Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận có 31.025.049 ca nhiễm COVID-19, trong đó 563.031 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới là Ấn Độ (56.119 ca); Mỹ (51.265 ca); Brazil (38.927 ca); Ba Lan (16.965 ca)… Các quốc gia ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất trong ngày gồm: Brazil (1.567 ca); Mỹ (465 ca); Italy (417 ca); Pháp (360 ca); Nga (293 ca); Ấn Độ (266 ca)…
Tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 29/3 đã cảnh báo người Mỹ rằng cuộc chiến chống dịch COVID-19 “còn lâu mới đi đến chiến thắng” và kêu gọi mọi người lưu ý những cảnh báo về virus SARS-CoV-2, trong bối cảnh nước Mỹ đã ở bờ vực của nguy cơ bùng phát làn sóng lây nhiễm thứ 4. Cùng ngày, Nhà Trắng cũng thông báo về một loạt biện pháp mới nhằm đảm bảo rằng 90% người trưởng thành sẽ có đủ điều kiện tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 trước ngày 19/4.
Tại châu Âu, số người nhiễm COVID-19 hiện tại là 39.173.022người, với 905.258 ca tử vong. Hết ngày 29/3, châu lục này ghi nhận đã có thêm 128.133 ca nhiễm mới và 2.564 ca tử vong vì COVID-19. Pháp hiện là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 tại châu Âu. Hiện Pháp ghi nhận đã có 4.554.683 ca mắc COVID-19 và 94.956 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 29/3, nước này có thêm 9.094 ca nhiễm mới và 360 ca tử vong mới vì dịch bệnh.
Nhà chức trách Pháp cảnh báo các bệnh viện tại thủ đô Paris sẽ sớm rơi vào quá tải do số lượng lớn bệnh nhân COVID-19 nhập viện dồn dập, và có nguy cơ buộc phải ngừng tiếp nhận bệnh nhân trong 10, 15 ngày hoặc 3 tuần tới. Người đứng đầu Ủy ban Y tế của Nhóm các bệnh viện Paris (AP-HP), ông Remi Salomon đề xuất nhà chức trách triển khai đợt phong tỏa mới, trong đó có lệnh đóng cửa các trường học. Xếp sau Pháp về mức độ ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 tại châu lục gồm: Nga, Anh, Italy, Tây Ban Nha, Đức, Ba Lan…
Ngày 29/3, Bộ trưởng Phát triển Đức Gerd Mueller cho rằng sự hợp tác và tài trợ toàn cầu là yếu tố quyết định khả năng tiếp cận công bằng vaccine phòng dịch COVID-19 cho tất cả mọi người. Phát biểu tại cuộc họp báo với Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), ông Mueller nêu rõ, việc có được hạ tầng để giúp triển khai chiến dịch tiêm chủng ngừa COVID-19 tại các nước nghèo nhất thế giới là hết sức quan trọng và Đức sẽ cam kết mạnh mẽ hơn trong cuộc chiến này.
Bồ Đào Nha ngày 29/3 thông báo sẽ gia hạn lệnh cấm bay đến và từ Brazil và Anh đến ngày 15/4. Trước đó, Bồ Đào Nha đã cấm các chuyến bay tới và đi từ Brazil và Anh từ cuối tháng 1/2020, thời điểm các biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại cả hai nước trên. Bồ Đào Nha cho biết những du khách đến từ những nước có tỷ lệ mắc COVID-19 ở mức 500/100.000 người hoặc cao hơn, như Pháp và Italy, đều bị yêu cầu cách ly 14 ngày sau khi đến bất kể bằng đường không hay đường bộ.
Châu Á đã có tổng cộng 28.148.700 ca nhiễm và 425.324 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 153.671 ca mắc và 1.106 trường hợp tử vong mới. Riêng tại châu Á, có 25.871.205 ca được điều trị khỏi; 1.852.171 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 25.197 ca bệnh nặng.
Ấn Độ hiện vẫn là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 29/3, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 56.119 ca mắc mới và 266 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 12.095.329 ca và 162.147 ca.
Các quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do dịch bệnh là Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Indonesia. Trong đó, Thổ Nhĩ Kỳ ghi nhận đã có hơn 3,2 triệu ca nhiễm; Iran có gần 1,9 triệu ca và Indonesia cũng ghi nhận hơn 1,5 triệu ca nhiễm COVID-19.
Tại ASEAN, trong 24 giờ qua, khu vực này có thêm 16.089 ca mắc mới và 154 ca tử vong vì COVID-19. Tính đến nay, toàn khối ASEAN ghi nhận có tổng cộng 2.812.986 người mắc COVID-19, trong đó 58.406 ca tử vong.
Trong 24 giờ qua, khối này có 4 quốc gia thành viên ghi nhận các ca tử vong vì COVID-19 là Philippines, Indonesia, Malaysia và Campuchia. Indonesia vẫn đang là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Bộ Y tế Indonesia ngày 29/3 cho biết, trong 24 giờ qua nước này ghi nhận thêm 5.008 ca mắc mới COVID-19 và 132 ca tử vong. Theo đó, tổng số ca mắc tại nước này tăng lên 1.501.093 ca, bao gồm 40.581 ca tử vong.
Tại Philippines, Bộ Y tế ngày 29/3 cho biết đã có thêm 10.016 ca nhiễm mới, nâng tổng số ca nhiễm tại nước này lên 731.894 ca. Tổng số ca tử vong do COVID-19 tại quốc gia Đông Nam Á cũng đã lên tới 13.186 ca. Tình hình dịch bệnh tại Philippines dịch vẫn diễn biến xấu với số ca mắc mới/ngày nhiều gấp đôi Indonesia và cao nhất trong số các nước Đông Nam Á.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 58.288 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 35.704.141 ca, tổng số người tử vong là 815.884 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 27.383.068 trường hợp. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 2.226.550 ca nhiễm và 201.623 ca tử vong.
Đại dịch COVID-19 tiếp tục có những diễn biến phức tạp ở khu vực Nam Mỹ với những làn sóng dịch mới khiến số ca nhiễm theo ngày liên tục được ghi nhận những con số kỷ lục mới bất chấp những biện pháp đối phó tăng cường của nhiều nước. Khu vực Nam Mỹ có tổng cộng 20.880.080 ca nhiễm; 542.903 ca tử vong và 18.548.615 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực và thứ 3 thế giới về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính đến nay, tổng số ca bệnh ở Brazil đã lên tới 12.573.615 ca nhiễm, trong đó 313.866 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia; French Polynesia, Papua New Guinea, New Zealand và Wallis and Futuna là các quốc gia ghi nhận có ca mắc mới COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 18 trường hợp mắc mới, nâng tổng số ca nhiễm vì dịch bệnh tại nước này lên tới 29.273 ca. Hiện, Australia ghi nhận có 909 trường hợp tử vong vì COVID-19. New Zealand và Wallis and Futuna lần lượt ghi nhận thêm 184 và 11 ca nhiễm mới COVID-19 trong 24 giờ qua.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 4.227.168 ca mắc COVID-19, trong đó 112.450 ca tử vong. Trong đó, những nước chịu tác động mạnh nhất về số ca nhiễm tại châu lục này gồm, Nam Phi, Maroc, Tunisia, Ethiopia và Ai Cập. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu châu lục về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2, với 1.545.979 trường hợp, trong đó 52.710 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận có thêm 548 ca mắc mới COVID-19 và 47 ca tử vong vì đại dịch./.