Bộ trưởng Tài chính Nga Anton Siluanov cho biết, Quỹ Tài chính Quốc gia (NWF) sẽ là nguồn tài chính chủ yếu bù đắp cho thâm hụt ngân sách này.
"Quỹ Tài chính Quốc gia sẽ là nguồn tài trợ chính cho các khoản chi tiêu trong tương lai gần. Nếu doanh thu cao hơn so với kế hoạch, chúng tôi sẽ chi ít hơn từ NWF. Trong trường hợp ngược lại, chúng tôi sẽ chi nhiều hơn từ đó", ông Siluanov thông báo.
Nga hiện đang phải đối mặt với tình trạng lạm phát tăng vọt, thất thoát dòng vốn và nguy cơ vỡ nợ bởi các lệnh trừng phạt của phương Tây kể từ khi Tổng thống Nga Vladimir Putin triển khai chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hôm 24/2.
Theo ông Siluanov, chỉ số thâm hụt ngân sách cuối cùng “sẽ phụ thuộc vào phản ứng chống khủng hoảng của Chính phủ” và các biện pháp hỗ trợ dành cho nền kinh tế Nga. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng thâm hụt này xuất phát từ quyết định hoãn thuế. Trước đó, hồi đầu tháng 4, Thủ tướng Mikhail Mishustin dự báo thặng dư ngân sách năm 2022 của Liên bang Nga sẽ bằng “0”.
Nga cũng sẽ chuyển 50 tỷ ruble từ NWF vào ngân hàng Gazprombank trong bối cảnh ngân hàng này đang cần bổ sung vốn để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng.
Cho đến nay, Ngân hàng Gazprombank đã được miễn một số lệnh trừng phạt. Tổng thống Nga Vladimir Putin chỉ định Gazprombank chịu trách nhiệm việc thanh toán cho các hợp đồng mua bán khí đốt giữa Nga và nước ngoài.
Trước đó, Nga thông báo sẽ ngừng cung cấp khí đốt cho Bulgaria và Ba Lan kể từ ngày 27/4 sau khi 2 nước này từ chối yêu cầu thanh toán khí đốt bằng đồng ruble.
Ngoài ra, ông Siluanov cho hay Bộ Tài chính nước này đang nghiên cứu các đề xuất về quy định ngân sách mới. Ông Siluanov cho biết: “Chúng tôi nghiên cứu xây dựng ngân sách trên cơ sở các nguyên tắc dễ hiểu đối với tất cả mọi người. Trong tình hình hiện tại, các quy tắc cũ tất nhiên sẽ không thể thực hiện đươc, vì vậy Bộ Tài chính có đề xuất về các quy tắc ngân sách mới”.
Theo dữ liệu của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra mới đây, 10% sẽ là mức giảm mạnh nhất của GDP Nga kể từ năm 1994. WB mới đây cũng đưa ra dự đoán, GDP của Nga sẽ suy giảm 11,2% trong năm nay.
Một cuộc khảo sát do Reuters thực hiện gần đây cũng cho thấy, kinh tế của Nga sẽ giảm 7,3% trong năm 2022, đồng thời dự báo tỷ lệ lạm phát tăng lên gần 24%, mức cao nhất kể từ năm 1999.
Kể từ khi xung đột Nga – Ukraine xảy ra, Nga đã phải hứng chịu hàng loạt các biện pháp trừng phạt từ Mỹ và các nước phương Tây, trong đó bao gồm đóng băng tài sản của Ngân hàng Trung ương Nga, cũng như loại một số ngân hàng Nga và Belarus khỏi hệ thống thanh toán toàn cầu SWIFT. Liên minh châu Âu (EU) cũng thống nhất tước bỏ quy chế thương mại "tối huệ quốc" của Nga, mở đường cho các mức thuế trừng phạt áp vào hàng hóa của Nga hoặc lệnh cấm nhập khẩu hoàn toàn.
Tỷ giá đồng Ruble giảm xuống mức thấp kỷ lục so với đồng USD bất chấp việc Nga đưa ra các biện pháp nhằm củng cố nền kinh tế và bảo vệ đồng tiền này trước các biện pháp trừng phạt./.
H.Hà (Theo Reuters, Bloomberg)