Theo con số ước tính của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF), Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Ban Dân số Liên hợp quốc và Ngân hàng Thế giới, trong năm 2017 có khoảng 6,3 triệu trẻ em dưới 15 tuổi trên thế giới tử vong (tương đương cứ 5 giây lại có 1 trường hợp tử vong), chủ yếu vì các bệnh có thể phòng tránh được. Trong số này, trẻ em dưới 5 tuổi chiếm 5,4 triệu trường hợp với khoảng một nửa là trẻ sơ sinh.
Trong năm 2017, một nửa trong số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong trên thế giới được ghi nhận ở khu vực cận Sahara châu Phi và khoảng 30% ở Nam Á. Tại khu vực cận Sahara châu Phi, cứ trong 13 em thì có 1 em tử vong trước sinh nhật 5 tuổi (tỷ lệ 1/13) . Trong khi tại các quốc gia có thu nhập cao, thì tỷ lệ này là 1/185.
“Nếu không hành động khẩn cấp, 56 triệu trẻ em dưới 5 tuổi sẽ tử vong từ nay cho tới năm 2030”, Giám đốc UNICEF phụ trách Dữ liệu, Nghiên cứu và Chính sách Laurence Chandy nói.
Theo đại diện UNICEF, đa phần số trẻ em dưới 5 tuổi tử vong là do những bệnh có thể phòng ngừa hoặc chữa trị được như biến chứng khi sinh, viêm phổi, tiêu chảy, nhiễm trùng huyết sơ sinh và sốt rét. Trẻ em trong độ tuổi từ 5 – 14 thì thương tích trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong, đặc biệt là do đuối nước hoặc tai nạn đường bộ.
Trong khi đó, Tiến sĩ Princess Nono Simelela, Trợ lý Tổng Giám đốc về sức khỏe gia đình, phụ nữ và trẻ em của WHO cho biết: Hàng triệu trẻ sơ sinh và trẻ em đáng lẽ không bị tử vong mỗi năm chỉ vì không được tiếp cận với nước, vệ sinh, dinh dưỡng hợp lý hoặc dịch vụ y tế cơ bản.
Mặc dù tỷ lệ tử vong ở trẻ còn cao nhưng tính chung trên toàn thế giới đã giảm đi theo các năm. Năm 1990, số trẻ em tử vong dưới 5 tuổi là 12,6 triệu trường hợp, giảm hơn một nửa xuống còn 5,4 triệu vào năm 2017. Số ca tử vong ở trẻ lớn từ 5 đến 14 tuổi giảm từ 1,7 triệu xuống dưới 1 triệu trong cùng các mốc thời gian như trên./.
Kiều Giang (theo WHO, NHK)