Đây là kết quả một báo cáo vừa được đăng trên tờ Bloomberg của Mỹ. Hãng tin này cũng chỉ ra một thực trạng, đó là việc triển khai tiêm chủng đang diễn ra một cách không đồng đều, chủ yếu mang lại lợi ích cho các nước phát triển. Trong khi các nước có thu nhập thấp đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận vaccine. Báo cáo chỉ ra rằng, cho đến nay, 27 quốc gia giàu có nhất, dù chỉ chiếm 10% dân số song lại sử dụng 29% lượng vaccine tiêm trên phạm vi toàn cầu.
Hiện Mỹ và Anh đang dẫn đầu cuộc chạy đua tiêm chủng sớm nhất cho người dân, Trung Quốc đã tiêm chủng nhiều vaccine nhất. Trong khi các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đang dần bắt kịp sau một khởi đầu trắc trở.
Theo số liệu thống kê cụ thể, Trung Quốc hiện đang chiếm đến 2/3 trong tổng số 36 triệu liều tiêm vaccine mỗi ngày trên thế giới. EU đang đứng thứ 2 với 3,6 triệu liều mỗi ngày, tiếp theo là Ấn Độ với 2,6 triệu liều.
Trong khi tại Mỹ, có đến 89,4 liều vaccine đã được sử dụng cho 100 dân. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình trên thế giới là 23 liều/100 người dân.
Theo kết quả của công trình nghiên cứu được đăng trên Bloomberg, 2 tỷ liều vaccine được sử dụng tương đương với hơn 1/4 dân số thế giới được tiêm chủng. Tuy nhiên, tỷ lệ chủng ngừa vẫn thấp hơn nhiều so với mức đó bởi hầu hết các loại vaccine đang sử dụng đều cần đến 2 mũi tiêm để đạt được hiệu quả cao, trong khi nhiều người trong số này mới chỉ được tiêm mũi đầu.
Kể từ khi xuất hiện từ cuối năm 2019, đại dịch COVID-19 bùng phát đã tác động nặng nề tới mọi mặt đời sống con người, với số ca tử vong và nhiễm mới không ngừng gia tăng. Đến chiều 7/6, thế giới ghi nhận hơn 174 triệu ca nhiễm với hơn 3,7 triệu ca tử vong. Hiện vaccine vẫn được xem là công cụ hữu hiệu để chống lại COVID-19. Tuy nhiên, các chuyên gia cảnh báo chênh lệch về tốc độ tiêm chủng giữa các nước sẽ khiến dịch bệnh kéo dài, đồng thời làm gia tăng nguy cơ xuất hiện của các biến thể mới của virus SARS-CoV-2./.
T.Lan (theo báo chí nước ngoài)