Để chủ động đối phó cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị, ngay từ khi địch đang tập kết quân, ngày 25/6/1972, Bộ Tư lệnh B5 lệnh cho Tỉnh đội Quảng Trị: Khẩn trương chuẩn bị chiến đấu, đánh bại cuộc phản kích lớn của địch nhằm tái chiếm toàn bộ tỉnh Quảng Trị, trước mắt chiếm cho được thị xã. Ba mươi vạn nhân dân phía nam Quảng Trị lại phải đương đầu với thử thách mới, một thử thách vô cùng quyết liệt. Bộ đội địa phương, du kích vừa phối hợp khẩn trương đưa 8 vạn dân của thị xã và 2 huyện Triệu Phong, Hải Lăng đến các nơi an toàn, vừa tổ chức nhiều đợt tập kích đánh địch ở nhiều hướng. Khắp các xã, phường phía Nam tỉnh, trên tuyến sông Vĩnh Định, bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích nung nấu lời thề “còn người còn trận địa, quyết tử bảo vệ quê hương”, kiên cường chiến đấu không cho địch vào thị xã.
Bộ CHQS tỉnh Quảng Trị bố trí lực lượng tại khu vực thị xã với biên chế đầy đủ cho Tiểu đoàn bộ binh 8, Tiểu đoàn bộ binh 3, Đại đội 32 của thị xã, cùng các đơn vị du kích tập trung để phối hợp chiến đấu với bộ đội chủ lực bảo vệ địa bàn. Trên hướng Đông, Tiểu đoàn bộ binh 14, với nhiệm vụ chủ yếu là cùng bộ đội chủ lực chốt giữ khu vực Cửa Việt, đồng thời cùng với cán bộ cơ sở vận động, tổ chức sơ tán nhân dân về phía sau. Chuẩn bị mặt trận sau lưng địch, Tiểu đoàn 10 đặc công và các đại đội bộ đội địa phương của hai huyện Triệu Phong và Hải Lăng cùng các đội du kích, bám trụ thôn xã, sẵn sàng tập kích đánh vào hậu phương địch. Sáng ngày 28/6, với sự chi viện của không quân và hải quân Mỹ, các sư đoàn chủ lực ngụy bắt đầu ồ ạt tiến công sang bờ bắc sông Mỹ Chánh thực hiện cuộc hành quân “tái chiếm lãnh thổ”. Cuộc đánh trả địch phản công của quân và dân Quảng Trị cùng với bộ đội chủ lực trên mặt trận Quảng Trị quyết liệt ngay từ những ngày đầu.
Sau 20 ngày tiến công vào thị xã, địch chỉ lấn thêm đến làng Tri Bưu, làng Cổ Thành và khu vực chợ Sãi, mọi cuộc tấn công ồ ạt của quân địch đều bị chặn lại trước những chốt thép kiên cường của quân ta. Trong suốt thời gian từ ngày 4/7/1972 đến ngày 27/7/1972, địch đã nhiều lần tấn công vào các trận địa của ta nhưng đều bị ta đánh trả quyết liệt. Tiểu đoàn 14 của tỉnh phối hợp với du kích tại chỗ đánh địch ở tuyến các làng Cu Hoan, Trà Trì, Trà Lộc. Ngày 22/7/1972, địch đổ bộ bằng trực thăng xuống bắc sông Vĩnh Định đã bị lực lượng vũ trang tỉnh cùng với bộ đội chủ lực đánh thiệt hại nặng.
Vượt qua mọi khó khăn, gian khổ ác liệt và hy sinh, các chiến sĩ của ta đã chiến đấu kiên cường, chỉ trong vòng từ 28/6 đến 27/7/1972, các đơn vị chốt giữ thị xã và Thành Cổ đã đánh thiệt hại nặng lữ đoàn dù 2 và 2 tiểu đoàn lính thủy đánh bộ, buộc sư đoàn dù phải lui về phía sau củng cố. Ở phía nam tỉnh, trong vùng địch tràn qua, chiến tranh du kích lan rộng. Lực lượng vũ trang tỉnh mở những trận đánh táo bạo ở Hội Yên, Gia Đẳng (Tiểu đoàn 10), ở Trà Trì, Trà Lộc (Tiểu đoàn 14), đánh sập cầu Hội Yên, Ngô Xá Đông, cầu Ba Bến trên tỉnh lộ 68 (Đại đội 24 Công binh). Du kích Triệu Sơn, Triệu Trạch, Triệu Thượng… tập kích địch bằng súng bộ binh, chông bẫy.
Bước sang tháng 8 và tháng 9, cuộc đọ sức quyết liệt giữa ta và địch ở khu vực thị xã và Thành Cổ ngày càng diễn ra ở mức độ cao hơn. Sau khi chiếm được một số địa bàn có lợi, địch chuyển sang tấn công vào thị xã. Với ý chí “còn người, còn trận địa”, “K3 Tam Đảo còn, Thành Cổ Quảng Trị còn” cán bộ, chiến sĩ Tiểu đoàn 3, Tiểu đoàn 8 chốt giữ trong thành đã đánh bật nhiều đợt phản kích của địch. Để giữ được Thành Cổ, chiến sĩ tađãphải sử dụng chiến thuật phối hợp hỏa lực và vận động, dùng pháo binh, xe tăng dẫn đầu đánh tan những vị trí địch yếu kém. Các dàn súng phòng không cơ động ngăn không cho máy bay đến đúng tầm có thể yểm trợ, nhờ đó xe tăng ào tới chiếm các mục tiêu của địch.
Nhiều trận đánh giữa ta và địch giành giật từng mảnh vườn, mô đất, từng góc hào, bức tường gạch diễn ra hết sức quyết liệt. Để hỗ trợ cho tinh thần quân ngụy, ngoài máy bay chiến thuật, chiến lược oanh tạc theo yêu cầu của bộ binh ở tiền duyên, Mỹ còn cho pháo hạm, pháo mặt đất tầm xa bắn tới hai vạn viên đạn suốt một ngày. Với chiến thuật “chậm chắc” mỗi khi gặp quân ta, địch dừng lại, gọi bom, pháo đánh rồi mới tổ chức tiến công tiếp. Bởi vậy, trên dải đất dài, hẹp chỉ vài cây số vuông của thị xã và Thành Cổ Quảng Trị, suốt ngày bom đạn nổ rền rĩ, mặt đất như chảo lửa lớn. Nhưng từ trong các trận địa đang nghiên ngả, chao đảo vì bom đạn, bộ đội chủ lực cùng lực lượng vũ trang tỉnh sát cánh chốt giữ Thành Cổ kiên cường, chịu đựng một khối lượng bom đạn khổng lồ chưa bao giờ thấy trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ.
Trải qua 81 ngày đêm, quân và dân ta đã vượt qua muôn vàn khó khăn, ác liệt, mưa lũ triền miên để bám trụ và chiến đấu với các đối tượng sừng sỏ, thiện chiến của quân ngụy Sài Gòn với sự yểm trợ hỏa lực chưa từng thấy trong lịch sử chiến tranh xâm lược của đế quốc Mỹ ở Đông Dương. Đây là cuộc hành quân cực kỳ tàn bạo, chúng huy động 12-16 tàu khu trục hạm và tuần dương hạm thuộc hạm đội 7, hai sư đoàn dự bị chiến lược là sư đoàn dù và sư đoàn thủy quân lục chiến, một liên đoàn biệt động, 4 trung đoàn thiết giáp cùng hàng chục tiểu đoàn khác. Trên một diện tích đất nhỏ hẹp 16 ha và cả thị xã Quảng Trị hơn 3km2 , địch huy động bình quân mỗi ngày 150-170 lần, có ngày hơn 200 lần máy bay phản lực, 70-90 lần chiếc B52 oanh kích, có ngày địch trút xuống đến 13.000 đạn pháo, hàng ngàn tấn bom đủ các loại: bom bi, bom 7 tấn, bom điều khiển bằng la-de, bắn đủ các loại pháo chụp, pháo khoan, thả chất độc hóa học, hơi độc, hơi ngạt.., trung bình mỗi chiến sĩ của ta phải hứng chịu hơn 100 quả bom và 200 quả đạn pháo.
Tất cả các xã vòng cung bao quanh Thành Cổ ở phía bắc đều chịu đựng từ 100 đến 140 phi vụ B52, xã ít nhất cũng phải chịu 10 lần phi vụ B52 đánh phá. Tuyến hành lang chiến lược chi viện cho chiến trường, địch tập trung đánh phá dữ dội từ lúc bắt đầu mở cuộc phản kích tái chiếm Quảng Trị gây cho ta nhiều thiệt hại về người và của. Đầu tháng 8 chiến sĩ ta phải sống bằng lương khô, nước lả, bắn dè xẻn từng viên đạn trong vòng vây ngày càng thít chặt của kẻ thù. Trước tình thế đó, quân ta được lệnh rút lui sang sông Thạch Hãn hồi 18 giờ, ngày 16/9/1972. Cuộc chiến đấu bảo vệ Thành Cổ Quảng Trị kéo dài 81 ngày đêm (từ 28/6 đến 16/9/1972), gắn cùng với dòng sông Thạch Hãn đầy bi tráng đi vào lịch sử như bản hùng ca bất tử, lay động lương tri loài người, trở thành biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, mãi mãi khắc ghi trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam.
Đánh giá sự kiện này, Tổng Bí thư Lê Duẩn nói: “Chúng ta chịu được không phải vì chúng ta gang thép, vì gang thép cũng cháy với bom đạn của chúng, mà chính ta là con người, con người thực sự, con người Việt Nam với truyền thống 4.000 năm đã giác ngộ sâu sắc trách nhiệm trọng đại trước Tổ quốc, trước thời đại”. Thắng lợi chiến dịch Xuân- Hè 1972 giải phóng Quảng Trị và cuộc chiến đấu 81 ngày đêm bảo vệ Thành Cổ đã trở thành vấn đề chính trị trung tâm làm lung lay cả nước Mỹ, dập tắt ý đồ leo thang chiến tranh của các thế lực hiếu chiến, góp phần buộc đế quốc Mỹ phải nối lại đàm phán và ký kết hiệp định Paris. Đây là thắng lợi có ý nghĩa chiến lược quan trọng, góp phần quyết định làm chuyển biến mạnh mẽ thế bố trí chiến lược giữa ta và địch, tạo tương quan lực lượng có lợi cho ta phát huy sức mạnh tổng hợp để quân và dân ta mở cuộc tấn công vũ bão, thần tốc làm nên đại thắng mùa Xuân 1975 lịch sử, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc.
Từ Quang Hóa