Đại dịch COVID-19 đã lan sang 215 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong 24 giờ qua, thế giới ghi nhận thêm 181.515 ca nhiễm mới và 4.609 ca tử vong vì đại dịch này. Mỹ tiếp tục là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi dịch bệnh trên toàn thế giới. Tính đến nay, nước này ghi nhận 2.774.204 ca nhiễm COVID-19, trong đó 130.755 ca tử vong vì dịch bệnh.
Châu Âu tiếp tục là khu vực ghi nhận số ca lây nhiễm và tử vong nhiều nhất vì đại dịch COVID-19 trên toàn cầu. Hiện, số người nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 2.456.603 người, với 192.122 ca tử vong. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận đã có thêm 13.125 ca nhiễm mới và 547 ca tử vong vì COVID-19.
Nga là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất khu vực. Quốc gia này ghi nhận đã có 654.405 ca mắc COVID-19 và 9.536 ca tử vong vì dịch bệnh. Anh, Tây Ban Nha, Italy lần lượt là các quốc gia xếp sau Nga về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 trong khu vực với số ca nhiễm lần lượt với 313.483; 296.739; 240.760 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận được vào thời điểm hiện tại. Hiện Anh là quốc gia đứng đầu châu lục và thứ 3 thế giới về số ca tử vong do dịch COVID-19, với 43.906 trường hợp.
Nhìn chung, dịch bệnh COVID-19 tại châu Âu đang tiếp tục xu thế "hạ nhiệt", tạo điều kiện để các quốc gia tại châu lục nới lỏng các biện pháp phòng dịch và từng bước mở cửa biên giới, khôi phục hoạt động kinh tế. Ngày 1/7, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha chính thức mở cửa trở lại biên giới chung sau 3 tháng đóng cửa phòng dịch COVID-19.
Châu Á, đã có tổng cộng 2.368.252 ca nhiễm và 57.932 ca tử vong vì COVID-19 tính đến thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, châu lục này ghi nhận thêm 48.527 ca mắc mới và 1.028 trường hợp tử vong. Riêng tại châu Á, có 1.559.712 ca được điều trị khỏi; 750.608 ca đang được điều trị tích cực và chỉ còn 19.510 ca bệnh nặng. Châu Á hiện đang phải đối mặt với nguy cơ bùng phát đại dịch COVID-19 sau khi một số quốc gia đối mặt với nguy cơ bùng phát đợt dịch thứ 2 như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Chính quyền thủ đô Tokyo ngày 1/7 thông báo đã ghi nhận thêm 67 ca mắc COVID-19, mức cao nhất trong ngày kể từ khi Thủ tướng Abe Shinzo dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp trên toàn quốc vào ngày 25/5. Đây là ngày thứ 6 liên tiếp thủ đô Tokyo có số ca nhiễm mới vượt ngưỡng 50 ca/ngày. Như vậy, tổng số ca mắc COVID-19 ở thành phố này hiện là 6.292 người. Theo chính quyền thủ đô Tokyo, phần lớn các ca nhiễm mới trong thời gian gần đây là giới trẻ, những người thường xuyên đi tới hoặc làm việc tại các cơ sở vui chơi, giải trí về đêm. Trong một diễn biến liên quan tới dịch COVID-19, từ ngày 1/7, Nhật Bản đã chính thức bổ sung 18 quốc gia vào danh sách cấm nhập cảnh như một phần của các biện pháp kiểm soát biên giới nhằm ngăn chặn sự lây lan của dịch COVID-19.
Ấn Độ hiện là quốc gia chịu tác động nặng nề nhất vì COVID-19 trong khu vực. Ngày 1/7, Bộ Y tế và Phúc lợi Gia đình Ấn Độ thông báo đã ghi nhận thêm 19.424 ca mắc và 438 ca tử vong do dịch COVID-19 trong ngày, đưa tổng số bệnh nhân và số trường hợp mắc và không qua khỏi do dịch bệnh nguy hiểm này lên lần lượt là 605.216 và 17.848 ca. Các bang gồm Maharastra, Tamil Nadu, Delhi và Gujarat tiếp tục là 4 bang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của dịch bệnh COVID-19.
Iran là quốc gia xếp sau Ấn Độ về mức độ ảnh hưởng do COVID-19 tại châu lục. Ngày 1/7, giới chức y tế Iran xác nhận số các trường hợp COVID-19 ở nước này đã lên tới 230.211 người, sau khi có thêm 2.549 trường hợp mới ghi nhận trong ngày. Nước này cũng ghi nhận có thêm 141 ca tử vong, nâng tổng số ca tử vong tại Iran lên 10.958 trường hợp.
Tại Đông Nam Á (ASEAN), đến hết ngày 1/7, khu vực này ghi nhận thêm 2.604 ca mắc mới và 62 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca mắc vì COVID-19 tại khu vực lên 153.199 người, trong đó 4.418 ca tử vong. Bên cạnh đó, khu vực ASEAN cũng chứng kiến số bệnh nhân được điều trị thành công là 87.347 trường hợp.
Trong 24 giờ qua, khu vực chỉ có 2 quốc gia là Indonesia và Philippines ghi nhận có ca tử vong vì virus SARS-CoV-2. Hiện, Indonesia vẫn đang là quốc gia dẫn đầu khu vực về số ca mắc và tử vong vì COVID-19 với 57.770 ca nhiễm và 2.934 ca tử vong vì dịch bệnh. Ngày 1/7, Bộ Y tế Indonesia đã ghi nhận 1.385 ca nhiễm mới và 58 ca tử vong vì dịch bệnh.
Tại Philippines, Bộ Y tế nước này cùng ngày thông báo số ca mắc COVID-19 tại đây đã tăng thêm 997 ca, lên 38.511 ca. Trong khi đó, số ca tử vong trên toàn Philippines đã tăng thêm 4 ca lên 1.270 ca. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã ra lệnh duy trì các biện pháp hạn chế một phần đối với thủ đô Manila thêm 2 tuần nhằm kiểm soát dịch bệnh lây lan trong khhi nỗ lực giảm thiểu thiệt hại kinh tế.
Hiện Việt Nam, Campuchia, Lào và Timor-Leste vẫn chưa ghi nhận có trường hợp tử vong nào vì COVID-19. Tại Việt Nam, theo bản tin 6h ngày 2/7 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19, tính đến nay, đã 77 ngày Việt Nam không có ca mắc mới trong cộng đồng.
Khu vực Bắc Mỹ ghi nhận thêm 42.547 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca mắc lên 3.232.828 ca, tổng số người tử vong là 170.372 người. Số ca phục hồi ở khu vực này là 1.412.510 trường hợp, trong khi đó 1.649.946 ca đang được điều trị tích cực và 18.946 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Sau Mỹ, Mexico là quốc gia chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19 nhiều thứ 2 lại khu vực này, với 226.089 ca nhiễm và 27.769 ca tử vong. Tiếp đến là Canada với 104.271 ca nhiễm và 8.615 ca tử vong vì COVID-19.
Khu vực Nam Mỹ có tổng 2.291.366 ca nhiễm, 86.863 ca tử vong, 1.359.760 ca phục hồi. Brazil vẫn tiếp tục dẫn đầu khu vực về mức độ ảnh hưởng do COVID-19. Tính tới sáng 2/7, nước này ghi nhận tổng cộng 1.448.753 ca nhiễm COVID-19 và 60.632 ca tử vong. Ngày 1/7, Brazil thông báo quyết định gia hạn 30 ngày lệnh cấm nhập cảnh với người nước ngoài để tiếp tục duy trì các biện pháp đối phó với sự lây lan của dịch COVID-19 ở quốc gia Nam Mỹ. Thông báo của Chính phủ Brazil nêu rõ, lệnh cấm được áp dụng đối với mọi hình thức nhập cảnh gồm đường bộ, hàng không và đường biển. Tuy nhiên, hạn chế đã loại trừ những người nước ngoài có thị thực tạm thời để thực hiện các hoạt động nghệ thuật, giáo dục, thể thao và kinh doanh, với thời hạn cụ thể.
Sau Brazil, Peru là quốc gia đứng thứ hai khu vực về số ca nhiễm, với 288.477 ca, số ca tử vong là 9.860 ca. Tiếp đến là Chile với 282.043 ca nhiễm và 5.753 ca tử vong vì COVID-19.
Tại châu Phi, tính đến nay, châu lục này có tổng cộng 419.381 ca mắc COVID-19, trong đó 10.390 ca tử vong. Nam Phi hiện vẫn dẫn đầu về số ca lây nhiễm virus SARS-CoV-2 tại châu lục, với 159.333 trường hợp, trong đó 2.749 ca tử vong. Ai Cập là quốc gia có số ca tử vong cao nhất châu lục với 23.034 ca. Nước này cũng ghi nhận có 69.814 ca nhiễm COVID-19, xếp vị trí thứ 2 sau Nam Phi.
Tại châu Đại Dương, trong 24 giờ qua, Australia là quốc gia duy nhất trong khu vực ghi nhận có ca mắc mới vì COVID-19. Hiện, Ausralia đang dẫn đầu châu lục vì số ca lây nhiễm và tử vong vì COVID-19. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận đã có thêm 84 trường hợp mắc mới và không có thêm trường hợp tử vong nào vì virus SARS-CoV-2, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong vì dịch bệnh tại nước này lên tới 7.920 ca, trong đó số ca tử vong là 104 trường hợp. Australia được đánh giá là nước kiểm soát tương đối tốt dịch bệnh COVID-19. Tuy nhiên, tình hình số ca mới tăng mạnh gần đây đang làm dấy lên lo ngại về làn sóng lây nhiễm thứ hai tại nước này.
New Zealand là quốc gia xếp ở vị trí thứ 2 sau Australia về số ca lây nhiễm, với 1.528 ca, trong đó 22 trường hợp tử vong. Trong 24 giờ qua, nước này không ghi nhận thêm trường hợp mắc mới COVID-19./.