Ông Narendra Modi đã giành chiến thắng trong cuộc tổng tuyển cử tại Ấn Độ và tối 25/5, Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind đã chỉ định ông Modi làm Thủ tướng nước này trong nhiệm kỳ 2.
Theo AFP, chính quyền của ông Modi sẽ cần tìm cách giải quyết nhiều thách thức kinh tế quan trọng mà nền kinh tế lớn thứ ba châu Á này đang phải đối mặt.
Trong nhiệm kỳ đầu tiên của mình, ông Modi đã có những cố gắng được ghi nhận và nhiều cải cách, trong đó có vấn đề thuế hàng hóa và dịch vụ (GST). Những nỗ lực này đã giúp Ấn Độ nâng hạng trong bảng xếp hàng về môi trường kinh doanh của Ngân hàng Thế giới (WB), tăng 23 bậc lên 77 trong giai đoạn 2017-2018.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng chính phủ của ông Modi sẽ cần tập trung vào việc giải quyết nạn quan liêu và chủ nghĩa bảo hộ. Tháng 12/2018, Chính phủ Ấn Độ đã công bố những quy định mới trong ngành thương mại điện tử mà sẽ tạo ra hạn chế đối với hoạt động của các doanh nghiệp nước ngoài như Walmart và Amazon.
Pradip Shah, Chủ tịch của quỹ IndAsia, nhận định rằng Ấn Độ cần tập trung vào tái tạo sức mạnh cho nền kinh tế và hướng tới việc cải thiện môi trường kinh doanh để có thể thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút các nhà đầu tư nước ngoài.
Mặt khác, các nhà quan sát cũng lưu ý đến việc Ấn Độ chưa đạt được kết quả đáng kể trong việc tạo việc làm cho hơn một triệu người mới tham gia thị trường lao động mỗi tháng. 19 triệu người đã ứng tuyển vào 63.000 vị trí tại Công ty đường sắt Ấn Độ năm ngoái, qua đó cho thấy sự chênh lệch rõ rệt giữa số lượng người tìm việc và cơ hội việc làm.
Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) nhận định rằng luật lao động cứng nhắc và tình trạng thiếu đầu tư cho đào tạo nghề đang cản trở các khu vực phi nông nghiệp của Ấn Độ. Ấn Độ cần khuyến khích các bang thay đổi luật lao động và thực hiện các chương trình đào tạo nghề lớn cho thanh niên để tạo việc làm cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyên gia Gunjan Bagla từ công ty quản lý Amritt Inc nhận định.
Trong bối cảnh Mỹ tiến hành hàng loạt biện pháp trừng phạt ngành dầu mỏ của Venezuela và Iran, Ấn Độ phải đối mặt với áp lực lớn bởi nước này nhập khẩu hơn 80% nhu cầu dầu thô.
New Delhi đã được Washington miễn trừ trừng phạt để tiếp tục mua dầu của Iran, nhưng quy chế này đã chấm dứt vào ngày 1/5. Điều này thúc đẩy Ấn Độ tìm kiếm nhà cung cấp khác và làm tăng chi phí của các nhà máy lọc dầu. Việc tăng giá dầu tiềm năng, do căng thẳng ở Trung Đông, có thể đẩy giá nhiên liệu và lạm phát tăng. Đây vốn là vấn đề tồn tại dai dẳng ở Ấn Độ./.
Mai Ly (TTXVN/Vietnam+)