Trên cương vị là nước điều phối quan hệ của ASEAN với Ấn Độ, Thái Lan đã hoan nghênh sự tham gia của quốc gia Nam Á này vào khu vực thông qua Chính sách Hành động hướng Đông và những quan điểm rằng Quan hệ Đối tác Chiến lược mạnh mẽ giữa hai bên sẽ đóng góp vào hòa bình và ổn định khu vực, tiến bộ kinh tế và tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai bên.
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, quan điểm trên đã được Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prayut Chan-o-cha đưa ra trong phát biểu tại Hội nghị Cấp cao ASEAN-Ấn Độ lần thứ 17.
Hội nghị diễn ra dưới hình thức trực tuyến ngày 12/11 với sự tham dự của lãnh đạo 10 nước ASEAN và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi.
Người phát ngôn Chính phủ Thái Lan Anucha Burapachaisri cho biết, Thủ tướng Prayut cho rằng ASEAN và Ấn Độ cần ưu tiên hợp tác trong việc giải quyết tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 và sự phục hồi mạnh mẽ, bền vững và toàn diện hậu đại dịch.
Ông Prayut cũng mong Ấn Độ hỗ trợ Quỹ ASEAN ứng phó với COVID-19 và Kho Dự trữ vật tư y tế khu vực ASEAN (RRMS) cho các trường hợp khẩn cấp về y tế công cộng.
Thủ tướng Prayut cũng đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hợp tác nhằm thúc đẩy an ninh y tế, đặc biệt là nghiên cứu khoa học, phát triển, sản xuất và phân phối vắc xin và thuốc điều trị COVID-19, cũng như chia sẻ thông tin về các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe và các bệnh mới nổi.
Theo Thủ tướng Prayut, ASEAN đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt được mục tiêu thương mại hai chiều 200 tỷ USD vào năm 2022, bao gồm cả thông qua việc sử dụng đầy đủ và hiệu quả Khu vực Thương mại Tự do ASEAN-Ấn Độ (AIFTA).
[Ấn Độ muốn mở rộng thương mại với ASEAN dù rút khỏi RCEP]
ASEAN cũng khuyến khích vai trò tích cực của Hội đồng Kinh doanh ASEAN-Ấn Độ (AIBC) trong việc thúc đẩy sự tham gia của khu vực tư nhân trong hợp tác kinh tế, và mong muốn thúc đẩy hợp tác nâng cao năng lực về công nghệ kỹ thuật số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa, phụ nữ và doanh nhân trẻ.
Ấn Độ cũng được khuyến khích tiếp tục hỗ trợ việc triển khai hiệu quả Kế hoạch Tổng thể Kết nối ASEAN (MPAC) 2025, cũng như thăm dò những kết hợp giữa MPAC 2025 và các chiến lược kết nối của Ấn Độ, phù hợp với cách tiếp cận “kết nối các kết nối” của ASEAN.
ASEAN mong muốn tuyến đường cao tốc ba bên Ấn Độ-Myanmar-Thái Lan được hoàn thành kịp thời và có thể mở rộng sang Lào, Campuchia và Việt Nam; cũng như sự hỗ trợ của Ấn Độ đối với các thành phố thông minh và phát triển bền vững trong ASEAN thông qua Mạng lưới các Thành phố Thông minh ASEAN (ASCN) và Trung tâm ASEAN về Nghiên cứu và Đối thoại Phát triển Bền vững (ACSDSD).
Trong phát biểu, Thủ tướng Thái Lan Prayut đã nhấn mạnh mong muốn của ASEAN về việc thúc đẩy Quan hệ Đối tác Chiến lược ASEAN-Ấn Độ trên ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN theo Kế hoạch Hành động mới (POA) giai đoạn 2021-2025 nhằm thúc đẩy các khu vực hướng tới thịnh vượng, khả năng phục hồi cũng như khả năng giải quyết các cơ hội và thách thức hiện tại và tương lai./.
Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)