Vụ việc diễn ra vào đúng thời điểm Iran và các cường quốc đang đàm phán tại Vienna (Áo) về triển vọng hồi sinh thỏa thuận hạt nhân Iran sau khi Mỹ đơn phương rút khỏi vào năm 2018. Giới chuyên gia lo ngại rằng, sự cố mới nhất liên quan tới tàu Saviz có thể sẽ làm gia tăng khó khăn và kéo dài chặng đường của các bên trong tiến trình đàm phán.
Theo hãng thông tấn Tasnim của Iran, tàu Saviz bị trúng thủy lôi. Bản tin của hãng này nêu rõ: "Tàu Saviz của Iran đã hoạt động ở Biển Đỏ trong vài năm qua nhằm hỗ trợ lực lượng đặc nhiệm Iran được điều đến vùng biển này làm nhiệm vụ hộ tống các tàu thương mại đề phòng cướp biển". Tasnim cho hay, vụ tấn công diễn ra vào cuối ngày 6/4 và chất nổ được chất trên thân tàu Saviz đã phát nổ. Hãng thông tấn này không đổ lỗi cho bất kỳ ai về vụ tấn công và cho biết, các quan chức Iran có thể sẽ cung cấp thêm thông tin trong những ngày tới.
Trong thời gian qua, tàu Saviz đã duy trì sự hiện diện kéo dài trong khu vực, bất chấp sự nghi ngại từ một số chuyên gia phương Tây và Liên hợp quốc, cho rằng, Iran đã cung cấp vũ khí và hỗ trợ lực lượng nổi dậy Houthi của Yemen – điều mà Tehran luôn bác bỏ. Cách đây ít lâu, Iran đã mô tả Saviz là con tàu hỗ trợ các nỗ lực chống cướp biển ở Biển Đỏ và eo biển Bab El-Mandeb – vốn mà một điểm “nút thắt” quan trọng trong vận tải biển quốc tế.
Hiện một số hãng truyền thông trong khu vực đang nghi ngờ Israel đứng đằng sau vụ việc. Kênh truyền hình Al Arabiya TV dẫn bản tin của New York Times, ngày 7/4 trích lời một quan chức giấu tên của Mỹ xác nhận việc Israel đã từng cảnh báo Mỹ về kế hoạch tấn công tàu Saviz.
Giới Israel đã từ chối bình luận về sự cố liên quan tới tàu Saviz. Tuy nhiên, ngày 6/4, Thủ tướng nước này ông Benjamin Netanyahu đã cảnh báo về “kịch bản nguy hiểm” của việc quay trở lại thỏa thuận hạt nhân Iran, xem đây là mối đe dọa sống còn không chỉ đối với nhà nước Israel mà còn đối với an ninh thế giới.
Trong một tuyên bố vừa đưa ra, Cơ quan chỉ huy trung tâm quân đội Mỹ khẳng định họ chỉ nhận được thông tin về sự cố tàu Saviz trên Biển Đỏ qua truyền thông. “Tuy nhiên, chúng tôi có thể khẳng định rằng không lực lượng Mỹ nào liên quan tới vụ tấn công trên… Chúng tôi cũng không có thêm thông tin gì để cung cấp” – tuyên bố từ Cơ quan chỉ huy trung tâm quân đội Mỹ nêu rõ.
Tàu Saviz của Iran thuộc diện chịu lệnh trừng phạt quốc tế cho tới tận năm 2015 – khi Iran và nhóm P5+1 (gồm: Nga, Anh, Mỹ, Trung Quốc, Pháp và Đức) ký kết bản thỏa thuận hạt nhân lịch sử, mở đường cho các biện pháp nới lỏng trừng phạt kinh tế nhằm vào Iran để đổi lấy việc nước Cộng hòa Hồi giáo hạn chế hoạt động làm giàu uranium. Tuy nhiên, chính quyền cựu Tổng thống D.Trump sau đó đã gia hạn các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào tàu Saviz như một phần trong quyết định đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân ký kết với Iran.
|
Phóng viên tác nghiệp bên ngoài khách sạn Grand Hotel Wien, nơi diễn ra các cuộc đàm phán hạt nhân Iran ở Vienna, Áo ngày 6/4. (Ảnh: AP) |
Ngày 6/4, đại diện của Iran và các bên còn lại trong thỏa thuận hạt nhân (còn gọi là nhóm P4+1 - gồm Trung Quốc, Pháp, Đức, Nga, Anh) đã tiến hành đàm phán trực tiếp tại Vienna (Áo). Đại diện của Mỹ tham gia đàm phán gián tiếp từ một khách sạn gần đó thông qua vai trò trung gian từ các bên còn lại. Tuy không gặp gỡ trực tiếp nhưng cả Iran và Mỹ đều đánh giá cuộc đàm phán "mang tính xây dựng”.
Trả lời phỏng vấn bên lề cuộc họp, ngày 6/4, trưởng đoàn đàm phán Iran – Thứ trưởng Ngoại giao Abbas Araqchi nêu điều kiện Mỹ cần gỡ bỏ đồng thời tất cả mọi biện pháp trừng phạt nhằm vào Iran, nếu thực sự muốn quay trở lại thỏa thuận mà Washington đã từ bỏ từ 3 năm trước.
Thư ký Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao Iran (SNSC) Ali Ali Shamkhani, ngày 6/4 cũng tuyên bố nước Cộng hòa Hồi giáo này sẽ không đàm phán vượt quá khuôn khổ thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 dù trong bất kỳ tình huống nào./.
Thu Lan (Theo PressTV, arabnews.com)