Trong một cuộc phỏng vấn mới được hãng Reuters công bố, 10 chuyên gia hàng đầu về COVID-19 cho rằng Delta là biến chủng của vi rút SARS-CoV-2 có khả năng lây lan nhanh nhất, mạnh nhất và đáng sợ nhất mà thế giới đang phải đối mặt. Do đó, hiện nhiều nước trên thế giới đang chứng kiến số ca mắc mới và tử vong ở mức cao.
Sự lây lan của biến thể Delta đang được cảnh báo là có thể khiến mọi nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của thế giới thời gian qua quay về vạch xuất phát nếu không thực hiện các biện pháp kiểm soát nhanh chóng.
Còn về diễn biến theo từng khu vực, số liệu thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng 21/7 cho thấy, hiện toàn thế giới có 177.633.546 ca nhiễm COVID-19 được công bố khỏi bệnh (chiếm 98% tổng số ca mắc). Trong số 14.115.077 ca bệnh đang điều trị thì có 14.029.409 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 85.668 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 220 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới.
Theo số liệu thống kê trang Our World Data, tính đến sáng 28/7, đã có 27,5% dân số thế giới được chủng ngừa ít nhất một mũi vaccine COVID-19, với 13,9% đã được tiêm chủng đầy đủ. Tuy nhiên, mức độ tiêm chủng là không đồng đều khi chỉ có 1,1% dân số tại các nước thu nhập thấp được tiêm 1 mũi vaccine. |
Xét theo quy mô toàn khu vực, số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 50.995.310 trường hợp, trong đó có 1.128.853 ca tử vong và 46.615.665 ca được điều trị khỏi. Trong một nỗ lực nhằm chặn đứng sự lây lan của dịch bệnh, Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Ursula von der Leyen kêu gọi người dân châu Âu tiếp tục tiêm phòng “vì sức khỏe của bản thân và những người khác”, đồng thời hối thúc các nước duy trì nỗ lực và biện pháp phòng ngừa trước những biến chủng nguy hiểm của virus corona. Tính đến ngày 27/7, gần 70% người trưởng thành ở Liên minh châu (EU) đã được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine và số người được tiêm đủ 2 liều là 57%.
Hiện Bắc Mỹ có 42.027.012 ca nhiễm bệnh, trong đó có 935.625 ca tử vong vì COVID-19. Mỹ vẫn là nước bị tác động nặng nề nhất trong khu vực và trên thế giới, với tổng số 35.353.605 ca nhiễm và 627.350 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 28/7, Nam Mỹ có 35.249.483 ca nhiễm COVID-19, với 1.080.974 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, với 19.749.073 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Hiện châu Á đang là “điểm nóng dịch bệnh trên thế giới”, với 60.979.099 ca nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Trong 24 giờ qua, Indonesia là nước ghi nhận thêm nhiều số ca mắc COVID-19 nhất châu Á, với 45.203 trường hợp. Indonesia đã vượt Ấn Độ và Brazil, trở thành quốc gia có số ca mắc theo ngày cao nhất thế giới. Làn sóng COVID-19 thứ 3 đã gây ra ảnh hưởng vô cùng tàn khốc tại Indonesia. Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm trên khắp thế giới đang cảnh báo tốc độ và quy mô của đợt bùng phát dịch bệnh Covid-19 mới nhất ở Indonesia - tâm dịch của châu Á, có khả năng tạo ra một siêu biến chủng mới thậm chí còn dễ lây nhiễm và nguy hiểm hơn biến chủng Delta.
Hiện biến chủng Delta có khả năng lây lan nhanh cũng đang chiếm đa số trong các ca bệnh COVID-19 ở Hàn Quốc, khiến các cơ quan y tế nước này gặp nhiều khó khăn hơn trong triển khai các nỗ lực kiểm soát dịch bệnh. Không chỉ vượt 1.000 ca trong 17 ngày liên tục mà biến thể Delta còn gây ra tỷ lệ ca nhiễm không rõ đường lây (mất dấu F)) tiếp tục tăng cao, khiến mức báo động cao nhất ở khu vực thủ đô Seoul ban đầu dự kiến kết thúc vào ngày 25/7 đã phải gia hạn thêm 2 tuần.
Tính đến sáng 28/7, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 6.590.327 trường hợp, trong đó có 166.611 ca tử vong và 5.776.316 ca bình phục.
Hiện châu Đại Dương có 99.027 trường hợp nhiễm COVID-19, với 1.501 ca tử vong. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 33.266 ca, tiếp theo sau là Fiji với 25.139 ca./.
T.Lan