TĂNG CƯỜNG SỰ LÃNH ĐẠO CỦA ĐẢNG ĐỐI VỚI TÍN DỤNG CHÍNH SÁCH XÃ HỘI 

Xóa đói, giảm nghèo, bảo đảm an sinh xã hội là chủ trương lớn, là nhiệm vụ chính trị mà Đảng và Nhà nước ta đặc biệt quan tâm trong từng hoạt động, từng chính sách phát triển.

Trong hệ thống các giải pháp, chính sách an sinh xã hội đã đề ra, tín dụng chính sách xã hội là một trong những trụ cột quan trọng, là một kênh tạo thêm xung lực cho công cuộc giảm nghèo bền vững, đảm bảo công bằng, bình đẳng trong xã hội. Chỉ thị số 40-CT/TW, ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội thêm một lần nữa khẳng định quan điểm của Đảng về một chính sách tín dụng riêng mang đầy tính nhân văn này, qua 5 năm thực hiện trên địa bàn tỉnh ta đã tác động mạnh mẽ, tích cực đối với hoạt động tín dụng chính sách, tạo nên sự cộng hưởng, hội tụ sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong hỗ trợ, đồng hành cùng người nghèo và đối tượng chính sách, mang lại bước chuyển mình quan trọng trong công tác xóa đói giảm nghèo của tỉnh.

Trước hết phải khẳng định rằng, Chỉ thị số 40-CT/TW đã làm thay đổi một cách sâu sắc nhận thức và hành động của các cấp ủy đảng, chính quyền và các tổ chức chính trị - xã hội trong việc đẩy mạnh thực hiện tín dụng chính sách xã hội. Cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo, tạo điều kiện về mọi mặt cho hoạt động tín dụng chính sách, coi đây là nhiệm vụ thường xuyên trong chương trình, kế hoạch hoạt động của địa phương. Trên cơ sở nội dung của Chỉ thị 40-CT/TW và Chương trình hành động của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, UBND tỉnh đã phân công nhiệm vụ cụ thể cho các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể theo chức năng, nhiệm vụ làm tốt công tác tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong thực hiện chủ trương này; chỉ đạo việc tập trung đầu tư nâng cao năng lực, tăng cường cơ sở vật chất, trụ sở và điều kiện làm việc cho Ngân hàng CSXH từ tỉnh đến các huyện; trích nguồn vốn ngân sách ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội để cho vay, củng cố chất lượng tín dụng; chỉ đạo bố trí Chủ tịch UBND cấp xã tham gia Ban đại diện Hội đồng quản trị Ngân hàng chính sách xã hội cấp huyện. Chỉ đạo UBND các huyện, thị xã, thành phố phối hợp với Ngân hàng Chính sách xã hội trong công tác điều tra, xác định đối tượng được vay vốn cũng như tổ chức hội thảo, tập huấn nâng cao kỹ thuật, đào tạo nghề và chuyển giao công nghệ gắn với hoạt động cho vay vốn tín dụng chính sách. Quan tâm chỉ đạo xây dựng mạng lưới hoạt động của Ngân hàng Chính sách xã hội ở 10 huyện, thị xã, thành phố, hàng trăm điểm giao dịch xã, phường, thị trấn và hàng ngàn Tổ Tiết kiệm và vay vốn ở thôn, bản, khu phố tham gia ủy thác, giám sát quản lý vốn vay ưu đãi trên địa bàn, đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn ưu đãi cho nhân dân và đảm bảo an toàn tài sản cho Nhà nước. Huy động được nhiều hơn sự đóng góp của các tổ chức xã hội, các doanh nghiệp và cá nhân để bổ sung kịp thời nguồn vốn cho tín dụng chính sách xã hội. Nhìn lại 05 năm triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, mặc dù tình hình kinh tế-xã hội đối mặt với nhiều khó khăn, ảnh hưởng không nhỏ tới đời sống của người dân nghèo, người dân sống ở khu vực nông thôn..., song cấp ủy, chính quyền các địa phương đã quan tâm chỉ đạo, Ngân hàng chính sách xã hội luôn đồng hành cùng các tổ chức chính trị xã hội làm nhiệm vụ ủy thác, thực hiện có hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi của Chính phủ đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác. Tính đến ngày 30/6/2019, tổng nguồn vốn huy động đạt 2.572 tỷ đồng, tăng 881 tỷ đồng so với trước khi có Chỉ thị 40-CT/TW. Điều đáng nói là từ sau khi có Chỉ thị 40-CT/TW, công tác chỉ đạo thực hiện tín dụng chính sách được thuận lợi từ tỉnh đến cơ sở, tạo sự chuyển biến tích cực trong hoạt động tín dụng chính sách xã hội.

Dòng vốn từ tín dụng chính sách xã hội đang tạo ra những bước đột phá mới cho công cuộc thoát nghèo, tạo việc làm, phát triển kinh tế bền vững tại địa phương. Đến nay, hơn 130.000 lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn tại Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh với số tiền gần 3.800 tỷ đồng, trong đó, số hộ nghèo, hộ cận nghèo, thoát nghèo vay vốn đạt gần 49.000 lượt, với số tiền 1.945 tỷ đồng, chiếm gần 91% trên tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn toàn tỉnh, giúp hơn 22.000 hộ vượt qua ngưỡng nghèo. Có hơn 11.000 lượt học sinh, sinh viên được vay vốn để học tập với số tiền 219 tỷ đồng. Gần 46.000 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng và cải tạo, nâng cấp, góp phần giúp các xã trên địa bàn hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng nông thôn mới. Trong giai đoạn này các chương trình tín dụng chính sách đã giúp cho hơn 14.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số vay vốn để sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập, gần 16.000 lượt hộ gia đình ở các vùng đặc biệt khó khăn được vay vốn từ Chương trình sản xuất kinh doanh, với số tiền 649 tỷ đồng và gần 6.800 lao động được tạo việc làm ổn định. Trước sự cố môi trường biển do Công ty Formosa gây ra, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo UBND tỉnh bổ sung kịp thời nguồn vốn ngân sách tỉnh ủy thác qua Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh để cho người dân tại các xã vùng ven biển bị ảnh hưởng được vay vốn phát triển sản xuất, chuyển đổi sinh kế. Chỉ đạo trích một phần kinh phí hỗ trợ xây dựng nông thôn mới để giao cho Ngân hàng chính sách xã hội tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2019-2020 cũng như chuyển phần vốn đối ứng của ngân sách tỉnh sau khi kết thúc các dự án ODA, dự án phi chính phủ (NGOs),... để tiếp tục thực hiện cho vay hộ nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn. Đến nay, tổng nguồn vốn ngân sách địa phương chuyển qua Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh ủy thác cho vay đạt 71 tỷ đồng (chiếm tỷ lệ gần 3% trong tổng vốn huy động của Ngân hàng CSXH), trong đó, ngân sách tỉnh là 55,2 tỷ đồng; ngân sách huyện là 8,8 tỷ đồng và nguồn vốn thu hồi từ Dự án Chương trình Hạnh phúc là 7 tỷ đồng, là một sự cố gắng lớn của tỉnh trong điều kiện nguồn lực còn mức độ.

Điều đáng nói là những tiềm năng về đất đai, về nhân lực bấy lâu ngủ quên” vì thiếu vốn đã được đánh thức. Dòng chảy tín dụng chính sách từ Ngân hàng CSXH tỉnh thực hiện đã trở thành nguồn lực đầu tư trọng yếu không chỉ hỗ trợ cho người nghèo, đối tượng yếu thế để không ai bị bỏ lại phía sau mà hơn thế, đó là một nhân tố kiến tạo sức bền cho nông thôn mới khi mà chính người dân nông thôn được vay vốn không chỉ để phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao thu nhập mà còn để đáp ứng các tiêu chí nông thôn mới như cho vay xóa nhà dột, nhà tạm, cho vay sửa chữa công trình cung cấp nước sạch và nhà vệ sinh, giải quyết việc làm cho người lao động... Các tổ chức hội, đoàn thể và Tổ tiết kiện và vay vốn không chỉ là giám sát cho vay mà còn là những tuyên truyền viên hiệu quả, khơi dậy ý thức phát triển kinh tế với từng hộ nghèo và đối tượng chính sách. Số khách hàng vay vốn tăng cùng với những điển hình vay vốn thoát nghèo trở thành hộ khá, hộ giàu ngày càng nhân rộng. Con số ấn tượng về 11.000 lượt học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn trong tỉnh được vay vốn với số tiền hơn 200 tỷ đồng để thực hiện ước mơ học vấn, nâng cao tri thức đã nói lên vai trò “ươm mầm nhân lực”, “chắp cánh vào giảng đường” từ chính sách tín dụng đầy ý nghĩa nhân văn này.

Nhờ việc thực hiện đồng bộ các giải pháp, sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền các cấp, sự phối hợp chặt chẽ của các tổ chức chính trị - xã hội và sự nỗ lực của NHCSXH đã tạo nên sức mạnh tổng hợp, tạo sự đồng thuận và quyết tâm của cả hệ thống chính trị – xã hội trong việc thúc đẩy hoạt động tín dụng chính sách. Vốn tín dụng chính sách đã được đầu tư đến 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh, trong đó, tập trung ưu tiên cho vay các xã vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, biên giới. Chất lượng tín dụng ngày càng được nâng cao, tỷ lệ nợ quá hạn qua các năm ổn định, đến 30/6/2019, tỷ lệ nợ quá hạn giảm từ 0,41% (năm 2014) xuống còn 0,18% tổng dư nợ. Người dân đã đầu tư vốn vay vào sản xuất đúng mục đích, có ý thức trách nhiệm hơn đối với khoản vay và thực hiện đầy đủ quyền và nghĩa vụ khi vay vốn. Việc uỷ thác một số nội dung công việc cho các tổ chức chính trị - xã hội để triển khai tín dụng chính sách trên địa bàn được thực hiện một cách bài bản, thông suốt từ tỉnh đến huyện, xã, là hướng đi đúng đắn, giúp cho việc chuyển tải nguồn vốn tín dụng ưu đãi đến đúng đối tượng thụ hưởng một cách nhanh nhất, hiệu quả nhất; phát huy động được sức mạnh của cộng đồng để giúp người nghèo và các đối tượng chính sách khác tiếp cận vốn vay, dịch vụ tài chính của NHCSXH một cách dễ dàng và thuận lợi nhất. Đồng thời, thông qua phương thức ủy thác cho vay, đã tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức chính trị - xã hội thường xuyên tiếp xúc với hội viên, nắm bắt được tâm tư nguyện vọng của hội viên, tập hợp được đông đảo quần chúng nhân dân tham gia vào hội, củng cố hoạt động của tổ chức hội ở cơ sở được gần dân, sát dân, góp phần đưa tổ chức hội ngày càng phát triển vững mạnh. Nguồn vốn tín dụng chính sách đã phát huy hiệu quả to lớn, góp phần thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, phát triển kinh tế, ổn định đời sống an ninh chính trị, văn hóa, xã hội và xây dựng nông thôn mới, ngăn chặn, đẩy lùi tệ cho vay nặng lãi, tín dụng đen trên địa bàn.

Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Một số cấp ủy đảng, chính quyền chưa thật sự vào cuộc, chưa quan tâm đúng mức công tác tuyên truyền các đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách đối với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, do vậy, một số đối tượng thụ hưởng chưa tiếp cận được nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội một cách kịp thời khi có nhu cầu. Nguồn lực để thực hiện các chương trình tín dụng chính sách còn hạn chế so với nhu cầu thực tế của người nghèo và các đối tượng chính sách. Hầu hết tín dụng chính sách xã hội cho vay trong lĩnh vực nông nghiệp nên thường xuyên bị ảnh hưởng của yếu tố thời tiết, giá cả, quy mô tín dụng nhỏ lẻ, thiếu tính liên kết nên việc tiêu thụ sản phẩm khó khăn, làm hạn chế hiệu quả về mặt kinh tế và xã hội của tín dụng chính sách...

Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2015-2020 đề ra mục tiêu trọng tâm và xuyên suốt, đó là phấn đấu đưa Quảng Trị đạt mức trung bình của cả nước. Để thực hiện mục đề ra, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, sự quyết tâm chính trị của cả hệ thống chính trị và cộng đồng doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong tỉnh trong việc thực hiện đồng bộ các nhiệm vụ, giải pháp đã đề ra, nhất là thực hiện mục tiêu: Giảm tỷ lệ hộ nghèo bình quân đạt 1,5 - 2,0%/năm; thu nhập bình quân đầu người gấp 2 lần năm 2015; thực hiện tốt bảo đảm an sinh xã hội..., mà tín dụng chính sách xã hội là một công cụ hữu hiệu.

Để tiếp tục thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội đã đề ra về chăm lo cho người nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách xã hội, tiếp tục triển khai thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW sâu rộng và hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, các cấp ủy đảng, chính quyền, các sở, ban, ngành, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội cần thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm sau:

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc hơn Chỉ thị 40-CT/TW và các văn bản liên quan để thống nhất nhận thức, cách làm, kinh nghiệm, rà soát, điều chỉnh các kế hoạch để triển khai đồng bộ các giải pháp đề ra tại Chỉ thị 40-CT/TW của Ban Bí thư. Nâng cao nhận thức, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và trách nhiệm mỗi cán bộ, đảng viên để thực hiện có hiệu quả tín dụng chính sách xã hội, coi đây là một nhiệm vụ trọng tâm trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trung hạn và hằng năm. Kết quả thực hiện tín dụng chính sách xã hội, thực hiện giảm nghèo là một trong những tiêu chí đánh giá, phân loại tập thể và cá nhân, nhất là người đứng đầu.

Thứ hai, tích cực huy động nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội; ngoài nguồn vốn từ Trung ương, cần huy động vốn từ các nguồn hợp pháp khác, đáp ứng nhu cầu vay vốn của hộ nghèo, các đối tượng chính sách và các chương trình kinh tế - xã hội của tỉnh, phấn đấu 100% hộ nghèo, đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện đều được vay vốn và tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng chính sách xã hội. Đồng thời cần nâng cao chất lượng hoạt động tín dụng chính sách; lồng ghép nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương, nhất là Chương trình giảm nghèo, Chương trình xây dựng nông thôn mới, các dự án phát triển nông nghiệp, chương trình khuyến nông, khuyến lâm, các dự án phát triển công nghiệp, du lịch và dịch vụ, các dự án ODA và hoạt động của các hội, đoàn thể để việc sử dụng vốn vay có hiệu quả, giảm bớt những khó khăn cho đối tượng chính sách, giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Thường xuyên điều tra, rà soát, thống kê xác nhận hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách khác để tạo điều kiện được vay vốn kịp thời, đúng đối tượng. Cùng với đó, chú trọng bồi dưỡng kiến thức sản xuất kinh doanh, hỗ trợ ứng dụng khoa học kỹ thuật, tiêu thụ sản phẩm, hướng dẫn cách chi tiêu gia đình, giúp người vay vốn sử dụng vốn vay đúng mục đích, có hiệu quả, hạn chế rủi ro, nâng cao khả năng bảo toàn vốn.

Thứ ba, phát huy vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội trong việc tập hợp lực lượng, tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về tín dụng chính sách xã hội đến các tầng lớp nhân dân biết và thực hiện, nhất là hộ  nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách khác, nâng cao hiệu quả giám sát của nhân dân đối với công tác này. Các tổ chức chính trị - xã hội nhận ủy thác tăng cường công tác hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vốn vay để bảo đảm cho vay đúng chính sách, đúng đối tượng. Tăng cường tuyên truyền, vận động, chuyển tải nguồn vốn tín dụng chính sách của Nhà nước đến người nghèo, các đối tượng chính sách, hội viên, đoàn viên; hướng dẫn, giúp đỡ người vay vốn sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả, không để xảy ra tình trạng “vay tiền về cất vào ống nứa, bỏ trên gác bếp” như trước đây.

Thứ tư, thời gian qua, Ngân hàng CSXH tỉnh qua đã làm tốt nhiệm vụ của mình, trở thành cánh tay nối dài của cấp ủy, chính quyền trong việc quan tâm đến người nghèo, đối tượng chính sách. Với quan điểm của Đảng và Nhà nước là “theo đuổi mục tiêu tăng trưởng bao trùm, giảm nghèo bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau”, thì vai trò, trách nhiệm của Ngân hàng CSXH càng lớn và nặng nề hơn. Do vậy, Ngân hàng CSXH cần tiếp tục quản lý tốt nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội, đáp ứng kịp thời, cho vay thuận lợi cho người dân, đúng đối tượng, đúng mục đích sử dụng, công khai minh bạch. Tiếp tục thực hiện ủy thác cho vay vốn thông qua các tổ chức chính trị - xã hội và giải ngân vốn vay trực tiếp đến các đối tượng nhằm tiết kiệm thời gian, giảm chi phí cho người dân. Mở rộng và nâng cao chất lượng hoạt động của hệ thống các điểm giao dịch trong toàn tỉnh. Cải tiến quy trình, thủ tục tín dụng và tăng cường hướng dẫn để nhân dân thuận tiện, dễ dàng trong việc tiếp cận các dịch vụ của Ngân hàng chính sách xã hội.

Phối hợp chặt chẽ với các cấp ủy, chính quyền, các tổ chức nhận ủy thác thường xuyên theo dõi, đánh giá, phân tích kết quả huy động vốn, tình hình cho vay, dư nợ tín dụng, những khó khăn, vướng mắc, để kịp thời chỉ đạo, điều hành, tháo gỡ khó khăn, ngày càng nâng cao hiệu quả tín dụng chính sách xã hội.

Thứ năm, tiếp tục thực hiện tốt công tác thông tin tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của tín dụng chính sách xã hội trong thực hiện mục tiêu giảm nghèo, giải quyết việc làm, bảo đảm an sinh xã hội của địa phương, nhất là trách nhiệm của các đối tượng chính sách vay vốn trong thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi của Nhà nước. Xây dựng, biểu dương, nhân rộng các mô hình sử dụng vốn tín dụng ưu đãi phát triển sản xuất, kinh doanh hiệu quả để  khích lệ, động viên các hộ nghèo, cận nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Kết quả 5 năm thực hiện Chỉ thị số 40 –CT/TW của Ban Bí thư trên địa bàn tỉnh ta càng khẳng định sự quan tâm của Đảng đối với một chính sách thiết yếu, một kênh tín dụng giúp hộ nghèo, hộ cận nghèo, các đối tượng chính sách khác vươn lên trong cuộc sống. Những phản chiếu hiệu quả của Chỉ thị cho thấy, không chỉ là người bạn đồng hành thân thiết của người nghèo, người yếu thế mà tín dụng chính sách xã hội còn là sợi dây kết nối giữa người dân với cấp ủy và chính quyền các cấp. Sợi dây ấy ngày một nối dài và đang trở thành công cụ giảm nghèo đắc lực, tiếp tục nối nhịp hành trình phát triển kinh tế-xã hội, xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh./.

                                                                                                                                         NGUYỄN ĐĂNG QUANG
                                                                                                                                    Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy

1110 Go top

Hiện tại không có bình chọn nào đang hoạt động.
Thống kê truy cập
  • Người trực tuyến Người trực tuyến
    • Khách Khách 1382
    • Thành viên Thành viên 0
    • Tổng Tổng 1382
    • Tổng lượt truy cập: Tổng lượt truy cập: 87159323