Trước xu hướng gia tăng các vụ xâm hại trẻ em trên địa bàn, ngày 16/7, Công an quận Tân Phú và Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh phát đi cảnh báo, đưa ra biện pháp phòng ngừa cho các gia đình về phòng, chống tội phạm xâm hại tình dục trẻ em.
Thống kê của Chi hội Luật sư Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố cho biết, năm 2023 ở Thành phố xảy ra 155 vụ xâm hại tình dục. Trong 5 tháng đầu của năm 2024, các hành vi liên quan đến xâm hại tình dục là có 40 vụ.
Riêng tại quận Tân Phú từ đầu năm 2023 đến nay đã xảy ra 13 vụ xâm hại tình dục người dưới 16 tuổi, đặc biệt có trường hợp mới 9 tuổi.
Theo cơ quan Công an, các đối tượng phạm tội rất đa dạng; trình độ, tuổi tác, nghề nghiệp khác nhau và có thể là người lạ, người quen biết, người thân trong gia đình hoặc một số thành phần khác…
Đáng chú ý, đối tượng xâm hại trẻ em là người ruột thịt, thân thích, người quen biết với trẻ đang có xu hướng gia tăng.
Nguyên nhân của tình trạng này là do sự phát triển của internet, du nhập của những luồng văn hóa xấu, tiếp xúc với phim ảnh khiêu dâm, đồi trụy làm tác động tiêu cực đến tâm lý của người phạm tội.
Trong khi nạn nhân chưa nhận thức đầy đủ về nguy hiểm tiềm ẩn từ các mối quan hệ xã hội; đặc biệt là những mối quan hệ quen biết, tình yêu qua mạng internet. Nhiều trẻ chưa nhận thức đầy đủ về sức khỏe, giới tính; thiếu sự chăm lo, giáo dục, quan tâm của cha, mẹ…
Đại diện Công an quận Tân Phú cho biết, các đối tượng tiếp cận trẻ bằng nhiều cách như gặp trực tiếp, dẫn trẻ đi chơi, đi học, thông qua mạng xã hội, ứng dụng hẹn hò.
Khi tiếp xúc, các đối tượng tạo niềm tin cho trẻ bằng cách tặng quà, mua đồ ăn, cho tiền; tạo ra những bí mật riêng để dụ dỗ, đe dọa hoặc ép buộc nạn nhân; đề cập đến những vấn đề nhạy cảm, chia sẻ tài liệu đồi trụy và cuối cùng là thực hiện hành vi xâm hại.
"Do vậy, gia đình phải thường xuyên quan tâm, chia sẻ, quản lý, giáo dục trẻ; đồng thời chủ động trang bị kỹ năng cần thiết trong việc phòng tránh, ngăn chặn tội phạm xâm hại tình dục cho con em. Đặc biệt, gia đình cần trang bị cho trẻ những kỹ năng nhận biết, tự bảo vệ mình trước đối tượng xâm hại tình dục; quản lý thời gian sinh hoạt của trẻ, không cho trẻ đi với người khác khi có biểu hiện nghi vấn," đại diện Công an quận Tân Phú chia sẻ.
Trường hợp trẻ không may trở thành nạn nhân bị xâm hại tình dục hoặc biết người khác (như bạn bè) bị xâm hại thì nhanh chóng, mạnh dạn tố giác hoặc nhờ sự trợ giúp của người thân, nhà trường.
Trong trường hợp khẩn cấp cần liên hệ ngay cho cơ quan Công an nơi gần nhất, hoặc Tổng đài 111; Tổng đài Tư vấn-Can thiệp và hỗ trợ khẩn cấp 1900545559; Công an quận Tân Phú qua điện thoại: 028.38474549 để được hỗ trợ kịp thời; không chấp nhận sự dàn xếp, thương lượng, xử lý nội bộ với đối tượng xâm hại tình dục.
Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Thành phố Hồ Chí Minh Phạm Đình Nghinh, vấn nạn xâm hại tình dục trẻ em là điều nhức nhối và đáng lo ngại trong toàn xã hội. Hành vi phạm tội này để lại hậu quả nặng nề về cả thể xác, tinh thần với nạn nhân và gia đình.
Nếu được thăm khám và điều trị tâm lý kịp thời bởi chuyên gia và bác sĩ tâm lý, nạn nhân cũng phải mất khoảng thời gian khá dài để có thể trở lại bình thường. Để ngăn chặn hành vi xâm hại tình dục trẻ em rất cần sự quan tâm của gia đình và chung tay của cộng đồng, xã hội.
Trong đó, cần phát huy tốt vai trò của nhà trường, gia đình trong việc bảo vệ trẻ em; có biện pháp quản lý, giám sát trẻ phù hợp để ngăn chặn các nguy cơ; giáo dục cho trẻ biết cách nhận diện và tự vệ trước nguy cơ bị xâm hại tình dục.
Chính quyền địa phương, các hội đoàn thể cần đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức của người dân, góp phần ngăn chặn và đấu tranh với nạn xâm hại tình dục trẻ em…./.
PGS, Tiến sỹ Lương Ngọc Khuê cho biết không ít các trường hợp nạn nhân bị bạo hành, xâm hại tình dục là trẻ em đã được các cơ sở khám chữa bệnh phát hiện và phối hợp với các cơ quan luật pháp xử lý.