Thế giới tuần qua: Chiến sự tại Syria liên tục leo thang căng thẳng 

(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua (24/2 – 1/3) ghi nhận một số sự kiện đáng chú ý: Chiến sự tại Syria liên tục leo thang căng thẳng; Thủ tướng Malaysia tuyên bố từ chức; Dịch Covid-19 lan sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ; Tổng thống Donald Trump và chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa tới Ấn Độ...
Thế giới tuần qua: Chiến sự tại Syria liên tục leo thang căng thẳng

Liên tục leo thang căng thẳng tại Syria

Binh lính Thổ Nhĩ Kỳ tại một trạm quan sát ở lỉnh Idlib, Syria. (Ảnh: AFP) 

Ít nhất 33 lính Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng và hàng chục người bị thương sau vụ không kích được cho là do quân đội Syria thực hiện ở Idlib ngày 27/2. Đây được coi là thương vong nặng nề nhất của quân đội Thổ Nhĩ Kỳ kể từ khi nước này triển khai binh sĩ ở miền Bắc Syria. Tính đến ngày 28/2, ít nhất 54 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ đã thiệt mạng và 32 binh sĩ khác bị thương trong các cuộc giao tranh tại Idlib.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp trong ngày 27/2, chỉ vài giờ sau khi xảy ra cuộc không kích của quân đội Syria. Ông Tayyip Erdogan cảnh báo nước này sẽ tiến hành chiến dịch tổng lực nhằm đáp trả lực lượng Syria nếu họ không rút lui khỏi Idlib.

Ngày 28/2, Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR) cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã thực hiện một cuộc tấn công trả đũa, khiến 16 binh sĩ Syria thiệt mạng ở Idlib. Theo SOHR, các cuộc tấn công trả đũa bằng máy bay không người lái và pháo kích của Thổ Nhĩ Kỳ đã nhằm vào các vị trí quân sự Syria tại các vùng phía Nam và phía Đông tỉnh Idlib, hiện do Chính phủ Syria kiểm soát.

Giao tranh giữa quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng nổi dậy được Ankara hậu thuẫn với quân đội chính phủ Syria gần đây trở nên quyết liệt, sau khi quân đội Syria mở chiến dịch tái chiếm tỉnh Idlib từ tay các nhóm phiến quân Hồi giáo. Thổ Nhĩ Kỳ phản đối chiến dịch quân sự này, cho rằng nó sẽ khiến thêm hàng triệu người tị nạn Syria tràn qua biên giới phía Bắc.

Diễn biến tại Idlib đánh dấu bước leo thang căng thẳng nghiêm trọng giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Trước tình hình trên, Liên Hiệp Quốc đã lên tiếng kêu gọi cần có hành động khẩn cấp tại đây.

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan  và người đồng cấp Nga Vladimir Putin đã điện đàm hôm 28/2 để cố gắng xoa dịu căng thẳng về tình hình Syria. Bộ Ngoại giao Nga ngày 29/2 thông báo, nước này và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí giảm căng thẳng trên chiến trường tỉnh Idlib, Syria trong khi tiếp tục hành động quân sự tại đây.

Thủ tướng Malaysia tuyên bố từ chức

Cựu Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad. (Ảnh: CNN)

Ngày 24/2, Văn phòng Thủ tướng Malaysia cho biết Thủ tướng Mahathir Mohamad đã đệ đơn từ chức lên Quốc vương Malaysia Abdullah Ri'ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah, đồng thời cũng từ chức Chủ tịch đảng Đoàn kết Bản địa Malaysia (Bersatu) trong bối cảnh các cuộc đàm phán thành lập một liên minh cầm quyền mới đang được tiến hành tại nước này.

Quyết định này của ông Mahathir cũng được cho là một bất ngờ bởi trước đó đảng Bersatu của ông đã lên kế hoạch thành lập một liên minh cầm quyền mới thay thế cho đảng Liên minh Hy vọng  cầm quyền (PH) hiện tại để loại trừ ông Anwar Ibrahim, Phó Thủ tướng Malaysia, được xem là "người kế vị" của ông Mahathir.

Thủ tướng Mahathir Mohamad từng tuyên bố sẽ “nhường ghế” cho ông Anwar Ibrahim sau Hội nghị APEC do Malaysia làm chủ nhà vào tháng 11/2020. Tuy nhiên, sau đó ông Anwar Ibrahim đã cáo buộc Thủ tướng Malaysia đã không tuân thủ lời hứa chuyển giao quyền lực trước đó.

Cùng ngày, Tổng Thư ký Chính phủ Malaysia Mohd Zuki Ali cho biết Quốc vương Malaysia Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah đã phê chuẩn đơn từ chức của Thủ tướng Mahathir Mohamad, đồng thời chỉ định ông làm Thủ tướng tạm quyền trong thời gian chờ bổ nhiệm Thủ tướng mới.

Ngày 29/2, Hoàng gia Malaysia thông báo, Quốc vương Abdullah Ri’ayatuddin Al-Mustafa Billah Shah đã bổ nhiệm cựu Bộ trưởng Nội vụ Muhyiddin Yassin làm tân Thủ tướng. Ông Muhyiddin Yassin, sinh ngày 15/5/1947, một chính khách kỳ cựu tại Malaysia sẽ tuyên thệ nhận chức vào lúc 10h30' ngày 1/3.

Dịch Covid-19 lan sang 60 quốc gia và vùng lãnh thổ

Dịch Covid-19 lây lan tới 60 quốc gia và vùng lãnh thổ. (Ảnh: Reuters) 

Dịch Covid-19 đã xuất hiện ở 60 quốc gia và vùng lãnh thổ thuộc mọi châu lục của thế giới, trừ Nam Cực. Tốc độ lây lan của dịch bệnh đáng báo động trên toàn cầu, khiến nhiều nước bắt buộc phải đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp để ngăn chặn.

Ngày 29/2, 8 quốc gia ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên, gồm: Mexico (2 trường hợp); các nước: Nigerina, Lithuania, New Zealand, Belarus, Azerbaijan, Iceland và Monaco, mỗi quốc gia ghi nhận 1 trường hợp mắc Covid-19.

Bên cạnh đó, tình hình dịch viêm đường hô hấp cấp do virus Corona chủng mới (nCoV) tại một số nước như Hàn Quốc, Italy, Iran ngày càng nghiêm trọng. Bộ Y tế Iran ngày 29/2 cho biết, nước này ghi nhận thêm 9 ca tử vong vì Covid-19, nâng tổng số người chết lên 43 người và 593 người nhiễm bệnh. Iran hiện là quốc gia có số người tử vong nhiều thứ 2, chỉ sau Trung Quốc.

Tính đến 15h ngày 29/2, Hàn Quốc có thêm 219 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm toàn quốc lên 3.150 ca. Ngoài ra có thêm 1 ca tử vong (cụ ông 77 tuổi, sống tại Daegu), nâng tổng số người chết vì COVID-19 lên 17. Trong 17 người này thì 10 người có tuổi trên 60.

Tại Italy, tổng số người chết vì Covid-19 tính tới sáng nay 1/3 là   29 người, trong khi tổng ca nhiễm vượt quá 1.000 người.

Tính tới hiện tại, số ca nhiễm Covid-19 trên thế giới chạm mốc 85.206 trường hợp, 2.923 trong số đó thiệt mạng, 39.448 được chữa khỏi và 7.816 trong tình trạng nguy kịch.

Tổng thống Donald Trump và chuyến thăm mang nhiều ý nghĩa tới Ấn Độ

Tổng thống Mỹ DonaldTrump (trái) và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi tham dự sự kiện tại sân vận động Motera , ngày 24/2/2020. (Ảnh: Xinhua) 

Chuyến thăm Ấn Độ trong hai ngày (24 - 25/2) của Tổng thống Mỹ Donald Trump không chỉ kỳ vọng tăng cường mối quan hệ chiến lược song phương, cũng như thông điệp về sự hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước, mà còn nhằm tới những mục tiêu mang tính chiến lược, khiến giới nghiên cứu và dư luận đặc biệt quan tâm.

Đây là chuyến thăm đầu tiên tới Ấn Độ của Tổng thống Trump kể từ khi lên nắm quyền. Chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Trump diễn ra sau một thời gian không lâu khi Bộ Ngoại giao Mỹ công bố một bản báo cáo về chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở”, cùng thời điểm với tuyên bố của ASEAN và 5 nước đối tác về việc sẽ ký kết Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), còn Ấn Độ đã quyết định không tham gia. Điều đó cho thấy, chuyến thăm Ấn Độ của Tổng thống Donald Trump không chỉ dừng lại ở việc thúc đẩy hợp tác song phương, mà liên quan trực tiếp đến chiến lược của cả Mỹ và Ấn Độ.  

Đối với Ấn Độ, chuyến thăm của Tổng thống Trump không chỉ là cơ hội để “cài đặt lại” quan hệ thương mại vốn căng thẳng, mà nhằm tới mục tiêu lớn hơn trong chính sách “Hành động hướng Đông” của nước này cùng với sự gắn kết với chiến lược “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở” của Mỹ.

Trong lúc đang nỗ lực cho cuộc đua tái tranh cử vào cuối năm 2020, chuyến thăm Ấn Độ được cho là sẽ giúp Tổng thống Trump có thể ghi điểm chính trị trong nước. Hiện có khoảng 4,5 triệu cử tri Mỹ gốc Ấn Độ đang sống ở Mỹ. Như vậy, chuyến thăm của Tổng thống Donald Trump tới Ấn Độ được coi là sự kiện chính trị hiếm hoi kể từ khi ông Trump nhậm chức. Các chuyên gia cho rằng, đây không chỉ là hoạt động ngoại giao bình thường mà ẩn chứa những vấn đề hệ trọng, tác động không nhỏ đến thực hiện chiến lược của cả Mỹ và Ấn Độ.

Thúc đẩy quyền phụ nữ trong thế kỷ 21

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres. (Ảnh: Getty Images)  

Trong bài phát biểu với lời kêu gọi biến đổi thế giới bằng việc bảo đảm vai trò tham gia bình đẳng của tất cả mọi người, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã phát đi thông điệp khẳng định rõ ràng rằng, “thế kỷ 21 phải là thế kỷ của sự bình đẳng đối với phụ nữ”.

Phát biểu tại trường đại học The New School tại thành phố New York (Mỹ), ngày 27/2, người đứng đầu Liên hợp quốc đã tự ví ông là một “nhà nữ quyền đầy hãnh diện”, đồng thời kêu gọi nam giới cần ủng hộ các quyền của phụ nữ.

Cũng trong thông điệp phát đi cùng ngày, người đứng đầu Liên hợp quốc đã chỉ ra một thực tế rằng, bất bình đẳng giới cũng như việc phân biệt đối xử với phụ nữ và trẻ em gái vẫn là một sự “bất công” trên phạm vi toàn cầu. 

Tổng thư ký Liên hợp quốc lưu ý thêm rằng, việc xóa bỏ bất bình đẳng về giới đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức nghiêm trọng trên phạm vi toàn cầu, gồm xung đột, bạo lực và khủng hoảng khí hậu. Những nỗ lực này sẽ giúp khép lại khoảng cách số, dẫn tới một tiến trình toàn cầu hóa công bằng hơn và gia tăng tính đại diện chính trị. Đây không còn là một vấn đề mới mẻ. Và từ nhiều thế kỷ qua, phụ nữ cũng đã đấu tranh vì quyền lợi của mình..

Theo ông Guterres thì vào thời điểm bước sang tuổi 75 trong năm 2020, Liên hợp quốc đang có những hành động lớn lao hơn để hỗ trợ quyền cho phụ nữ. Ông khẳng định sẽ tăng cường các cam kết để làm nổi bật và hỗ trợ bình đẳng giới trong quãng thời gian còn lại của nhiệm kỳ Tổng thư ký Liên hợp quốc. Bởi theo ông Guterres, "bình đẳng giới là điều kiện tiên quyết để hướng tới một thế giới tốt đẹp hơn”./.

 
PV (Tổng hợp)
199 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 968
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 968
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87197430