Thế giới tuần qua: Đại hội XIII của Đảng thu hút sự quan tâm của thế giới 

(ĐCSVN) - Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút sự quan tâm của thế giới. Bên cạnh đó, biến thể virus SARS-CoV-2, chính biến ở Myanmar, Nga - Mỹ gia hạn Hiệp ước New START, OPEC+ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ năm 2021,... là những sự kiện đáng chú ý của thế giới tuần qua (1-7/2/2021).
Thế giới tuần qua: Đại hội XIII của Đảng thu hút sự quan tâm của thế giới

Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam thu hút sự quan tâm của thế giới

Sau hơn 7 ngày làm việc khẩn trương, nghiêm túc với tinh thần "Đoàn kết - Dân chủ - Kỷ cương - Sáng tạo - Phát triển", với ý thức trách nhiệm cao trước Đảng, Nhân dân và đất nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã thành công tốt đẹp và bế mạc sớm hơn 1 ngày so với kế hoạch đề ra.

 Hãng tin Reuters của Anh đưa tin về kết quả Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam (Ảnh chụp màn hình).

Đại hội đã thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, dân chủ và nhất trí cao thông qua các văn kiện quan trọng. Đại hội đã bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khoá XIII gồm các đồng chí tiêu biểu cho hơn 5 triệu đảng viên, có đủ tiêu chuẩn về phẩm chất, đạo đức, năng lực, trình độ để gánh vác trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó.

Việc Đảng Cộng sản Việt Nam tổ chức thành công Đại hội XIII đã nhận được hàng trăm thư, điện chúc mừng từ các đảng, các tổ chức chính trị, các nhà lãnh đạo cấp cao từ nhiều nước trên thế giới. Các bức điện mừng đều chia sẻ thông điệp đoàn kết, hữu nghị hợp tác với Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam; ca ngợi những thành tựu mà Việt Nam đạt được dưới vai trò lãnh đạo của Đảng; thể hiện mong muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.

Truyền thông quốc tế cũng dành nhiều bài viết nói về thành công của Đại hội XIII, cho đây là một mốc son trên con đường phát triển đất nước. Dưới vai trò lãnh đạo của Đảng, khát vọng vươn lên của Việt Nam sẽ chứng kiến những kỳ tích mới, vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”, vững bước đưa đất nước lên một tầm phát triển mới.

Thế giới lo ngại về biến thể virus SARS-CoV-2

Nỗ lực đẩy lùi dịch COVID-19 của thế giới đang phải đối mặt với thách thức mới khi xuất hiện các biến thể mới của virus SARS-Co-V-2. Biến thể virus SARS-CoV-2 có nguồn gốc từ Anh xuất hiện lần đầu tháng 12/2020 và hiện đã lan rộng ra hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Kết quả nghiên cứu sơ bộ cho thấy, biến thể virus được phát hiện từ Anh có khả năng lây nhiễm cao hơn từ 50-70%. Tuy nhiên, các vaccine hiện hành vẫn có khả năng phòng vệ cao đối với loại biến thể này. Một biến thể khác có nguồn gốc từ Brazil hiện đã xuất hiện tại 8 nước đang được nghiên cứu về khả năng lây lan.

 Australia dự kiến hoàn thành chương trình tiêm vaccine ngừa COVID-19 vào tháng 10/2021. (Ảnh: The Australian)

Đáng lo ngại hơn cả là biến thể virus SARS-CoV-2 ở Nam Phi đã lây lan ra hơn 31 quốc gia trên thế giới. Các nghiên cứu cho thấy vaccine của Pfizer – BioNTech và Moderna tạo ra biến thể yếu hơn để chống lại virus biến thể từ Nam Phi.

Liên quan đến việc tiêm vaccine, chương trình COVAX do Tổ chức Y tế Thế giới khởi xướng nhằm đảm bảo tiếp cận công bằng trên toàn cầu đối với các loại vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 đã công bố danh sách phân phối vaccine đợt đầu, với số liều đủ để đến giữa năm 2021 các nước tiêm cho hơn 3% dân số.

Theo kế hoạch, đợt phân phối vaccine đầu tiên với 337,2 triệu liều sẽ được thực hiện vào cuối tháng này. Các nước sẽ nhận vaccine theo tỷ lệ quy mô dân số. Tổng cộng khoảng 190 quốc gia sẽ được phân phối trong đợt đầu. Khoảng 145 nước dự kiến sẽ nhận đủ số liều để đảm bảo miễn dịch cho 3,3% dân số vào giữa năm nay. Mục tiêu COVAX đặt ra là đảm bảo từ nay đến hết năm 2021 sẽ đủ vaccine cho ít nhất 20% nhóm người dễ bị tổn thương nhất tại các quốc gia đã đăng ký. Hai loại vaccine được sử dụng phân phối đợt đầu, gồm vaccine của AstraZeneca-Oxford và vaccine của Pfizer-BioNTech.

Trang thống kê trực tuyến worldometers.info tiếp tục cập nhật các số liệu mới nhất tính đến sáng 7/2 cho thấy, tổng số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới hiện là 106.275.664 ca, trong đó 2.317.452 ca tử vong và 78.012.420 ca đã được chữa khỏi.

Chính biến ở Myanmar

Sáng 1/2, quân đội Myanmar đã chiếm quyền kiểm soát tòa thị chính Yangon, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và quyền lực đã được giao cho tổng tư lệnh quân đội, ông Min Aung Hlaing. Hãng tin Reuters dẫn lời người phát ngôn Myo Nyunt xác nhận, ngoài Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi, Tổng thống U Win Myint  thì nhiều nhà lãnh đạo khác cũng nằm trong số những người bị bắt.

 Xe của lực lượng quân đội xuất hiện bên trong Tòa thị chính ở Yangon. (Ảnh: Reuters) 

Quân đội tuyên bố họ tiến hành các vụ bắt giữ này để phản ứng lại những gian lận đã xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử năm ngoái ở Myanmar, theo như những cáo buộc trước nay của quân đội. Cụ thể, vụ việc diễn ra chỉ ít lâu sau khi đảng cầm quyền Liên minh Quốc gia vì Dân chủ (NLD) của bà Suu Kyi giành chiến thắng áp đảo (hơn 80% số ghế) trong cuộc bầu cử tháng 11/2020. Tuy nhiên, quân đội Myanmar đã bác bỏ tính hợp pháp của cuộc bầu cử trước cáo buộc đã có triệu tên trùng lặp trong sổ đăng ký cử tri. Quân đội đã yêu cầu Chính phủ cùng Ủy ban bầu cử Myanmar điều tra và hành động thỏa đáng.

Theo dự kiến, trong ngày 1/2, Quốc hội mới của Myanmar sẽ triệu tập phiên họp đầu tiên kể từ sau bầu cử. Tuy nhiên quân đội đã yêu cầu hoãn phiên họp này trong một thông báo phát đi ngày 31/1 với lý do “đất nước không nên có hành động gì tiếp theo trong bối cảnh hiện nay”.

Trước tình hình trên tại Myanmar, Hội đồng bảo an Liên hợp quốc đã họp và ra tuyên bố nhấn mạnh sự cần thiết duy trì các thể chế và tiến trình dân chủ, kiềm chế bạo lực và tôn trọng quyền con người, các quyền tự do cơ bản và pháp quyền ở Myanmar. Tuyên bố cũng kêu gọi thả bà Aung San Suu Kyi và một số quan chức bị bắt giữ bởi quân đội Myanmar đồng thời bày tỏ quan ngại về tình trạng khẩn cấp ở nước này. Hội đồng bảo an cũng khuyến khích đối thoại và hòa giải theo ý nguyện và lợi ích của người dân Myanmar. Một số nước trong khu vực cũng đã bày tỏ quan ngại về tình hình tại Myanmar, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, hợp tác hướng tới một giải pháp hòa bình.

Nga, Mỹ gia hạn New START

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken ngày 3/2 cho biết, chính quyền Mỹ đã gia hạn thêm 5 năm đối với Hiệp ước Cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược mới (New START) với Nga. Trước đó, Điện Kremlin cũng thông báo ngày 29/1, Tổng thống Vladimir Putin đã ký luật gia hạn thêm 5 năm Hiệp ước này.

Hiệp ước New START có hiệu lực từ tháng 2/2011.  Hiệp ước quy định, bảy năm sau khi có hiệu lực, mỗi bên tham gia không được triển khai quá 700 tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM), tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM) và máy bay ném bom chiến lược cũng như không qua 1.550 đầu đạn trên các ICBM, SLBM và máy bay ném bom chiến lược được triển khai cùng tổng cộng 800 bệ phóng ICBM, SLBM và các máy bay ném bom chiến lược.

Tên lửa đạn đạo liên lục địa của Nga tham gia duyệt binh tại Quảng trường Đỏ.
(Ảnh: New York Times)

New START là Hiệp ước có tính ràng buộc pháp lý duy nhất còn lại về kiểm soát vũ khí hạt nhân giữa hai cường quốc hạt nhân Nga và Mỹ - vốn có mối quan hệ luôn dễ dàng leo thang căng thẳng. Theo thỏa thuận ban đầu, New START sẽ hết hạn vào ngày 5/2/2021. Tuy nhiên, trong cuộc điện đàm ngày 26/1/2021, Tổng thống Mỹ Joe Biden và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã tỏ rõ quan điểm đồng thuận trước việc hai nước trao đổi công hàm ngoại giao về kéo dài thời hạn New START. Theo đó, hai bên sẽ hoàn thiện tất cả các thủ tục cần thiết để đảm bảo cơ chế pháp lý quốc tế quan trọng này tiếp tục có hiệu quả đối với việc hạn chế kho vũ khí hạt nhân của mỗi bên.

Ngay sau khi Nga và Mỹ thông báo đạt thỏa thuận gia hạn New START cho tới ngày 5/2/2026, nhiều nhà lãnh đạo trên thế giới đã hoan nghênh hai cường quốc hạt nhân có động thái “xích lại gần nhau” trong lĩnh vực kiểm soát vũ khí.

OPEC+ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ năm 2021

Ngày 3/2, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) đã bày tỏ lạc quan về triển vọng phục hồi kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu thô trong năm 2021.

Hãng thống tấn RIA Novosti dẫn lời Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, các chương trình tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 hàng loạt cùng với sự phục hồi tình hình kinh tế vĩ mô đã thúc đẩy nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ.

 OPEC+ lạc quan về sự phục hồi nhu cầu dầu mỏ năm 2021. (Ảnh: NBC News)

Nhận định của ông Alexander Novak được đưa ra tại cuộc họp hàng tháng của Ủy ban Giám sát chung cấp Bộ trưởng (JMMC) của OPEC+ được tổ chức dưới hình thức trực tuyến. Cũng tại cuộc họp, các thành viên của liên minh dầu mỏ đều thể hiện sự lạc quan về sự phục hồi của thị trường dầu mỏ trong năm 2021.

Tuyên bố được đưa ra sau cuộc họp cho biết: “Các loại vaccine dần được triển khai trên toàn thế giới là một yếu tố tích cực trong thời gian tới, thúc đẩy sự phục hồi nền kinh tế toàn cầu và nhu cầu dầu mỏ”.

Kể từ đầu tháng 11/2020, giá dầu thô đã dần phục hồi và hiện được giao dịch quanh ngưỡng 60 USD/thùng, tương đương mức giá của giai đoạn đầu năm ngoái./.

 
PV (tổng hợp)
257 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 461
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 461
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88607273