Thách thức và cơ hội của Cộng hòa Séc trên "ghế nóng" Chủ tịch EU 

Những vấn đề chính trị trong nước, bất đồng nội bộ EU cùng diễn biến địa chính trị phức tạp có thể sẽ gây ra không ít sóng gió đối với Cộng hòa Séc - tân Chủ tịch EU trong nhiệm kỳ này.
Thách thức và cơ hội của Cộng hòa Séc trên "ghế nóng" Chủ tịch EU

Từ ngày 1/7, Cộng hòa Séc chính thức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch luân phiên Hội đồng châu Âu, còn gọi là Chủ tịch Liên minh châu Âu (EU).

Lần thứ hai tiếp quản "ghế nóng" trong bối cảnh EU đối mặt hàng loạt thách thức, đặc biệt những tác động từ cuộc chiến ở Ukraine, Séc đã thể hiện sự chủ động, tích cực và có quá trình chuẩn bị kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, những vấn đề chính trị trong nước, bất đồng nội bộ EU cùng diễn biến địa chính trị phức tạp có thể gây ra không ít sóng gió đối với tân chủ tịch EU trong nhiệm kỳ này.

Séc xác định khẩu hiệu cho nhiệm kỳ 6 tháng này là “Châu Âu như một bổn phận: Nghĩ lại, xây dựng lại, nâng cao năng lực,” với hình ảnh biểu trưng gồm 27 kim la bàn theo màu quốc kỳ các nước thành viên EU, thể hiện thông điệp Séc sẽ điều hướng và viết nên tương lai EU.

Chính phủ Séc cũng xác định 5 ưu tiên gồm đối phó với cuộc khủng hoảng người tị nạn và tái thiết Ukraine sau chiến tranh; đảm bảo an ninh năng lượng; tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh trên không gian mạng của EU; khả năng phục hồi chiến lược của nền kinh tế EU và cuối cùng là khả năng phục hồi của các thể chế dân chủ.

Trong vấn đề Ukraine, Séc ủng hộ nỗ lực của EU sớm giải quyết bằng cách sử dụng mọi công cụ, gồm các biện pháp trừng phạt.

Cuộc khủng hoảng người tị nạn do xung đột ở Ukraine gây ra được Séc đánh giá là nghiêm trọng nhất kể từ Chiến tranh Thế giới thứ hai, do đó cần huy động mọi nguồn lực để ứng phó.

Tầm nhìn xa hơn được chủ tịch EU nhiệm kỳ nửa cuối năm 2022 nêu ra là kế hoạch tái thiết Ukraine hậu chiến. Séc cũng tuyên bố ưu tiên thúc đẩy tiến trình kết nạp Kiev vào EU.

Về ưu tiên thứ hai, Séc cho rằng EU cần thoát khỏi sự phụ thuộc vào dầu mỏ, khí đốt và than đá của Nga. Do đó, Séc sẽ tập trung đẩy nhanh thực hiện chương trình REPowerEU với trọng tâm đa dạng hóa nguồn cung, tiết kiệm năng lượng, nhanh chóng chuyển đổi sang sử dụng năng lượng tái tạo và phát thải thấp.

Séc cũng muốn thực hiện các quy định về cung cấp khí đốt và mua chung tự nguyện, biện pháp được cho là giúp củng cố vị thế đàm phán của EU.

Trọng tâm tiếp theo là tăng cường năng lực quốc phòng và an ninh của EU, hợp tác với các đối tác trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) nhưng ngoài EU và hỗ trợ triển khai "La bàn chiến lược" của EU.

Séc quan tâm đến hợp tác và đầu tư để giảm sự phụ thuộc về công nghệ, giải quyết các mối đe dọa trên không gian mạng, ưu tiên đề xuất thiết lập một hệ thống liên lạc vũ trụ của EU.

Séc nhận định đại dịch COVID-19 và cuộc chiến ở Ukraine đã dẫn đến cú sốc lạm phát, gia tăng sự không chắc chắn của thị trường, cho thấy sự mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu và gây ra sự gián đoạn lớn nhất đối với thị trường hàng hóa trong nửa thế kỷ qua.

Một trong những giải pháp là hỗ trợ có mục tiêu cho năng lực cạnh tranh trong lĩnh vực công nghệ chiến lược, tăng tốc số hóa và tự động hóa ngành công nghiệp châu Âu, thúc đẩy quá trình chuyển đổi xanh thông qua đầu tư.

[Hội đồng châu Âu đề nghị EU trao quy chế ứng viên cho Ukraine, Moldova]

Séc cũng ưu tiên phát triển thị trường nội khối, cải thiện môi trường kinh doanh, nhấn mạnh tầm quan trọng của ví nhận dạng kỹ thuật số EU và thị trường dữ liệu công bằng.

Đối với ưu tiên cuối cùng, Séc sẽ tập trung vào vấn đề minh bạch tài chính của các đảng chính trị, tính độc lập của truyền thông đại chúng và đối thoại cởi mở với công dân.

Theo Văn phòng Chính phủ Séc, trong nhiệm kỳ này, Séc sẽ tổ chức khoảng 300 sự kiện. Đại diện 27 chính phủ các nước thành viên EU sẽ gặp nhau ít nhất 14 lần tại Séc, trong đó có hội nghị thượng đỉnh không chính thức EU dự kiến diễn ra tại Praha trong tháng 9 hoặc tháng 10 tới.

Tuy nhiên, những vấn đề chính trị-kinh tế ở Séc được cho sẽ tạo rào cản lớn. Xung đột tại Ukraine đang khiến Séc phải vật lộn với khó khăn, giá năng lượng leo thang (giá điện tăng gần 300%, giá gaz tăng hơn 100%, giá xăng tăng gần 50% so với cùng kỳ năm ngoái), lạm phát tăng vọt (ở mức 16% tính đến tháng 5/2022 và được dự báo chưa dừng lại), thâm hụt ngân sách cao (có thể vượt dự toán 280 tỷ korun, tương đương hơn 12 tỷ USD cho năm tài khóa 2022), thu nhập thực tế của người dân giảm...

Nếu không có những quyết sách phù hợp và hiệu quả, chính phủ đương nhiệm của Thủ tướng Petr Fiala sẽ đối mặt vô vàn thách thức, nhất là khi liên minh cầm quyền SPOLU gồm 5 đảng không thực sự gắn kết.

Thêm vào đó, đảng lớn thứ hai trong chính phủ liên minh là đảng Các thị trưởng và các ứng viên độc lập (STAN) đang vướng bê bối liên quan tới một vụ án tham nhũng lớn khiến một bộ trưởng phải từ chức và một số thành viên cấp cao khác bị khởi tố, bắt giam.

Chuyên gia chính trị học Ladislav Mrklas của Séc cho rằng điều này có thể làm suy yếu Chính phủ Séc khi đảm nhiệm cương vị chủ tịch EU.

Séc chuẩn bị cho nhiệm kỳ chủ tịch EU khá sớm và kéo dài nhưng không có tính liên tục và nhất quán.

Chính phủ của cựu Thủ tướng Andrej Babis khởi động quá trình này từ năm 2018 nhưng không thể tiếp tục sau khi phong trào ANO của ông thất bại trong cuộc bầu cử hạ viện Séc hồi tháng 10/2021.

Trong khi đó, Thủ tướng đương nhiệm Fiala chỉ có thể tuyên thệ nhậm chức sau nhiều tháng đàm phán thành lập chính phủ liên minh.

Những ưu tiên ban đầu của Séc trong nhiệm kỳ chủ tịch EU như giải quyết hậu quả của đại dịch, các chính sách về biến đổi khí hậu, giải quyết vấn đề người di cư và vấn đề an ninh... buộc phải thay đổi sau cuộc xung đột tại Ukraine cuối tháng Hai vừa qua.

Việc "bẻ lái" theo thời cuộc dễ khiến Séc rơi vào thế "việt vị,” ví dụ ưu tiên về tái thiết Ukraine rất có thể chỉ mang tính biểu tượng nhiều hơn thực tế bởi chưa có cơ sở để khẳng định xung đợt tại Ukraine sẽ kết thúc khi nào và với kết cục ra sao.

Bên cạnh đó, những bất đồng và mâu thuẫn nội bộ của EU cũng là thách thức không nhỏ khi mà 27 quốc gia thành viên vẫn đang tranh cãi về vấn đề người di cư, dán nhãn năng lượng xanh, trong đó có quan điểm về khí đốt và năng lượng hạt nhân, căng thẳng với Ba Lan về cải cách tư pháp, thậm chí quan điểm về xung đột Ukraine và quan hệ với Nga như trường hợp của Hungary.

Trên cương vị Chủ tịch EU, Séc buộc phải đưa ra quan điểm chính thức của mình cũng như quan điểm chung của toàn khối về cả những vấn đề đang gây tranh cãi. Điều này có thể khoét sâu thêm mâu thuẫn giữa Séc với một số nước thành viên EU và giữa các thành viên khác với nhau.

Trong 6 tháng tới, năng lực "điều hướng" của Séc sẽ phụ thuộc đáng kể vào sự ổn định chính trị nội bộ của nước này và khả năng đoàn kết EU cùng lúc trên nhiều mặt trận.

Thử thách cam go cũng là cơ hội lớn để quốc gia Trung Âu với hơn 10 triệu dân này khẳng định vị thế và tiếng nói của mình, thúc đẩy những lợi ích riêng trong lợi ích chung của EU khi phải đối mặt với một thế giới đầy biến động./.

Ngọc Biên (TTXVN/Vietnam+)

 

174 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1157
    • Thành viên Thành viên 1
    • Tổng Tổng 1158
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87174131