Thế giới tuần qua: Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp 

(ĐCSVN) – WHO cảnh báo về sự lây lan của biến thể virus SARS-CoV-2 tại Brazil; cộng đồng quốc tế tiếp tục bày tỏ quan ngại về tình hình Myanmar; triệt phá mạng lưới buôn người ở châu Âu; Campuchia phạt hơn 20 năm tù các cựu thành viên CNRP; căng thẳng mới trong quan hệ Nga – phương Tây… là một số thông tin đáng chú ý trong tuần qua (1-7/3).
Thế giới tuần qua: Đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp

WHO đưa ra cảnh báo quan trọng về COVID-19

 Số ca tử vong do COVID-19 ở Brazil đã đạt mức kỷ lục trong tuần qua. (Ảnh: AP)

Phát biểu trong cuộc họp báo diễn ra ở trụ sở của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Geneva (Thụy Sĩ) ngày 1/3,, Giám đốc phụ trách Chương trình khẩn cấp của cơ quan này, ông Mike Ryan cho rằng, “vẫn còn rất sớm hay thậm chí là không thực tế, nếu cho rằng chúng ta sẽ kết thúc đại dịch vào cuối năm nay”.

Tuy nhiên, chuyên gia của WHO cho rằng điều lạc quan nhất lúc này là thế giới có thể khống chế đại dịch, bằng việc giảm số bệnh nhân COVID-19 nhập viện điều trị và tử vong để giảm thiểu những tác động của cuộc khủng hoảng y tế này. Theo nhận định của ông Ryan thì số ca nhiễm COVID-19 mới đã bắt đầu quay đầu tăng trở lại sau 6 tuần liên tiếp giảm trên phạm vi toàn thế giới. Và điều này đã củng cố nhận định rằng, khả năng thế giới sẽ vượt qua đại dịch vào cuối năm 2021 là không thực tế. 

Theo số liệu thống kê trên worldometers.info, tính đến sáng 7/3, thế giới ghi nhận 117.075.934 trường hợp nhiễm COVID-19, với 2.599.984 ca tử vong. Mỹ, Ấn Độ, Brazil... là 3 nước đứng đầu về ca nhiễm COVID-19.

Theo dữ liệu do WHO vừa công bố, số ca tử vong do COVID-19 ở Brazil đã đạt mức kỷ lục trong tuần qua, và hệ thống y tế của nước này đang trên bờ vực sụp đổ do biến thể COVID-19 dễ lây lan. Ở phương diện toàn cầu, số ca nhiễm COVID-19 đang có xu hướng tăng trở lại sau 6 tuần, bất chấp các nỗ lực đẩy mạnh phân phối vaccine trên thế giới. Ông Mike Ryan, cho rằng, diễn biến phức tạp của dịch bệnh ở Brazil có thể lây lan sang các nước khác, khiến làn sóng dịch bệnh nhiều khả năng quay trở lại lần 3, thậm chí lần 4. Do vậy, nếu các nước đang chủ quan do sự xuất hiện của vaccine COVID-19, dịch bệnh có thể phức tạp hơn trên toàn thế giới.

Cộng đồng quốc tế kêu gọi Myanmar chấm dứt bạo lực, tìm giải pháp thỏa đáng

 Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc. (Ảnh: Hữu Thanh/TTXVN)

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 5/3 đã họp về tình hình khủng hoảng ở Myanmar với sự tham dự của Đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Christine Schraner Burgener.

Đại diện của các nước đều bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình hình leo thang bạo lực, gây thương vong cho dân thường và kêu gọi chấm dứt ngay bạo lực, ổn định tình hình, giải quyết vấn đề thông qua đối thoại và tiếp tục các nỗ lực hỗ trợ nhân đạo cho người dân, nhất là phụ nữ và trẻ em.

Đại diện các nước đánh giá cao các nỗ lực của ASEAN và các nước thành viên của Hiệp hội, đồng thời bày tỏ mong muốn ASEAN tiếp tục đóng góp tích cực hơn để sớm tìm ra giải pháp trước mắt và lâu dài cho vấn đề Mynamar.

Tại cuộc họp, Đại sứ Đặng Đình Quý, Trưởng Phái đoàn đại diện Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã kêu gọi các bên tại Myanmar kiềm chế tối đa, chấm dứt bạo lực, bảo đảm an toàn cho dân thường, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của người Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.

Đại sứ khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên của Tổng Thư ký về Myanmar và khuyến khích sự phối hợp hơn nữa giữa Đặc phái viên với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh, đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin với trọng tâm là người dân là điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình hiện nay. Việt Nam ủng tất cả các nỗ lực hướng tới mục tiêu này vì lợi ích của người dân Myanmar và vì hòa bình và ổn định của khu vực.

Triệt phá mạng lưới buôn người đa quốc gia tại châu Âu

  Công tố viên Fabrice Belargent. (Nguồn: Getty)

Lực lượng chức năng châu Âu ngày 5/3 thông báo đã triệt phá thành công một mạng lưới buôn người đa quốc gia có phương thức hoạt động vô cùng tinh vi. Chiến dịch truy quét được tiến hành đồng thời tại 4 quốc gia châu Âu gồm Tây Ban Nha, Italy, Romania và Pháp, giải cứu khoảng 30 nạn nhân là công dân Romania và một số nước thuộc Nam Mỹ, bắt giữ 13 đối tượng tình nghi.

Chiến dịch trên được thực hiện sau khi Văn phòng công tố ở thành phố Montpellier (miền Nam nước Pháp) điều tra về các hoạt động buôn người và môi giới mại dâm liên quan một băng nhóm có tổ chức. Theo công tố viên Fabrice Belargent, mạng lưới tội phạm này "đặc biệt tinh vi" với các thành viên chủ yếu là người Romania và Colombia, nhiều cô gái đã bị chúng bắt ép làm gái mại dâm. Ông Belargent cho biết: "Những đối tượng này tìm kiếm các nạn nhân và vẽ ra những viễn cảnh tươi đẹp để thu hút họ. Sau đó, những đối tượng này giam giữ nạn nhân trong các căn hộ thuê theo mô hình AirBnB, dùng camera để giám sát họ, đồng thời đe dọa  họ và cả gia đình họ".

30 nạn nhân được giải cứu trong chiến dịch này là người Colombia, Dominica, Paraguay và Romania ở trong độ tuổi từ 18 đến 35. Trong số 13 đối tượng tình nghi có 3 người bị bắt tại Pháp, 2 người tại Italy, 2 người tại Romania và 8 người tại Tây Ban Nha. Tất cả những đối tượng này đều nằm trong lệnh bắt giữ của cảnh sát châu Âu và sẽ bị xét xử tại Pháp.

Campuchia phạt hơn 20 năm tù các cựu thành viên CNRP

Ông Sam Rainsy tại sân bay Roissy-Charles de Gaulle, phía Bắc Paris, Pháp ngày 7/11/2019. (Ảnh: AFP/TTXVN) 

Trang thông tin Fresh News, ngày 1/3 đưa tin: Tòa án đô thành Phnom Penh đã tuyên án phạt San Rainsy, thủ lĩnh lưu vong của đảng Cứu nguy dân tộc Campuchia (CNRP) đối lập bị giải thể, 25 năm tù giam, đồng thời tước quyền bầu cử và ứng cử.

Tòa án đô thành Phnom Penh cũng tuyên án hai thủ lĩnh khác của CNRP, giải thể năm 2017, là Mu Sochua và Eng Chhay Eang mức án 22 năm tù.

Vợ của thủ lĩnh Sam Rainsy là Tioulong Saumuara, các nhân vật cấp cao khác trong CNRP là Men Sothavarin, Ou Chanrith, Ho Vann, Long Ry và Nuth Romdoul nhận mức án 20 năm tù.

Tòa tuyên ông San Rainsy và các đối tượng trên phạm các điều 27 và 451 theo Luật Hình sự do liên quan tới âm mưu lật đổ chính phủ hợp pháp của Campuchia trong các sự kiện ngày 9/11/2019.

Ngoài ra, Tòa cũng tước toàn bộ “quyền bầu cử và ứng cử trong các cuộc bầu cử” của những người này.

Nga sẽ đáp trả lệnh trừng phạt của Mỹ, EU

Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev. (Nguồn: Sputnik) 

Ngày 3/3, Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev khẳng định Nga sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Liên minh châu Âu (EU) và Mỹ trong vụ việc liên quan đến chính trị gia đối lập Alexey Navalny.

Phó Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Duma quốc gia (Hạ viện) cũng cho rằng các biện pháp trừng phạt của EU và Mỹ nhằm vào những người đứng đầu cơ quan thực thi công vụ Nga là vô nghĩa. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga bình luận rằng các biện pháp trừng phạt mới mà Mỹ áp đặt sau EU là cái cớ để tiếp tục công khai can thiệp vào công việc nội bộ của Nga và Moscow sẽ phản ứng trên nguyên tắc có đi có lại, không nhất thiết phải tương xứng. 

Trước đó, EU đã áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với bốn quan chức cấp cao của Nga liên quan vụ bắt giữ và xét xử chính trị gia đối lập Navalny. Mỹ sau đó cũng đã áp đặt trừng phạt, phong tỏa tài sản và tội phạm hóa các giao dịch đối với bảy quan chức của Chính phủ Nga, cũng như kiểm soát xuất khẩu đối với chín thực thể kinh doanh Nga liên quan đến sản xuất các tác nhân sinh học./.

 
PV (tổng hợp)
200 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1105
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1105
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87126080