Mỹ và Trung Quốc đạt thỏa thuận thương mại giai đoạn 1

 Hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc và một số nước châu Á khác tại cảng Los Angeles, Mỹ (Ảnh: AFP) 

Ngày 14/12, Mỹ và Trung Quốc thông báo đã đạt thỏa thuận thương mại song phương giai đoạn một. Trên trang Twitter, Tổng thống Mỹ D.Trump xác nhận thông tin và cho biết, Bắc Kinh đồng ý mua một lượng lớn nông sản, các mặt hàng công nghiệp và năng lượng cũng như nhiều mặt hàng khác của Mỹ. Tổng thống D.Trump cam kết sẽ không thực hiện kế hoạch áp thuế với lượng hàng hóa của Trung Quốc trị giá 160 tỷ USD, như dự kiến vào ngày 15/12, đồng thời giảm bớt một số loại thuế với hàng hóa Trung Quốc. Washington sẽ đàm phán về giai đoạn hai của thỏa thuận thương mại với Bắc Kinh.

Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ cho biết họ hy vọng sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 vào tuần đầu tiên của tháng 1/2020, và phát hành một tài liệu gồm các điểm quan trọng, như các điều khoản thực thi và cải thiện chính sách bảo vệ công nghệ Mỹ, cũng như một cam kết của Trung Quốc mua thêm 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Mỹ trong 2 năm tới. 

Trong khi đó, Trung Quốc cũng thông báo đã đạt được tiến bộ quan trọng về thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Mỹ. Theo đó, Trung Quốc hủy kế hoạch áp thuế với hàng hóa nhập khẩu của Mỹ, dự kiến có hiệu lực ngày 15/12, đồng thời tăng nhập khẩu lúa mì và ngô của Mỹ. Theo Thứ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Thụ Văn, giới chức hai nước đang thảo luận thời điểm và địa điểm ký kết thỏa thuận giai đoạn một.

Theo nhận định của giới phân tích, việc Mỹ và Trung Quốc cuối cùng có thể đi đến thỏa thuận và tránh được đợt áp thuế ngày 15/12 sẽ mang lại tín hiệu tích cực cho việc tháo gỡ căng thẳng thương mại đã kéo dài 18 tháng qua, vốn đang tạo ra những áp lực không nhỏ tới thị trường toàn cầu và đẩy lùi triển vọng kinh tế thế giới.

Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy đạt kết quả tích cực

Các nhà lãnh đạo 'Bộ tứ Normandy' tham dự buổi họp báo sau hội nghị thượng đỉnh. (Ảnh: TASS) 

Ngày 9/12, Hội nghị thượng đỉnh Bộ tứ Normandy (gồm Nga, Ukraine, Đức, Pháp) tại Paris (Pháp) đã kết thúc sau một ngày họp.

Cuộc gặp này đã đạt được nhiều kết quả tích cực đối với tiến trình thiết lập hòa bình cho khu vực miền Đông Ukraine sau gần 6 năm chìm trong bất ổn.

Dưới sự điều phối của Pháp và Đức, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Ukraine Volodymyr Zelensky đã lần đầu tiên đối thoại trực tiếp về cuộc xung đột ở miền Đông Ukraine. Các nhà lãnh đạo đã đạt được đồng thuận về một số biện pháp giảm căng thẳng cho cuộc xung đột này, nhưng không có đột phá lớn nào để thực sự kết thúc cuộc chiến đã kéo dài 5 năm. Một vòng đàm phán nữa sẽ được Bộ tứ Normandy tiến hành trong 4 tháng tới.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều đánh giá tích cực về kết quả của hội nghị thượng đỉnh lần này ở Paris. Bà Merkel cho rằng nhóm Bộ tứ Normandy đã vượt qua được “khoảng lặng” trong việc giải quyết vấn đề Donbass.

Tổng tuyển cử Anh: Đảng Bảo Thủ giành chiến thắng, tương lai Brexit chắc chắn được định đoạt

Ông Boris Johnson thắng vang dội, rộng đường giải quyết vấn đề Brexit - Ảnh: Reuters 

Kết quả cuộc tổng tuyển cử ngày 12/12 tại Anh mang về chiến thắng thuyết phục cho đảng Bảo thủ cầm quyền khi đảng này giành được 364/650 ghế tại Hạ viện. Đây là chiến thắng ấn tượng nhất trong lịch sử tranh cử của đảng Bảo thủ kể từ năm 1987 và cũng là chiến thắng mang tính quyết định đối với Brexit.

Kết quả này sẽ mở ra con đường thênh thang để ông Johnson thúc đẩy hạ viện thông qua thỏa thuận Brexit mà chính phủ của ông và EU ký kết hồi tháng 10 để đưa Anh rời khỏi liên minh vào ngày 31/1/2020. Nó cũng đặt dấu chấm hết cho những hi vọng về việc đảo ngược Brexit thông qua trưng cầu ý dân lần hai.

Chiến thắng của Thủ tướng Boris Johnson không bất ngờ vì kết quả đã được dự báo trước qua các thống kê sơ bộ của phòng phiếu. Đối thủ của ông, chủ tịch Công đảng Jeremy Corbyn thừa nhận đã có "một đêm rất thất vọng" và cho biết ông sẽ không dẫn dắt đảng trong cuộc bầu cử tiếp theo.

Đảng Bảo thủ chiến thắng sẽ giúp đảm bảo nước Anh rời EU có trật tự do ông Jonhson lãnh đạo. Hai bên sẽ có khoảng 11 tháng để đạt thỏa thuận về quan hệ thương mại song phương.

Triều Tiên mất dần sự kiên nhẫn trong quan hệ với Mỹ

Phó Chủ tịch Ủy ban trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong. (Ảnh: Narong Sangnak/EPA) 

 Ngày 9/12, Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên Ri Su Yong đã nhấn mạnh tới việc nhà lãnh đạo Kim Jong-un sẽ đưa ra “quyết định cuối cùng” về tiến trình đàm phán phi hạt nhân hóa với Mỹ vào cuối năm nay. Đây cũng là “thời hạn chót” mà Triều Tiên đã đơn phương yêu cầu Mỹ cần đáp ứng để phá vỡ thế bế tắc trong đàm phán.

Cùng ngày, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên KCNA dẫn tuyên bố của nhà cựu đàm phán hạt nhân Triều Tiên – ông Kim Yong-chol nhằm kêu gọi Mỹ nên nghĩ về cách thức giúp cho hai nước tránh bị cuốn vào một cuộc đụng độ, hơn là mất thời gian để lựa chọn đưa ra những thông điệp cảnh báo Triều Tiên. “Vẫn còn rất nhiều điều về Triều Tiên mà ông D.Trump chưa biết rõ…Chúng tôi không còn gì hơn để mất” – ông Kim Yong-chol nói.

Ngày 12/12, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh dù Mỹ luôn đề cập tới đối thoại, song Washington lại chẳng có một đề nghị nào dành cho Bình Nhưỡng dù triển vọng đối thoại vẫn hiện hữu. Triều Tiên cũng chỉ trích việc Mỹ đã triệu tập cuộc họp của HĐBA LHQ trước đó 1 ngày, cho rằng điều này chỉ khiến Bình Nhưỡng đưa ra quyết định rõ ràng về con đường mà nước này sẽ chọn. Về việc Mỹ đã đề cập tới biện pháp tương ứng tại cuộc họp, người phát ngôn nêu rõ Triều Tiên không có gì để mất và sẵn sàng đáp trả lại mọi biện pháp tương ứng mà Mỹ lựa chọn.

Ngày 14/12, Tham mưu trưởng quân đội Triều Tiên Pak Jong-chon cảnh báo rằng "các lực lượng thù địch", bao gồm Mỹ, nên thận trong các hành động, tránh khiêu khích vào thời điểm thế giới chuẩn bị bước sang một năm mới. 

Phần Lan có nữ Thủ tướng trẻ tuổi nhất trong lịch sử

Nữ Thủ tướng đắc cử Phần Lan Sanna Marin. (Nguồn: Quartz) 

Ngày 10/12, cô Sanna Marin, 34 tuổi đã chính thức tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Phần Lan với lời cam kết mang lại sự ổn định cho đất nước và vẫn sẽ tiếp tục sử dụng mạng xã hội một cách cẩn trọng.

Với 99 phiếu thuận và 70 phiếu chống, Quốc hội Phần Lan gồm 200 thành viên đã chính thức phê chuẩn việc bổ nhiệm cô Marine vào vị trí Thủ tướng, khiến cô trở thành người trẻ nhất thế giới đang nắm giữ cương vị này.

Trước đó, đảng Dân chủ Xã hội, chính đảng lãnh đạo chính quyền liên minh 5 đảng trung tả tại Phần Lan, ngày 8/12 đã bầu chọn Bộ trưởng Giao thông Sanna Marin trở thành Thủ tướng của nước này để thay thế Thủ tướng Antti Rinne mới tuyên bố từ chức. Phát biểu với các phóng viên sau khi giành chiến thắng sít sao trong cuộc bầu cử lãnh đạo đảng, cô Marin cho biết nhiệm vụ trước mắt là xây dựng lại lòng tin. 

Sự thay đổi lãnh đạo tại Phần Lan diễn ra ở thời điểm quốc gia này đang giữ cương vị Chủ tịch luân phiên của Liên minh châu Âu (EU) đến cuối năm nay, cũng như đóng vai trò trung tâm trong nỗ lực thông qua một ngân sách mới của khối.

ADB hạ dự báo tăng trưởng của các quốc gia đang phát triển tại châu Á

Ảnh minh họa: vov.vn 

Trong một ấn bản bổ sung của báo cáo Cập nhật Triển vọng Phát triển Châu Á 2019 mới được công bố, ADB kỳ vọng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của khu vực tăng 5,2% cho cả năm 2019 và 2020, giảm so với con số dự báo hồi tháng 9 là 5,4% cho năm nay và 5,5% vào năm sau.

Chuyên gia Kinh tế trưởng của ADB, ông Yasuyuki Sawada nhận định: “Mặc dù tốc độ tăng trưởng ở châu Á đang phát triển vẫn vững vàng, song căng thẳng thương mại kéo dài đã ảnh hưởng tiêu cực tới khu vực và hiện đang là nguy cơ lớn nhất đối với triển vọng kinh tế trong dài hạn. Đầu tư trong nước cũng đang giảm sút ở rất nhiều quốc gia do niềm tin kinh doanh suy yếu. Mặt khác, lạm phát đang gia tăng trong bối cảnh giá lương thực cao hơn, do dịch tả lợn châu Phi khiến giá thịt lợn tăng lên đáng kể”.

Ấn bản bổ sung này dự báo lạm phát ở mức 2,8% trong năm 2019 và 3,1% vào năm 2020, tăng so với con số dự báo hồi tháng 9 là 2,7% trong cả năm nay và năm sau.                                                            

Boeing 737 MAX sẽ không được cấp phép hoạt động trở lại trước năm 2020

Máy bay Boeing 737 MAX của Hãng hàng không Southwest Airlines tại sân bay Southern California Logistics, Mỹ. (Ảnh: Getty Images) 

Cục trưởng Cục hàng không liên bang Mỹ (FAA) Steve Dickson ngày 11/12 cho biết, dòng máy bay Boeing 737 MAX sẽ không được cấp chứng chỉ bay trở lại cho đến năm 2020.

Trả lời phỏng vấn trên CNBC, ông Dickson cho biết tiến trình phê chuẩn nối lại hoạt động bay cho máy bay 737 MAX vẫn còn một số quy trình và mốc quan trọng cần phải hoàn thành.

“Chúng tôi tiếp tục hợp tác chặt chẽ với FAA và các nhà điều hành bay toàn cầu nhằm hướng đến việc cấp phép trở lại cho 737 MAX”, hãng Boeing cho hay.

Ông Dickson cho biết hiện chưa có mốc thời gian cụ thể để cấp phép hoạt động trở lại cho 737 MAX bởi vẫn còn 10 đến 11 mốc quan trọng cần phải hoàn thành. Hiện nhóm làm việc của ông đang trong quá trình “xem xét lại phần mềm hoạt động của máy bay và xác nhận cách thức phát triển hệ thống phần mềm”. FAA đảm bảo rằng quá trình cấp phép cho máy bay Boeing 737 MAX hoạt động trở lại sẽ diễn ra "rất cẩn thận"./.

 
PV (tổng hợp)