Thái Lan muốn thành trung tâm của hệ thống đường sắt xuyên ASEAN 

Thứ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Pailin Chuchottaworn cho biết trong tương lai, người dân Thái Lan có thể lên tàu hỏa cao tốc từ một nhà ga ở quận Bang Sue của Bangkok để tới Bắc Kinh và Singapore.
Thái Lan muốn thành trung tâm của hệ thống đường sắt xuyên ASEAN

Chính phủ Thái Lan hiện theo đuổi một kế hoạch đầy tham vọng, xây dựng một mạng lưới đường sắt cao tốc nối vương quốc này với những quốc gia khác trong khu vực, vươn tới Singapore và Trung Quốc.

Phát biểu với truyền thông sở tại, Thứ trưởng Bộ Giao thông Thái Lan Pailin Chuchottaworn cho biết chính phủ nước này đã bắt đầu việc xây dựng một số tuyến đường sắt và sẽ tiếp tục gọi thầu cho dự án này.

Theo ông Pailin, trong tương lai, người dân Thái Lan có thể lên tàu hỏa cao tốc từ một nhà ga ở quận Bang Sue của Bangkok để tới Bắc Kinh và Singapore. Điều này hoàn toàn khả thi nếu việc xây dựng 4 tuyến tàu cao tốc Shinkansen được hoàn tất và nhà ga ở quận Bang Sue sẽ là trung tâm của "hệ thống đường sắt xuyên ASEAN."

Thực hiện kế hoạch biến Thái Lan thành trung tâm logistics, Chính phủ Thái Lan nhấn mạnh các đoàn tàu cao tốc sẽ là tâm điểm của hệ thống cơ sở hạ tầng mới của đất nước. Đây sẽ là lần đầu tiên Thái Lan có một hệ thống giao thông hiện đại như vậy, với tổng chiều dài lên tới 3.193km và chi phí xây dựng khoảng 2.007 tỷ baht.

[Thái Lan mở lại dịch vụ đường sắt từ Bangkok tới biên giới Campuchia]

Hệ thống đường sắt này sẽ nối Bang Sue với Chiang Mai ở phía Bắc, Lào ở phía Đông Bắc, Campuchia ở phía Đông và Malaysia ở phía Nam.

Thứ trưởng Bộ Giao thông Pailin nhấn mạnh các tuyến đường sắt nói trên sẽ làm cho giao thông trở nên thuận lợi hơn và được kỳ vọng sẽ thúc đẩy nền kinh tế Thái Lan tiến lên trong dài hạn.

Tuyến đường đầu tiên là dự án hợp tác giữa Thái Lan và Trung Quốc nối thủ đô Bangkok và tỉnh Nong Khai ở vùng Đông Bắc.

Tuyến đường này, dài 608km, dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2023 và sẽ đóng vai trò như là hệ thống giao thông chính tới Lào.

Từ biên giới, một tuyến đường sắt khác sẽ chạy tới thủ đô Vientiane của Lào và chặng cuối cùng dài 414km sẽ là tới thị trấn biên giới Mohan của tỉnh Vân Nam của Trung Quốc.

Ngoài ra, Chính phủ Lào cũng đang trong quá trình xây dựng một nhánh đường sắt khác nối Vientiane với tỉnh Nong Khai của Thái Lan.

Theo kế hoạch, Bang Sue sẽ là một "đại nhà ga" 4 tầng lớn nhất ASEAN được xây dựng trên một diện tích rộng 300.000m2 và xung quanh là những khu vực thương mại. Nhà ga này sẽ được kết nối với các tuyến đường sắt đô thị ở Bangkok và các các tuyến đường sắt liên tỉnh của Thái Lan.

Theo ông Ratthaphum Parichatpricha - kỹ sư trưởng thuộc Viện Kỹ thuật Thái Lan, ASEAN có thể chuyển từ người sử dụng thành người phát triển công nghệ đường sắt tốc độ cao nếu khối này tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp vận tải và liên quan.

Chính phủ Thái Lan cũng chuẩn bị cho một hiệp định mới về các tiêu chuẩn trong ngành đường sắt với Malaysia, Việt Nam và Indonesia vì những nước này đang dành ngân sách lớn để xây dựng những phương thức vận tải đường sắt mới, từ các hệ thống tàu cao tốc tới tàu điện ngầm.

Ông Ratthaphum cho biết những nước nói trên hiện có thể chế tạo một số sản phẩm liên quan đến đường sắt, nhưng việc thiếu tiêu chuẩn hóa khiến các nước không thể xuất khẩu các sản phẩm ra thế giới giống như Nhật Bản, Đức và Trung Quốc. Một thỏa thuận về tiêu chuẩn cũng sẽ giúp giảm chi phí xây dựng đường sắt và bảo trì./.

Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)

 

337 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 538
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 538
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 88312259