Trong ngày Chủ nhật, 1/10, các đường phố của Catalonia, trung tâm công nghiệp và du lịch đóng góp 1/5 GDP của toàn Tây Ban Nha, đã chứng kiến sự bùng phát của bạo lực khi cảnh sát quốc gia cầm dùi cui ập vào các điểm bỏ phiếu, kéo lê cử tri ra ngoài.
Cơ quan y tế vùng cho biết hơn 300 người đã bị thương. Giới phân tích cho rằng, dù thế nào đi nữa thì Chính phủ Tây Ban Nha cũng kiên quyết ngăn chặn cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp này và sẽ không bao giờ công nhận kết quả của cuộc bỏ phiếu.
Xét trên phương diện pháp lý, đây là cuộc trưng cầu ý dân bất hợp pháp, căn cứ vào 2 điểm sau. Thứ nhất, Hiến pháp Tây Ban Nha quy định chỉ có chính quyền trung ương mới có thẩm quyền tiến hành một cuộc trưng cầu ý dân như vậy, còn chính quyền vùng không có thẩm quyền trong việc này. Thứ hai, theo luật pháp quốc tế, cụ thể hơn là luật của Liên minh châu Âu (EU), không hề có điều khoản nào hỗ trợ về mặt pháp lý cho một cuộc trưng cầu ý dân như ở Catalonia.
Tòa án Hiến pháp và chính quyền trung ương Tây Ban Nha từ trước đến nay luôn khẳng định cuộc trưng cầu ý dân ở Catalonia là vi hiến, đồng thời đi ngược lại các mục tiêu và lý tưởng của EU. Chính phủ Tây Ban Nha hiện đang thực hiện mọi biện pháp nhằm ngăn chặn âm mưu của một số bộ phận muốn tách Catalonia. Tuy nhiên, tình hình vẫn đang diễn biến phức tạp. Nhiều nguồn tin dự báo các cuộc biểu tình của những bộ phận đòi tách Catalonia sẽ vẫn tiếp diễn trong những ngày tới.
Ông Carles Puigdemont, người đứng đầu xứ Catalonia để ngỏ khả năng đơn phương tuyên bố trở thành một quốc gia độc lập sau cuộc trưng cầu ý dân diễn ra vào hôm Chủ nhật.
Trong quá trình chuẩn bị cho cuộc trưng cầu ý dân, ông Puidemont đã nói ông sẽ tuyên bố Catalonia độc lập trong vòng 48 giờ đồng hồ sau khi có kết quả bỏ phiếu trong đó cử tri chọn tách khỏi Tây Ban Nha. Tuy nhiên, do sự rời rạc của cuộc bỏ phiếu, với nhiều điểm bỏ phiếu bị đóng cửa do cảnh sát trấn áp, việc công bố chính thức này sẽ không hề dễ dàng.
Ông Puigdemont đã lên tiếng gọi các nhà lãnh đạo châu Âu vào cuộc để bảo đảm các quyền cơ bản của người dân Catalonia được tôn trọng.
Trong một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng sẽ tiếp diễn, các tổ chức ly khai và công đoàn ở Catalonia kêu gọi tiến hành một cuộc tổng đình công vào ngày thứ Ba tuần này.
Một quan chức Catalonia nói chưa biết đến khi nào thì kết quả bỏ phiếu được công bố. Tuy nhiên, kết quả rất có thể là “có”, bởi phần đông những người ủng hộ Catalonia độc lập được cho là đi bỏ phiếu, trong khi một tỷ lệ lớn những người không muốn độc lập có thể đã không đi bỏ phiếu.
Catalonia là một vùng giàu có ở Đông Bắc của Tây Ban Nha, với 7,5 triệu dân, chiếm khoảng 16% tổng dân số. Vùng này đóng góp tới 19% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Tây Ban Nha, chiếm 25,6% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước và thu hút 20,7% lượng vốn đầu tư nước ngoài. Vấn đề Catalonia nếu không được dập tắt sẽ có nguy cơ đe dọa đến sự thống nhất của Tây Ban Nha cũng như của Liên minh châu Âu.
Ngoài ra, do Tây Ban Nha là nền kinh tế lớn thứ tư trong Khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), nên những bất ổn ở Catalonia cũng sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế của Tây Ban Nha nói riêng và kinh tế của Eurozone nói chung.
An Bình