Thế giới tuần qua: Căng thẳng và bế tắc 

(ĐCSVN) – Đại dịch viêm đường hô hấp cấp (COVID-19) tái bùng phát khắp châu Âu, Chiến sự Armenia-Azerbaijan leo thang; tương lai quan hệ Anh – EU tiếp tục bế tắc; Tổng thống Kyrgyzstan từ chức; … là các diễn biến đáng chú ý trong tuần qua (12 – 18/10).
Thế giới tuần qua: Căng thẳng và bế tắc

Theo trang thống kê trực tuyến worldometers.info, tính đến sáng ngày 17/10 (giờ Việt Nam), thế giới ghi nhận có tổng cộng 39.936.797 ca nhiễm dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp (COVID-19), trong đó 1.114.167 ca tử vong và 29.875.276 ca phục hồi.

Tuần qua, châu Âu tiếp tục phải đối mặt với tình hình dịch bệnh bùng phát trở lại, buộc nhiều quốc gia phải tái áp đặt các biện pháp phong tỏa.  Hơn 50% các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU), cùng với Anh, đã phải dán nhãn đỏ trên bản đồ cảnh báo mới của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh châu Âu (ECDC).

Theo ECDC, có tới 17 trong số 31 nước mà cơ quan này theo dõi, có số ca mắc trung bình trong 14 ngày qua là trên 50 ca/100.000 dân mỗi ngày. Nhiều nước châu Âu thông báo ghi nhận số ca nhiễm lên mức cao nhất trong 1 ngày trong đó có Thụy Sĩ, Ukrane và Croatia và Litva. Trước diễn biến của dịch COVID-19, Nghị viện châu Âu (EP) quyết định đổi hình thức họp từ trực tiếp sang trực tuyến vào ngày 19-22/10.

Trong bối cảnh số ca mắc gia tăng, Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) phụ trách châu Âu Hans Kluge cho biết, cuộc khủng hoảng sẽ ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn và dự đoán sẽ có nhiều ca tử vong hơn trong thời gian tới. WHO đã phải cảnh báo rằng tỷ lệ tử vong ở châu Âu sẽ tăng mạnh nếu như các cá nhân không thay đổi hành vi. Khoảng 60% người dân châu Âu đang đeo khẩu trang, nhưng nếu con số đó tăng lên 95% và mọi người đều tuân thủ giãn cách xã hội thì mới có thể tránh được kịch bản dịch bệnh tồi tệ nhất.

Chiến sự Armenia-Azerbaijan leo thang

Nhiều khu vực ở thủ phủ Stepanakert bị tàn phá trong xung đột Armenia-Azerbaijan.
(Ảnh: Armedia) 

Ngày 15/10, thủ phủ Stepanakert của vùng lãnh thổ tranh chấp Nagorny-Karabakh đã bị pháo kích, chấm dứt giai đoạn tạm lắng bắn phá nhờ lệnh ngừng bắn.

Trên mạng xã hội Facebook, Cơ quan khẩn cấp Nagorny-Karabakh cho biết lực lượng Azerbaijan đã tấn công "các mục tiêu dân sự" ở Stepanakert. Đây là cuộc tấn công đầu tiên vào thành phố này kể từ khi Armenia và Azerbaijan nhất trí ngừng bắn tại Moskva hôm 10/10. Các nguồn tin cho biết, có 9 tiếng nổ lớn đã được nghê thấy và khói bốc lên gần các tòa nhà dân cư ở ngoại ô thành phố Stepanakert.

Từ khi giao tranh bùng nổ tại Nagorno-Karabakh cuối tháng trước, thủ phủ Stepanakert thường xuyên bị pháo kích. Các cuộc đụng độ xảy ra giữa 2 bên đã cướp đi sinh mạng của hàng trăm người, kể cả dân thường. Tuy nhiên, tình hình tại đây đã yên ổn trở lại kể từ khi Armenia và Azerbaijan đồng ý ngừng giao tranh vào tuần trước để tạo điều kiện cho việc trao đổi tù nhân và trao trả thi thể của những người thiệt mạng do xung đột. Trước khi xảy ra vụ pháo kích mới nhất vào thủ phủ Stepanakert, cả Armenia và Azerbaijan đều cáo buộc lẫn nhau vi phạm thỏa thuận ngừng bắn chỉ vài giờ sau khi văn kiện này có hiệu lực.

Khu vực Nagorny-Karabakh nằm sâu trong lãnh thổ phía Tây Nam của Azerbaijan, nhưng có đa số dân cư là người gốc Armenia sinh sống và muốn sáp nhập vùng này vào Armenia. Điều này đã châm ngòi cho những tranh chấp chủ quyền giữa hai nước, mà đỉnh điểm là cuộc chiến tranh kéo dài từ tháng 2/1988 đến tháng 5/1994, khiến khoảng 30.000 người thiệt mạng. Căng thẳng tái bùng phát từ sáng 27/9 vừa qua sau khi nổ ra các vụ đụng độ ác liệt giữa hai bên, đến nay đã khiến hàng trăm người thiệt mạng. Cuộc đàm phán tại Moskva là cuộc tiếp xúc ngoại giao đầu tiên giữa Armenia và Azerbaijan kể từ khi tái bùng phát giao tranh tại Nagorny-Karabakh.

Đàm phán thương mại Anh – EU tiếp tục bế tắc

 Tương lại quan hệ Anh - EU vẫn bế tắc sau Hội nghị Thượng đỉnh EU. (Ảnh: aa.com.tr)

Ngày 15/10, Hội nghị thượng đỉnh Liên minh châu Âu (EU) đã khai mạc tại Brussels (Bỉ). Hội nghị đặt chương trình nghị sự ưu tiên đàm phán vấn đề thương mại với Anh. Hội nghị Thượng đỉnh EU lần này là thời hạn chót mà Thủ tướng Anh Boris Johnson đặt ra để đạt một thỏa thuận thương mại với EU. Tuy nhiên trong văn bản kết thúc Hội nghị, các nhà lãnh đạo của 27 nước thành viên EU cho rằng, EU cần chuẩn bị cho kịch bản Anh ra đi mà không có thỏa thuận.

Trong bài phát biểu trên truyền hình gửi đến người dân Anh chiều 16/10, Thủ tướng Anh Boris Johnson cho hay, EU không chịu đàm phán nghiêm túc trong vài tháng qua, đồng thời Hội nghị Thượng đỉnh EU vừa kết thúc ở Brussels đã loại bỏ phương án ký kết với Anh một Hiệp định thương mại tự do giống như Hiệp định mà EU đã ký với Canada, bất chấp việc nước Anh đã có hơn 4 thập kỷ là thành viên của khối.

Cùng ngày, Trưởng đoàn đàm phán hậu Brexit phía Anh là David Frost đã thông báo cho Trưởng đoàn đàm phán của EU là Michel Barnier về việc tạm ngưng các đàm phán và hủy vòng đàm phán tiếp theo dự định tổ chức vào tuần tới tại London. Tuy nhiên, hai bên thống nhất tiếp tục trao đổi qua điện thoại. 

Hiện tại, phía EU vẫn giữ nguyên quan điểm như trong tuyên bố chung tại Hội nghị thượng đỉnh vừa kết thúc ngày 16/10, rằng Anh cần phải chấp nhận nhượng bộ trong 3 chủ đề quan trọng là sân chơi thương mại công bằng, nghề cá và cơ chế giải quyết tranh chấp. Anh và EU đã tiến hành nhiều vòng đàm phán kể từ khi Anh rời EU vào ngày 31/1/2020 nhưng cho đến nay, các cuộc đàm phán vẫn rơi vào thế bế tắc.

Tổng thống Kyrgyzstan từ chức

Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov phát biểu tại thủ đô Bishkek hôm 4/10. (Ảnh: Reuters)

Ngày 15/10, Tổng thống Kyrgyzstan Sooronbay Jeenbekov đã tuyên bố từ chức nhằm chấm dứt cuộc khủng hoảng chính trị hiện nay. Trong một tuyên bố, Tổng thống Jeenbekov nêu rõ: "Tôi không muốn đi vào lịch sử Kyrgyzstan như một vị Tổng thống cho phép đổ máu và nổ súng nhằm vào người dân. Tôi đã quyết định từ chức". Ông nhận định tình hình hiện nay đang tiến gần tới xung đột giữa những người biểu tình và các cơ quan thực thi luật pháp. Quân đội và lực lượng thực thi luật pháp có trách nhiệm phải dùng vũ khí để bảo vệ nơi ở của lãnh đạo đất nước. Theo ông, trong tình huống này, xung đột là không thể tránh khỏi, do đó ông hối thúc hai bên tránh có những hành động khiêu khích.

Ngày 4/10 vừa qua, Kyrgyzstan tiến hành bầu cử quốc hội gồm 120 ghế. Theo kết quả sơ bộ, chỉ có 4 đảng trong tổng số 16 đảng tranh cử giành trên 7% số phiếu ủng hộ để có đại diện trong quốc hội. Những người phản đối cho rằng có nhiều vi phạm trong bầu cử, dẫn tới bùng phát làn sóng biểu tình bạo lực, khiến 1 người thiệt mạng và nhiều người bị thương. Ủy ban Bầu cử Trung ương nước này sau đó đã hủy kết quả bầu cử, còn Thủ tướng Kubatbek Boronov từ chức.

Trong nỗ lực nhằm chấm dứt khủng hoảng chính trị ở quốc gia Trung Á này, Quốc hội Kyrgyzstan ngày 14/10 đã phê chuẩn nhà chính trị theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa Sadyr Zhaparov vào vị trí Thủ tướng.

Quốc hội Israel thông qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain

Quốc hội Israel thông qua thỏa thuận bình thường hóa quan hệ với UAE, Bahrain.
(Ảnh: Israel Media) 

Ngày 15/10, Quốc hội Israel đã thông qua các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ mà nước này đã ký với Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain cách đó đúng tròn 1 tháng. Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu cho rằng, thỏa thuận lịch sử này sẽ đưa Israel đến gần hơn với các nước khác trong khu vực để ký các thỏa thuận hòa bình khác.

Tháng 8 vừa qua, UAE đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với Israel, theo đó là nước thứ ba ở vùng Vịnh thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel, sau Ai Cập năm 1979 và Jordan năm 1994. Tiếp theo UAE, Bahrain có động thái tương tự. Các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ ngoại giao giữa Israel và UAE, Bahrain do Mỹ làm trung gian đã được ký chính thức ngày 15/9 vừa qua tại Nhà Trắng do Tổng thống Mỹ Donald Trump chủ trì lễ ký. 

Palestine đã lên án việc UAE và Bahrain ký thỏa thuận với Israel, cho rằng bước đi này phá vỡ chính sách của Liên đoàn Arab (AL) đối với cuộc xung đột Israel-Palestine và sẽ không mang lại hòa bình cho khu vực. Hiện Mỹ đang vận động các nước khác ở vùng Vịnh ký kết các thỏa thuận tương tự với Israel. Có dư luận cho rằng Saudi Arabia có thể tiếp bước UAE và Bahrain, tiến tới bình thường hóa quan hệ với Israel. Tuy nhiên, Saudi Arabia đã ra tuyên bố khẳng định ủng hộ người Palestine cũng như các nỗ lực nhằm đạt được một giải pháp công bằng và toàn diện.

Bầu cử Mỹ 2020: Số cử tri bỏ phiếu sớm đạt kỷ lục chưa từng có

Cho tới thời điểm hiện tại, cuộc Bầu cử Mỹ 2020 ghi nhận đăng ký cử tri và bỏ phiếu sớm đạt kỷ lục. (Ảnh: Getty Images)

"Hăng hái" là từ mà đài CNN dùng để miêu tả về dòng người xếp hàng trước các điểm có tổ chức bỏ phiếu sớm. Nhiều cử tri đã di chuyển tới các điểm bầu cử trên khắp nướcc Mỹ để bầu cho ứng viên Tổng thống mà họ ủng hộ, dù còn 15 ngày nữa mới diễn ra cuộc bầu cử chính thức.

Tính tới tối 16/10, 22,2 triệu người Mỹ đã đi bỏ phiếu, bằng 16% tổng số phiếu trong cuộc bầu cử Tổng thống năm 2016. Trong khi đó, con số này chưa bao gồm dữ liệu ở 8 bang chưa báo cáo tổng số phiếu và các cử tri Mỹ vẫn còn hơn 2 tuần để bỏ phiếu.

Việc người Mỹ đổ xô đi bỏ phiếu sớm khiến các chuyên gia dự đoán cuộc bầu cử năm nay sẽ thu hút khoảng 150 triệu người đi bầu, mức cao chưa từng thấy, chiếm 65% cử tri hợp lệ, tỷ lệ cao nhất từ năm 1908. Trong cuộc chạy đua năm 2016, khoảng 130 triệu cử tri Mỹ đã đi bỏ phiếu.

Cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đều nỗ lực thuyết phục cử tri đi bỏ phiếu sớm. Điều này xuất phát từ lo ngại tình trạng đông đúc trong ngày bầu cử làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus SARS-CoV-2. Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy cử tri đảng Dân chủ có xu hướng ưu tiên bỏ phiếu sớm và bỏ phiếu qua bưu điện hơn so với cử tri đảng Cộng hòa. Theo CNN, điều này có thể xuất phát từ những cáo buộc của Tổng thống Trump cho rằng gian lận đối với hệ thống bỏ phiếu qua bưu điện là điều khó tránh khỏi./.

 
PV (tổng hợp)
149 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 618
    • Thành viên Thành viên 2
    • Tổng Tổng 620
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87223835