn mạnh việc miễn trừ quyền sở hữu trí tuệ đối với vaccine cho phép thế giới tiếp cận công bằng với các công cụ chống dịch COVID-19, bởi vậy đây vừa là vấn đề kinh tế vừa là vấn đề đạo đức. Xét về mặt nguyên tắc, Hiệp định về các khía cạnh liên quan đến thương mại của quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS) đã thừa nhận quyền và nhu cầu thường xuyên của các chính phủ đối với sở hữu trí tuệ trong trường hợp khẩn cấp để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Trong bối cảnh thế giới đang cần đẩy nhanh sản xuất vaccine ngừa COVID-19 nhằm đối phó với sự biến đổi nhanh chóng của virus, hàng chục quốc gia, chủ yếu là các nước đang phát triển, cùng nhiều tổ chức đã kêu gọi tạm thời từ bỏ các quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cả bằng sáng chế đối với vaccine ngừa COVID-19, theo đó các nước đang phát triển có thể sản xuất hoặc nhập khẩu các liều vaccine gốc mà không cần sự cho phép của các công ty sở hữu bằng sáng chế.
Tuy nhiên, không phải tất cả đều mặn mà với đề xuất tạm dỡ bỏ bản quyền vaccine ngừa COVID-19. Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB) David Malpass tuyên bố, WB không ủng hộ việc từ bỏ quyền sở hữu trí tuệ với vaccine ngừa COVID-19 do lo ngại điều này sẽ cản trở sự đổi mới trong lĩnh vực dược phẩm. Ngoài ra, ông cũng một lần nữa kêu gọi các quốc gia giàu có nhanh chóng hỗ trợ các nước đang phát triển số vaccine đang dư thừa của mình.
Hội nghị thượng đỉnh G7 thảo luận nhiều vấn đề nóng trên toàn cầu
|
Hội nghị G7 diễn ra từ ngày 11-13/6 tại Cornwall, phía Tây Nam vùng England (Anh).
(Ảnh: Getty Images) |
Diễn ra từ ngày 11-13/6 (giờ địa phương) tại Cornwall, phía Tây Nam vùng England (Anh), Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) lần đầu tiên được tổ chức theo hình thức trực tiếp sau 2 năm gián đoạn vì đại dịch COVID-19. Hội nghị năm nay diễn ra với kỳ vọng đặc biệt vào việc nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden đang quay trở lại mạnh mẽ.
Những vấn đề đáng chú ý nhất sẽ được các nhà lãnh đạo G7 thảo luận tại cuộc họp lần này cũng là những vấn đề được thế giới đặc biệt quan tâm. Đó là kế hoạch phục hồi sau đại dịch, kế hoạch phân phối và chia sẻ vaccine COVID-19, sáng kiến về biến đổi khí hậu hoặc mức thuế tối thiểu chung cho các doanh nghiệp quốc tế. Với tư cách chủ nhà, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định cuộc họp G7 lần này là cơ hội để rút ra bài học từ đại dịch COVID-19 và các nước G7 sẽ cùng nhau phục hồi tốt hơn, xanh hơn.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp tại nhiều nơi trên thế giới với sự lây lan của nhiều biến thể mới nguy hiểm hơn, có khả năng lây nhiễm cao hơn trong khi tỷ lệ tiêm chủng trên thế giới lại không đồng đều. Trước khi sự kiện này diễn ra, ông Boris Johnson cho biết, các nhà lãnh đạo G7 sẽ nhất trí mở rộng sản xuất vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu để cung cấp ít nhất 1 tỷ liều vaccine cho thế giới thông qua các cơ chế chia sẻ và tài trợ.
Anh tuyên bố sẽ tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine ngừa COVID-19 trong vòng năm tới, ưu tiên những nước nghèo nhất, trong đó 5 triệu liều bắt đầu triển khai ngay trong những tuần tới, 25 triệu liều vào cuối năm nay. Mỹ cũng đã thông báo tặng 500 triệu liều vaccine cho 92 quốc gia có mức thu nhập từ nghèo đến trung bình thấp. Các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) cũng nhất trí tặng ít nhất 100 triệu liều vaccine vào cuối năm 2021, trong đó riêng Pháp và Đức mỗi nước tặng 30 triệu liều.
Theo kế hoạch, sau khi Hội nghị 3 ngày kết thúc, hầu hết lãnh đạo các nước G7 sẽ tới Brussels để tham gia cuộc họp của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra vào ngày 14/6.
Hội nghị đặc biệt các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc
|
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc nhân kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác (1991-2021). (Ảnh: dangcongsan.vn) |
Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN - Trung Quốc được tổ chức ngày 7/6/2021 tại Trùng Khánh, Trung Quốc, để kỷ niệm 30 năm quan hệ đối tác ASEAN - Trung Quốc (1991 - 2021). Cùng dịp này, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Mê Kông - Lan Thương lần thứ 6 (MLC-6) được tổ chức ngày 8/6/2021, đánh dấu 5 năm hình thành và phát triển của cơ chế hợp tác MLC.
Đây là các Hội nghị trực tiếp đầu tiên ở cấp Bộ trưởng Ngoại giao (BTNG) trong khuôn khổ ASEAN - Trung Quốc và hợp tác Mê Kông - Lan Thương sau một thời gian dài bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19. Việc tổ chức thành công các Hội nghị trực tiếp này thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Trung Quốc trong vai trò nước chủ nhà, đồng thời cho thấy cam kết mạnh mẽ của các nước đối với các cơ chế hợp tác này.
Bên cạnh ý nghĩa kỷ niệm và mang tính dấu mốc, các Hội nghị này cũng là dịp để các BTNG rà soát, đánh giá hợp tác và trao đổi, đề xuất những định hướng nhằm phát triển hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược và hợp tác toàn diện ASEAN - Trung Quốc và cơ chế MLC trong thời gian tới, đóng góp tích cực cho hòa bình, an ninh, ổn định và phát triển thịnh vượng ở khu vực.
Hội nghị khẳng định duy trì môi trường hòa bình, an ninh, ổn định ở khu vực, trong đó có ở Biển Đông, là quan tâm và lợi ích chung của cả ASEAN và Trung Quốc. Các Bộ trưởng hoan nghênh Cuộc họp các quan chức cao cấp ASEAN -Trung Quốc về triển khai Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) lần thứ 19 diễn ra trước đó, cam kết tiếp tục thực hiện đầy đủ và hiệu quả DOC, nối lại tiến trình đàm phán xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) hiệu quả, thực chất, phù hợp với luật pháp quốc tế và Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).
Kết thúc Hội nghị, nước điều phối Philippines và Trung Quốc đã ra Tuyên bố Đồng Chủ tịch thông báo kết quả Hội nghị đặc biệt Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-Trung Quốc. Theo đó, tại Hội nghị BTNG MLC lần thứ 6, các Bộ trưởng đã đề ra 4 nội dung ưu tiên cho thời gian tới gồm: Hợp tác nguồn nước và môi trường nhằm giải quyết các vấn đề lớn của khu vực như môi trường sinh thái sông Mê Kông, lũ lụt và hạn hán, biến đổi khí hậu; tăng cường hợp tác ứng phó dịch COVID-19; phục hồi kinh tế sau đại dịch; khuyến khích hợp tác giữa chính quyền địa phương 6 nước để phát huy tiềm năng và lợi thế cạnh tranh của các địa phương và nâng cao hiệu quả chung của MLC. Những định hướng này đặt cơ sở cho việc xây dựng kế hoạch hành động MLC trong giai đoạn 5 năm tiếp theo.
Chuyến công du đầu tiên của Tổng thống Joe Biden tới châu Âu
|
Tổng thống Mỹ J.Biden đã bắt đầu chuyến thăm tới châu Âu, đồng thời cũng là chuyến công du đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. (Ảnh: AP) |
Ngày 10/6, Tổng thống Mỹ J.Biden đã bắt đầu chuyến thăm tới châu Âu, đồng thời cũng là chuyến công du đầu tiên của ông kể từ khi nhậm chức. Chuyến đi này được kỳ vọng sẽ mở ra cơ hội hàn gắn mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương sau 4 năm đầy trắc trở dưới thời chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump.
Theo đó, Anh được ông J.Biden lựa chọn là điểm dừng chân đầu tiên trong chuyến công du châu Âu kéo dài 8 ngày của ông. Chuyến đi của ông J.Biden nằm trong khuôn khổ một loạt sự kiện đa phương đáng chú ý của Mỹ tại châu Âu trong cả một tuần. Ngay sau khi hạ cánh đến Anh, Tổng thống J.Biden đã có bài phát biểu đầu tiên tại căn cứ Không quân Hoàng gia Anh RAF Mildenhall, nơi có các binh sĩ Mỹ đồn trú.
Trong bài phát biểu dài hơn 20 phút, ông J.Biden khẳng định Mỹ đã trở lại cùng sát cánh với các đồng minh châu Âu nỗ lực sớm kiểm soát đại dịch COVID-19, tái thiết và khôi phục nền kinh tế; xây dựng hệ thống thương mại bền vững và công bằng giữa Mỹ và EU, chống biến đổi khí hậu và đối phó với các cuộc tấn công mạng.
Chuyến công du có ý nghĩa quan trọng không chỉ với Mỹ mà cả với các nước châu Âu, bởi trước đó quan hệ giữa Mỹ - châu Âu rạn nứt nghiêm trọng dưới thời chính quyền D.Trump do nhiều bất đồng như vụ tranh chấp kéo dài hơn 2 thập kỷ giữa hai hãng chế tạo máy bay Airbus-Boeing, Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) liên tục tuyên bố các biện pháp trả đũa thương mại và đỉnh điểm là việc Mỹ yêu cầu các đồng minh của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) tăng mức đóng góp cho ngân sách chung của NATO nếu không sẽ rời NATO.
Theo lịch trình 8 ngày công du tại châu Âu, ông J.Biden sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 từ ngày 11-13/6 tại Anh, tiếp đó là Hội nghị Thượng đỉnh NATO và EU - Mỹ từ ngày 14 - 15/6. Kết thúc chuyến công du, Tổng thống J.Biden sẽ có cuộc hội đàm song phương với Tổng thống Nga Putin tại Thụy Sĩ.
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres đắc cử nhiệm kỳ hai
|
Tổng Thư ký Liên hợp quốc António Guterres. (Ảnh: Reuters) |
Ngày 8/6, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã họp thông qua Nghị quyết 2580 (2021) kiến nghị Đại hội đồng Liên hợp quốc bổ nhiệm ông António Guterres, Tổng Thư ký Liên hợp quốc đương nhiệm, làm Tổng Thư ký nhiệm kỳ hai từ ngày 1/1/2022 – 31/12/2026.
Ông Guterres, 72 tuổi, giữ chức Tổng thư ký Liên hợp quốc kể từ ngày 1/1/2017. Nhiệm kỳ hiện tại của ông sẽ hết vào cuối năm nay. Nhiệm kỳ đầu của ông Guterres buộc phải tập trung vào hạn chế những thiệt hại tiềm tàng của chính sách đối ngoại đơn phương, dân tộc chủ nghĩa của Tổng thống Mỹ khi đó là ông Donald Trump, người luôn đặt câu hỏi về giá trị của Liên hợp quốc và chủ nghĩa đa phương.
Trong một tuyên bố đưa ra hôm 8/6, ông Guterres bày tỏ lòng biết ơn đối với các thành viên của Hội đồng Bảo an vì sự tin tưởng của họ đối với ông cũng như lòng biết ơn của ông đối với Bồ Đào Nha vì đã tái đề cử của ông. Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres cũng đồng thời nhấn mạnh các ưu tiên trong nhiệm kỳ tới gồm tiếp tục ứng phó với đại dịch COVID-19 và giải quyết các hậu quả của đại dịch. Ông Guterres cho biết sẽ nỗ lực thúc đẩy hòa bình và an ninh, trong đó tập trung huy động sự ủng hộ đối với các giải pháp chính trị cho các cuộc xung đột kéo dài; đồng thời sẽ thúc đẩy xây dựng một tầm nhìn mới cho các hoạt động hòa bình, tăng cường hành động gìn giữ hòa bình, duy trì hòa bình và bảo vệ dân thường.
Nhà lãnh đạo vừa tái đắc cử của Liên hợp quốc cũng cam kết tiếp tục thúc đẩy bảo vệ môi trường và tăng cường các biện pháp khắc phục biến đổi khí hậu. Về vấn đề hợp tác giữa Tổng Thư ký Liên hợp quốc và Hội đồng Bảo an, ông Guterres cam kết nỗ lực cùng Hội đồng Bảo an giải quyết các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh, góp phần phục vụ người dân trên thế giới./.