Thành phố bên bờ sông Hiếu 

(QT) - Nhân chuyện Đông Hà hướng đến cấu trúc “thành phố bên sông” trong quy hoạch phát triển không gian đô thị, tôi nhớ đến những nền văn minh rực rỡ đã phát tích bên những dòng sông và nghĩ về vị thế của sông Hiếu với Đông Hà, dòng sông xanh làm mát hồn Đông Hà phố. Mạch nguồn sông Hiếu phát tích từ núi Tá Linh, ngọn núi cao nhất tỉnh Quảng Trị, thuộc địa phận xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa. Thế núi Tá Linh “cao vót tầng mây, mạch núi và nguồn nước trong hạt đều tự đấy ra. Thuyền đi ngoài biển cũng trông vào núi này để nhận phương hướng, thật là trấn sơn của đạo” (Đại Nam nhất thống chí, Tập 1, NXB Thuận Hóa, Huế, 2006, tr. 157).

Đứng ở sân thượng Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà phóng tầm mắt khoáng đạt nhìn sông Hiếu đang sải cánh thênh thang vươn ra biển lớn, qua dòng Thạch Hãn và Cửa Việt, tôi nghĩ về sức vươn mới của Đông Hà khi kết nối với Khu Kinh tế Đông Nam Quảng Trị, nơi có cảng Cửa Việt, khu du lịch biển Cửa Việt và rồi sẽ có cảng hàng không sân bay Quảng Trị, đô thị Cửa Việt, cảng biển nước sâu Mỹ Thủy. Và đứng ở sân thượng này, nơi nhìn thấy bao quát “thành phố bên sông” ở trên cao, tôi đang đón đợi một người con Đông Hà, Quảng Trị đã vươn đến tầm cao trên đấu trường quốc tế, đó là xạ thủ Hoàng Xuân Vinh, vận động viên đoạt huy chương vàng và huy chương bạc tại Olympic Rio, Brazil, 2016. Chiến thắng ở nội dung 10m súng ngắn hơi nam với 202,5 điểm, phá kỷ lục Olympic, Hoàng Xuân Vinh là người Việt Nam đầu tiên đoạt huy chương vàng Olympic. Hình sông ấy, thế núi nọ, con người này. Lần này, quê hương gọi anh về để gặp mặt và chúc mừng thành tích vang dội của anh.

 

Anh nghỉ lại ở Khách sạn Sài Gòn - Đông Hà, khách sạn bên sông, như để cảm nhận và tận hưởng trọn vẹn ngọn gió mát sông Hiếu hào phóng. Anh và tôi đã có khoảnh khắc trò chuyện thú vị cùng nhau trên sân thượng khách sạn này. Anh đến với tôi, dáng người chắc đậm, tĩnh tại, nét mặt thật thà, hồn nhiên, ngỡ như anh là người chưa từng tỏa hào quang sáng láng trong những cuộc đăng quang nào. Giữa anh và tôi, cái lạ lẫm phút đầu đã tan biến, thay vào đó là sự gần gũi ngỡ như có tự thuở nào. Để có được thành tích huy hoàng, mang vinh quang về cho quê hương Quảng Trị và đất nước, anh đã trải qua một quá trình tập luyện vất vả, kiên trì và thi đấu thăng trầm. Anh kể anh theo môn bắn súng đã 17 năm, trong đó 5 năm trở lại đây là đạt đến độ chắc chắn, bền vững. Một người đạt đến thành tích đỉnh cao như anh, hẳn là đã tích lũy được nhiều bí quyết, kinh nghiệm nghề nghiệp.

 

Anh nói về chuyện bắn súng mà ngỡ như nói cả về chuyện tập trung tư duy, trí tuệ của người quản lý, lãnh đạo: “Muốn bắn tốt, tư duy phải khỏe, tập trung, mạnh, quyết đoán”. Điều đặc biệt thú vị là qua nghe anh nói, tôi mới nghiệm ra rằng, giữa việc rèn kỹ thuật bắn súng với việc rèn tâm trong yên lặng, tức là ngồi thiền, hai việc tưởng như đối nghịch nhau như nước với lửa hóa ra lại có mối tương quan với nhau. Thì đây, chuyện anh kể không khác gì chuyện hành thiền: “Trước khi tập bắn, tôi ngồi im lặng, hít vào thở ra, hít xuống tận đan điền” (đan điền, nghĩa là “ruộng trồng đan dược”, thuật ngữ trong y học, võ thuật, dưỡng sinh chỉ nơi tập trung nhiều khí lực hay là các huyệt đạo trên cơ thể người).

 

Tôi hỏi anh để có cách thức rèn luyện nâng cao hiệu quả chuyên môn, chắc anh đã học thêm kinh nghiệm của người nước ngoài. Tôi lại bị bất ngờ khi anh đưa ra khái niệm “bắn tư duy” và giải thích: “Bắn tư duy, tức là tập trung tâm trí, bắn bằng tư duy, bắn trong tưởng tượng, sao cho chính xác, trúng đích. Tôi nghĩ thế và đã rèn tập điều này, qua quan sát người nước ngoài”. Anh cho biết, anh đã tập “bắn trong tư duy” từ 1 giờ rưỡi đến 2 giờ mỗi ngày. Người bắn giỏi, bắn trúng đích là người trụ vững ở gốc, là người nắm chắc điểm xuất phát. Hoàng Xuân Vinh là người như vậy. Dẫu xa quê nhưng anh luôn hướng về cội gốc quê hương. Ông Hoàng Trinh, ông nội anh là người làng Đình Tổ, phường Đông Giang, thành phố Đông Hà, gia đình ông có truyền thống nhiều đời tham gia cách mạng. Ông Trinh có người con cả là Hoàng Tường và con thứ là Hoàng Anh sớm tham gia các hoạt động yêu nước.

 

Trong bảng ghi Danh sách tù chính trị bị đày ở nhà tù Lao Bảo đặt tại di tích Nhà đày Lao Bảo, có tên ông Hoàng Anh. Một người con nữa là Hoàng Xuân Hiền, liệt sĩ hy sinh trong trận đánh Phalang ở Lào, năm 1946, thời kháng chiến chống Pháp. Bà Lê Thị Soạn, bà nội anh Hoàng Xuân Vinh là người làng Trà Lộc, xã Hải Xuân, huyện Hải Lăng. Hàng năm, anh Vinh thường về Quảng Trị thăm bà con, họ hàng, thăm viếng nhà thờ, mồ mả tổ tiên. Anh đã tham gia đóng góp xây lăng mộ tổ họ Hoàng ở Đình Tổ. Những lần vào thị xã Quảng Trị, anh đều về Trà Lộc thắp hương viếng mộ bà nội, cố, vãi và o ruột của mình. Anh đã vào viếng Thành Cổ Quảng Trị, Nghĩa trang liệt sĩ tại thị xã Quảng Trị, Nghĩa trũng đàn, Nhà lưu niệm Tổng Bí thư Lê Duẩn…

 

Trong buổi gặp mặt và chúc mừng anh, UBND tỉnh Quảng Trị đã tặng bằng khen kèm theo tiền thưởng 50 triệu đồng cho anh, anh đã dành lại 25 triệu đồng giúp đỡ cho các em học sinh nghèo của tỉnh. Trong dịp này, anh đã trở về làng Đình Tổ để “vinh quy bái tổ”, thể hiện niềm tri ân sâu sắc với tổ tiên, dòng họ. Sau những ngày đăng quang ở nước ngoài và được vinh danh ở trong nước, trong tỉnh, anh đã cùng với huấn luyện viên của mình là chị Nguyễn Thị Nhung xây dựng quỹ từ thiện “Vinh quang và sự biết ơn” để hỗ trợ cho các gia đình, cá nhân có hoàn cảnh khó khăn ở các địa phương trong nước. Anh đã về Quảng Trị tổ chức nấu cháo và trao 150 suất cháo dinh dưỡng cho các bệnh nhân ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị, trao 100 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó ở Đông Hà.

 

Anh Đoàn Hoàng Thạch ở phường 3, thị xã Quảng Trị là người anh con o ruột của anh Vinh, người mà anh Vinh rất thân và quý trọng đã tâm sự gan ruột với tôi về mối quan hệ anh em gắn bó thân thuộc và về tình cảm quê hương sâu nặng của anh Vinh: “Vinh quý anh vì anh thương Vinh, quan tâm gia đình Vinh. Bố Vinh vất vả, hai đời vợ mất do đau ốm. Tính Vinh hiền lành, dễ thương, anh em hợp tính nhau. Ý thức về nguồn cội trong Vinh rất sâu đậm. Cách đây 7 năm, có lần ra Hà Nội, anh đã tặng Vinh hai bức thư pháp “Cội nguồn” và “Mẹ” mà anh đã nhờ nhà thư pháp Hoàng Tấn Trung viết. Anh nghĩ, hai bức thư pháp này đã thể hiện hai điều mà Vinh nhớ sâu sắc, đó là “Cội nguồn” và “Mẹ”. Anh khen Vinh là khen cái đó. Anh tâm đắc với Vinh là tâm đắc cái đó”. Đắc ý, anh Thạch kể tiếp về khoảnh khắc giao cảm tuyệt vời của hai anh em mà cũng là của đôi tri kỷ: “Khi tôi tặng hai bức thư pháp này cho Vinh, Vinh nói: Răng anh hiểu em dữ ri!”.

 

Người xa quê thành danh như Hoàng Xuân Vinh đã về bên dòng sông Hiếu, uống lại nguồn nước dòng sông quê hương, huống chi những người dân Đông Hà lẽ nào lại không thiết tha, gắn bó với dòng sông đời mình. Không chỉ với nhiều người ở Đông Hà mà cả ở trong nước, có cả người nước ngoài nữa, khi đặt chân đến Đông Hà đã tìm đến với nhà hàng Phi Thuyền, một nhà hàng nổi trên sông Hiếu. Nhà hàng Phi Thuyền bềnh bồng trên mênh mang sóng nước, ở một quãng sông đẹp, gần trung tâm thành phố. Đôi vợ chồng Trương Minh Vương, Nguyễn Thị Linh, chủ nhân nhà hàng Phi Thuyền đã sớm dựng nhà hàng này trên sông từ năm 2003, lúc chưa có nhiều hàng quán mọc lên hai bờ sông Hiếu như bây giờ. Chị Linh kể với niềm yêu thích ý tưởng của chồng về nhà hàng nổi: “Anh Vương thích làm cái chi đó khác mọi người”. Cái khác mà các nhà hàng khác không có đó là đến với nhà hàng Phi Thuyền, khách vừa được hóng gió mát rượi từ sông Hiếu, vừa được ngoạn cảnh sông nước hữu tình, vừa tận hưởng thú vui ẩm thực trên sông.

 

Không gian, món ăn, hương vị ẩm thực… cũng đủ sức níu giữ chân khách đến đây không chỉ một lần. “Heo sữa là món riêng của nhà hàng, không có chỗ mô có mùi vị đặc trưng như vậy - Chị Linh hồn nhiên kể đầy vui mừng, tự tin - Có những khách Hà Nội vào đây lần đầu, lần sau họ đã tìm tới. Họ ăn xong còn lấy heo sữa ở đây đóng thùng mang về, bỏ vào lò vi sóng để dùng. Khách Lào sang đây ăn heo sữa cũng có người mua, đóng thùng mang về”. Để đem đến “cái khác” cho du khách thưởng thức, dĩ nhiên vợ chồng chị Linh phải vượt qua bao vất vả có tính đặc thù của “nghề sông nước”. Hàng năm, nhà hàng nổi này chỉ mở được 6 tháng, cao điểm là từ tháng 4 đến tháng 7. Sang tháng 8, tiết trời mưa gió, chị Linh phải cho kéo nhà hàng nổi vào gần bờ cho an toàn. Chiếc cầu dẫn mềm mại đưa đón bước chân khách từ bờ sông ra nhà hàng nổi có 4 vài về mùa hè, nhưng về mùa đông, chị Linh phải cắt bớt 2 vài để chuyển vào gần bờ. Khi lụt về thì cắt hết các vài cầu và neo nhà hàng nổi vào bờ. Chị Linh nói về nỗi bươn chải qua ngày đông tháng nắng:

 

- Mùa hè nước sông Hiếu nhiễm mặn. Hệ thống kết cấu phao của nhà hàng bị rét rỉ. Tôn trên mái cũng bị rỉ huống chi là sắt thép dưới nước.

 

- Tới đây, dự án đập ngăn mặn trên sông Hiếu sẽ được triển khai. Đập này được đặt ở vị trí phù hợp trên sông Hiếu để phát huy cao tác dụng, hiệu quả của nó. Chị có nghe và quan tâm điều này chứ?

 

- Tôi gợi chuyện, cũng là để tiếp thêm niềm hy vọng cho chị Linh trong nắng mưa dầu dãi.

 

- Em nghe thông tin có phương án ngăn mặn trên sông Hiếu - Chị Linh mừng rỡ hẳn - Có đập ngăn mặn thì càng thích làm. Không có đập ngăn mặn thì khó theo. Em thích làm nghề này. Nhưng tới đây, em có duyên làm trên sông nữa không thì không rõ.

 

Chuyện có duyên hay không có duyên với sông nước nữa mà chị Linh băn khoăn hóa ra là thế này: Bờ sông sẽ được làm kè, trên bờ sẽ quy hoạch lại làm công viên, quãng bến sông làm bãi đỗ xe cho khách xuống nhà hàng nổi Phi Thuyền lúc đó có còn dùng đỗ xe được không? Nhà hàng có được neo lại với quãng sông đẹp này như đã từng neo trong niềm nhớ của khách đến? Thay cho câu trả lời, anh Vương tâm sự với tôi rằng, anh muốn tiếp tục duy trì nhà hàng và có ý tưởng làm nhà hàng nổi này với dáng vóc mới hơn, đẹp hơn. Ý tưởng bao giờ cũng hay, nhưng để “có duyên làm trên sông” nữa không, Phi Thuyền phải tuân thủ nghiêm ngặt các yêu cầu về bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn trong mùa lụt bão.

 

(Còn nữa)

Nguyễn Hoàn

 
 

 

1833 Go top

Sự kiện nổi bật

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 681
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 681
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 77440883