Thế giới tuần qua: Đoàn kết vượt qua thách thức 

(ĐCSVN) – Tuần qua (26/10 – 1/11), bên cạnh những diễn biến phức tạp của đại dịch COVID-19, thiên tai nghiêm trọng đã xảy ra tại nhiều nước ở khu vực Đông Nam Á. Tinh thần đoàn kết một lần nữa lại được nhắc tới và trở thành động lực đưa chúng ta vượt qua thách thức.
Thế giới tuần qua: Đoàn kết vượt qua thách thức

ASEAN ra tuyên bố về tình hình lũ lụt và sạt lở đất tại Đông Nam Á

Mưa lũ tại miền Trung (Việt Nam) gây ra nhiều thiệt hại nặng nề cả về người và tài sản.
(Ảnh: TTXVN) 

Trước tình hình mưa bão kéo dài gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại một số nước trong khu vực, ngày 27/10/2020, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã ra Tuyên bố về tình hình lũ lụt và sạt lở đất tại các quốc gia Đông Nam Á. 

Trong tuyên bố, ASEAN bày tỏ sự cảm thông và chia buồn sâu sắc trước những tổn thất to lớn về người và tài sản, cũng như những tác động tiêu cực tới đời sống người dân gây ra bởi các trận lũ lụt, lở đất ở Việt Nam, Campuchia, Lào, Philippines và Thái Lan.

ASEAN khẳng định tình đoàn kết với Chính phủ và nhân dân các nước bị ảnh hưởng và sẵn sàng cung cấp những hỗ trợ cần thiết trong giai đoạn khó khăn này.

* Ngày 29/10, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres  đã gửi điện hỏi thăm Chính phủ và nhân dân Việt Nam trong bối cảnh lũ lụt, sạt lở đất gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản tại một số tỉnh miền Trung. Tổng thư ký Liên Hợp Quốc đánh giá cao những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam nhằm hỗ trợ các gia đình bị ảnh hưởng, khẳng định Liên Hợp Quốc sẵn sàng cung cấp hỗ trợ nhân đạo để giúp Việt Nam sớm vượt qua giai đoạn khó khăn này.

Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới kêu gọi đoàn kết ứng phó với COVID-19

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gửi thông điệp tới hội nghị.
(Ảnh: Worldhealthsummit) 

Tối 25/10 theo giờ Berlin, Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới lần thứ 12 đã chính thức khai mạc với chủ đề trọng tâm là đại dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. Do tình hình dịch bệnh, hội nghị năm nay diễn ra theo hình thức trực tuyến.

Phát biểu khai mạc Hội nghị thượng đỉnh Y tế thế giới, Tổng thống Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier đã kêu gọi các nước trên thế giới tăng cường hợp tác trong nỗ lực chống lại đại dịch COVID-19.

Tại hội nghị, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh đại dịch COVID-19 hiện là cuộc khủng hoảng lớn nhất lịch sử hiện đại. Ông kêu gọi sự đoàn kết toàn cầu, trong đó các nước công nghiệp phát triển phải hỗ trợ hệ thống y tế cho các nước nghèo hơn, đồng thời kêu gọi các nước thực hiện theo chỉ dẫn của các nhà khoa học, cùng hợp tác để vượt qua đại dịch. Trong khi đó, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cũng nhấn mạnh hợp tác là cách duy nhất để cộng đồng thế giới thoát khỏi bệnh dịch hiện nay.

Những lời kêu gọi trên được các nhà lãnh đạo thế giới đưa ra trong bối cảnh đại dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên thế giới, với hơn 46 triệu ca nhiễm và gần 1,2 triệu ca tử vong, tính tới sáng 1/11.

Hội nghị kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc

Phiên họp cấp cao kỷ niệm 75 năm thành lập Liên hợp quốc. (Ảnh: AP) 

Đại hội đồng Liên hợp quốc (ĐHĐ LHQ) ngày 26/10 đã tổ chức kỷ niệm Ngày Liên hợp quốc 24/10/1945-24/10/2020. Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres nhấn mạnh 75 năm trước, giữa đống tro tàn của Chiến tranh Thế giới lần thứ 2, lãnh đạo các nước đã nhất trí thành lập LHQ. Khi mới ra đời, LHQ là biểu tượng của sự thống nhất toàn cầu và ngày nay LHQ là trung tâm thế giới với nhiệm vụ quan trọng hơn bao giờ hết bao gồm ngăn ngừa xung đột và thúc đẩy phát triển bền vững.

Ông nhấn mạnh hợp tác quốc tế là cách duy nhất để đối phó đại dịch COVID-19, tình trạng khẩn cấp về khí hậu, sự bất bình đẳng gia tăng và sự lan rộng của hận thù. Ông hoan nghênh tuyên bố của ĐHĐ LHQ về cam kết thúc đẩy chủ nghĩa đa phương và mong đợi các nỗ lực toàn diện nhằm tăng cường quản trị toàn cầu. Tổng Thư ký đề nghị các nước cùng đồng lòng hiện thực hoá các mục tiêu của Hiến chương LHQ.

Chủ tịch ĐHĐ LHQ Khóa 75 Volkan Bozkir cho biết đây là dịp đặc biệt để ghi nhận giá trị to lớn của LHQ và các giá trị của nhân loại. Trên khắp thế giới, tại bất kỳ thời điểm nào, hàng chục nghìn nhân viên LHQ đang làm việc vì cuộc sống của nhân loại và vì một thế giới tươi đẹp. Ông cho rằng các cơ quan và chương trình của LHQ đã được trao giải Nobel Hòa bình 12 lần không phải là điều ngẫu nhiên mà bởi LHQ đã và đang tạo ra sự khác biệt trên thực tế và luôn vì những người cần được hỗ trợ, giúp đỡ nhất. Ông cảm ơn sự cống hiến, tính tập thể và tinh thần hợp tác của các nhân viên LHQ, nhất là trong bối cảnh đại dịch COVID-19.

Lệnh ngừng bắn thứ 3 tại Nagorny – Karabakh đổ vỡ

Binh sĩ tại vùng Nagorny-Karabakh bắn pháo về phía lực lượng Azerbaijan. (Ảnh: Getty)  

Mỹ đã thúc đẩy một lệnh ngừng bắn nhân đạo mới giữa Armenia và Azerbaijan tại Nagorny-Karabakh, có hiệu lực từ 8h ngày 26/10 theo giờ địa phương  (11h cùng ngày theo giờ Việt Nam). Tuy nhiên, tương tự như với hai thỏa thuận ngừng bắn được thiết lập vào các ngày 10/10 và 17/10, các bên xung đột đã cáo buộc đối phương có những động thái vi phạm ngay sau khi lệnh ngừng bắn thứ 3 vừa được ký kết.

Trước bối cảnh trên, Mỹ và Nga đã đồng loạt lên tiếng hối thúc hai nước láng giềng tìm kiếm giải pháp ngoại giao để chấm dứt xung đột. Ngày 28/10, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc, ông Stephane Dujarric, đã kêu gọi các bên liên quan lưu ý tới tác động của cuộc xung đột tại khu vực Nagorny-Karabakh đối với vấn đề nhân đạo trong bối cảnh căng thẳng tái diễn tại đây đã bước sang tháng thứ hai, gây nhiều thiệt hại về người và tài sản.

Ông  Dujarric nhắc lại lời kêu gọi của Tổng thư ký Liên hợp quốc đối với các bên liên quan trong việc thực thi ngay lập tức lệnh ngừng bắn nhân đạo nhằm bảo vệ dân thường và hệ thống cơ sở hạ tầng dân sự. Theo ông, các hành động thù địch đang diễn ra là không thể chấp nhận và các bên phải chấm dứt tình trạng này.

Bầu cử Tổng thống Mỹ: "Màn so găng" nước rút 

 Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên tổng thống của Đảng Dân chủ Joe Biden.Ảnh: Getty Images.

Ngày 30/10, Tổng thống Mỹ Donald Trump và ứng cử viên đảng Dân chủ Joe Biden tiến hành hàng loạt các chuyến vận động tranh cử tại nhiều bang quan trọng. 

Ông D.Trump tổ chức ba cuộc vận động tranh cử ở ba bang khác nhau, với điểm dừng chân lần lượt tại Waterford Township (bang Michigan), Green Bay (Wisconsin) và Rochester (Minnesota). Về phần mình, chiến dịch của ông Biden dừng chân tại ba địa điểm ở ba bang khác nhau. Ông Biden có bài phát biểu vận động sự ủng hộ của cử tri tại Wisconsin, trước khi tổ chức một cuộc vận động tranh cử theo hình thức "drive-in" ở Des Moines, bang Iowa và kết thúc bằng một cuộc vận động theo hình thức này ở St. Paul, bang Minnesota.

Theo thống kê của RealClearPolitics, ứng cử viên Joe Biden đang dẫn trước ông Donald Trump lần lượt 6,4 và 6,5 điểm phần trăm ở Wisconsin và Michigan-các bang mà ông Donald Trump đã đạt được hàng chục nghìn phiếu bầu nhiều hơn so với bà Hillary Clinton vào năm 2016. Đồng thời, ông Joe Biden cũng đang nắm giữ lợi thế nhỉnh hơn về tỷ lệ ủng hộ của cử tri trong các cuộc thăm dò gần đây tại Minnesota và Iowa. Có thể thấy một cuộc đua khốc liệt hơn giữa hai ứng cử viên bởi xác suất kết quả bỏ phiếu ở những bang này trong năm nay đang được đánh giá là sẽ khá sát nút. Những diễn biến hiện nay cho thấy, vẫn còn nhiều diễn biến khó đoán đang chờ đợi 2 ứng cử viên cho tới thời điểm diễn ra cuộc bầu cử ngày 3/11 và “đường đua” càng ngắn lại thì sự "giằng co" lại càng thêm quyết liệt./.

 
 
PV (tổng hợp)
121 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 930
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 930
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87012637