Thế giới đối mặt làn sóng lây nhiễm COVID-19 gia tăng
Số ca mắc mới COVID-19 trên toàn cầu có dấu hiệu tăng trở lại sau khi liên tục giảm kể từ cuối tháng 1/2022. Một số nước châu Á trở thành điểm nóng khi ghi nhận hàng loạt ca mắc mới tăng cao, trong đó có Hàn Quốc. Ở châu Âu, số ca mắc mới tại Anh, Pháp, Đức, Italy… cũng tăng trở lại trong những ngày gần đây. Thống kê cho thấy, gần 90% ca mắc mới COVID-19 trong hai tuần qua là ở châu Á và châu Âu.
|
Thế giới vẫn đối mặt nguy cơ lây nhiễm COVID-19 gia tăng (Ảnh minh họa: fda.gov) |
Hiện nay, nhiều nước trên thế giới đã công bố kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp phòng dịch để tạo điều kiện đưa cuộc sống trở lại trạng thái bình thường mới sau thời gian dài gián đoạn.
Tuy nhiên, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho rằng đại dịch này vẫn chưa kết thúc, thế giới vẫn sẽ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm gia tăng và các biến thể mới xuất hiện có thể né tránh vaccine cho đến khi tất cả các quốc gia đạt được tỷ lệ bao phủ tiêm chủng. Kết quả giải trình tự gene trong tháng trước được đăng trên hệ thống dữ liệu GISAID cho thấy Omicron đang là biến thể trội nhất, chiếm 99,8% mẫu bệnh phẩm được giải trình tự gene. Trong đó, dòng phụ của Omicron là BA.2 chiếm tỷ lệ nhiều nhất, với 85,96%.
Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 27/3 cho thấy, trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 1.214.391 ca nhiễm, nâng tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 480.827.391 ca, trong đó 6.145.238 ca tử vong và 415.021.576 ca đã được chữa khỏi.
Châu Âu là khu vực ghi nhận nhiều ca nhiễm nhất thế giới (175.264.031 ca), tiếp theo là châu Á (136.501.073 ca), tiếp đến là Bắc Mỹ (96.328.440 ca) và Nam Mỹ (55.957.530 ca). Châu Phi (11.689.821 ca) và châu Đại Dương (5.085.775 ca) là 2 khu vực có số ca mắc ít nhất.
Tai nạn máy bay ở Trung Quốc, toàn bộ 132 người thiệt mạng
Một chiếc máy bay Boeing của hãng hàng không China Eastern chở theo 132 người đã bị rơi ở khu vực tự trị dân tộc Choang ở tỉnh Quảng Tây, miền nam Trung Quốc và bốc cháy.
Chiếc Boeing 737 bắt đầu khởi hành từ Côn Minh lúc 1 giờ 10 phút chiều 21/3 và gặp nạn tại tỉnh Quảng Tây lúc 2 giờ 52 phút chiều cùng ngày.
|
Lực lượng cứu hộ nỗ lực tìm kiếm người còn sống sót sau vụ tai nạn máy bay ngày 21/3 ở Trung Quốc (Ảnh: Xinhua) |
Khi gặp nạn, máy bay chở theo 123 hành khách và 9 thành viên tổ bay. Các video và hình ảnh ghi lại hiện trường vụ máy bay gặp nạn cho thấy chiếc máy bay bốc cháy với nhiều tiếng nổ liên tục.
Chính quyền địa phương đã triển khai các đội ứng phó khẩn cấp và tổ công tác đến hiện trường. Có tổng cộng 538 nhân viên cứu hộ và 119 xe cứu hỏa đã được huy động. Lực lượng này mang theo các thiết bị chiếu sáng, lều bạt và các nhu yếu phẩm phòng chống dịch bệnh. Nhân viên cứu hộ từ tỉnh Quảng Đông và các nhân viên kiểm soát cháy rừng cũng được huy để hỗ trợ công tác cứu hộ.
Sau nhiều nỗ lực tìm kiếm người sống sót, tối 26/3, giới chức Trung Quốc xác nhận toàn bộ 132 người trên máy bay gặp nạn đã thiệt mạng. Bên cạnh đó, hai hộp đen của chiếc máy bay cũng đã được tìm thấy để phục vụ công tác điều tra. Nhiều mảnh vỡ của máy bay, các phần thi thể và đồ đạc của các nạn nhân xấu số cũng đã được lực lượng cứu hộ tìm thấy.
Nga và Ukraine đạt thỏa thuận lập thêm 10 hành lang nhân đạo
Theo hãng tin Reuters, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho biết Ukraine và Nga đã đạt thỏa thuận thiết lập 10 hành lang nhân đạo trong ngày 26/3 để sơ tán dân thường khỏi các điểm nóng giao tranh tại các thị trấn và thành phố của Ukraine
|
Người dân sơ tán tránh xung đột tới khu tạm trú ở Mariupol, Ukraine. (Ảnh: THX/TTXVN) |
Phát biểu trên truyền hình quốc gia, Phó Thủ tướng Vereshchuk nói rằng dân thường muốn rời khỏi thành phố Mariupol sẽ phải sử dụng phương tiện cá nhân vì lực lượng Nga không cho xe buýt di chuyển qua các trạm kiểm soát. Hiện thông tin trên chưa được hãng tin Reuters kiểm chứng độc lập. Trước đó, ngày 24/3, cũng Phó Thủ tướng Vereshchuk cho biết đã đạt được thỏa thuận về việc thiết lập 7 hành lang nhân đạo.
Thành phố cảng Mariupol, nằm ở Đông Nam Ukraine với khoảng 400.000 dân trước khi cuộc xung đột nổ ra, là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất trong chiến dịch quân sự của Nga. Khoảng 150.000 người vẫn được cho là đang bị mắc kẹt và khó tiếp cận với thực phẩm, năng lượng và sưởi ấm.
Mới đây, ngày 24/3, Liên hợp quốc cho biết gần 3,7 triệu người đã sơ tán từ Ukraine kể từ khi Nga triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại nước này. Tổng cộng hơn 10 triệu người Ukraine đã sơ tán ra khỏi nơi sinh sống, trong đó có gần 6,5 triệu người di tản trong nước.
Hiện, Nga và Ukraine đang tiến hành các cuộc thảo luận theo hình thức trực tuyến liên quan đến quy chế trung lập của Ukraine sau nhiều vòng đàm phán trực tiếp diễn ra tại khu vực biên giới giữa Belarus và Ukraine.
Trước đó, ngày 25/3, trưởng đoàn đàm phán của Nga Vladimir Medinsky cho biết Nga đang tìm kiếm một thỏa thuận toàn diện trong các cuộc đàm phán với Ukraine. Theo ông, nếu không có thỏa thuận này, việc đi đến một sự thống nhất là điều không thể và Kiev đang tìm cách kéo dài tiến trình đàm phán.
Giá dầu mỏ và giá vàng tiếp tục biến động trái chiều
Trong phiên giao dịch ngày 25/3, giá dầu mỏ đã quay đầu tăng lên sau khi giảm nhẹ trong phiên giao dịch ngày trước đó, do giới đầu tư lo ngại về các cuộc tấn công nhằm vào những cơ sở khai thác "vàng đen" ở Saudi Arabia mới đây có thể gây thiếu hụt nguồn cung.
|
Giá dầu mỏ và giá vàng tiếp tục biến động trái chiều (Ảnh minh họa: business-standard.com) |
Trên sàn giao dịch New York (Mỹ), giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 5 đã tăng 1,56 USD, tương đương 1,4%, lên 113,9 USD/thùng. Trong khi đó, trên sàn giao dịch London (Anh), giá dầu Brent biển Bắc giao tháng 5 tăng 1,62 USD, tương đương 1,4 %, chốt phiên ở mức 120,65 USD/thùng.
Nhóm phiến quân Houthi ở Yemen ngày 25/3 đã nhận thực hiện các vụ tấn công xuyên biên giới bằng thiết bị bay không người lái và tên lửa nhằm vào các cơ sở khai thác dầu khí của Saudi Arabia. Đây là đợt tấn công thứ 3 như vậy trong vòng chưa đầy 1 tuần. Những thông tin này khiến thị trường dầu mỏ vốn đã xáo trộn do tác động của cuộc xung đột ở Ukraine càng thêm biến động.
Trong khi đó, giá vàng kỳ hạn trên sàn giao dịch New York trong phiên ngày 25/3 đã giảm do lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng mạnh. Cụ thể, giá vàng giao tháng 4 giảm 8 USD, tương đương 0,41%, đóng cửa ở mức 1.954,2 USD/ounce. Tuy nhiên, tính cả tuần, giá vàng đã tăng 1,3%.
Ông Edmund Moy, cựu Giám đốc Cơ quan đúc tiền kim loại Mỹ, nhận định nguy cơ căng thẳng Nga - Ukraine diễn biến nghiêm trọng hơn đã giảm xuống tại thời điểm này, và mối quan ngại trước mắt giờ đây là tác động của chính sách thắt chặt tiền tệ, đặc biệt đối với nền kinh tế.
Những đồn đoán về khả năng Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ sẽ tăng lãi suất thêm 50 điểm cơ bản tại cuộc họp chính sách tiếp theo vào tháng 5 đã tăng lên trong tuần này. Trong bài phát biểu đầu tuần này, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã để ngỏ khả năng sẽ nâng lãi suất nhiều hơn 25 điểm cơ bản nhằm kiềm chế lạm phát.
Taliban tiếp tục đóng cửa các trường học nữ sinh
Chính quyền Taliban đã bất ngờ đưa ra thông báo đóng cửa các trường học của nữ sinh chỉ vài giờ sau khi các trường mở cửa trở lại lần đầu tiên trong 7 tháng vừa qua.
|
Các nữ sinh tại một lớp học trong ngày trường học mở cửa trở lại ở thủ đô Kabul ngày 23/3 (Ảnh: AFP) |
Thông báo của Bộ Giáo dục của chính quyền Taliban ngày 23/3 cho biết, các trường học dành cho nữ sinh sẽ đóng cửa cho đến khi có kế hoạch phù hợp với Luật Hồi giáo và văn hóa Afghanistan. Theo đó, tất cả các trường trung học nữ sinh và những trường có học sinh nữ từ lớp 6 trở lên sẽ đóng cửa cho đến khi có thông báo mới.
Bộ Giáo dục cũng thừa nhận rằng, nhà chức trách nước này phải đối mặt với tình trạng thiếu giáo viên - với nhiều người nằm trong số hàng chục nghìn người đã chạy khỏi đất nước khi lực lượng Taliban lên nắm quyền. “Chúng tôi cần hàng nghìn giáo viên để giải quyết vấn đề này”, người phát ngôn của Bộ cho biết.
Trước động thái mới nhất của chính quyền Taliban về việc tiếp tục đóng cửa các trường học nữ sinh, Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Antonio Guterres và Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 23/3 đã chỉ trích Taliban vi phạm cam kết khi đóng cửa các trường nữ sinh tại Afghanistan.
Từ khi nắm quyền kiểm soát Afghanistan hồi tháng 8/2021, Taliban áp đặt một loạt các hạn chế với phụ nữ như cấm phụ nữ tham gia công việc của chính phủ, kiểm soát quần áo họ được phép mặc và cấm phụ nữ đi ra khỏi thành phố một mình./.