Thế giới tuần qua: Gian nan giải quyết những bất đồng 

(ĐCSVN) – Thế giới vừa trải qua một tuần (28/7 – 3/8) đầy căng thẳng khi các diễn đàn quốc tế liên tục “nóng” lên vì vấn đề Biển Đông, hòa bình trên bán đảo Triều Tiên, hay cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung..., đòi hỏi cộng đồng quốc tế phải nỗ lực hành động vì hòa bình, đoàn kết và tuân thủ luật pháp quốc tế.
Thế giới tuần qua: Gian nan giải quyết những bất đồng

ASEAN ra Tuyên bố chung bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông

Tối 31/7, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra tuyên bố chung, trong đó kêu gọi các bên tránh làm tăng căng thẳng ở Biển Đông bằng việc cải tạo thực địa hay các sự cố nghiêm trọng.

Trong Tuyên bố chung được phát đi, các Bộ trưởng ghi nhận quan ngại về các hoạt động tôn tạo bồi đắp, đặc biệt là những sự cố nghiêm trọng đang diễn ra trên Biển Đông, đã làm xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng và gây phương hại tới hoà bình, an ninh và ổn định khu vực.

Theo đó, ASEAN tái khẳng định tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982, kêu gọi các bên kiềm chế, không quân sự hoá và tránh có các hành động làm phức tạp tình hình; giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế, Công ước Luật Biển 1982. Các nước ASEAN cam kết duy trì tiếp tục nỗ lực thực hiện đầy đủ, hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hiệu lực, thực chất.

Hàn Quốc lại thông báo Triều Tiên phóng tên lửa

Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân (JCS) Hàn Quốc cho biết: Triều Tiên đã phóng hai vật thể được cho là tên lửa đạn đạo tầm ngắn từ vùng biển phía Đông của nước này vào lần lượt 5 giờ 06 phút và 5 giờ 27 phút sáng 31/7 từ khu vực Kalma thuộc vùng cảng phía Đông thành phố Wosan. Theo JCS, cả hai quả tên lửa của Triều Tiên đã bay được khoảng 250 km, ở độ cao xấp xỉ 30 km.

Trước đó, sáng sớm 25/7, JCS cũng xác nhận Triều Tiên đã phóng hai tên lửa tầm ngắn từ một vị trí thuộc bán đảo Hodo, gần thị trấn bờ biển Wosan thuộc phía Đông nước này về hướng biển Nhật Bản. Các quả tên lửa đã bay được khoảng 600 km, ở độ cao 50 km và được xác định là tên lửa đạn đạo Iskander phiên bản của Triều Tiên (KN-23). Tuy nhiên, phía Triều Tiên lại khẳng định rằng các thiết bị mà nước này phóng đi ngày 25/7 là một loại vũ khí dẫn đường chiến thuật kiểu mới.

Trong tuyên bố ngày 31/7, JCS nhận định việc Triều Tiên liên tiếp thực hiện các vụ phóng tên lửa không giúp thúc đẩy các nỗ lực hạ nhiệt căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời kêu gọi Triều Tiên “chấm dứt các hành động tương tự”.

Các vụ phóng diễn ra trong bối cảnh Triều Tiên và Mỹ vẫn chưa thể tổ chức cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa ở cấp chuyên viên như lãnh đạo hai nước đã nhất trí tại cuộc gặp bất ngờ ở làng đình chiến Panmunjom cuối tháng 6. Bên cạnh đó, Triều Tiên tiếp tục hứng chịu các lệnh trừng phạt của Mỹ; Washington và đồng minh Hàn Quốc tiếp tục tổ chức tập trận chung, như cuộc tập trận chung 19-2 Dong Maeng vào tháng 8 tới, bất chấp Triều Tiên vẫn coi những cuộc diễn tập như vậy là hành động chuẩn bị cho cuộc xâm lược Bình Nhưỡng.

Các vụ đánh bom liên tục xảy ra tại Idlib trong 3 tháng qua. (Ảnh: AFP)

Syria chấp nhận thỏa thuận ngừng bắn “có điều kiện” tại Idlib

Ngày 1/8, Chính phủ Syria thông báo đã “chấp nhận một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ tối thứ năm (1/8) tại Idlib, với điều kiện thỏa thuận giảm leo thang (đạt được hồi tháng 9 năm 2018 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ) được thực thi”. Khu vực Idlib (phía Tây Bắc) là thành trì của quân nổi dậy tại Syria và là mục tiêu chiến dịch quân sự quy mô được chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad tiến hành từ cuối tháng 4 vừa qua.

Ngay sau khi thông báo về thỏa thuận ngừng bắn “có điều kiện” được Chính phủ Syria đưa ra, hãng thông tấn Interfax dẫn lời đặc phái viên của Nga về Syria Alexander Lavrentiev cho biết: "Tất nhiên, chúng tôi hoan nghênh quyết định của Chính phủ Syria thiết lập lệnh ngừng bắn". Tuy nhiên, ông Lavrentiev cũng bày tỏ quan ngại về sự tuân thủ của các chiến binh thánh chiến đối với thỏa thuận ngừng bắn, đồng thời nhấn mạnh số lượng những tay súng này tại Idlib hiện đang ở mức chưa từng có.

Cục Dự trữ Liên bang Mỹ chính thức hạ lãi suất

Ngày 31/7, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) quyết định giảm lãi suất lần đầu kể từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 trong bối cảnh nguy cơ bất ổn kinh tế gia tăng. Theo đó, FED quyết định cắt giảm lãi suất cơ bản 0,25% từ biên độ 2,25 đến 2,5% xuống biên độ 2,0 đến 2,25%. FED cho biết có thể tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay nhằm hỗ trợ nền kinh tế Mỹ ứng phó với xu hướng giảm tốc của nền kinh tế toàn cầu.

Trả lời báo giới sau cuộc họp của FED, Chủ tịch Jerome Powell cho rằng ông không xem quyết định cắt giảm lãi suất lần này là điểm bắt đầu cho một chu kỳ nới lỏng chính sách tiền tệ kéo dài.

Mỹ tuyên bố áp thuế bổ sung đối với 300 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc

Ngày 1/8, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố Mỹ sẽ áp thuế bổ sung 10% đối với lượng hàng hóa nhập khẩu trị giá 300 tỷ USD từ Trung Quốc từ ngày 1/9 dù các cuộc đàm phán đang diễn ra. Tổng thống Trump nêu rõ: "Chúng tôi nghĩ là đã có một thỏa thuận với Trung Quốc từ 3 tháng trước. Song đáng buồn, Trung Quốc đã quyết định đàm phán lại thỏa thuận đã ký... Gần đây, Trung Quốc đồng ý mua lượng lớn nông sản Mỹ, nhưng họ đã không làm vậy".

Như vậy, khi được áp dụng, tổng khối lượng hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế nhập khẩu bổ sung sẽ lên tới 550 tỷ USD, tức là gần như toàn bộ hàng xuất khẩu của Trung Quốc vào thị trường Mỹ.

Tuyên bố của ông Trump được đưa ra chỉ một ngày sau khi các nhà đàm phán Mỹ – Trung kết thúc hai ngày làm việc tại Thượng Hải với rất ít dấu hiệu tiến bộ, dù cả hai bên đều mô tả đàm phán mang tính xây dựng. Một vòng đàm phán khác đã được lên kế hoạch vào tháng 9.

Mỹ và Nga ký kết hiệp ước hạt nhân INF năm 1987 (Ảnh: Reuters)

Mỹ và Nga chính thức “khai tử” INF

Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), từng được xem là một trong những “hòn đá tảng” giúp duy trì an ninh và sự ổn định chiến lược toàn cầu, đã “vỡ vụn” ngày 2/8 khi Mỹ chính thức rút khỏi.

Về phần mình, Bộ Ngoại giao Nga cũng xác nhận chấm dứt hiệu lực của thỏa thuận được hai nước ký tháng 12/1987, theo đó hai cường quốc hạt nhân sẽ không còn chịu sự ràng buộc của cơ chế kiểm soát vũ khí quan trọng này.

Sự sụp đổ INF được nhìn nhận là một dấu hiệu mới nhất cho thấy sự căng thẳng gia tăng trong quan hệ Đông – Tây vốn đang rất bộn bề. Điều này cũng đang khiến nhiều chuyên gia và các quan chức phương Tây “đứng ngồi không yên” trước lo ngại về viễn cảnh của an ninh châu Âu.

Phát biểu trước phóng viên ngày 1/8, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres ghi nhận vai trò của INF là một thỏa thuận mang tính bước ngoặt, đóng vai trò hỗ trợ an ninh châu Âu và chấm dứt cuộc chiến tranh lạnh. Chính vì thế, sự kết thúc của INF sẽ có nguy cơ làm gia tăng, chứ không phải thuyên giảm các mối đe dọa từ tên lửa đạn đạo.

Qua đó, ông Guterres kêu gọi: “Cho dù điều gì có xảy ra đi nữa, các bên nên tránh kịch bản làm mất ổn định sự phát triển và khẩn trương tìm kiếm thỏa thuận về một con đường chung mới để kiểm soát vũ khí toàn cầu”.

PV (Tổng hợp)

333 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 728
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 728
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88303000