Tại phiên khai mạc hội nghị cấp cao của COP23, ông Guterres tuyên bố nêu rõ: “Nhiệm vụ của chúng ta – đối với nhau và cho các thế hệ tương lai – cần phải nỗ lực hơn”. "Chúng ta cần làm nhiều hơn nữa trong 5 lĩnh vực hành động: phát thải, thích ứng, tài chính, hợp tác và lãnh đạo" – Tổng thư ký nói thêm.

170 Bên đã phê chuẩn Thỏa thuận Paris về khí hậu

Hội nghị thượng đỉnh Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu tại Bonn (Đức), mở ra từ ngày 6/11/2017, vào thời điểm một năm sau khi Thỏa thuận Paris về khí hậu có hiệu lực. Thỏa thuận này đã được 196 Bên tham gia Công ước khung Liên hợp quốc về biến đổi Khí hậu (UNFCCC) thông qua vào tháng 12/2015, kêu gọi các nước hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu dưới 2 độ C và phấn đấu không vượt quá 1,5 độ C. Hiện tại, 170 Bên đã phê chuẩn thỏa thuận này.

Về giảm phát thải khí gây hiệu ứng nhà kính, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các nước "sử dụng đánh giá vào năm 2020 về những đóng góp đã được xác định ở cấp quốc gia để thu hẹp khoảng cách phát thải vào năm 2030".

Ông cũng nhấn mạnh cách thích ứng với biến đổi khí hậu là vô cùng quan trọng: "Điều cốt yếu là chúng ta phải thích ứng và xây dựng khả năng phục hồi". Lưu ý Quỹ Khí hậu Xanh có thể đóng vai trò xúc tác trong vấn đề này, Tổng thư ký Liên hợp quốc kêu gọi các quốc gia thành viên, đặc biệt là các nước tài trợ nguồn quỹ, thực hiện cơ chế này.

Trong khi tham vọng lớn hơn cho việc cắt giảm phát thải, thích ứng và khả năng phục hồi "có liên kết chặt chẽ với tài chính", ông Guterres nhấn mạnh sự cần thiết phải huy động mỗi năm 100 tỷ USD đã được cam kết cho các nước đang phát triển. "Chúng ta cần ngừng đặt cược vào một tương lai không bền vững, vốn sẽ đặt quỹ tiết kiệm và xã hội vào nguy hiểm" – ông nói thêm. “Nếu chúng ta tính đến lợi ích kinh tế của việc tránh những ảnh hưởng tàn phá của biến đổi khí hậu thì tổng sản phẩm quốc nội năm 2050 sẽ tăng 5% mỗi năm".

Theo Tổng thư ký Liên hợp quốc, "thế giới nên áp dụng một quy tắc đơn giản: nếu các dự án cơ sở hạ tầng lớn không xanh thì không nên được bật đèn xanh. Nếu không, chúng ta sẽ bị khóa trong những lựa chọn xấu suốt nhiều thập kỷ tới. Đầu tư vào một quá trình phát triển thân thiện với khí hậu là cần phải sử dụng đồng tiền một cách thông minh".

Lời kêu gọi can đảm, trí tuệ và từ bi

Nhà lãnh đạo cấp cao của Liên hợp quốc cũng nhấn mạnh rằng các quyết định cần thiết về khí hậu đòi hỏi liên minh hành động trong tất cả các lĩnh vực. Ông nói: "Chúng ta cần phải có sự tham gia của tất cả các thành viên – các chính phủ quốc gia, khu vực và địa phương, các nhà hảo tâm, các nhà đầu tư và người tiêu dùng – trong việc chuyển đổi sang nền kinh tế phát thải carbon thấp”.

Liên quan đến lãnh đạo chính trị, ông khuyến khích các quốc gia phải táo bạo trong các cuộc thảo luận và quyết định của họ tại Hội nghị thượng đỉnh Bonn cũng như tại chính quốc gia mình. "Hãy can đảm chống lại những lợi ích đã ăn sâu. Hãy khôn ngoan trong việc đầu tư vào những cơ hội của tương lai. Hãy từ bi trong việc chăm sóc thế giới mà chúng ta đang xây dựng cho con cái của mình" – Tổng thư ký nhấn mạnh với các đại biểu tham dự cuộc họp cấp cao.

Về phần mình, Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc Miroslav Lajčák nhắc lại rằng những quyết định đưa ra ngày hôm nay "sẽ không chỉ ảnh hưởng đến chúng ta, mà còn đến những người đến sau chúng ta". Vì vậy, nếu hành tinh này có một tương lai không chắc chắn vì chúng ta thì lịch sử sẽ không tha thứ./.

Khánh Linh (Theo UN, AFP)