Các nhà chức trách Thái Lan sẽ triển khai khoảng 80.000 cảnh sát trên toàn quốc nhằm nỗ lực giảm bớt tắc nghẽn giao thông và giải quyết các vụ tai nạn đường bộ trong kỳ nghỉ Tết cổ truyền Songkran vào giữa tháng này.
Phó Tư lệnh Cảnh sát quốc gia Damrongsak Kittiprapas cho biết kế hoạch quản lý giao thông đã được hoàn thành cho kỳ nghỉ kéo dài từ 11 đến 17/4 khi người dân về quê để tham dự lễ hội Songkran.
Theo Đại tướng cảnh sát Damrongsak, dự kiến sẽ có 6,7 triệu ô tô lưu thông trên đường trong kỳ nghỉ lễ Songkran, trong đó các ngày 12-13/4 và 16-17/4 là những ngày cao điểm nhất.
Chính quyền các địa phương đã được lệnh chuẩn bị các tuyến đường vòng, đường tránh và lối tắt thay thế để giúp giao thông dễ dàng hơn.
Cảnh sát sẽ được triển khai tại các giao lộ và trạm nghỉ từ ngày 8/4, ưu tiên ngăn chặn việc lái xe uống rượu bia khi tham gia giao thông, điều khiển xe máy vào lối đi dành cho người đi bộ và lái xe đi quá tốc độ cho phép.
Tất cả những lái xe liên quan đến các vụ tai nạn đường bộ sẽ được kiểm tra nồng độ cồn trong máu.
[Nhức nhối tai nạn giao thông mỗi dịp Tết Songkran tại Thái Lan]
Thái Lan là một trong những quốc gia có tỷ lệ tử vong do tai nạn đường bộ cao nhất ASEAN, với gần 33%. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), trong năm 2019, quốc gia Đông Nam Á này bị thiệt hại ước tính 500 tỷ baht, tương đương 3% Tổng sản phẩm quốc nội (GPD) cả nước do tai nạn đường bộ và hơn 80% số vụ tai nạn liên quan đến xe máy.
Khoảng 39% số người chết vì tai nạn giao thông là trụ cột gia đình, gián tiếp ảnh hưởng tới những người thân. Đây được cho là một tổn thất đối với nhân khẩu học của Thái Lan khi đất nước bước vào một xã hội lão hóa.
Trong dịp Tết Songkran năm 2021, cả nước Thái Lan đã ghi nhận tổng cộng 2.365 vụ tai nạn giao thông khiến 277 người tử vong và 2.357 người bị thương.
Lái xe quá tốc độ là nguyên nhân chính dẫn đến các vụ tai nạn giao thông (chiếm 32,01%), tiếp theo là lái xe trong tình trạng say rượu (28,29%) và cắt làn đường (18,27%). Số vụ tai nạn liên quan đến xe máy chiếm tới 86,01%, tiếp theo là xe tải (6,17%) và ô tô (2,76%).
Trong dịp Tết Songkran năm nay, Chính phủ Thái Lan cũng cho phép người dân di chuyển liên tỉnh nhằm tạo điều kiện cho những người đi làm ở xa về đoàn tụ với gia đình trong dịp nghỉ lễ. Tuy nhiên, những người có nguy cơ cao cần xét nghiệm nhanh trước khi đi.
Do tình hình COVID-19 vẫn diễn biến phức tạp, các nhà chức trách Thái Lan đã thông báo về việc cấm tổ chức các hoạt động té nước tại những địa điểm công cộng ngoài những địa điểm mà chính quyền địa phương cho phép trong dịp nghỉ Tết Songkran.
Đây là năm thứ ba liên tiếp người dân Thái Lan không được hưởng trọn vẹn không khí truyền thống của lễ hội té nước mang đậm nét văn hóa liên quan đến chu kỳ sản xuất nông nghiệp ở Đông Nam Á.
Về ý nghĩa tâm linh, tục lệ té nước tượng trưng cho hình ảnh thần rắn Naga phun nước xuống trần gian để đem lại mùa màng tốt tươi. Mặt khác, tháng 4 là giai đoạn đầu mùa Hè nên mọi người té nước vào nhau không chỉ để cầu mong một mùa vụ bội thu mà còn để làm dịu bớt cái nóng oi bức.
Mặc dù cấm té nước tại những nơi công cộng nhưng các nhà chức trách vẫn cho phép thực hiện các hoạt động truyền thống của Tết Songkran tại những địa điểm cụ thể do cơ quan y tế địa phương quy định.
Các hoạt động được phép bao gồm nghi lễ tắm Phật và rửa tay cho người cao tuổi, các buổi biểu diễn văn hóa, âm nhạc và rước kiệu.
Các nhà chức trách cũng kêu gọi người dân, đặc biệt là người cao tuổi, khẩn trương tiêm mũi tăng cường trước kỳ nghỉ lễ để hạn chế sự lây lan của COVID-19.
Về tình hình COVID-19 ở Thái Lan, số liệu cập nhật sáng 2/4 cho biết trong 24 giờ qua, quốc gia Đông Nam Á này ghi nhận thêm 28.029 ca mắc mới cùng 96 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm từ đầu dịch tới nay lên 3.684.755 ca, trong đó có 25.318 trường hợp tử vong./.
Ngọc Quang (TTXVN/Vietnam+)