Gần 4 năm trước, cộng đồng quốc tế đã tập trung tại Paris để phát triển một cách tiếp cận chung với mục đích chống lại biến đổi khí hậu và đạt được Thỏa thuận Paris. Các quốc gia đã đồng ý đặt ra mục tiêu tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu thông qua việc hạn chế tăng nhiệt độ bề mặt trái đất không quá 2 độ C và cố gắng ở mức thấp hơn 1,5 độ C so với giai đoạn tiền công nghiệp.
Tuy nhiên, vào tháng 7/2019, nhiệt độ toàn cầu đã vượt quá 1,2 độ C so với mức tiền công nghiệp, bằng hoặc thậm chí vượt qua kỷ lục tháng nóng nhất kể từ khi bắt đầu tiến hành thống kê nhiệt độ. Và xu hướng này tiếp tục còn gia tăng.
Nước biển dâng - một trong những hệ quả nghiêm trọng của hiện tượng biến đổi khí hậu (Ảnh minh họa: Khánh Linh)
Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres, hành tinh của chúng ta đang trên đường trải nghiệm 5 năm nóng nhất trong lịch sử từ trước đến nay. Người đứng đầu Liên hợp quốc cho rằng chúng ta đang tham gia vào một "cuộc đua để hạn chế biến đổi khí hậu". Và, chúng ta liệu có đang chiến thắng? Để trả lời câu hỏi này, cần xem xét một trong những công cụ quốc tế chính được sử dụng để đo lường cuộc chiến chống lại sự nóng lên toàn cầu: Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC).
Đóng góp do quốc gia tự quyết định (NDC) là gì?
Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu hoàn toàn không ràng buộc về mặt pháp lý. Nó không ra lệnh cho các quốc gia phải làm thế nào để giảm lượng khí thải nhà kính hoặc tăng cường khả năng phục hồi và thích ứng với khí hậu. Thay vào đó, Thỏa thuận khuyến khích họ thực hiện các cam kết của riêng mình thông qua “Đóng góp do quốc gia tự quyết định” hay NDC.
Các kế hoạch hành động khí hậu này mô tả những gì một quốc gia cam kết sẽ thực hiện và kế hoạch để giảm lượng khí thải. Nhận thấy rằng các nước đang phát triển thường thiếu tài nguyên, tài trợ và công nghệ, Thỏa thuận Paris kêu gọi các nước đang phát triển thể hiện những gì họ có thể tự thực hiện và những gì họ có thể làm với sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế.
Để thực hiện được mục tiêu cắt giảm khí thải, tại hội nghị COP 21 diễn ra ở Pháp hồi tháng 12/2015, 18 nước phát triển đã cam kết tài trợ 100 tỷ USD mỗi năm từ năm 2016 đến năm 2020 cho các chương trình khí hậu của các nước đang phát triển.
Tại sao NDC có vai trò quan trọng?
Đóng góp quốc gia tự quyết định (NDC) là nội dung quan trọng của Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu. Các quốc gia có nhiều lựa chọn để theo đuổi và đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris, bao gồm cả việc đưa ra luật pháp, khuyến khích tài chính hoặc chính sách tài khóa để thúc đẩy các hoạt động nhằm giảm thiểu lượng khí thải.
Các quốc gia có thể, ví dụ, quyết định đặt giá cho carbon, thông qua thuế hoặc bằng cách thiết lập một chương trình giao dịch khí thải. Mục tiêu được đưa ra là nếu mọi người có một ý tưởng rõ ràng về chi phí ô nhiễm carbon thì họ sẽ đầu tư và chi tiêu vào các lĩnh vực hoặc nhiên liệu rẻ hơn. Đối với người dân bình thường, điều này có thể ảnh hưởng đến loại xe hơi, hệ thống sưởi ấm hoặc làm mát mà họ sử dụng, trong vô số các khía cạnh khác của cuộc sống.
Ngoài ra, các chính sách này có thể giúp điều chỉnh sự phát triển ở những khu vực dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu, như khu vực ven biển phải đối mặt với tình trạng mực nước biển dâng cao.
Tại sao hiện nay chúng ta nói nhiều về NDC?
Theo Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu, các quốc gia được kì vọng trình NDC cập nhật 5 năm một lần, xác định cam kết của mình nhằm góp phần giữ nhiệt độ trung bình toàn cầu tăng thấp hơn đáng kể so với ngưỡng 2°C vào cuối thế kỷ; nỗ lực để hướng tới ngưỡng 1,5°C và phát thải bằng không vào nửa sau của thế kỷ này.
Tuy nhiên, các NDC được đệ trình tại thời điểm ký kết Thỏa thuận Paris cũng còn ở rất xa so với mức để có thể đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận. Ngay cả khi nếu thêm NDC của tất cả các quốc gia thì tối đa, chúng ta vẫn chỉ đạt tới 1/3 các biện pháp giảm cần thiết để đạt được các mục tiêu của Thỏa thuận Paris.
Trong khi đó, các quốc gia đã cam kết đệ trình NDC cập nhật và tăng cường vào năm 2020.
Do đó, điều quan trọng là phải hành động ngay bây giờ để vận động cho những tham vọng và hành động lớn hơn: Đó cũng là lý do tại sao Liên hợp quốc chuẩn bị tổ chức Hội nghị thượng đỉnh hành động vì khí hậu vào năm 2019.
Triển vọng tăm tối và bi quan?
Chúng ta có thể lạc quan về cuộc đấu tranh chống biến đổi khí hậu. Chúng ta đang chứng kiến một làn sóng hành động ủng hộ năng lượng tái tạo trên toàn thế giới, như việc xây dựng các nhà máy năng lượng mặt trời khổng lồ ở Morocco và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất; sản xuất một phần lớn năng lượng ở Bồ Đào Nha từ các nguồn năng lượng tái tạo; và khả năng nhiều quốc gia cung cấp mạng lưới của họ hoàn toàn bằng năng lượng tái tạo.
Đầu tư vào năng lượng tái tạo hiện đang vượt xa các khoản đầu tư vào nhiên liệu hóa thạch, đặc biệt là ở các nước đang phát triển, và nhiều quốc gia và tiểu vùng đã áp dụng thành công việc định giá carbon.
Tuy nhiên, cũng cần nhìn nhận một thực tế là, đồng thời trong thời gian này, cộng đồng quốc tế cũng vẫn còn hành động chưa đủ nhanh so với tình trạng khí thải toàn cầu đang tăng và nhiệt độ cũng vì thế mà tăng lên.
Tăng cường phát triển các nguồn năng lượng sạch (Ảnh: Khánh Linh)
Những khu vực dẫn đường?
Thực tế cho thấy không có khu vực nào rõ ràng là tốt hơn so với các khu vực khác, nhưng có những quốc gia và thành phố đang đạt được nhiều tiến bộ lớn.
Nhiều quốc gia, bao gồm cả các quốc gia nhỏ đang phát triển của Thái Bình Dương, tuyên bố rằng họ đang tiến tới sự trung lập về khí hậu, hoặc có lượng khí thải carbon bằng không. Trên thực tế, điều này có nghĩa là họ có thể cân bằng lượng khí thải carbon, ví dụ như từ công nghiệp hoặc thậm chí sử dụng xe hơi, với việc loại bỏ carbon khỏi khí quyển, sử dụng các kỹ thuật như trồng các cây xanh hấp thụ carbon.
Hành động vì khí hậu đòi hỏi đầu tư và đầu tư thường đòi hỏi các chính sách của chính phủ để cung cấp những ưu đãi cần thiết. Ngoài Bồ Đào Nha, một số quốc gia khác đã đầu tư rất nhiều vào năng lượng tái tạo, trong đó có Chile, Ireland, Kenya và Costa Rica, cùng nhiều quốc gia châu Âu đã đạt được tiến bộ đáng kể trong việc giảm lượng khí thải.
Làm thế nào để chúng ta có thể đi nhanh hơn?
Để tiến được những bước đi dài trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, không thể phủ nhận rằng chúng ta cần nhiều sự lãnh đạo chính trị và ý chí chính trị hơn nữa. Nếu chúng ta tiếp tục hành động chậm trễ thì chắc chắn sẽ xảy ra thảm họa sẽ làm tăng nhiệt độ toàn cầu từ 3 độ C trở lên trong thế kỷ này.
Sự lãnh đạo táo bạo từ các nhà lãnh đạo chính phủ, doanh nghiệp và xã hội dân sự là điều cần thiết để thúc đẩy hành động vì khí hậu.
Thêm vào đó, mọi người dân cũng tạo nên sự khác biệt. Tiêu biểu như việc thay đổi hành vi của người tiêu dùng có vai trò rất quan trọng để chuyển sang nền kinh tế carbon thấp.
Chúng ta cần chuyển đầu tư từ nền kinh tế xám và bẩn sang nền kinh tế xanh. Chúng ta có công nghệ và bây giờ chúng ta phải phổ biến công nghệ cho tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia. Và phải hành động ngay! Mọi yếu tố dẫn tới sự nóng lên toàn cầu đều có khả năng hiện hữu, và chúng ta càng chờ đợi lâu thì tác động tiêu cực chắc chắn sẽ càng lớn.
Biến đổi khí hậu là thách thức lớn mang tính toàn cầu. Chính vì vậy, nếu các quốc gia không quyết tâm và gấp rút vào cuộc, biến đổi khí hậu sẽ nhanh chóng trở thành “cơn ác mộng” đối với sự sống của loài người./.
Khánh Linh