Ở Trung Quốc, trải qua 40 năm vừa qua, công cuộc cải cách mở cửa đã đạt được những thành tựu to lớn. Cuộc cải cách này quy mô rộng lớn nhất, thời gian lâu bền nhất trong lịch sử Trung Quốc kể từ Biến pháp Thương Ưởng thời Chiến Quốc (356 TCN và 350 TCN). Đến năm nay bắt đầu gặp một số va vấp.
Một số rạn nứt đã xuất hiện trong nền kinh tế. Mối đe dọa nợ nần, hiện ước tính lớn gấp 3 lần GDP, cùng với nguồn cung bất động sản dư thừa lớn, làm dấy lên lo ngại đổ vỡ. Tăng trưởng đang chậm lại, với dữ liệu sơ bộ cho thấy nhiều tỉnh sẽ không đạt được mục tiêu GDP hàng năm. Ngoài ra, áp lực giảm phát đang tăng lên do nhu cầu của người tiêu dùng và nhà đầu tư Trung Quốc thấp hơn dự kiến - một dấu hiệu cho thấy lòng tin đang mờ nhạt đối với tăng trưởng của Trung Quốc. Tăng trưởng chậm sẽ ảnh hưởng đến cung ứng việc làm cho hàng chục triệu người đang hàng năm gia nhập vào đội quân lao động mới.
Những nhượng bộ thương mại mà Trung Quốc có thể đưa ra trong thời hạn 90 ngày theo thỏa thuận của Trung Quốc với Mỹ tại Argentina ngày 1/12 vừa rồi sẽ mang tính chiến thuật.
Đối diện với các bất cập ngoài nước và giảm tốc trong nước, các nhà lãnh đạo Trung Quốc sẽ lựa chọn phương hướng, tốc độ và biện pháp không phải không nan giải cho nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Nhưng, biện pháp có thể điều chỉnh, tốc độ tăng trưởng có thể chậm lại, phương hướng lớn chấn hưng Trung Hoa và hiện đại hóa Trung Quốc thì sẽ không thay đổi. Trung Quốc đã đủ mạnh để thích ứng và đối phó với các thách thức nảy sinh.
Có điều, giữa lúc ban lãnh đạo Trung Quốc nhấn mạnh tự lực cánh sinh và mở cửa nền kinh tế ở cấp độ cao hơn, ông Hồ Tích Tiến, Tổng Biên tập Thời báo Hoàn cầu, nhận xét năm 2018 là năm quan trọng nhất, đáng nhớ nhất, khi Trung Quốc bước vào một mùa cải cách mở cửa mới và nhấn mạnh: “Trung Quốc càng đấu tranh càng mở cửa, không phải càng đấu tranh càng bảo thủ”. Cuộc tranh luận nội bộ lần này phần nào phản ánh các cách tiếp cận khác nhau của các nhóm lợi ích.
Ở Mỹ, trải qua hai năm cầm quyền của Tổng thống Donald Trump đã ngày dần hé lộ lời giải cho câu hỏi “Trump thay đổi nước Mỹ hay nước Mỹ đã thay đổi mà sản sinh ra Trump?”. Hẳn là, sự chuyển hóa của nước Mỹ đã tạo ra hiện tượng “Donald Trump”, người đả kích sâu sắc nền chính trị dòng chính của nước Mỹ. Ở Mỹ sẽ tiếp tục diễn ra các thay đổi mang sắc thái “Trump”, điều sẽ tiếp tục 2 năm tới hay 6 năm nữa. Nhưng cũng có những thay đổi mang xu thế chính trị xã hội cơ bản, lâu dài của một đất nước bị suy yếu và khủng hoảng sau những cuộc chiến tranh hao người, tốn của trong những năm 1990 và 2000. Đứng trước thềm của năm mới 2019, ông Trump đã vượt lên trên những bất đồng của các đảng chính trị Mỹ, cũng như của các cộng sự thân cận nhất trong chính quyền, để đưa ra quyết sách: dứt điểm rút một nửa số quân Mỹ tại Afghanistan và toàn bộ lực lượng Mỹ tại Syria, dọn đường cho việc giải quyết những vấn đề cấp bách hơn trong nửa nhiệm kỳ còn lại, với tầm nhìn năm 2020, khi diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.
Các quyết định rút quân, tuy bất ngờ nhưng cũng đã được tiên lượng, sẽ “rút thảm dưới chân” nhiều lực lượng chiến hữu đã sát cánh chiến đấu bên cạnh người Mỹ trong những cuộc xung đột vừa qua, bỏ dở dang các sứ mệnh và để các chiến hữu tự xoay xở với số phận của mình. Nhưng quyết định của Tổng thống thứ 45 của Hoa Kỳ còn cho thấy, nước Mỹ không thể tiếp tục kéo lê tư tưởng của mình trên những vết xe của mấy thập kỷ chiến tranh, can dự và mất mát, mà cần tập trung tài lực đáp ứng các thách thức chiến lược cận kề đối với vai trò siêu cường của Mỹ.
Những cọ xát chiến lược lẫn chiến thuật mà nước Mỹ Donald Trump tiến hành với Trung Quốc là nét nổi bật nhất của chính trị quốc tế năm 2018. Quan hệ Mỹ -Trung bước vào một “khởi điểm lịch sử mới”, vẫn chứng tỏ là cặp quan hệ quan trọng nhất, phức tạp nhất, chi phối lớn nhất đối với hệ thống quan hệ quốc tế đương đại. Quá trình này mới chỉ bắt đầu, diễn ra trong bối cảnh mới: Nước Mỹ chính thức xác định Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh chiến lược”. Một thông điệp được gửi đến Trung Quốc bởi nhân vật đứng đầu bộ phận nghiên cứu châu Á của Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ, tại buổi chiêu đãi quốc khánh của Đại sứ Trung Quốc tại Washington, ngày 1/10 vừa rồi, thật rõ ràng: Mỹ “không muốn làm đối tác mà làm đối thủ cạnh tranh” của Trung Quốc.
Dù Donald Trump theo đuổi một thứ “thực dụng trần trụi”, thì nước Mỹ cũng không hoạt động trong một “chân không” quan hệ quốc tế. Nhưng, Mỹ sẽ giảm các cam kết ở những nơi nào thông thường là quan trọng, nhưng nay không thuộc lợi ích cấp thiết theo tư duy “Nước Mỹ trên hết”, theo tầm nhìn khá nhất quán của Tổng thống Trump về đối nội cũng như đối ngoại.
Các sự kiện 2018 là kết quả của ngộ nhận chiến lược và phản tỉnh chiến lược, giữa chủ nghĩa tư bản tự do và chủ nghĩa tư bản nhà nước, là va chạm giữa các nền văn minh.
Cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các nước lớn, khởi đầu bằng chiến tranh thương mại Mỹ - Trung, trọng điểm là công nghệ cao, làm nảy sinh không ít vấn đề: Trật tự thế giới sẽ ra sao? Có thể xuất hiện một cuộc chiến tranh lạnh mới hay không? Các tập hợp lực lượng mới diễn ra theo tuyến vấn đề và khu vực địa -chính trị như thế nào? Kinh tế thế giới tổn thương tới mức nào?
Ở một số bình diện khác, trên biển và đại dương, môi trường hàng hải có thể là trọng tâm chính của việc hoạch định chiến lược và cạnh tranh chiến lược trong những năm tới. Mọi chiến lược quốc gia về biển vì vậy cần được tiến hành trên nhận thức mới: Đó là, môi trường biển và đại dương sẽ không phải “tĩnh” mà rất “động”, với sự cọ xát giữa các cường lực.
Các nước nhỏ và vừa vẫn phải đối phó với chính trị cường quyền; nhiều khi bị đẩy vào dưới các làn đạn. Sẽ không có lợi ích tuyệt đối hay bất lợi tuyệt đối. Phải từ vị thế địa - chiến lược của mình mà xác định chiến lược và đối sách.
Chính trị thế giới đang chuyển mình, thì cần mình chuyển biến tư duy, nhận thức, phát huy tự do tư tưởng và đổi mới hành động. Năm Mới 2019 đang vẫy gọi mọi người chúng ta./.
Nguyễn Ngọc Trường