Hơn 800.000 người trên thế giới thiệt mạng vì COVID-19
|
Số ca nhiễm COVID-19 trên thế giới đã vượt mốc 23,3 triệu người. (Ảnh: AFP/Getty Images) |
Tính đến sáng ngày 23/8 (giờ Việt Nam), tổng số ca nhiễm virus SARS-CoV-2 trên toàn cầu đã vượt con số 23,3 triệu, trong đó có trên 800.000 người thiệt mạng tại 215 quốc gia và vùng lãnh thổ.
Mỹ Latinh và Caribe là khu vực chịu ảnh hưởng dịch bệnh nặng nề nhất với hơn 254.000 trường hợp tử vong. Hơn 50% số bệnh nhân tử vong trên thế giới tập trung ở 4 nước: Mỹ (180.130 người), Brazil (114.250 người), Mexico (59.610 người) và Ấn Độ (56.846 người).
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh tại nhiều quốc gia trên thế giới, vaccine đang là niềm hy vọng để có thể thoát khỏi COVID-19. Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), có hơn 160 vaccine đang được điều chế và phát triển trên toàn cầu, ít nhất 30 loại bắt đầu giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
Tuy nhiên, WHO ngày 18/8 cũng cảnh báo chiến lược của các nước ưu tiên lợi ích quốc gia mình trong việc cung cấp vaccine ngừa COVID-19 có thể làm trầm trọng thêm đại dịch; đồng thời kêu gọi cộng đồng quốc tế "ngăn chặn chủ nghĩa dân tộc vaccine”. Phát biểu tại một cuộc họp báo trực tuyến từ Geneva, Tổng Giám đốc WHO, Tiến sĩ Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Không ai an toàn cho đến khi mọi người đều an toàn”.
Về các vaccine ứng cử viên ngừa COVID-19, ông Tedros chỉ ra rằng hình thức hành động chiến lược và toàn diện thực sự là vì lợi ích của tất cả các quốc gia. Tổng giám đốc WHO cho biết ngày 18/8 đã gửi một lá thư tới tất cả các quốc gia thành viên nhằm khuyến khích họ tham gia chương trình tiếp cận toàn cầu vaccine ngừa COVID-19 trong tương lai, được gọi là COVAX. Theo ông, “Trung tâm vaccine thế giới là cơ chế thiết yếu cho việc mua sắm chung và gộp rủi ro của nhiều loại vaccine”.
Bất ổn chính trị tại Belarus
|
Người biểu tình phản đối kết quả bầu cử Tổng thống tại Minsk, Belarus. (Ảnh: Reuters) |
Đất nước Belarus đang bị đẩy sâu vào vòng xoáy bất ổn khi phải đối mặt các cuộc biểu tình quy mô lớn từ phe đối lập nhằm công khai phản đối kết quả bầu cử. Theo kết quả chính thức cuộc bầu cử Tổng thống do Ủy ban Bầu cử trung ương công bố cách đây 2 tuần, Tổng thống Alexander Lukashenko tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 6 với 80,1% số phiếu ủng hộ, tiếp tục củng cố vị trí sau 26 năm cầm quyền.
Ngay sau khi có kết quả kiểm phiếu sơ bộ, các cuộc biểu tình đông người đã diễn ra tại các thành phố và biến thành xô xát với cảnh sát. Hơn 6.700 người đã bị bắt giữ và hàng trăm người bị thương, trong đó có hơn 120 nhân viên thực thi pháp luật. Hiện các cuộc biểu tình nhằm phản đối Tổng thống tái đắc cử đã bước sang ngày thứ 11 song vẫn chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.
Trước tình hình trên, nhiều nước đã lên tiếng kêu gọi thiết lập hòa bình và kiềm chế tại quốc gia Đông Âu này. Mới đây, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi những nỗ lực nhằm ổn định tình hình tại Belarus. Thông qua người phát ngôn của mình, ông Guterres kêu gọi người dân Belarus giải quyết bất đồng sau bầu cử thông qua đối thoại để gìn giữ hòa bình đất nước.
Tại Hội nghị thượng đỉnh 27 nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU), ngày 19/8, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel tuyên bố EU không công nhận những kết quả của cuộc bầu cử Tổng thống Belarus, đồng thời cảnh báo sẽ sớm áp đặt các lệnh trừng phạt với một số đối tượng chịu trách nhiệm về các hành vi bạo lực, đàn áp và gian lận bầu cử. Các nhà lãnh đạo kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra minh bạch về cuộc bầu cử và tỏ rõ sự ủng hộ đối với một tiến trình chuyển giao quyền lực dân chủ tại Belarus.
Thỏa thuận thương mại Mỹ - Trung trước tương lai khó đoán
|
Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố ông đã hoãn cuôc đàm phán thương mại lẽ ra theo kế hoạch diễn ra ngày 15/8 với Trung Quốc. (Ảnh: AFP) |
Ngày 20/8, Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết đàm phán thương mại giữa nước này và Mỹ sẽ sớm được tổ chức trong vài ngày tới. Thông báo trên được đưa ra chỉ 2 ngày sau khi Tổng thống Mỹ D.Trump tuyên bố ông đã hoãn cuôc đàm phán thương mại lẽ ra theo kế hoạch diễn ra ngày 15/8 với Trung Quốc, đồng thời cho biết ông "không muốn thảo luận với Bắc Kinh vào lúc này".
Đề cập tới khả năng Mỹ rút khỏi bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 với Trung Quốc, ông D.Trump cho biết: “Chúng ta sẽ nghe ngóng những điều xảy ra tiếp theo”. Trên thực tế, việc chấm dứt thỏa thuận sẽ cần tới một thông báo bằng văn bản và có hiệu lực trong 60 ngày kế tiếp, trừ khi cả Mỹ và Trung Quốc đưa ra một thời điểm khác.
Trước đó, Bắc Kinh và Washington đã lên kế hoạch tổ chức hội nghị trực tuyến vào ngày 15/8 để đánh giá sự tiến triển của thỏa thuận thương mại giai đoạn 1, vốn có hiệu lực hồi tháng 2, trong đó yêu cầu 6 tháng một lần phải tiến hành thảo luận về tiến triển của thỏa thuận.
Hồi tháng 1, Mỹ và Trung Quốc đã ký thỏa thuân thương mại giai đoạn 1, chấm dứt căng thẳng thương mại kéo dài gần 2 năm giữa hai nước. Tuy nhiên, các chuyên gia thương mại cho rằng, Trung Quốc vẫn “đi chậm hơn tốc độ cần thiết” để đáp ứng cam kết về mức nhập khẩu hàng hóa trong bản thỏa thuận thương mại với Mỹ. Thậm chí điều này còn được dự báo là “không có cơ hội” trở thành hiện thực, trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đang bị chao đảo bởi đại dịch COVID-19. Trong khi đó, những căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Trung, kéo theo nguy cơ sụp đổ của bản thỏa thuận thương mại giữa hai nền kinh tế nhất, nhì thế giới đang làm dấy lên những lo ngại về sự quay trở lại của cuộc chiến thuế quan theo kiểu “ăn miếng trả miếng”, gây tổn hại đến hoạt động thương mại và các công ty trên toàn thế giới.
Đảo chính ở Mali
|
Cuộc đảo chính vừa diễn ra tại Mali gây phẫn nộ trong cộng đồng quốc tế. (Ảnh: franceinfo) |
Ngày 18/8, các binh sĩ nổi dậy đã bắt giam Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita và Thủ tướng Boubou Cisse tại căn cứ quân sự ở ngoại ô thủ đô Bamako. Tổng thống Keita, sau nhiều tháng đối mặt với các cuộc biểu tình phản đối trên diện rộng của người dân, đã buộc phải tuyên bố từ chức để tránh đổ máu. Trong khi đó, nhóm binh lính tự xưng là Ủy ban Quốc gia về bảo vệ người dân (CNSP) tuyên bố nắm quyền lãnh đạo Mali và sẽ tiến hành tổng tuyển cử trong thời gian tới. Sự việc xảy ra là vụ đảo chính thứ 2 ở Mali trong vòng 8 năm và được xem là đỉnh điểm của cuộc khủng hoảng chính trị bùng phát sau cuộc bầu cử Quốc hội cuối tháng 3 tại quốc gia Tây Phi này.
Trước tình hình trên, cộng đồng quốc tế ngày 19/8 tiếp tục gia tăng sức ép đối với lực lượng đảo chính ở Mali; đồng thời yêu cầu trả tự do "ngay lập tức" cho Tổng thống Ibrahim Boubacar Keïta, hiện vẫn bị giam giữ một ngày sau khi lực lượng này bắt giữ. Phong trào đối lập M5-RFP đã phủ nhận bất kỳ mối liên hệ nào với nhóm binh lính này. Đại tá quân đội Mali Assimi Goita, ngày 19/8, đã tự tuyên bố là thủ lĩnh cuộc binh biến, trong khi phát ngôn viên của CNSP Ismael Wague Mali đề nghị người dân quay trở lại cuộc sống bình thường và cảnh báo chống lại các hành động phá hoại. Ngoài ra, phong trào đối lập M5-RFP cũng tuyên bố sẽ hợp tác với chính quyền quân sự thúc đẩy "một lộ trình" chuyển tiếp chính trị.
Cộng đồng Kinh tế các Quốc gia Tây Phi (ECOWAS), trung gian trong cuộc khủng hoảng ở Mali, là tổ chức đầu tiên lên án các sự kiện ở Bamako ngày 18/8. Trong một thông cáo báo chí, tổ chức khu vực này "lên án bằng những từ ngữ mạnh mẽ nhất cuộc lật đổ do những binh lính tàn ác (…) gây ra". ECOWAS "dứt khoát phủ nhận bất kỳ hình thức hợp pháp nào đối với phe tàn ác và yêu cầu thiết lập lại trật tự hiến pháp ngay lập tức" – tuyên bố cho biết. Tổ chức này cũng "yêu cầu trả tự do ngay lập tức" cho nguyên thủ quốc gia của Mali và tất cả các quan chức bị bắt giữ và những người mà họ còn chưa được biết.
Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc ngày 19/8 lên án mạnh mẽ cuộc binh biến ở Mali. Trong thông cáo được đưa ra, các thành viên của Hội đồng Bảo an bày tỏ "quan ngại sâu sắc trước những diễn biến gần đây ở Mali"; đồng thời kêu gọi những kẻ nổi dậy "thả một cách an toàn và ngay lập tức tất cả các quan chức bị giam giữ và trở về doanh trại ngay lập tức".
Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ làm “nóng” Bầu cử Mỹ 2020
|
Ứng cử viên Joe Biden chính thức tiếp nhận đề cử của đảng Dân chủ. (Ảnh: AP) |
Tối ngày 17/8, rạng sáng 18/8 (giờ Việt Nam), Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ lần thứ 49 đã chính thức khai mạc tại thành phố Milwaukee, bang Wisconsin. Đại hội đã diễn ra 4 ngày và chính thức bế mạc vào ngày 20/8. Đây là lần đầu tiên Đại hội toàn quốc đảng Dân chủ được tổ chức theo hình thức trực tuyến trong bối cảnh đại dịch COVID-19 vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp Mỹ.
Ngày 19/8 (giờ Việt Nam), cựu phó Tổng thống Mỹ Joe Biden, 77 tuổi đã chính thức tiếp nhận đề cử của đảng Dân chủ là ứng cử viên Tổng thống trong cuộc đua vào Nhà Trắng cùng đương kim Tổng thống D.Trump vào tháng 11 tới. Ứng cử viên Joe Biden tiếp nhận đề cử trong đêm thứ 2 diễn ra Đại hội. Tại Đại hội, ông Biden đưa ra kế hoạch xây dựng lại nước Mỹ, chú trọng tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, cam kết triển khai một chiến lược quốc gia để đối phó với đại dịch COVID-19, vốn đang tàn phá nước Mỹ hết sức nặng nề cũng như giải quyết tình trạng bất ổn liên quan tới vấn nạn phân biệt chủng tộc tại quốc gia này.
Sáng 20/8 (giờ Việt Nam), Thượng nghị sĩ bang California Kamala Harris, 55 tuổi cũng đã làm nên lịch sử khi chính thức trở thành người phụ nữ da màu gốc Á đầu tiên tiếp nhận đề cử liên danh Phó Tổng thống cùng ứng cử viên Tổng thống Joe Biden. Bà Kamala Harris cho biết sẽ đấu tranh để khôi phục các nguyên tắc hòa nhập của nước Mỹ sau 4 năm bị chia rẽ dưới chính quyền của Tổng thống đương nhiệm D.Trump.
Ngay sau Đại hội đảng Dân chủ, đảng Cộng hòa cũng sẽ tổ chức Đại hội vào tuần sau, từ ngày 24-27/8. Dự kiến, ông D.Trump sẽ có bài phát biểu chấp nhận đề cử của đảng Cộng hòa từ Nhà Trắng. Cuộc tổng tuyển cử bầu Tổng thống Mỹ sẽ diễn ra vào ngày 3/11 tới./.