Thế giới tuần qua: “Cơn địa chấn” Trung Đông 

(ĐCSVN) – Thế giới tuần qua tiếp tục chứng kiến những căng thẳng mới trong quan hệ Mỹ - Iran khi hai nước lần lượt tung ra các đòn trả đũa quân sự lẫn nhau, làm gia tăng các rủi ro về an ninh, bạo lực không chỉ giữa Mỹ - Iran mà còn với cả Trung Đông.
Thế giới tuần qua: “Cơn địa chấn” Trung Đông

Iran nã hàng chục quả tên lửa vào căn cứ quân sự Mỹ ở Iraq

Hình ảnh tên lửa rời bệ phóng do hãng thông tấn Fars News của Iran công bố sáng 8/1. (Ảnh: Fars News)

Ngày 8/1, Lầu Năm góc xác nhận Iran đã sử dụng hàng chục quả tên lửa đạn đạo để tấn công ít nhất hai căn cứ quân sự tại Iraq là nơi đồn trú của quân đội Mỹ và lực lượng liên quân. Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRCG) đã lên tiếng nhận trách nhiệm thực hiện vụ tấn công tên lửa và khẳng định đây là “đòn báo thù” cho vụ sát hại Chỉ huy đặc nhiệm của nước này – Thiếu tướng Soleimani.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper khẳng định, đã có 16 quả tên lửa đạn đạo tầm ngắn được phóng đi từ ít nhất 3 địa điểm bên trong lãnh thổ Iran. 7 quả tên lửa trong số này đã đánh trúng căn cứ không quân Ain al-Assad ở miền Tây Iraq và 1 quả nhắm trúng căn cứ Arbil ở khu tự trị người Kurd. Vụ tấn công tên lửa của Iran đã không gây ra tổn thất đáng kể, ngoại trừ việc khiến một số khu lều, một bãi đậu xe và một trực thăng bị phá hủy.

Vụ tấn công không được đánh giá là “một diễn biến bất ngờ” bởi Iran đã từng tuyên bố sẽ “trả thù khốc liệt” trước vụ Mỹ ám sát Thiếu tướng Soleimani mà nước này xem là một vụ tấn công khủng bố.

Trong khi đó, Lầu Năm góc tuyên bố sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để bảo vệ các lực lượng quân đội Mỹ trong bối cảnh căng thẳng ở Trung Đông đang dâng cao.

Ngay sau vụ Iran không kích các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, Tổng thống Donald Trump đã bài phát biểu đề cập tới hai nội dung đáng chú ý, đó là: Khẳng định Mỹ không gặp phải thương vong nào sau vụ tấn công và sẽ tiếp tục áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran.

Trong bài phát biểu, Tổng thống Donald Trump khẳng định: “Mỹ sẽ ngay lập tức áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran. Những biện pháp trừng phạt mạnh mẽ này sẽ được duy trì cho tới khi Iran thay đổi lối hành xử” – ông Donald Trump nói.

Hiện Iran chưa đưa ra phản ứng trước tuyên bố mới nhất của ông Donald Trump, song chỉ vài giờ sau khi thực hiện vụ tấn công tên lửa vào các căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq, Bộ trưởng Quốc phòng Iran – Chuẩn tướng Amir Hatami tuyên bố những phản ứng tiếp theo của nước này liên quan tới vụ sát hại Tướng Soleimani sẽ được thực hiện tương xứng với những hành động từ phía Mỹ.

Máy bay Ukraine rơi ngay sau khi cất cánh

Hiện trường vụ tai nạn máy bay thảm khốc khiến hơn 170 người thiệt mạng. (Ảnh: AP)

Ngày 8/1, một máy bay Boeing 737-800 của hãng hàng không quốc tế Ukraine chở 176 hành khách và phi hành đoàn đã gặp sự cố và rơi xuống khu vực gần sân bay Imam Khomeini ở thủ đô Tehran (Iran) khoảng 3 phút sau khi cất cánh.  Chuyến bay mang số hiệu 752 này đang trên hành trình tới thủ đô Kiev của Ukraine.   

Chính phủ Ukraine thông báo vào thời điểm gặp nạn, trên chiếc máy bay có 82 công dân Iran, 63 công dân Canada, 3 người Anh, 11 người Ukraine, 10 người Thụy Điển, 4 người Afghanistan và 3 người Đức.

Thời điểm vụ máy bay rơi ban đầu được truyền thông Iran cho là do sự cố máy móc, diễn ra chỉ vài giờ sau khi Iran bắn tên lửa vào hai căn cứ quân sự của Mỹ tại Iraq để trả thù việc Tướng Qasem Soleimani, một trong những nhà quân sự có tầm ảnh hưởng lớn nhất của Iran bị giết chết.

Tuy nhiên, ngày 11/1, truyền hình nhà nước Iran dẫn tuyên bố của quân đội nước này cho biết hệ thống phòng không của nước này vào ngày 8/1 đã vô tình bắn trúng một máy bay của Ukraine, khiến máy bay bị rơi làm toàn bộ 176 người trên chuyến bay thiệt mạng. Theo thông báo, máy bay trên đã bay gần một cơ sở quân sự nhạy cảm của Iran và sự cố trên là do lỗi con người. 

Trong khi đó, các báo cáo từ Mỹ và các đồng minh ngày 9/1 cho biết chiếc Boeing 737 của Hãng hàng không Ukranie có thể bị tên lửa đất đối không bắn hạ.

Trước cáo buộc trên, ngày 10/1, Phát ngôn viên Chính phủ Iran, ông Ali Rabiei lên tiếng cho rằng cáo buộc đó là “lời nói dối trắng trợn”. Hay ông Ali Abedzadeh, người đứng đầu Cơ quan Hàng không dân dụng Iran đã gọi đây là "những tin đồn phi logic".

Libya: LNA bác bỏ kêu gọi ngừng bắn của Nga -Thổ Nhĩ Kỳ

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan gặp gỡ tại Istanbul, ngày 8/1. (Ảnh: Umit Bektas/Reuters) 

Chỉ huy lực lượng tự xưng Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đóng ở miền Đông, Tướng Khalifa Hafta tối 9/1 đã từ chối lời kêu gọi ngừng bắn của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời khẳng định sẽ tiếp tục các hoạt động quân sự chống lại các lực lượng trung thành với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc công nhận.

Người phát ngôn LNA Ahmad al-Mesmari cho biết, Tướng Haftar đã nhấn mạnh sự hồi sinh của tiến trình chính trị và sự ổn định của đất nước chỉ có thể được đảm bảo thông qua việc tiêu diệt các nhóm "khủng bố" và giải tán các nhóm dân quân đang kiểm soát thủ đô Tripoli. 

Trong tuyên bố, Tướng Haftar vẫn "hoan nghênh" sáng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, song vẫn khẳng định tiếp tục "những nỗ lực vũ trang trong cuộc chiến chống lại các nhóm khủng bố". Ông nói thêm rằng, các nhóm này đã chiếm thủ đô Tripoli và đang nhận được sự hỗ trợ từ một số quốc gia và chính phủ nước ngoài như cung cấp thiết bị quân sự, đạn dược và máy bay không người lái. Các quốc gia hỗ trợ, đáng chú ý là Thổ Nhĩ Kỳ, cũng gửi một số lượng lớn những phần tử khủng bố từ khắp nơi trên thế giới đến Libya để chiến đấu chống lại LNA.

Trước đó, ngày 8/1, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan và người đồng cấp Nga Putin đã nhất trí lập trường kêu gọi ngừng bắn tại Libya. GNA đã hoan nghênh lời kêu gọi đình chiến, nhưng không khẳng định sự tuân thủ lời kêu gọi này.

Hiện vẫn chưa rõ những lời kêu gọi này sẽ có tác động ra sao tới tình hình trên thực địa tại Libya. Tuy nhiên, đây cũng được xem là một nỗ lực “tăng cường” nhằm giải quyết một cuộc xung đột dai dẳng mà vốn từ lâu, đã khiến các cường quốc phương Tây và Liên hợp quốc loay hoay song vẫn chưa tìm ra đáp số.

Đất nước Libya đang bị đẩy sâu vào một cuộc nội chiến giữa GNA được Liên hợp quốc ủng hộ và lực lượng LNA do Tướng Khlifar Haftar đứng đầu và ủng hộ chính quyền ở miền Đông Libya.

Từ đầu tháng 4/2019, LNA đã phát động chiến dịch quân sự nhằm giành quyền kiểm soát thủ đô Tripoli từ GNA. Giao tranh ác liệt giữa các bên đã khiến hàng nghìn người thương vong, buộc hơn 300.000 người phải rời bỏ nhà cửa và khoảng 800.000 người phải trông chờ vào viện trợ nhân đạo. Dư luận đang lo ngại về một cuộc nội chiến mới và thảm họa nhân đạo tại quốc gia Bắc Phi này.

Hạ viện Anh chính thức thông qua thỏa thuận Brexit

 Hạ viện Anh chính thức thông qua thỏa thuận Brexit. (Ảnh AFP/Getty Images) 

Ngày 9/1, với 330 phiếu thuận và 231 phiếu chống, Hạ viện Anh đã chính thức thông qua thỏa thuận Anh rời Liên minh châu Âu (EU) hay còn gọi là Brexit của Thủ tướng Boris Johnson, qua đó mở đường về triển vọng Brexit được thực hiện vào ngày 31/1 sắp trở thành hiện thực.

Sau khi Hạ viện thông qua, thỏa thuận này còn cần được Thượng viện Anh phê chuẩn, sau đó sẽ được Nữ hoàng Anh chính thức công bố.

Trước đó, với 358 phiếu thuận và 234 phiếu chống, Hạ viện Anh khóa mới ngày 20/12/2019 đã thông qua lần thứ nhất thỏa thuận Brexit mà Thủ tướng Boris Johnson đã ký kết với EU hồi tháng 10/2019, qua đó cho phép tiến hành phiên họp về đại cương dự luật, điều kiện cần thiết để thỏa thuận này chính thức được phê chuẩn.

Hạ viện Anh tiến hành bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit lần thứ nhất chỉ tám ngày sau khi đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson giành chiến thắng thuyết phục trong cuộc bầu cử trước thời hạn với khẩu hiệu “hoàn tất Brexit”.

Đây là bước đi đầu tiên hướng tới hiện thực hóa cam kết hoàn tất Brexit bằng bất cứ giá nào vào ngày 31/1/2020 mà ông Johnson đưa ra kể từ khi kế nhiệm cựu Thủ tướng Theresa May hồi tháng 7/2019.

Về phía EU, Nghị viện châu Âu dự kiến sẽ phê chuẩn thỏa thuận Brexit một vài ngày trước thời điểm ngày 31/1/2020.

Mỹ, Trung sẽ ký thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” vào tuần tới

Phó Thủ tướng Lưu Hạc sẽ dẫn đầu đoàn đại biểu Trung Quốc sang Mỹ để ký kết bản thỏa thuận thương mại "giai đoạn 1" vào tuần tới . (Ảnh: Reuters) 

Ngày 9/1, Bộ Thương mại Trung Quốc (MOC) thông báo các đại diện nước này và Mỹ sẽ ký kết bản thỏa thuận thương mại, kinh tế giai đoạn 1 tại Washington (Mỹ) vào tuần tới.

Phát biểu trong cuộc họp báo cùng ngày, người phát ngôn MOC Cao Phong cho biết, theo lời mời của phía Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, kiêm trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc Lưu Hạc sẽ dẫn đầu một phái đoàn nước này tới Washington trong các ngày từ 13-15/1. Hiện hai bên đang duy trì liên hệ chặt chẽ để thu xếp tổ chức lễ ký kết.

Phát biểu tại một sự kiện ở New York, Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải cũng tin tưởng rằng, bản thỏa thuận thương mại, kinh tế giai đoạn 1 giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ không chỉ mang lại lợi ích cho hai nước mà còn đối với cả thế giới, nhất là trong bối cảnh tình hình thế giới đang diễn biến rất phức tạp và dễ biến động. Điều này đã trở thành một minh chứng cho thấy, việc Mỹ và Trung Quốc cùng đối thoại và tham vấn trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau sẽ dẫn tới những kết quả cùng thắng lợi cho cả đôi bên.

Ngày 9/1, hãng tin CNBC cũng xác nhận thông tin về việc Tổng thống Donald Trump và các đại diện Trung Quốc đã lên kế hoạch ký kết bản thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 được chờ đợi từ lâu vào ngày 15/1 tới. Bản thỏa thuận sẽ đề cập tới một số biện pháp nới lỏng về thuế, Trung Quốc tăng cường nhập khẩu hàng nông sản Mỹ và thay đổi một số nguyên tắc về sở hữu trí tuệ, công nghệ.

Cháy rừng tại Australia: Nhà chức trách tiếp tục ban bố cảnh báo

Australia đang phải hứng chịu thảm họa cháy rừng khủng khiếp chưa từng có trong lịch sử nước này, với gần 200 đám cháy vẫn đang hoành hành trên hầu khắp lục địa châu Đại Dương rộng lớn, gây thiệt hại nghiêm trọng về người và tài sản cũng như tàn phá hệ động vật hoang dã.

Theo ghi nhận của Chính phủ liên bang, cháy rừng bắt đầu bùng phát ở Australia từ tháng 11/2019, đến nay đã khiến 27 người chết, 10,3 triệu héc ta đất bị thiêu rụi. Hàng nghìn người mất nhà cửa và phải di tản.

Giới chức Australia đã cảnh báo rằng cháy rừng xảy ra do nhiệt độ cao, các đợt gió mạnh và tình trạng hạn hán kéo dài suốt 3 năm qua cũng đã hủy hoại các vùng đất hoang đầy bụi rậm tại Australia. Nhà chức trách cảnh báo cháy rừng sẽ kéo dài cho tới khi có các đợt mưa liên tục. Báo cáo mới nhất của Cục Khí tượng Quốc gia Australia cho biết không có dấu hiệu trời sẽ đổ mưa trong một vài tháng tới.

Cục Khí tượng Quốc gia Australia cho biết nước này đang phải trải qua những ngày nắng nóng kỷ lục, nhiệt độ ban ngày thường cao hơn 2 độ C (3,6 độ F) so với nhiệt độ bình thường. Nhiệt độ của Australia ngày càng ấm hơn, mùa cháy rừng này càng kéo dài, mức độ thường xuyên và ngày càng nghiêm trọng hơn.

Chương trình quan trắc Copernicus của EU cho biết kể từ tháng 10/2019, các vụ cháy rừng ở Úc đã phát sinh khoảng 400 triệu tấn khí carbon dioxide (CO2) và thải ra nhiều khí thải gây ô nhiễm.

Các nhà sinh thái học tại Đại học Sydney cũng đánh giá cho biết số lượng các loài động vật chết và bị thương trong các vụ cháy rừng ước tính lên đến 1 tỷ con.

Ngày 7/1, Tổ chức Khí tượng Thế giới của Liên hợp quốc (WMO) cho biết khói mù từ các đám cháy rừng dữ dội ở Australia đã vượt 11.000 km qua Thái Bình Dương và đến Nam Mỹ. Dự báo, khói mù sẽ còn tiếp tục bay đến Nam Cực./.

PV (Tổng hợp)

280 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 938
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 938
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87183207