Tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản 

(Chinhphu.vn) - Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân (JCS) Hàn Quốc thông báo, vào sáng sớm 29/11, Triều Tiên đã phóng một tên lửa đạn đạo chưa xác định từ tỉnh Nam Pyongan.
Tên lửa Triều Tiên rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế Nhật Bản
Tên lửa được phóng đi từ khu vực gần Pyongsong, tỉnh Nam Pyongan, phía Bắc thủ đô Bình Nhưỡng, vào lúc 3h17 sáng 29/11. Quân đội Hàn Quốc cho hay tên lửa Triều Tiên đã bay được 960 km. 

Một quan chức JCS cho biết quân đội phỏng đoán đây là tên lửa đạn đạo tầm xa Hwasong-14.

Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, “đánh giá ban đầu cho thấy đây là một quả tên lửa đạn đạo liên lục địa”. Người phát ngôn Lầu Năm Góc Robert Manning cho biết thêm, quả tên lửa này đã bay khoảng 1000 km và rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Nhật Bản.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản xác nhận tên lửa của Bình Nhưỡng đã bay khoảng 1.000 km trước khi rơi xuống vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Đây là vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa thứ 3 của Triều Tiên kể từ tháng 7 đến nay.

Liên Hợp Quốc họp khẩn

Theo hãng thông tấn Kyodo, Chính phủ Nhật Bản đã tổ chức cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng an ninh quốc gia sau vụ phóng tên lửa của Triều Tiên. Trong khi đó, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in cũng đã chủ trì phiên họp khẩn của Hội đồng an ninh quốc gia để thảo luận về động thái mới nhất của Triều Tiên.

Ngay sau khi Triều Tiên phóng tên lửa, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe. Phó Chánh văn phòng nội các Nhật Bản Yasutoshi Nishimura cho biết, Tổng thống Trump và Thủ tướng Abe đã “nhất trí tăng cường năng lực răn đe chung để đối phó mối đe dọa Triều Tiên”.

Trong cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Hàn Quốc Moon Jae-In, hai nhà lãnh đạo đã cảnh báo rằng vụ phóng tên lửa đạn đạo mới nhất của Triều Tiên đã đặt ra một mối đe dọa toàn cầu nghiêm trọng. 

Tuyên bố của Nhà Trắng nêu rõ lãnh đạo Mỹ-Hàn khẳng định hành động phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên không chỉ tiềm ẩn nguy cơ đe dọa hai nước mà còn cả thế giới. 

Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha và người đồng cấp Mỹ Rex Tillerson cũng có cuộc điện đàm khẩn, trong đó cam kết sẽ thực hiện mọi nỗ lực ngoại giao nhằm phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 

Mỹ, Nhật Bản và Hàn Quốc cũng đã nhanh chóng hối thúc Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc tổ chức phiên họp khẩn cấp để đánh giá vụ phóng tên lửa của Triều Tiên.

Hội đồng Bảo an dự kiến sẽ thảo luận về các biện pháp trừng phạt nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình vũ khí gây tranh cãi của nước này.

Giới chức Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và Liên minh châu Âu (EU) đã bày tỏ quan ngại về vụ phóng tên lửa của Triều Tiên, cho rằng Bình Nhưỡng cần tham gia đối thoại với cộng đồng quốc tế. 

Trong một tuyên bố, Tổng Thư ký NATO Jens Stoltenberg đã chỉ trích động thái mới này của Triều Tiên, coi đây là hành động vi phạm nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc và ảnh hưởng đến an ninh khu vực và quốc tế. 

Trong khi đó, đại diện cấp cao phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại của EU Federica Mogherini nhận định vụ phóng tên lửa mới nhất của Triều Tiên là "một hành động vi phạm các nghĩa vụ quốc tế không thể chấp nhận được". Bà nhấn mạnh, hành động này tiềm ẩn mối đe dọa đến an ninh quốc tế. 

Về phần mình, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi gia tăng áp lực mạnh hơn đối với Bình Nhưỡng.

 

An Bình (tổng hợp)
706 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1160
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1160
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 84189939