Sau nhiều nỗ lực bất thành, ngày 17/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã đạt được đồng thuận với các đối tác thuộc Liên minh châu Âu (EU) về một bản thỏa thuận dự thảo về Brexit, củng cố triển vọng Anh có thể rời khỏi ngôi nhà chung vào ngày 31/10 tới như lịch trình đã định.
Trong cuộc họp báo diễn ra cùng ngày, trưởng đoàn đàm phán về Brexit của Ủy ban châu Âu (EC) Michel Barnier đánh giá, bản dự thảo thỏa thuận mới về Brexit là một “kết quả thắng lợi” đối với cả đôi bên.
Bên cạnh đó, ông Barnier cũng cho biết, bản dự thảo thỏa thuận đã đưa ra các giải pháp mới cho một số vấn đề gai góc như việc thiết lập đường biên giới giữa Bắc Ireland (Anh) và CH Ireland – vốn từ lâu vẫn được xem là một rào cản chính trong tiến trình đàm phán về Brexit giữa Anh và EU.
Ngày 19/10, Quốc hội Anh đã triệu tập phiên họp để thảo luận về thỏa thuận Brexit mới vừa đạt được. Tuy nhiên, thay vì bỏ phiếu về thỏa thuận, Hạ viện Anh đã bỏ phiếu nhất trí hoãn phê chuẩn thỏa thuận Brexit tới ngày 31/1/2010, khiến khả năng nước Anh rời EU đúng hẹn 31/10 dường như rất khó xảy ra.
Theo trang euronews, đây là thất bại nữa với Thủ tướng Anh Boris Johnson, người chủ trương quyết tâm đưa Anh rời EU một cách trật tự vào ngày 31/10. Dù vậy, ngay sau kết quả bỏ phiếu của Hạ viện, Thủ tướng Anh Johnson tuyên bố ông sẽ không yêu cầu các nhà lãnh đạo EU gia hạn thời hạn chót cho Brexit và tuần tới sẽ đề nghị các nhà lập pháp Anh nhóm họp trở lại để bỏ phiếu về thỏa thuận này.
Với kết quả 322 phiếu ủng hộ và 306 phiếu chống, Hạ viện Anh thông qua luật sửa đổi buộc Thủ tướng phải yêu cầu lùi Brexit tới ngày 31/1/2020. Phản ứng trước kết quả trên, ông Boris ám chỉ ông có thể phớt lờ luật này.
Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng người Kurd vi phạm lệnh ngừng bắn
Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ
Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ tại Ankara. (Ảnh: Anadolu Agency/Getty Images)
Ngày 19/10 Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc lực lượng người Kurd vi phạm chế độ ngừng bắn tại Đông Bắc Syria mà Ankara và Washington đã thỏa thuận trước đó.
Tuyên bố của Bộ Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ nêu rõ trong 36 giờ qua, lực lượng Các đơn vị bảo vệ nhân dân người Kurd (YPG) đã thực hiện 14 lần bắn phá sử dụng nhiều loại vũ khí kể cả rocket, trong đó 12 vụ tấn công xuất phát từ khu vực Ras al-Ain, 1 vụ từ Tal Abyad và 1 vụ từ Tal Tamr.
Ngày 18/10, các lực lượng dân chủ Syria (SDF) do người Kurd lãnh đạo đã cáo buộc Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo vào các khu vực dân sự và vi phạm lệnh tạm ngừng giao tranh trong vòng 120 giờ đồng hồ.
Trước đó, Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence thông báo Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí ngừng chiến dịch quân sự tại miền Bắc Syria trong vòng 120 giờ đồng hồ. Thông tin này được nhà lãnh đạo của Mỹ đưa ra sau cuộc gặp Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan ngày 17/10.
Trong tuyên bố vừa đưa ra, ông Pence cho biết, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nhất trí sẽ không áp đặt các biện pháp trừng phạt bổ sung nếu Thổ Nhĩ Kỳ tôn trọng lệnh ngừng bắn. Ngoài ra, người đứng đầu Nhà Trắng cũng để ngỏ khả năng gỡ bỏ các lệnh trừng phạt hiện nay nếu Thổ Nhĩ Kỳ đồng ý chấm dứt hoàn toàn chiến dịch quân sự tại Syria.
Theo nhận định của giới quan sát, việc Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ đạt được một thỏa thuận tạm thời ngừng bắn ở Syria sẽ phần nào xoa dịu được những chỉ trích của dư luận khi xem việc Mỹ rút quân khỏi miền Bắc Syria là một động thái “bật đèn xanh” cho chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ.
14 nước trúng cử thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc
Một phiên họp của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Ảnh: UN)
Đại hội đồng Liên hợp quốc ngày 17/10 đã bầu 14 quốc gia làm thành viên mới của Hội đồng Nhân quyền cho nhiệm kỳ mới có thời hạn 3 năm. Với Namibia (175 phiếu), Sudan (175 phiếu), Mauritania (172 phiếu) và Libya (168 phiếu), đã được bầu để lấp 4 ghế trống của Nhóm châu Phi. Đối với Nhóm các quốc gia châu Á -Thái Bình Dương, Indonesia (174 phiếu), Nhật Bản (165 phiếu), Hàn Quốc (165 phiếu) và Quần đảo Marshall (123 phiếu) đã giành được vị trí trong Hội đồng Nhân quyền. Đức (174 phiếu) và Hà Lan (172 phiếu) đã được bầu vào hai ghế trống của Tây Âu và các quốc gia khác. Hai ghế của Nhóm Đông Âu đã tới với Armenia (144 phiếu) và Ba Lan (124 phiếu). Đối với những nước thuộc Nhóm các quốc gia Mỹ Latinh và Caribbean, Brazil được bầu lại với 153 phiếu, và thành viên mới là Venezuela, quốc gia đã đánh bại Costa Rica với 105 phiếu so với 96 phiếu.
Được thành lập vào năm 2006, Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc có trách nhiệm tăng cường thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới. Có trụ sở tại Geneva, Hội đồng Nhân quyền tổ chức 3 phiên họp thường niên vào tháng 3, tháng 6 và tháng 9 hàng năm. Hội đồng gồm có 47 quốc gia được bầu trực tiếp và cá nhân bằng cách bỏ phiếu kín, theo nguyên tắc phân phối địa lý công bằng, theo đa số trong 97 phiếu của các thành viên của Đại hội đồng Liên hợp quốc. Các quốc gia thành viên có nhiệm kỳ 3 năm và chỉ đủ điều kiện để tái cử một lần.
WTO chính thức chấp thuận Mỹ áp thuế đối với hàng hóa của EU
Ảnh minh hoạ (Nguồn: fao.org)
Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) ngày 14/10 đã chính thức cho phép Mỹ áp thuế đối với lượng hàng hóa của Liên minh châu Âu (EU) trị giá 7,5 tỷ USD liên quan chính sách trợ cấp mà khối này dành cho hãng chế tạo máy bay Airbus.
Tại cuộc họp đặc biệt diễn ra cùng ngày tại Geneva, Thụy Sĩ, cơ quan giải quyết tranh chấp của WTO (DSB), gồm đại diện của 164 quốc gia thành viên đã ra quyết định cuối cùng; theo đó, chấp thuận cho Washington thực hiện các biện pháp đáp trả EU và các quốc gia sản xuất máy bay Airbus gồm Anh, Pháp, Đức và Tây Ban Nha.
Quyết định của DBS dựa trên phán quyết của tổ trọng tài WTO ngày 2/10 vừa qua, theo đó cho rằng Mỹ đã chịu thiệt hại tương tương 7,5 tỷ USD/năm từ các khoản cho vay ưu đãi của chính phủ các nước châu Âu dành cho các dòng máy bay A350 và A380 của Airbus. Đây được coi là dấu mốc quan trọng trong cuộc tranh cãi pháp lý kéo dài 15 năm qua giữa hai tập đoàn sản xuất máy bay hàng đầu thế giới là Airbus và Boeing (Mỹ). Trước đó, Washington đã đề nghị được đánh thuế lên đến 100% đối với lượng hàng hóa của châu Âu tổng giá trị 11,2 tỷ USD.
Với sự nhất trí của các thành viên của DBS, các biện pháp thuế của Mỹ nhằm vào loạt hàng hóa tiêu dùng của châu Âu, trong đó có rượu vang Pháp, có thể sẽ có hiệu lực vào ngày 18/10 tới. Giới chức EU cho biết họ đang cố gắng đối thoại với Mỹ nhằm tránh căng thẳng thương mại leo thang giữa hai bên, gây ảnh hưởng đến các nền kinh tế trên toàn cầu. Trong khi đó, Đại sứ Mỹ tại WTO Dennis Shea (Đe-nít Si) khẳng định đàm phán sẽ chỉ diễn ra nếu EU chấm dứt những ưu đãi dành cho Airbus và cam kết không tái áp dụng chính sách này dưới bất cứ cơ chế hoặc trường hợp nào khác.
Trung Quốc phát tín hiệu tích cực trong đàm phán thương mại với Mỹ
Các đại diện cấp cao Mỹ và Trung Quốc tại vòng đàm phán thương mại
diễn ra ở Washington (Mỹ) vào cuối tuần trước. (Ảnh: Bloomberg)
Ngày 15/10, Trung Quốc đã phát đi tín hiệu tích cực trong việc hóa giải cuộc đối đầu thương mại với Mỹ khi thông báo nước này đã nhập khẩu một khối lượng lớn hàng nông sản từ Mỹ, đồng thời tin tưởng rằng hai nền kinh tế lớn đang “đứng cùng vị trí” trong đàm phán.
Phát biểu tại họp báo thường kỳ, khi được hỏi liệu hai bên có chung cách tiếp cận về thỏa thuận thương mại sau vòng đàm phán cấp cao kéo dài 2 ngày tại Washington vào tuần trước, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng cho biết: “Trung Quốc và Mỹ đang đứng ở cùng vị trí và không có khác biệt gì về lập trường tiến tới một thỏa thuận thương mại”.
Ông Cảnh Sảng cho hay từ đầu năm 2019 tới nay, Trung Quốc đã nhập khẩu 20 triệu tấn đậu tương, 700.000 tấn thịt lợn, 700.000 tấn cao lương, 230.000 tấn lúa mỳ và 320.000 tấn bông. Trong khi, năm ngoái Mỹ xuất sang Trung Quốc 160.000 tấn đậu tương.
Trước thời điểm bùng phát xung đột thương mại Mỹ-Trung tháng 7/2018, Mỹ là nước xuất khẩu đậu tương lớn nhất vào thị trường này, trung bình từ 30-35 triệu tấn mỗi năm.
Cuối tuần trước, Tổng thống Donald Trump thông báo Trung Quốc đã nhất trí nhập khẩu 50 tỷ USD nông sản từ Mỹ, hơn gấp đôi so với con số 24 tỷ USD của năm 2017.
Việc đưa chi tiết các thỏa thuận đạt được vào văn bản sẽ mất khoảng vài tuần, tuy nhiên, Mỹ cũng nhất trí tạm hoãn kế hoạch tăng 5% thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc có hiệu lực từ ngày 15/10. Còn phía Trung Quốc tuyên bố đây như là một “sự hồi đáp mang tính thiện chí”.
Tổng thống Nga Vladimir Putin công du Trung Đông
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thái tử UAE Sheikh Muhammad bin Zayed Al Nahyan
tại lễ đón. (Ảnh: TASS)
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã có chuyến công du tới hai quốc gia Trung Đông Ả rập – Xê út và Các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE) từ ngày 14 - 15/10/2019, nhằm tăng cường hợp tác trong vấn đề điều tiết thị trường dầu mỏ, đồng thời cũng nhằm thu hút, mời gọi đầu tư từ khu vực này.
Tại UAE, Tổng thống Nga Vladimir cùng Thái tử Sheikh Mohammed bin Zayed Al-Nahyan đã chứng kiến lễ ký kết một loạt 6 bản thỏa thuận trị giá 1,4 tỷ USD trên các lĩnh vực bao gồm năng lượng, giao thông, văn hóa, công nghệ cao và y tế.
Tại cuộc hội đàm, hai nhà lãnh đạo đã thảo luận các chủ đề chính xoay quanh việc phát triển hợp tác song phương trong các lĩnh vực kinh tế - thương mại và đầu tư, tình hình quốc tế và khu vực ở Syria, Lebanon, Yemen và Vịnh Ba Tư. Bên cạnh đó, Nga và UAE cũng tiếp tục phối hợp nhằm đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực dầu khí giữa hai quốc gia.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thăm UAE sau khi kết thúc chuyến thăm Ả rập – Xê út ngày 14/10 và ký kết các thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực hóa dầu và nông nghiệp.
Phát biểu sau lễ ký kết thỏa thuận, Quốc vương Salman bin Abdulaziz Al Saud cho biết “Riyadh mong muốn được hợp tác với Moscow trên các lĩnh vực nhằm mang lại sự ổn định và hòa bình, chống lại khủng bố và chế độ cực đoan, cũng như đẩy mạnh phát triển kinh tế”./.
PV (Tổng hợp)