'Thảm họa' kinh tế lan rộng toàn cầu 

(Chinhphu.vn) - Hệ lụy kinh tế từ đại dịch COVID-19 đối với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi lớn hơn nhiều so với các nước phát triển. Nền kinh tế "đóng băng", tỷ lệ thất nghiệp và nợ công tăng cao là những dấu hiệu đầu tiên của một cuộc khủng hoảng kinh tế - xã hội cận kề sau đại dịch.
'Thảm họa' kinh tế lan rộng toàn cầu

Theo The Straits Times (Singapore), đại dịch COVID-19 có thể được coi là cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất trong lịch sử thế giới.

Chỉ trong 6 tháng kể từ khi dịch bệnh bùng phát, thế giới đã có khoảng 10 triệu người nhiễm bệnh, trong đó gần nửa triệu người tử vong. Không lục địa nào, không đất nước nào có thể tránh được. Sự tàn phá về kinh tế còn khắc nghiệt hơn.

Trong dự báo mới được công bố, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự đoán về tình trạng suy thoái tồi tệ nhất kể từ Đại suy thoái những năm 1930, nền kinh tế toàn cầu sẽ giảm 4,9% trong năm nay và đó thậm chí còn chưa phải là kịch bản tồi tệ nhất. Theo Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), thương mại thế giới giảm còn 1/3.

Những dữ liệu cho thấy thảm họa kinh tế đang lan rộng. Nhiều nước có tỷ lệ thất nghiệp ở mức 2 con số. Tình trạng bất bình đẳng tăng mạnh khi người lao động được trả lương thấp hơn, chủ yếu trong các ngành dịch vụ.

Hàng triệu doanh nghiệp phá sản, nợ tăng cao khi các công ty và hộ gia đình gia tăng vay mượn để tồn tại. Một số ngành như hàng không, bán lẻ, du lịch khách sạn và dịch vụ giải trí ghi nhận nguy cơ phá sản hàng loạt. Tất cả những điều này lại có tác động tiêu cực, khiến suy thoái sâu hơn.

Cuộc khủng hoảng cũng làm gián đoạn các chuỗi cung ứng khi các nhà máy ở nhiều nước rơi vào tình trạng ngừng hoạt động, tạo ra những cú sốc về nguồn cung.

Các chuỗi cung ứng cũng đang thay đổi khi các nước hướng tới việc đưa sản xuất trở lại trong nước, đặc biệt là sản xuất các hàng hóa thiết yếu như trang thiết bị y tế, và đa dạng hóa các nguồn cung của họ.

Những căng thẳng địa chính trị đang âm ỉ, đặc biệt là giữa Mỹ và Trung Quốc, đang đẩy nhanh tiến trình này và cùng với tình trạng thất nghiệp gia tăng là xu hướng bảo hộ gia tăng, thậm chí còn trước khi dịch bệnh bùng phát.

Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) cảnh báo, cuộc cạnh tranh thương mại khiến giá cả leo thang sẽ là khởi nguồn của cuộc khủng hoảng nhân đạo và kinh tế theo sau những tác động của đại dịch. WTO cũng đưa ra dự báo, thương mại toàn cầu có thể giảm từ 13% đến 32% trong năm nay.

Hơn 90 quốc gia đã tìm tới quỹ hỗ trợ khẩn cấp của WTO và IMF. Những tác động từ các lệnh hạn chế đi lại và giãn cách xã hội khiến nhiều người mất đi sinh kế. Tại những khu sống tạm bợ ở Sao Paulo (Brazil), Mumbai (Ấn Độ), hay Manila (Philippines), những căn phòng nhỏ nơi hơn 10 người cùng sinh sống trong tình cảnh thiếu thực phẩm và nước sạch báo hiệu nguy cơ một cuộc khủng hoảng nhân đạo cấp bách trên toàn cầu. WTO hối thúc các quốc gia, tổ chức tín dụng chung tay tìm kiếm giải pháp giãn nợ hoặc tạm thời "đóng băng" các khoản nợ của những nước đang phát triển trong giai đoạn đại dịch.

Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva nhận định, một số quốc gia trong nhóm thị trường mới nổi với chính sách quản lý nợ công chặt chẽ có khả năng "chịu đựng" những tác động của suy thoái kinh tế tốt hơn những quốc gia khác, tuy nhiên vẫn còn nhiều nước với tỷ lệ nợ quá lớn rất cần sự hỗ trợ. Từ tháng 3/2020 đến nay, khoảng 260 tỷ USD từ ngân sách 1.000 tỷ USD đã được IMF giải ngân tới 63 trong tổng số 103 nước kêu gọi sự hỗ trợ.

Các lãnh đạo của nhóm G7 cũng chủ động đưa ra sáng kiến giãn, giảm nợ cho những quốc gia nghèo nhất thế giới đến hết năm 2020 và xa hơn nếu như cần thiết. Tuy nhiên, Tổng Giám đốc IMF cũng chỉ ra, một vài quốc gia còn lưỡng lự trước khi nộp đơn xin cứu trợ do lo ngại bị hạ mức xếp hạng tín dụng.

Khó có thể trở lại trạng thái trước đây

Tuy nhiên, điều làm cho cuộc khủng hoảng này không giống với bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác là hậu quả nghiêm trọng của dịch bệnh. Thế giới sẽ không thể trở lại trạng thái như trước khi xảy ra đại dịch COVID-19. Chẳng hạn, khi những thói quen tiêu dùng và làm việc mới được định hình, nhiều ngành nghề sẽ phải thay đổi sâu sắc.

Khi các nhà máy thực hiện giãn cách xã hội và việc đưa sản xuất trở về nước được tăng tốc, nhiều lĩnh vực sản xuất sẽ được tự động hóa và robot hóa. Trong lĩnh vực dịch vụ, các ngành như bán lẻ, giáo dục, kinh doanh và dịch vụ tài chính và ngay cả giải trí cũng sẽ được số hóa hơn.

Hình thức làm việc tại nhà – một số trong đó sẽ diễn ra lâu dài – sẽ tác động đến cách thức các công ty hoạt động trong nội bộ, tuyển dụng và phục vụ khách hàng của mình. Điều này cũng sẽ tác động đến các lĩnh vực như bất động sản và vận tải trực tiếp.

Trong một số lĩnh vực như du lịch, hàng không, bán lẻ, tình trạng thất nghiệp sẽ lan rộng với mức độ nghiêm trọng, kéo dài và trong một số trường hợp là vĩnh viễn, khiến nhiều người lao động cần phải có những quyết định về nghề nghiệp làm thay đổi cuộc sống của họ.

Nhà kinh tế trưởng Laurence Boone thuộc OCDE cho rằng điều đáng lo ngại hơn cả là các biện pháp phong tỏa đã được dỡ bỏ, kinh tế được mở cửa trở lại, nhưng thế giới vẫn chưa có vaccine chống COVID-19. Điều đó có nghĩa là nhiều lĩnh vực kinh tế chưa hoặc không thể nào hoạt động bình thường trở lại như trước mùa dịch. Tác động kèm theo là sẽ có nhiều hãng bị phá sản, nhiều người bị thất nghiệp.

Câu hỏi được đặt ra là cần phải làm những gì để thoát ra khỏi bức tranh kinh tế ảm đạm đó? Tại cuộc họp báo ở thủ đô Manila (Philippines) ngày 20/5, nhà kinh tế trưởng ADB Yasuyuki Sawada cho rằng "hơn bao giờ hết, chính phủ cần can thiệp để hạn chế những tác động tiêu cực cả về mặt kinh tế lẫn xã hội". 

Còn bà Boone thì cho biết có thể rút ra được 3 bài học chính từ COVID-19. Thứ nhất, cần đa dạng hóa các nguồn cung cấp nguyên và nhiên liệu, tránh đế một sản phẩm chỉ tùy thuộc vào một hay hai nhà cung ứng. Thứ hai, các quốc gia đã ỷ lại và lơ là việc tích lũy những kho hàng cần thiết và ở đây đặt ra vấn đề an ninh quốc gia. Thứ ba, đối với một số lĩnh vực, cần có những nhà máy và đơn vị sản xuất ngay tại chỗ, có nghĩa là ngay trên lãnh thổ quốc gia hoặc ở ngay trong Liên minh châu Âu (EU).

Trước mắt, cả IMF lẫn OCDE đều không loại trừ kịch bản đen tối nhất đó là đại dịch COVID-19 tái phát.

An Bình

147 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1160
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1160
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87153305