Iran tiếp tục thể hiện lập trường cứng rắn với Mỹ
Ngày 11/7, Chủ tịch Ủy ban An ninh Quốc gia và Chính sách Đối ngoại thuộc Quốc hội Iran – ông Mojtaba Zolnour cảnh báo: Iran sẽ thực hiện các bước đi mạnh mẽ hơn nếu như các nước châu Âu không thực hiện những cam kết của họ theo thỏa thuận hạt nhân được ký kết năm 2015.
Trong một tuyên bố đưa ra cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cũng bày tỏ lập trường cứng rắn khi khẳng định nước này sẽ không đàm phán với Mỹ, chừng nào các lệnh trừng phạt vẫn được chưa được gỡ bỏ.
Lò phản ứng hạt nhân Arak của Iran. (Ảnh: AFP)
Trước đó, Iran đã tỏ rõ quyết tâm không khuất phục trước các động thái gây sức ép từ phía Mỹ, với lời cảnh báo được đưa ra ngày 8/7 về việc nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ tái khởi động các máy ly tâm vốn đã bị vô hiệu hóa và nâng mức làm giàu urani lên 20%. Đây được xem là một bước đi mạnh mẽ tiếp theo của Iran sau khi Tehran tuyên bố đã làm giàu urani vượt mức 3,67% theo quy định của thỏa thuận hạt nhân và Cơ quan Năng lượng Nguyên tử quốc tế (IAEA) cũng đã xác nhận điều này.
Ngày 10/7, Tổng thống Mỹ D. Trump cáo buộc Iran "âm thầm" làm giàu urani trong thời gian dài, đồng thời cảnh báo Washington sẽ sớm tăng cường các biện pháp trừng phạt quốc gia Hồi giáo này.
Căng thẳng trong quan hệ giữa Mỹ và Iran đã bùng phát trở lại sau khi Tổng thống D.Trump đơn phương tuyên bố rút khỏi thỏa thuận hạt nhân lịch sử vào tháng 5/2018 và áp đặt trở lại các biện pháp trừng phạt Iran, trong một chiến dịch gây sức ép để buộc Iran tiếp tục đàm phán sâu hơn về các hoạt động hạt nhân, tên lửa đạn đạo và chính sách của nước này trong khu vực.
Nguy cơ đụng độ quân sự gia tăng kể từ khi xảy ra các vụ tấn công 2 tàu chở dầu ở Vịnh Oman hôm 13/6 và 4 tàu chở hàng ở ngoài khơi Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) hôm 12/5. Mỹ cáo buộc Iran tiến hành các vụ tấn công này, song Tehran kịch liệt bác bỏ.
Ngày 12/7, với 251 phiếu thuận và 170 phiếu chống, Hạ viện Mỹ do phe Dân chủ kiểm soát đã thông qua một nội dung sửa đổi trong một dự luật chi tiêu quốc phòng năm 2020 nhằm ngăn chặn Tổng thống Donald Trump triển khai biện pháp quân sự nhằm vào Iran.
Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận gói thiết bị S-400 đầu tiên từ Nga
Ngày 12/7, Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu tiếp nhận những thiết bị đầu tiên thuộc hệ thống phòng không tối tân S-400 do Nga sản xuất. Đây cũng là công đoạn hoàn tất cuối cùng của một bản hợp đồng mua bán vũ khí gây nhiều tranh cãi và có nhiều nguy cơ khiến Thổ Nhĩ Kỳ phải đối mặt với lệnh trừng phạt của Mỹ.
Máy bay vận tải Antonov của Nga chở theo các thiết bị của hệ thống S-400 tới căn cứ không quân Murted của Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 12/7. (Ảnh: Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ/Xinhua)
Trong tuyên bố đưa ra cùng ngày, Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, gói thiết bị đầu tiên của hệ thống phòng không S-400 đã được 3 chiếc máy bay quân sự của Nga vận chuyển tới căn cứ không quân Murted thuộc ngoại ô thủ đô Ankara. Dự kiến, hai gói thiết bị nữa sẽ tiếp tục được Nga bàn giao cho Thổ Nhĩ Kỳ trong những ngày tới.
Việc Nga bàn giao các thiết bị S-400 cho Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 12/7 là kết quả của một thỏa thuận mua bán vũ khí gây nhiều tranh cãi được hai nước ký kết vào năm 2017. Giới phân tích cảnh báo, việc Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tỏ ra sẵn sàng tăng cường hợp tác với Nga có nguy cơ sẽ châm ngòi cho một giai đoạn sóng gió mới trong quan hệ giữa hai nước đồng minh chủ chốt trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là Thổ Nhĩ Kỳ và Mỹ.
Ngay sau khi Thổ Nhĩ Kỳ tiếp nhận lô thiết bị S-400 đầu tiên do Nga bàn giao, thị trường tài chính nước này đã có phản ứng tiêu cực khi đồng lira đã giảm 1,5% so với đồng USD với tỷ lệ trao đổi trong phiên giao dịch ngày 12/7 là 1 đồng USD ăn 5,76 lira.
Hàn Quốc nỗ lực tìm kiếm giải pháp ngoại giao với Nhật Bản
Ngày 10/7, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chỉ trích việc Nhật Bản áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu sang Hàn Quốc là hành vi mang “động cơ chính trị”, đồng thời hối thúc nước láng giềng không đẩy tình hình tới “bước đường cùng”.
Tổng thống Hàn quốc Moon Jae-in (giữa) gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương tại Phủ Tổng thống, ngày 10/7. (Ảnh: Yonhap)
Phát biểu trong cuộc gặp gỡ các lãnh đạo doanh nghiệp địa phương tại Phủ Tổng thống, ông Moon Jae-in nhấn mạnh, Chính phủ Hàn Quốc đang nỗ lực tối đa để tìm kiếm một giải pháp ngoại giao cho tình hình căng thẳng hiện nay với Nhật Bản.
Ông Moon Jae-in cho rằng, Nhật Bản đang áp dụng biện pháp cấm vận để hủy hoại nền kinh tế Hàn Quốc vì mục đích chính trị, thậm chí là có liên hệ với các lệnh trừng phạt chống Triều Tiên mà không dựa trên bất kỳ cơ sở nào. Đây là một hành động “không phù hợp” với các mối quan hệ thân thiện và hợp tác an ninh giữa hai nước, cũng như có tác động tiêu cực tới chính nền kinh tế của Nhật Bản, Hàn Quốc và thế giới.
Qua đó, ông Moon Jae-in khẳng định, Chính phủ Hàn Quốc sẽ thúc đẩy hợp tác quốc tế để ứng phó với các biện pháp hạn chế của Nhật Bản, trong khi chuẩn bị tâm thế sẵn sàng cho mọi tình huống, gồm cả việc bị đẩy vào một tình thế căng thẳng kéo dài về thương mại với nước láng giềng.
Mỹ áp đặt thuế thép nhập khẩu mới lên Mexico và Trung Quốc
Ngày 8/7, Mỹ tuyên bố sẽ áp đặt lệnh thuế mới lên một số sản phẩm thép nhập khẩu từ Mexico và Trung Quốc, cho rằng các nhà xuất khẩu thép tại các quốc gia này nhận được sự trợ cấp thiếu công bằng.
Công nhân làm việc tại Liên Vân Cảng, Giang Tô, Trung Quốc
ngày 30/62019. (Ảnh: Reuters)
Bộ Thương mại Mỹ đã phát hiện rằng các nhà xuất khẩu thép kết cấu xây dựng của Trung Quốc được hưởng các khoản trợ cấp từ 30% đến 177%, trong khi các nhà xuất khẩu thép tại Mexico được hưởng 74%.
Bộ này cho biết sẽ trình Cục Hải quan và Biên phòng, yêu cầu bắt đầu thu đặt cọc bằng tiền mặt từ các nhà nhập khẩu các sản phẩm thép từ Trung Quốc và Mexico. Đây là quyết định sơ bộ được Bộ thương mại Mỹ đưa ra và phán quyết cuối cùng sẽ được công bố có thể vào ngày 19/11/2019.
Bộ Thương mại Mỹ cũng điều tra các sản phẩm thép kết cấu xây dựng nhập khẩu từ Canada nhưng cho biết các khoản trợ cấp đối với sản phẩm này của Canada dưới 1%. Do trợ cấp ở Canada không đáng kể nên Washington không áp đặt thuế đối với các sản phẩm thép nhập khẩu từ nước này.
Theo số liệu do Bộ Thương mại Mỹ công bố, năm 2018, Mỹ nhập khẩu 897,5 triệu USD thép kết cấu xây dựng của Trung Quốc và 622,4 triệu USD từ Mexico.
Chính phủ và phe đối lập Venezuela nối lại đàm phán
Ngày 11/7, Chính phủ Venezuela và phe đối lập nước này đã kết thúc cuộc đàm phán tại Barbados dưới sự trung gian của Na Uy, trong đó các bên thống nhất sẽ thiết lập một cơ chế làm việc thường trực để tìm kiếm giải pháp cho cuộc khủng hoảng chính trị, kinh tế và xã hội trầm trọng trong nước hiện nay.
Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro (phải) và lãnh đạo đối lập Juan Guaido. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Na Uy, các bên đã thỏa thuận sẽ thành lập một nhóm làm việc thường xuyên như một phần của tiến trình đối thoại hiện nay với mục tiêu đạt được một giải pháp có sự đồng thuận và trên cơ sở tuân thủ đúng Hiến pháp Venezuela. Dự kiến, các bên sẽ tiếp tục tham vấn lẫn nhau để có thể thúc đẩy tiến trình đàm phán.
Liên quan đến tình hình Venezuela, cùng ngày, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Bolivia Evo Morales nhất trí cho rằng bất cứ hành động can thiệp nào từ bên ngoài vào công việc nội bộ của Venezuela đều không thể chấp nhận được.
Phát biểu sau cuộc họp báo tại Moskva nhân chuyến thăm chính thức Nga của Tổng thống Morales, hai nhà lãnh đạo khẳng định sự ủng hộ đối với việc tuân thủ luật pháp quốc tế và chủ nghĩa đa phương, phản đối những âm mưu đảo chính và can thiệp như đã và đang diễn ra trong thời gian qua tại Venezuela.
Khủng hoảng chính trị bùng phát tại Venezuela từ ngày 23/1, sau khi Chủ tịch Quốc hội Juan Guaido bác bỏ vai trò của Tổng thống hợp hiến Nicolas Maduro và tự phong làm Tổng thống lâm thời của Venezuela. Mỹ và một số nước đồng minh ở khu vực Mỹ Latinh đã công nhận chức vụ tự phong của ông Guaido. Trong khi đó, một số nước Liên minh châu Âu (EU) cũng đã hưởng ứng động thái trên của Mỹ sau khi chính quyền Caracas bác bỏ lời kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới vào khoảng thời điểm do EU ấn định.
British Airways đối mặt với án phạt gần 230 triệu USD
Tập đoàn hàng không IAG, công ty mẹ của hãng hàng không Anh British Airways (BA) ngày 8/7 cho biết, Văn phòng Ủy viên thông tin Anh (ICO) có ý định phạt 183,4 triệu Bảng Anh (229,8 triệu USD) sau vụ thông tin cá nhân khách hàng từ trang web của hãng này bị đánh cắp vào năm ngoái.
Máy bay của British Airways đỗ tại sân bay Heathrow, London, Anh. (Ảnh: AFP/TTXVN)
Án phạt được đưa ra liên quan đến dữ liệu thông tin trên thẻ tín dụng của khoảng 500.000 khách hàng bị đánh cắp trong khoảng thời gian từ tháng 6 đến tháng 9 năm ngoái, ICO cho biết.
Theo IAG, đề xuất án phạt mà ICO đưa ra tương đương với 1,5% tổng doanh thu của BA trong năm 2017.
ICO cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tin tặc tấn công thông tin trên trang web của BA được cho là sự yếu kém trong an ninh mạng. Theo báo cáo, các thủ phạm đã đánh cắp dữ liệu bao gồm địa chỉ thanh toán, địa chỉ email và thông tin thanh toán thẻ của khách hàng - bao gồm số thẻ, ngày hết hạn…
Trước đó, hãng BA cho biết nhiều thông tin cá nhân và dữ liệu tài chính từ 380.000 thẻ thanh toán của các khách hàng đã bị đánh cắp trong một vụ trộm dữ liệu./.
PV (tổng hợp)