Thái Lan đối mặt khả năng bầu cử sớm 

Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha đang tìm cách hạn chế những rạn nứt ngày càng tăng trong liên minh cầm quyền của ông.
Thái Lan đối mặt khả năng bầu cử sớm

Theo hãng tin AFP, Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-O-Cha sẽ có cuộc hội đàm với các nhà lãnh đạo đảng trong liên minh cầm quyền vào ngày 17/3 nhằm tìm cách hàn gắn những chia rẽ ngày càng tăng, vấn đề có thể dẫn đến cuộc bầu cử sớm vào cuối năm nay.

Chú thích ảnh

Thủ tướng Prayut Chan-o-Cha. Ảnh: Bangkok Post

Thủ tướng Prayut đứng đầu một chính phủ liên minh đang đối mặt với áp lực lớn liên quan tới cách xử lý đại dịch COVID-19, một nền kinh tế ảm đạm và căng thẳng âm ỉ sau các cuộc biểu tình đường phố năm 2021.

Bầu không khí chính trị tại nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á này đã thúc đẩy phe đối lập kêu gọi Thủ tướng Prayut từ chức, yêu cầu bỏ phiếu bất tín nhiệm khi Quốc hội nước này họp lại vào tháng 5 tới.

Đầu tuần này, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Thái Lan Prawit Wongsuwan thừa nhận một cuộc bầu cử sớm có thể được tổ chức sau khi nước này đăng cai Hội nghị cấp cao Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) vào tháng 11/2022.

Đây được cho là dấu hiệu đầu tiên của Chính phủ Thái Lan về ngày bầu cử quốc gia - vài tháng trước khi nhiệm kỳ của ông Prayut kết thúc vào tháng 3/2023.

Phát biểu sau thông báo của ông Prawit Wongsuwan, Thủ tướng Prayut từ chối bình luận về thời điểm bầu cử có thể xảy ra. Nếu cuộc bầu cử được tổ chức sau Hội nghị cấp cao APEC - hoặc sớm hơn - các nhà phân tích cho rằng điều này có thể mang lại một kết quả bất lợi đối với ông Prayut.

"Rất nhiều người Thái chờ Thủ tướng Prayut mãn nhiệm. Nền kinh tế đang hoạt động không tốt. Người dân vẫn ám ảnh về thời kỳ đầu của đại dịch khi chưa có vaccine", Giáo sư Thitinan Pongsudhirak tại Đại học Chulalongkorn ở Bangkok nhận xét.

Nền kinh tế Thái Lan đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, chỉ tăng trưởng 1,6% vào năm ngoái sau khi giảm 6,2% vào năm 2020, thành tích kinh tế thấp nhất kể từ cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997-1998.

 

Ông Paul Chambers, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Cộng đồng ASEAN tại Đại học Naresuan ở Thái Lan, cho rằng Thủ tướng Prayut có thể trì hoãn cuộc bầu cử càng lâu thì càng có lợi cho ông.

Năm 2019, đảng của ông Prayut chỉ là đảng lớn thứ hai về số ghế trong Quốc hội Thái Lan, nhưng với sự giúp đỡ của Thượng viện, nơi có nhiều nhân vật ủng hộ chính phủ hiện nay, đã thành lập được chính phủ liên minh.

Ông Prayut, cựu Tư lệnh Lục quân Thái Lan, nhậm chức Thủ tướng Thái Lan sau cuộc bầu cử năm 2019, trở thành lãnh đạo của liên minh gồm 16 đảng chiếm 248 ghế quốc hội, so với 208 ghế của phe đối lập.

Nhưng liên minh của ông Prayut đang bị chia rẽ. Vào tháng 1/2022, một nhóm gồm 20 nghị sĩ từ đảng Palang Pracharat của ông Prayut đã bị đuổi ra khỏi các cuộc tranh luận nội bộ. Tháng trước, 7 bộ trưởng từ một đảng liên minh cấp dưới đã từ chối tham dự cuộc họp Nội các liên quan đến tuyến đường sắt đô thị Sky Train ở Bangkok.

Vì vậy, ông Prayut đã phải tìm cách củng cố liên minh của mình bằng cách tiếp cận với các đảng nhỏ hơn và tập hợp đủ sự ủng hộ để có thể vượt qua cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm do phe đối lập đề xuất khi Quốc hội họp lại vào tháng 5 tới.

Công Thuận/Báo Tin tức
588 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 315
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 315
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 86724131