Catalunya tuyên bố độc lập – điểm đầu của dãy domino
Ngày 27/10, cơ quan lập pháp vùng tự trị Catalunya của Tây Ban Nha đã chính thức tuyên bố độc lập với 70 phiếu thuận, 10 phiếu chống và 2 phiếu trắng. Các đại biểu của đảng Xã hội, đảng Nhân dân (PP) cầm quyền và đảng Ciudadanos đã bày tỏ sự phản đối khi bỏ ra ngoài trước cuộc bỏ phiếu.
Catalunya tuyên bố độc lập chỉ ít phút sau khi Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy kêu gọi Thượng viện Tây Ban Nha kích hoạt Điều 155 Hiến pháp Tây Ban Nha. Chính quyền trung ương Madrid khẳng định Thủ hiến Puigdemont sẽ mất toàn bộ quyền lực. Chính quyền trung ương sẽ áp đặt quyền lãnh đạo trực tiếp đối với khu vực này. Đây sẽ là lần đầu tiên trong 4 thập kỷ, Madrid sử dụng Hiến pháp để giải tán chính quyền khu vực và kêu gọi tổ chức bầu cử sớm.
Trong khi ở Tây Ban Nha, tình hình đang “nóng” lên từng ngày thì nước láng giềng Italy cũng đang phải đối mặt với những nguy cơ tương tự khi hai khu vực giàu có tại phía Bắc tổ chức bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc đòi quyền tự trị.
Ngày 22/10, chính quyền hai khu vực Lombardy và Veneto ở phía Bắc Italy đã tiến hành trưng cầu ý dân về mức độ tự trị của khu vực. Theo kết quả được công bố, đã có hơn 90% người dân ở Lombardy và Veneto, dưới sự dẫn dắt của Đảng Liên minh phương Bắc (Lega Nord) đã chọn bỏ phiếu "Có" về mức độ tự trị. Tuy kết quả này chỉ mang tính chất tham khảo, nhưng động thái này được cho là có thể làm gia tăng căng thẳng hai miền Bắc-Nam Italy và đổ dầu vào ngọn lửa ly khai đang gia tăng tại châu Âu.
Italy hiện có 20 vùng, trong đó có 5 vùng đang được hưởng quy chế tự trị đặc biệt. Các hội đồng vùng Sardinia, Sicily, Trentino-Alto Adige/Südtirol, Aosta Valley và Friuli-Venezia Giulia đã được Chính phủ Italy trao cho các thẩm quyền đặc biệt liên quan đến vấn đề quản lý và lập pháp.
Lâu nay, vùng Lombardy nổi tiếng được biết đến với kinh đô thời trang Milan, còn thành phố nổi tiếng Venice là thủ phủ của vùng Veneto. Hai khu vực miền Bắc này chiếm tới 1/4 dân số Italy và đóng góp tới 30% tổng sản phẩm quốc nội. Với lợi thế kinh tế mạnh, tỷ lệ thất nghiệp thấp và phúc lợi xã hội cao hơn so với mức trung bình cả nước, hai vùng Lombardy và Veneto hiện cũng đang đấu tranh để được trao quy chế tự trị đặc biệt, trong đó có quyền tự quyết lớn hơn trong các lĩnh vực như cơ sở hạ tầng, giáo dục, y tế và môi trường.
Vì thế, cuộc bỏ phiếu ở hai khu vực Lombardy và Veneto đang có nguy cơ làm gia tăng căng thẳng khu vực, gây chia rẽ hai miền Bắc-Nam và đổ dầu vào ngọn lửa ly khai tại châu Âu. Bởi sau cuộc trưng cầu của hai khu vực Lombardy và Veneto, nhiều khả năng sẽ dẫn tới hiệu ứng “domino” đối với nhiều vùng trên lãnh thổ Italy như Liguria và Emilia Romagna.
Còn ở Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland thì sao? trong bối cảnh chính phủ của Thủ tướng Theresa May đang xúc tiến và tính toán tiến hành đàm phán Brexit làm sao có lợi nhất cho nước Anh thì Thủ hiến Scotland lại có một động thái khác. Trong một tuyên bố đưa ra ngày 9/3, bà Sturgeon cho biết, mùa Thu năm 2018 sẽ là thời điểm phù hợp để Scotland tổ chức trưng cầu dân ý lần hai về nền độc lập bởi khi đó thỏa thuận Brexit sơ bộ đã rõ ràng và cũng là thời điểm phù hợp để người dân Scotland lựa chọn đi hay ở lại Vương quốc Anh.
Trước đó, bà Sturgeon đã nhiều lần cảnh báo rằng kế hoạch Brexit của chính quyền Anh có thể khiến Scotland tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý khác về nền độc lập, bởi nhiều thứ đã thay đổi so với năm 2014 khi người dân Scotland bỏ phiếu lựa chọn ở lại Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Những quan ngại về cuộc trưng cầu dân ý độc lập lần hai của Scotland đang gây thêm khó khăn cho Thủ tướng Anh Theresa May trong các cuộc đàm phán với 27 lãnh đạo khác của Liên minh châu Âu liên quan đến vấn đề Brexit.
Scotland có khoảng 5,3 triệu dân và có lịch sử 300 năm nằm trong Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.
Trong cuộc trưng cầu năm 2014 về nền độc lập, có hơn 55% cử tri Scotland ủng hộ ở lại Vương quốc Anh. Dù trong các cuộc thăm dò mới, số người ủng hộ xứ này độc lập đã tăng lên song phần lớn người dân vẫn phản đối việc tổ chức lại một cuộc trưng cầu ý dân mới về độc lập trước khi Anh rời khỏi mái nhà chung Liên minh châu Âu.
Liên minh châu Âu trước thử thách mới
Theo các nhà phân tích, việc đòi quyền tự trị của hai vùng Lombardy và Veneto của Italy được cho là do ảnh hưởng từ việc Anh rời khỏi Liên minh châu Âu và cuộc khủng hoảng chính trị ở Tây Ban Nha hiện nay khi vùng tự trị Catalunya đòi độc lập.
Tuy nhiên, tự trị hay ly khai sẽ là một vấn đề khá nhạy cảm và không được ủng hộ tại châu Âu với lo ngại về nguy cơ hiệu ứng dây chuyền có thể xảy ra. Đối với các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu, diễn biến tại Catalunya và miền Bắc Italy khiến họ phải đau đầu. Sau khi người Anh bỏ phiếu “Có” cho tiến trình Brexit, những thành viên còn lại của Liên minh châu Âu đang nỗ lực tăng cường sự đoàn kết nhằm bảo vệ “ngôi nhà chung” khỏi viễn cảnh tan rã. Song, những tác động từ Tây Ban Nha và Italy có thể thổi bùng ngọn lửa ly khai vốn đang âm ỉ trên khắp châu lục...
Tất cả những điều này giải thích tại sao đa số thành viên Liên minh châu Âu phản đối việc Catalunya nỗ lực giành độc lập và đã kêu gọi Catalunya tuân thủ Hiến pháp Tây Ban Nha.
Trong bối cảnh đó, nhiều người đã lên tiếng cảnh báo đối với các vùng đang có ý định muốn tự trị hay ly khai cần phải nhìn vào thực tế vấn đề mà chính quyền của vùng Catalunya tại Tây Ban Nha đang phải đối mặt khi theo đuổi kế hoạch độc lập của mình. Hiện chính quyền vùng Catalunya đang bị đặt vào “thế khó”, với nguy cơ “trắng tay” khi chính phủ Tây Ban Nha đã quyết định hạn chế quyền lực nghị viện của vùng, sa thải chính quyền và kêu gọi một cuộc bầu cử mới để thành lập chính quyền mới.
Trong khi đó, về khía cạnh kinh tế, các khu vực muốn tự trị hay ly khai đều là những nơi có thế mạnh kinh tế. Tuy nhiên với Catalunya là một điển hình, chính vùng này cũng đang đối mặt với khó khăn khi hàng loạt ngân hàng và tập đoàn lên kế hoạch rút khỏi khu vực. Từ thực tế này cho thấy 2 khu vực phía Bắc Italy đòi quyền tự trị cũng sẽ không nằm ngoài tình trạng nguy cơ gây chia rẽ đất nước, cũng như tạo thêm gánh nặng kinh tế cho chính những người dân trong vùng.
Chính vì thực tế này mà trong thời gian trước mắt, dưới sức ép của chính quyền trung ương, các khu vực có ý tưởng tách ra độc lập chưa thể thực hiện được giấc mơ của mình. Song, không ai có thể lường hết được họ sẽ thực hiện những bước đi nào nếu các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu không đưa ra được những biện pháp cụ thể. Giống như nước Anh, hai năm trước, không ai sẽ nghĩ ra viễn cảnh về "cuộc chia tay" tốn kém và ồn ào nhưng cuối cùng Brexit vẫn xảy ra. Rõ ràng, Liên minh châu Âu đang đứng trước thách thức cũ, nhưng lại là thử thách mới có thể đe dọa vận mệnh của một liên minh đã tồn tại hơn 6 thập kỷ./.
Vũ Cân