Chiều ngày 17/7, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm và triển khai công tác 6 tháng cuối năm 2018 bằng hình thức trực tuyến.
Hoàn thành 47/48 nhiệm vụ
Báo cáo sơ kết tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu cho biết: 6 tháng đầu năm, toàn ngành Tư pháp thực hiện bảo đảm chất lượng, tiến độ các nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch đã đề ra từ đầu năm (đã hoàn thành 47/48 nhiệm vụ có thời hạn 6 tháng đầu năm, đạt 97,92%) và hoàn thành bảo đảm chất lượng, tiến độ nhiều nhiệm vụ phát sinh thêm, nhất là các nhiệm vụ được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.
Việc triển khai các nhóm nhiệm vụ trọng tâm đạt nhiều kết quả, nổi bật là: Việc thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh ngày càng nghiêm túc hơn, nợ đọng văn bản quy định chi tiết giảm so với cùng kỳ; công tác phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) từng bước được đổi mới, xuất hiện một số mô hình hay, hiệu quả; kết quả thi hành án dân sự (THADS) về tiền đạt cao; giải quyết được số lượng lớn yêu cầu của người dân, doanh nghiệp trong lĩnh vực hành chính tư pháp, nhất là trong cấp Phiếu lý lịch tư pháp, chứng thực, đăng ký giao dịch bảo đảm, gắn với việc hiện đại hoá, đơn giản hoá thủ tục hành chính; việc xã hội hoá các nghề tư pháp được thực hiện thận trọng, hiệu quả hơn, chất lượng hành nghề được cải thiện, quy trình cấp phép dần được chuẩn hoá; các chủ trương lớn của Đảng, Nhà nước trong công tác kiện toàn tổ chức, bộ máy được thực hiện bài bản; việc phòng ngừa và giải quyết tranh chấp đầu tư được chú trọng và đạt nhiều kết quả cụ thể; một số lĩnh vực công việc khác cũng được triển khai hiệu quả, bám sát chương trình, kế hoạch đã đề ra.
Hội nghị sơ kết công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018. Ảnh: TH.
Bộ Tư pháp đã quyết liệt chỉ đạo việc rà soát, đề xuất cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh, với tổng số 49/94 điều kiện kinh doanh dự kiến sẽ được cắt giảm, tỷ lệ 52,13%.
Cũng trong 6 tháng đầu năm, tại Bộ Tư pháp, đã kiểm tra theo thẩm quyền 1.571 văn bản; qua kiểm tra đã phát hiện, ra kết luận kiểm tra, kiến nghị xử lý đối với 39 văn bản trái pháp luật về nội dung, thẩm quyền.
Bên cạnh các kết quả đạt được, công tác tư pháp 6 tháng đầu năm 2018 còn có một số tồn tại, hạn chế như: Hiệu quả công tác theo dõi tình hình thi hành pháp luật, phổ PBGDPL chưa cao. Bên cạnh đó, dù được xác định là nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, nhưng việc nâng cao hiệu quả hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn chưa đạt nhiều kết quả nổi bật. Trong công tác THADS, tỷ lệ thi hành xong về tiền đạt thấp hơn so với cùng kỳ 2017 (giảm 6,98%). Vi phạm trong hoạt động hành nghề luật sư, công chứng, nhất là trong đấu giá tài sản còn nhiều…
Cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra
Tại Hội nghị, đại diện các đơn vị thuộc Bộ, Sở Tư pháp địa phương đã nêu lên một số khó khăn, vướng mắc trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, THADS; tồn đọng thông tin lý lịch tư pháp tại các Sở Tư pháp; công tác tổ chức thi hành pháp luật; việc triển khai áp dụng Phần mềm đăng ký, quản lý hộ tịch… Trên cơ sở đó, đề xuất, kiến nghị nhiều giải pháp nhằm nâng cao công tác tư pháp trong thời gian tới.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao Nguyễn Thúy Hiền đề nghị Bộ Tư pháp xem xét, đề xuất Quốc hội ban hành Luật về theo dõi thi hành pháp luật để có thể áp dụng rộng rãi cho tất cả các cơ quan. Đồng thời, tiếp tục quan tâm nâng cao tỷ lệ thi hành án về tiền.
Phát biểu kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nêu rõ: Từ đầu năm đến nay, chất lượng một số dự án Luật chưa bảo đảm yêu cầu, phải rút ra khỏi Chương trình, trong đó có nguyên nhân từ trách nhiệm thẩm định của Bộ, ngành Tư pháp. Bộ trưởng cũng phê bình một số lĩnh vực của ngành chưa thực sự chuyển biến, chưa có trọng tâm, trọng điểm; quan hệ phối hợp công tác giữa các đơn vị thuộc Bộ, với các bộ, ngành chưa thật chặt chẽ…
Để tiếp tục khắc phục những hạn chế, giải đáp những vướng mắc trong phạm vi quản lý của Bộ, ngành, Bộ trưởng yêu cầu các đơn vị thuộc Bộ, các tổ chức pháp chế rà soát lại chương trình công tác theo kế hoạch để đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ đúng tiến độ, chất lượng. Bên cạnh đó, tập trung nguồn lực để thực hiện tốt công tác tổ chức thi hành pháp luật; tiếp tục mở rộng và triển khai đồng bộ, hiệu quả Phần mềm đăng lý, quản lý hộ tịch; từng bước tháo gỡ, giải quyết dứt điểm các vụ việc thi hành án dân sự phức tạp kéo dài.
Đề cập đến vi phạm trong một số hoạt động của ngành thời gian qua, Bộ trưởng Lê Thành Long đề nghị cần tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện vi phạm để chấn chỉnh kịp thời, bảo đảm quản lý nhà nước trong các lĩnh vực hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp…/.
Thu Hằng